Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Ngày 30 tháng Tư

Phạm Đình Trọng
Từ mấy năm nay, cứ gần đến ngày 30 tháng Tư tôi đều phải rời căn hộ dịu mát, thoáng đãng, từ đó phóng tầm mắt ôm được cả một khoảng rộng Sài Gòn bừng sáng những tòa tháp cao tầng như những tòa ánh sáng. Từ mấy năm nay, cứ đến gần ngày 30 tháng Tư tôi lại phải rời bỏ nếp sinh hoạt ổn định hàng ngày rồi hấp tấp khăn gói lưu vong khỏi Sài Gòn. Từ nhiều năm nay cứ đến ngày 29, 30 tháng Tư cả đám an ninh cộng sản lại đến bủa vây quanh nơi tôi ở. Tôi phải lưu vong mấy ngày đó để thoát khỏi sự giam hãm.
Những ngày cả Sài Gòn giăng cờ, kết hoa, rực rỡ đèn đuốc chào mừng ngày 30 tháng Tư được những người cộng sản gọi là Ngày Giải phóng miền Nam thì an ninh cộng sản lại đến giam cầm tôi ngay giữa “Sài Gòn giải phóng”.
Vậy thực sự ngày 30 tháng Tư, năm 1975 có phải là ngày nửa dải đất phía Nam của Tổ quốc Việt Nam được giải phóng không?
Giải phóng đích thực, giải phóng có giá trị lớn lao, thiết thực nhất phải là giải phóng con người, giải phóng tư duy, giải phóng sự sáng tạo của con người và giải phóng sức phát triển của xã hội.
Ngày 30 tháng Tư năm 1975 cả triệu người Việt Nam dù yêu nước cháy bỏng cũng phải bỏ nhà cửa, bỏ tài sản, bỏ cả mồ mả ông bà, bỏ nước ra đi trốn chạy những người nhân danh là người yêu nước nhưng chỉ biết có ý thức hệ cộng sản, trốn chạy những người mang chuyên chính vô sản sắt máu vay mượn từ nước ngoài về nô dịch cả dân tộc. Ngày 30 tháng Tư năm 1975 mang đến mất mát uất hận lớn như vậy cho cả triệu người Việt Nam làm sao có thể gọi là Ngày Giải phóng?!
Với biến cố 30 tháng Tư năm 1975, hàng trăm ngàn người dân miền Nam trở thành người tù trong những trại tập trung cải tạo, hàng triệu người thân của họ phải bỏ nhà cửa êm ấm, bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi, lếch thếch đi lưu đày nơi đầu rừng cuối bãi hoang vu, khắc nghiệt với cái tên trá hình là đi xây dựng khu kinh tế mới.

Đinh La Thăng, Điều phải đến đã đến

Bùi Quang Vơm
Hội nghị Trung ương 5 dự định diễn ra trong nửa đầu tháng 5/2017 có thể phải chuyển nội dung trọng tâm từ chuyên đề tăng trưởng và cân đối vĩ mô cho nền kinh tế đang có nguy cơ sụt giảm không thể cứu vớt, các chỉ tiêu lớn có khả năng bị phá sản, sang một vấn đề nóng bỏng và gay cấn hơn là vấn đề nhân sự, vốn là nội dung trọng tâm được sắp đặt cho Hội nghị Trung ương 6 dự kiến vào khoảng tháng 10/2017.
Ngày 27/04/2017 Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố kiến nghị Bộ Chính trị kỷ luật Đảng đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, đương kim Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị.
Những gì phải đến đã đến và đang đến. Dù công bố của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có hơi đột ngột, nhưng là công bố được chờ đợi từ lâu.
Đây có thể là phát súng đầu tiên của một chiến dịch có quy mô tổng hợp, được bắt đầu từ Nghị quyết 4 khoá XI năm 2012; nhưng ngay lúc đó ít ai hình dung được tính chất trầm trọng và quy mô chiến dịch tới mức độ như hiện đang bộc lộ.
Nghị quyết TW 4, ban hành ngày 16/01/2012, có viết “một bộ phận không nhỏ đảng viên hư hỏng, thoái hóa, biến chất, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”...
Cuộc vận động được ông Trọng phát động trong hàng ngũ lãnh đạo trung ương để kỷ luật một cán bộ cao cấp, được hiểu về sau này, là nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, ông Dũng được trên 75%, khiến kế hoạch kỷ luật của ông Trọng và những người ủng hộ ông thất bại, và trước micro, trước 200 uỷ viên Trung ương, trước hơn 90 triệu người dân, tại Hội nghị TƯ 6, ông Trọng uất ức đến phát khóc.

Lẽ nào lại là một cuộc bể dâu mới

Nguyễn Duy Nghĩa
Tác giả gửi tới Dân Luận
Nghe tin Cơ quan quản lý đã thu hồi quyết định về việc tạm dừng cấp phép phổ biến 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, tạm yên lòng. Nói “tạm” vì có lèo thêm sẽ tiếp tục thu thập tư liệu các bài hát sáng tác trước năm 1975 chưa được phổ biến để thẩm định, cho phép phổ biến (*). Xem chừng sẽ có bài hát tới đây chịu trận. Những công bộc sau khi bị “kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm” chắc sẽ mài sắc tinh thần, bới lông tìm vết những bài hát cũ thì không biết việc gì sẽ xảy ra.
Sau năm 1975 là đến năm nào
Những bài hát sáng tác trước năm 1975, tức là trong những tháng năm Miền Nam bị kìm kẹp bởi bọn cướp nước, bè lũ bán nước, các nhạc sỹ ở thời đó do không được thấm nhuần đường lối văn hóa cách mạng đang lưu hành ở Miền Bắc, là đương nhiên. Ca từ, giai điệu của các ca khúc đó không đùng đoàng như tiếng súng át tiếng bom, chẳng rầm rập khí phách đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà ủy mỵ, sướt mướt, con tim anh, nụ hôn em… Nhưng có lẽ cũng nhờ vậy mà đã ru ngủ những chiến binh của chế độ Sài Gòn, khiến họ mềm lòng, mờ mắt, gục ngã trước đội quân bách chiến, bách thắng. Thế thì càng tốt chứ sao. Nếu cho rằng những bài hát trước 75 ở Miền Nam là không hợp “khẩu vị” tại sao không bắt bẻ từ những ngày đó cùng với việc đưa những người gọi là “ngụy quân, ngụy quyền” đi cải tạo. Tính đến việc soi từng bài hát ở Miền Nam sau 42 năm thống nhất nước nhà, là kỳ thị, trái với tinh thần hòa hợp dân tộc, xóa bỏ quá khứ, hướng tới tương lai.
Ngay thời nay, khi “Tổ quốc ta chưa đẹp thế bao giờ”, cả nước đã chan hòa niềm tin tất thắng, thử xem ngoài những buổi ca múa nhạc theo đặt hàng của Tổ chức thì đâu đó thiếu gì lời ca ướt át, ủy mỵ, siêu lòng, bờ môi, khóe mắt có khác gì trước 1975 ở Miền Nam, thậm chí hóa trang, phong cách biểu diễn của các ca sỹ ngày nay uốn éo, hở hang, nhố nhăng, thác loạn “sáng tạo, tinh anh” hơn thời trước.

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Những con voi bị xích


Một cuộc tuần hành vì nhân quyền cho Việt Nam của cộng đồng người Việt tại Canada. (Ảnh chụp từ Youtube Thu Tran)
Vào các vườn thú, người ta thường thấy những con voi bị buộc chân bằng dây xích nhỏ. Cảnh tượng quen thuộc đó thu hút nhiều khách tham quan, khiến những người lần đầu được nhìn thấy những con voi bằng xương bằng thịt không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ.
Từ chuyện những con voi bị xích…
Tuy nhiên, điều dường như ít người tỏ ra “băn khoăn” là mặc dù thỉnh thoảng các chú voi cũng khua cái chân bị xích, khiến sợi xích kêu rổn rảng, nhưng chúng lại không cố ý giằng đứt dây xích, điều mà chúng có thể thực hiện dễ dàng bằng sức mạnh của mình.
Theo những người quản tượng, khi voi còn bé, người ta vẫn dùng loại dây xích như thế để buộc chúng. Chỉ cần những sợi dây xích cỡ đó là đủ để giữ chân đám voi con. Mỗi khi chúng phá xích hay có ý định thế thì đều bị đánh. Dần dà, chúng không còn nghĩ đến chuyện phá sợi dây xích buộc chân mình nữa; chúng đã đánh mất bản năng tìm kiếm tự do. Chúng không còn ý thức được việc dùng sức mạnh của mình để tự cứu mình, hoặc do chúng không tin mình có thể làm được điều đó, hoặc do chúng bị nỗi sợ hãi chi phối.
…đến thủ đoạn của nhà cầm quyền cộng sản

BÀI THƠ KHÔNG THỂ ĐẶT TÊN...

(Kính tặng anh PVĐ và những người lính đã đi qua chiến tranh)
Nguyễn Thị Thanh Yến    


Chàng sinh viên trở về phía sau cuộc chiến
Mắt khô không khốc khóc bạn mình
Những thằng đã hy sinh
Đứa phọt óc, đứa mất đầu, đứa lủng lẳng tim gan
Và những con giòi rung rúc
Những ẩn ức chiến tranh ám ảnh đến khôn cùng...
Rời bút nghiên khoác áo lính oai hùng
Chợt một ngày nhận ra hình như mình đang sai
Khi thằng bạn mình bắn vào em nó
Bà má Miền Nam khóc con đến khản lòng
Đồng đội ơi bao thằng đang nằm lại bìa rừng
Có đứa chỉ mong được chửi con một câu mà không thể
Đứa còn giọt nước cuối cùng cũng phải đánh răng không về bị ế
Có đứa còn chưa kịp mọc lông măng
"Chúng mày không về có trách tao chăng
Dẫu lành lặn bên ngoài nhưng tim tao tơi tả
Giá như được một lần ôm chúng mày mà đập phá
Thì có khi tao sẽ dễ quên hơn"...

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Lấy thúng úp voi?

Nguyễn Văn Chiến
Ngày 24.4.2017 mục “Chống Diễn biến hòa bình” của báo Quân đội nhân dân đăng bài bình luận của Bắc Hà (BH): “Làm thất bại chiến lược ‘Diễn biến hòa bình’: Cần có cách nhìn khách quan về tình hình quyền con người ở Việt Nam”.
Nhan đề là “cái nhìn khách quan về tình hình nhân quyền” mà bài viết thì đăng ngay trong mục “Chống diễn biến hòa bình”. Đã vậy còn chua thêm lời “hạ quyết tâm” là “Làm thất bại chiến lược ‘Diễn biến hòa bình’”.
Ngay từ nhan đề, đề mục và “khẩu khí” đã thấy rặt một giọng điệu chủ quan, vậy thì làm gì có đủ tư cách để đòi hỏi người khác phải “có cái nhìn khách quan”?
Để khỏi mất thì giờ, tôi xin đi thẳng vào bài viết:
1. BH: “Đã từ lâu, ở nước ngoài, một số người vốn kỳ thị với chế độ xã hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo, trong đó có Việt Nam, và một số kẻ cực hữu, nhất là ở Hạ viện Hoa Kỳ, Nghị viện Châu Âu, cùng với một số hãng thông tấn, báo chí phương Tây, trong đó có RFA, VOA, BBC… luôn đưa tin xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền”.
Nhận xét & Góp ý:
- Một số người nhưng là bao nhiêu? Có phải là “một số không ít”, tức cụm từ mà Tổng Bí thư vẫn hay sử dụng?
- Nói “chế độ xã hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo, trong đó có Việt Nam”, có nghĩa là tác giả đồng hóa xã hội Việt Nam hiện tại với các “xã hội cộng sản” khác như Trung Quốc, Bắc Hàn?
- Nếu truyền thông nước ngoài chỉ hai, ba lần “đưa tin xuyên tạc, vu cáo Việt Nam” thì có thể tạm chấp nhận lập luận trên. Đằng này họ “luôn đưa tin xuyên tạc”.
- Sinh thời thống Mỹ Abraham Lincoln từng nói: “You can fool some of the people all of the time, and all of the people some of the time, but you can not fool all of the people all of the time”.. Câu này có nghĩa là “Quý vị có thể lừa phỉnh một số người trong mọi lúc, có thể phỉnh phờ tất cả mọi người trong một vài lúc nào đó, tuy nhiên quý vị không thể nào lừa phỉnh tất cả mọi người trong tất cả mọi lúc”.
- Người đọc, người nghe ở nước ngoài không phải là ngu dốt, là sản phẩm của nền giáo dục một chiều và truyền thông một chiều. Nếu truyền thông nước ngoài “luôn đưa tin”, chứng tỏ những thông tin đó phải được kiểm nghiệm, không trái với sự thật.
2. BH: “Ở trong nước, một số người vì những lý do khác nhau muốn chuyển hóa chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sang mô hình xã hội “dân chủ”, “nhân quyền” ngoại nhập đã lợi dụng bối cảnh toàn cầu hóa, những khó khăn của nền kinh tế đất nước để xuyên tạc, bôi đen tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam”.

Đất đai và bản chất ăn cướp của một điều luật!

Hà Sĩ Phu
Điều 53 của Hiến pháp Việt Nam 2013 viết: “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”! Đọc lên toàn những câu chữ quen quen nghe tưởng bình thường và cũng êm tai, nhưng cái thực tiễn ẩn nấp sau những mỹ từ ấy là mồ hôi và xương máu dân lành, là những kho tàng của cải kếch xù của đám vua quan cơ hội, là những đoàn người mất đất lang thang ròng rã kêu oan bị xua đuổi, đánh đập và tù tội… thì mới thấy tội ác của cái điều luật êm như ru kia thật là ghê rợn. Cũng là một điều luật nhưng điều luật này khó sửa vì nằm trong gan ruột của trào lưu CS, và vẫn đang gắn chặt với ngai vàng của các vua quan tập thể lớn nhỏ hiện nay.
Là một sinh vật, con người muốn sống phải có cái nhà của mình trên mảnh đất riêng của mình (chưa kể những người phải có đất sản xuất để có miếng ăn). Quyền sở hữu riêng bất khả xâm phạm đối với một mảnh đất để ở, một không gian tiên quyết tối thiểu để tồn tại trên đời là một quyền tự nhiên, thiêng liêng, bẩm sinh; không có quyền đó sự hiện diện của con người trên đất nước mình sẽ không có cơ sở vật chất đầu tiên để tồn tại. Con chim con thú trong rừng cũng phải “sở hữu” được một nhành cây, một hang hốc, một khoảnh đất cho riêng nó mà nó phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ.
Với một người sinh ra trên đời, quyền tư hữu đó hoặc do cha ông họ để lại hoặc do lao động lương thiện của họ tạo ra, bằng cách này hay cách khác nhưng dứt khoát họ phải có được cho mình cái quyền sở hữu riêng tư đó thì mới có thể an cư để hòng lạc nghiệp.
Vì quyền tư hữu đất đai với con người là thiêng liêng như vậy nên những chế độ độc tài, bất công, dã man nhất xưa nay, dù kẻ cầm quyền có tham lam muốn chiếm hữu nhiều nhất cho mình cũng không bao giờ dám phủ nhận quyền tư hữu ấy. Bên cạnh những công điền công thổ vẫn đương nhiên phổ cập quyền tư hữu đất đai trong dân chúng. Tất nhiên sự bất công và vô nhân đạo trong các xã hội ấy vẫn còn, các “cố nông” không có một tấc đất cắm dùi là những ví dụ đặt ra cho các xã hội ấy.
Nhưng điều mà không một chế độ bất công tàn bạo nào dám làm thì chế độ cộng sản nhân danh chính sự công bằng và nhân ái lại dám làm: xóa bỏ tư hữu đất đai, đưa toàn bộ đất đai vào sở hữu “nhà nước” do một đảng nắm giữ!

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

BẢN YÊU SÁCH CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2017
Kính gửi:
- Toàn thể Nhân dân Việt Nam
- Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
- Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam
- Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam
- Bộ Chính trị Đảng CSVN
- Các tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế
- Các cơ quan truyền thông
Thực tế nhiều thập kỷ qua, chính sách đất đai của Nhà nước CHXHCNVN đã bộc lộ sự lạc hậu, bất cập, xa lạ với hầu hết các quốc gia văn minh, tiên tiến và hùng cường trên thế giới, là lực cản lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc lớn trong Nhân dân, tạo ra tầng lớp “dân oan” ngày càng đông đảo ở mọi miền đất nước, gây bất ổn an sinh xã hội, gia tăng bất công, chênh lệch giàu - nghèo quá phi lý, xuất hiện nguy cơ bùng nổ xung đột, bạo lực xã hội không thể kiểm soát.
Chính sách “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (điều 53 - Hiến pháp 2013), Luật Đất đai và các quy định liên quan không những không tạo điều kiện sử dụng hiệu quả đất đai, phát triển kinh tế bền vững, mà lại là tấm bình phong, là cơ hội vàng cho giới chức quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, vô cảm đi đêm với chủ dự án tước đoạt tàn bạo nhà ở, trang trại, ruộng đất - tư liệu sản xuất và là nguồn sống duy nhất của hàng chục triệu hộ nông dân trong một quốc gia đất hẹp, dân đông, nông nghiệp chiếm tỷ lệ quan trọng trong nền kinh tế.
Chính sách ấy có nguồn gốc từ học thuyết đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác và thực tiễn CNXH ở Liên Xô, Trung Quốc: xóa bỏ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất quan trọng nông nghiệp cũng như mọi ngành nghề, lĩnh vực, mọi hoạt động và cơ sở kinh tế xã hội khác, áp đặt cơ chế kinh tế chỉ huy, duy ý chí, tập trung, quan liêu, bao cấp.

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

BIẾN CỐ ĐỒNG TÂM và QUAN HỆ VIỆT NAM-HOA KỲ!

  -Nguyễn Đăng Quang-

      Sự kiện Đồng Tâm ở Mỹ Đức, thành phố Hà Nội (14-22/4/2017) phải được gọi đúng tên và bản chất của nó. Đó không phải là sự cố, mà là một biến cố xã hội! Vâng, nó là biến cố mang tên Đồng Tâm. Rồi đây biến cố này sẽ được ghi vào sử sách nước nhà như một bước ngoặt mang đến sự thay đổi về nội trị của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực: từ thể chế kinh tế, mô hình xã hội, chính trị nội bộ đến luật pháp (chắc chắn Luật Đất đai sẽ phải thay đổi, sẽ phải áp dụng hình thức “đa sở hữu” đất đai trong đó có “sở hữu tư nhân” thay vì duy nhất một hình thức sở hữu là “sở hữu toàn dân” mù mờ và tai hại như hiện thời)! Đồng Tâm là biến cố nội trị của Việt Nam, song nó còn liên quan đến chính sách đối ngoại của Việt Nam nữa!
    Báo chí và dư luận đã bàn luận khá đầy đủ về biến cố này. Năm năm trước (2012), chính quyền cảm thấy hãnh diện vì đã thắng được người dân khi sử dụng “phương thức bạo lực cực đoan” trong các biến cố xã hội, như vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), vụ Ecopark ở Văn Giang (Hưng Yên) và ngay cả vụ Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội). Nhưng mấy năm gần đây, tình thế đã thay đổi, không còn như xưa nữa! Trong biến cố Đồng Tâm, chính quyền không dám mạo hiểm với “phương thức vũ lực truyền thống” như trước, mà thay vào đấy là “phương thức hòa giải ôn hòa”! Tình hình chính trị nội bộ và bối cảnh xã hội hiện nay ở Việt Nam đang diễn biến khá nhanh và khó lường. Đây chính là yếu tố chủ yếu khiến chính quyền không dám sử dụng “phương thức bạo lực cực đoan” được nữa. Thay vào đó, chính quyền phải tính đến “phương thức hòa giải ôn hòa”! Đây là sự lựa chọn khôn ngoan. Phương thức WIN-WIN, tức các bên cùng thắng, là phương thức tối ưu lúc này, không thể khác! Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế khá phức tạp như hiên thời, tôi cho rằng, việc tháo ngòi nổ Đồng Tâm như vừa qua, ngoài yếu tố nội trị như đã phân tích, tôi thấy thấp thoáng có “yếu tố về Hoa Kỳ” khá đậm nét. Tôi nói “yếu tố về Hoa Kỳ” chứ không phải “yếu tố của Hoa Kỳ”. Nếu nói vậy thì chẳng nhẽ Hoa Kỳ lại can thiệp thô thiển vào công việc nội bộ của Việt Nam ư? Không, tôi không nghĩ như vậy. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, biến cố Đồng Tâm đã được tháo ngòi, song vấn đề quan trọng hơn là “Bản cam kết 3 điểm” của Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải được thực thi một cách nghiêm túc và phải thật thành tâm, có vậy mới góp sức làm cho quan hệ Việt Nam và Mỹ dịch chuyển suôn xẻ và đúng hướng trên lộ trình vừa mới được thiết lập. Nếu không, chắc chắn nó sẽ có tác dụng ngược và hoàn toàn bất lợi cho phía Việt Nam! Tại sao tôi lại nói vậy? Xin mời quý độc giả xem xét 2 động thái dưới đây:

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Hậu Đồng Tâm trong bóng đêm & rắn rết


S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến
Sẽ còn nhiều “lươn lẹo”, “mưu mẹo” ở Đồng Tâm.
GS. Tương Lai
Ngay sau biến động Đồng Tâm, vài trang mạng (Đàn chim ViệtVấn đề ...) đã đăng lại “Báo cáo về vụ nổi dậy ở Thái Bình” của GS. Tương Lai - khi ông còn đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam. Đây là một tập tài liệu khả tín, khách quan - dài 53 trang - với phần kết luận hơi (bị) lạc quan:
“Sự kiện Thái Bình, nếu với cái nhìn tỉnh táo, sẽ là một cơ hội để chúng ta có thể nhìn rõ thực trạng chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa của nông thôn nước ta, do vậy mà có những chủ trương đúng sách lược đúng, đưa nông nghiệp và nông thôn đi vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa”.
Hai mươi năm sau, trong một cuộc phỏng vấn dành cho Khánh An (VOA) vào hôm 17 tháng 4 năm 2017, GS. Tương Lai - tiếc thay - đã không còn giữ được sự lạc quan và niềm hy vọng (“có những chủ trương đúng sách lược đúng”) như hai thập niên trước nữa. Ông buông thõng: “Sẽ còn nhiều ‘lươn lẹo,’ ‘mưu mẹo’ ở Đồng Tâm”.
Mọi sự “lươn lẹo, cũng như “mưu mẹo” sắp tới - tất nhiên - không đến từ phía những người nông dân Việt Nam chân chất. Nỗi bi quan của GS. Tương Lai khiến tôi chợt nhớ đến lời tuyên bố của ông, đúng hai năm trước - vào hôm 29/04/2015 - khi trả lời Thụy Mi (RFI) về một câu hỏi có liên quan đến vấn đề thời cuộc:
“Chúng tôi khẳng định rằng khả năng tốt nhất, có ý nghĩa lớn nhất là tự những người lãnh đạo trong giới cầm quyền hiện nay tự chuyển biến, để họ biết đặt lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của dân tộc lên trên hết. Từ sự chuyển biến đó, dần dần từng bước thay đổi thể chế chính trị, thay đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu làm được như thế, họ sẽ lấy lại uy tín”.
Làm thế nào để người dân Việt có thể đặt lại niềm tin vào “giới cầm quyền mưu mẹo” và “lươn lẹo” (rõ ràng) là một nan đề, nhất là riêng với nông dân - giới người vừa lên tiếng kêu than rằng “chúng tôi đã bị lừa quá nhiều rồi”.
Giữa tình cảnh hoang mang, căng thẳng, và lo sợ của hàng vạn con dân chân lấm tay bùn này - tuyệt nhiên - không thấy một vị “lãnh đạo cấp cao” nào “vào cuộc” cả. Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng ... đều câm như hến!

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Phản biện thư của Võ sư Lương Ngọc Huỳnh

Nguyễn Đình Cống
Trang Ba Sàm 12.495 đăng : “THƯ KÊU GỌI NHÂN DÂN ĐỒNG TÂM THẢ HẾT CÁC ANH EM CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐANG BỊ GIAM GIỮ”, của Võ sư- Gs, Vs Lương Ngọc Huỳnh (xin xem ở đây). Tôi xin có vài lời phản biện.
Sau khi trình bày sự việc, cho rằng nhân dân Đồng Tâm không muốn làm như vậy, ông Huỳnh cảnh báo : “dựa vào đó những kẻ lợi dụng kích động gây nhiễu loạn thông tin, chúng sẽ không từ thủ đoạn nào để hòng chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, làm mất lòng dân, làm giảm uy tín của lãnh đạo nhà nước”. Ông cho rằng : “đến giờ phút này chính quyền chưa gặp được dân?! Nhưng tôi tin rằng Chủ tịch Nguyễn Đức Chung không muốn như vậy, có thể có những kẻ khác muốn làm to chuyện này để hạ uy tín của lãnh đạo thành phố!”.
Rồi ông kêu gọi “nhân dân Xã Đồng Tâm hãy vì nghĩa lớn, vì đại cục của quốc gia chấp nhận thiệt thòi cống hiến cho đất nước, và thả những cảnh sát và cán bộ đang bị bắt giữ, bởi họ cũng chỉ là những người lính đúng nghĩa. Nhân dân Đồng Tâm làm tấm gương cho nhân dân cả nước học tập, tôi tin rằng nhân dân cả nước sẽ đồng tình với quyết định này và người Đồng Tâm sẽ lưu danh mãi mãi”. Ông còn đề nghị :”chính quyền nhà nước nên khoan hồng và ân xá không truy cứu trách nhiệm cho tất cả người dân xã Đồng Tâm”.
Nếu ông Huỳnh không viết rõ việc ông đã từng quan tâm và phản ảnh trung thật sự việc, ông đã làm tất cả vì nhân dân Đồng Tâm, vì Tổ quốc Việt Nam thì qua những câu vừa trích dẫn người ta dễ cho rằng ông là một dư luận viên cự phách hoặc cán bộ tuyên giáo có hạng.

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Nghĩ gì từ cuộc khủng hoảng Đồng Tâm?

Bauxite Việt Nam
Kết thúc đối thoại Đồng Tâm bằng một bản cam kết của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội có 2 đại biểu Quốc hội (một phụ trách Dân nguyện và một là người thay mặt cử tri Đồng Tâm) ký vào, làm đại đa số người Việt trong nước và nhiều người Việt trên thế giới hân hoan vui mừng, coi như một bàn thắng ngoạn mục của nông dân, trước chính quyền cộng sản vốn nổi tiếng lắm mưu mô, giỏi sử dụng kế hiểm để đàn áp và triệt tiêu sức đối kháng của dân chúng.
Hân hoan vui mừng là phải, bởi vì trở về trước chưa có tiền lệ một cuộc đối đầu nào mà thắng lợi chung cụộc lại thuộc về bên bị trị như cuộc đối đầu ở làng Hoành. Khi ông Chủ tịch Hà Nội cam kết không truy cứu hình sự bà con làng Hoành trong việc bắt nhốt 38 cán bộ và cảnh sát Cơ động trong suốt 7-8 ngày cũng có nghĩa là ông đã buộc phải gián tiếp thừa nhận hành vi phản kháng bằng cách bắt người của dân chúng ở đây chỉ là hành vi tự vệ, còn việc đem lực lượng vũ trang đến đàn áp dân nhằm bảo vệ lũ người cướp đất mới là hoạt động phạm pháp và vi hiến. Lời cam kết này quả đã mở ra một cơ hội mới, giúp người dân nhiều vùng miền khác bứt khỏi mặc cảm sợ hãi, khẳng định tư thế chính nghĩa mạnh mẽ, quyết tâm hơn khi đương đầu với những nhóm lợi ích nhà nước mang theo quyết định đóng dấu đảng đỏ chói cùng nhung nhúc cảnh sát vũ trang đến cướp đoạt đất đai của mình. Và có thể kinh nghiệm của làng Hoành rồi sẽ được nhân lên – “bắt kẻ đàn áp để trao đổi con tin” rất có khả năng trở thành một phương thức chống trả hữu hiệu.
Ông Nguyễn Đức Chung cam kết sẽ cho điều tra kẻ đã gây thương tích cho cụ Kình, tức là ông ta buộc phải nhìn nhận sự hèn hạ bỉ ổi của người đại diện quyền lực đã lừa dân, dụ một số người dân tiêu biểu đến chỗ đồng trống để bắt bớ và bạo hành với họ. Một khi việc điều tra được tiến hành, vô số chuyện thương tâm gây ra bởi lũ côn đồ nhà nước bất lương độc ác, dưới rất nhiều mưu kế gian trá, nham hiểm, lâu nay bị ém nhẹm, sẽ tiếp tục được chính người dân khắp nơi bạch hóa. Chưa bao giờ bộ mặt nhà cầm quyền thê thảm đến như vậy.

CÁC BÁO CÓ ĐƯA TRUNG THỰC Ý KIẾN CỦA BÀ CON LÀNG HOÀNH KHÔNG

STT của nhà báo Truong Huy San:

Trích phát biểu của cụ Kỷ, 63 tuổi tại phiên đối thoại sáng 22/4 giữa dân làng Hoành với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung:
"Chúng tôi rất đau lòng vì những việc vừa qua. Ông Nguyễn Đức Chung nguyên giám đốc công an chắc phải hiểu rõ không ai có tội trừ khi bị kết tội. Để giải quyết vấn đề phải tìm ra nguyên nhân gốc rễ như vậy mới thấu tình đạt lý. Những gì đã xảy là sự việc đáng tiếc. Ở chừng mực nào đó nếu người dân chúng tôi không hiểu thì phải tuyên truyền cho chúng tôi...
Quê hương Đồng Tâm là xã anh hùng trong kháng chiến, để xảy ra chuyện này không ai không đau lòng, nhất là chuyện ông Kình là cán bộ lão thành 82 tuổi đời, 66 năm tuổi Đảng bị bắt. Chúng tôi hiểu luật pháp cho phép bắt một người trong trường hợp khẩn cấp không cần lệnh. Nhưng thử hỏi ông Kình gây nguy hiểm cho ai mà bắt như thế. Đá như quả bóng, quăng lên ô tô. Tôi nói xin lỗi là quăng như quăng một con lợn. Chúng tôi chứng kiến mà rơi nước mắt.
Phản ứng mà người dân tạm giữ một số cán bộ công an là phản ứng nhất thời vì quá bức xúc. Theo pháp luật giữ người như thế là sai nhưng cái sai của chúng tôi xuất phát từ 2 cái sai của cán bộ:
Cái sai thứ nhất là khu vực đất 59 hecta đất đồng Sênh của chúng tôi không liên quan đến đất sân bay, mà lãnh đạo xã khẳng định là đất quốc phòng. Loa phát thanh nói ra rả nhưng càng nói thì làm người dân căm phẫn hơn. Cái sai là không làm rõ đất thuộc quyền của dân Đồng Tâm không thuộc đất quốc phòng.
Nếu đất quốc phòng phải có quyết định của Thủ tướng, để thu hồi 59 hecta phải thông qua Quốc hội là dự án có khả thi không. Phê chuẩn xong Thủ tướng mới ra quyết định thu hồi. Nhưng đến giờ không có bất kỳ quyết định nào của các cấp có thẩm quyền cả.

BẢN LÊN TIẾNG ỦNG HỘ ĐỒNG BÀO ĐỒNG TÂM, MỸ ĐỨC, HÀ NỘI

(20-04-2017)
          Tin tức cho hay từ hôm Thứ bảy 15-04-2017, đã xảy ra tình trạng đối đầu giữa khoảng 6000 người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
          Vụ việc có liên quan tới chuyện thu hồi đất đai, vốn đã khiến người dân theo kiện từ 5 năm nay nhưng không được giải quyết. Họ cáo buộc nhà cầm quyền cấp xã và cấp huyện đã tự ý lập hồ sơ bán phần đất nông nghiệp 59 hecta mà bà con nông dân đã canh tác từ lâu đời cho cán bộ. Sau khi bà con khởi kiện thì mới đây đã quay ra bán cho Viettel, đại công ty viễn thông của Quân đội để làm dự án. Việc cưỡng chế đất đai này là hoàn toàn sai trái, bởi lẽ đất Đồng Tâm đã dành một phần làm trường bắn, một phần làm sân bay, và phần còn lại ấy làm đất canh tác cho bà con sinh cơ lập nghiệp.
          Theo người dân cho biết, lúc 10g sáng ngày 15-04, nhà cầm quyền đã mời 5 đại diện cho dân khiếu kiện chuyện tham nhũng đất đai đến khu vực đang tranh chấp để gọi là “đo đạc, xác định mốc giới giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp của xã”. Nhưng khi vừa đến, 5 đại diện này, hầu hết già lão, trong đó có cụ Lê Đình Kình 83 tuổi, cựu thương binh, đã bị công an ập tới bắt đi mà chẳng hề có lệnh. Dân làng đuổi theo đòi thả thì bị công an bắt thêm 4 người nữa và còn đánh đập một người trọng thương phải nhập viện. Ngay lập tức, nhà cầm quyền sai phái một lực lượng đông đảo gồm cán bộ, cảnh sát cơ động đến xã Đồng Tâm để trấn áp.
          Quá phẫn uất trước hành vi bắt người lẫn hành động cướp đất một cách trắng trợn vô pháp luật, và với mục đích nắm con tin để dễ thương lượng, người dân đã cầm giữ một số trong đoàn cán bộ và cảnh sát cơ động ấy song đối xử tử tế với họ (Tin tức cho hay tổng cộng có 38 người, đa phần không có thẻ ngành, chỉ đem lựu đạn cay). Dân đồng thời tự canh phòng, tự bảo vệ cũng như bày tỏ lòng mong đợi Trung ương đến giải quyết mọi chuyện cách hợp tình hợp lý. Đáp lại thái độ đó, nhà cầm quyền đưa thêm công an, quân đội và cả côn đồ đến phong tỏa khu vực, đồng thời phá sóng điện thoại, mạng internet để ngăn chặn mọi liên lạc.

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

CHUYỆN XÃ ĐỒNG TÂM !


"Đầu hàng" đi, những người dân Đồng Tâm.
"Đầu hàng" đi, những người dân Đồng Tâm.
Mỏng manh thế, làng làm sao chống nổi
Già trẻ, gái trai hãy ôm đầu, quì gối
Để cầu xin lấy hai chữ "khoan hồng"
Họ đa mưu, tiền lắm, quân đông
Làng có gì ngoài gạch đá và dăm ba cái gậy
Mấy đứa trẻ con, dăm cụ già đi còn run rẩy
Thì làm sao chống lại nổi, làng ơi!
Nghĩ về làng mà nước mắt nghẹn ngào rơi
Lòng day dứt bởi nhiều câu hỏi
Đất nước sẽ ra sao, nếu người dân vô tội
Phải giơ tay khuất phục trước cường quyền...

Bùi Hoàng Tám

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

DÂN ĐỒNG TÂM, MỸ ĐỨC, HÀ NỘI: CHÚNG TÔI XÁC ĐỊNH NẾU CẦN THÌ CÙNG CHẾT CẢ LÀNG.


Tin vừa nhận được từ Đồng Tâm như sau:
Sau sự kiện phát hiện súng và đạn hôm qua, bà con hết sức cảnh giác và có một số biến động tại đây.
Súng bị phát hiện kèm theo đạn là loại súng có băng đạn tròn chứ không phải súng như bình thường.
Dân làng còn phát hiện ra một bộ thiết bị điện tử mà họ cho là thiết bị định vị gì đó.
Sau khi gõ kẻng báo động và đuổi nhiều kẻ lạ mặt áp sát làng đêm qua, thì hơn 12 h đêm điện bị cắt.
Trước tình hình bị nhiều dấu hiệu đe dọa, bà con đã tưới xăng lên chăn bông và các vật dụng khác khắp nơi trong làng. Cả làng xác định chấp nhận mọi thử thách và nếu cần thì cả làng cùng chết.
Tất cả các ngõ đường làng đều được khoá chặt và tuần tra bởi các lực lượng.
Những Cs đang bị giữ cũng đã bị tưới xăng.
Sau khi bị tưới xăng để chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất, một cán bộ tên Tường, là Phó CA huyện Mỹ Đức đã xin được gọi điện thoại cho cấp trên cầu cứu nói rõ tình trạng trong làng. Phó Chủ tịch Huyện hứa sáng nay về Đồng Tâm gặp dân.
Sau đó khoảng 15 phút, một pháo sáng báo hiệu được bắn lên cách Đồng Tâm khoảng 3km. Một lúc sau có điện trở lại.

Bà con đi tuần bắt được một số người cầm máy quay phim hiện trường mà không biết là ai. Sau khi kiểm tra máy thì thấy các dữ liệu hình ảnh Đồng Tâm từ đầu đến nay.

QUẢ BOM FORMOSA: THÁO NGÒI hay KÍCH NỔ?

Nguyễn Đăng Quang

Người dân Lộc Hà biểu tình sau 1 năm thảm hoạ Formosa. Ảnh cắt từ clip.
Trong tuần qua, có 3 vụ khởi tố hình sự liên quan đến Formosa. Nhưng không phải Chính phủ khởi tố Formosa, mà là chính quyền Hà Tĩnh khởi tố 3 vụ án hình sự liên quan đến các cuộc biểu tình của người dân phản đối Formosa và đòi chính quyền phải minh bạch trong việc chi trả tiền bồi thường cho ngư dân!
Ngày 14/4/2017, các Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng”, “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Hủy hoại tài sản” liên quan đến các cuộc biểu tình của người dân Hà Tĩnh nổ ra ngày 3/4/2017 trên địa bàn huyện Lộc Hà và thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đọc thông tin trên, người viết bài này cảm thấy rất buồn. Rồi đây khả năng sẽ có hàng chục công dân hiền lành, vô tội chỉ vì đấu tranh đòi quyền lợi của mình mà vướng vào vòng lao lý!
Việc khởi tố này càng làm sâu sắc và đẩy cuộc khủng hoảng môi trường vốn đã căng thẳng, nay lại càng căng thẳng và phức tạp thêm. Mâu thuẫn và xung đột trong nội bộ xã hội ngày càng lớn và sâu sắc! Thế mới biết, kẻ thủ ác Formosa thật quỷ quyệt: Sau khi gây thảm họa môi trường, làm cá chết, biển chết ở 4 tỉnh miền Trung, nó không “chạy đi”, vâng, nó không “chạy đi” mà nó “chạy lại”! Nó “chạy lại” giơ cao 500 triệu USD trong tay, một con số bèo bọt gọi là tiền bồi thường để, như nhiều người nói, để “chạy án”. Đúng, nó “chạy án” để khỏi bị quy vào tội “Hủy hoại môi trường”! Khi đã được đảm bảo không bị truy tố, nó liền phủi tay, phủi mọi tội lỗi và nghĩa vụ đối với nhân dân Việt Nam, đồng thời đẩy quả bóng trách nhiệm cho Chính phủ Việt Nam! Nó biến cuộc khủng hoảng môi trường thành cuộc khủng hoảng và xung đột nội bộ giữa một bên là Chính phủ Việt Nam và bên kia là người dân Việt Nam, còn nó thì ung dung “tọa sơn quan hổ đấu”!

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Ba Sàm, Phá Vòng Nô Lệ!

Phạm Đình Trọng
18-4-2017
Chị Ngọc Thu thân quí,

Logo Ba Sàm News – Phá Vòng Nô Lệ
Bất ngờ và sửng sốt đọc lời chào từ biệt của trang Basam, trong tôi có bao điều muốn thốt lên. Có bao điều muốn tự than thở với mình khi bỗng thấy bị mất một cái gì thân thiết quí giá. Có bao điều muốn chia sẻ với những người bạn thân thiết của tôi hằng ngày vẫn đón chờ Basam như mỗi sáng đón chờ li cà phê mà họ đã chót nghiền. Có bao điều muốn nói với chị Ngọc Thu, người đã cùng anh Vinh làm nên Basam và sau này thay anh Vinh tận tụy cống hiến, hi sinh để duy trì Basam. Nhưng tôi cứ bị cuốn vào công việc nay mới dứt ra được để viết đôi lời về Basam thân yêu.
Trong các trang mạng lề Dân thì Basam là trang mạng làm cho độc tài cộng sản Việt Nam tức tối nhất, run sợ nhất, hốt hoảng nhất, đau đớn, ê chề nhất. Vì người viết Basam phần lớn đều ở trong lòng chế độ độc tài cộng sản đã phơi bày ra sự thật trần trụi nhất, chân thực nhất về mặt thật cộng sản. Người đọc Basam chăm chú nhất, người cần đọc Basam nhất cũng là những nạn nhân của cộng sản, đang sống trong bóng tối lừa dối và bưng bít của cộng sản. Người bị lừa dối, bưng bít bao giờ cũng khao khát tìm sự thật. Đó là cái khao khát của người Việt ở trong nước đối với Basam.

ĐÀM PHÁN?

18-4-2017

Mỗi khi cần lấy đất của dân, chính quyền cử một lực lượng  hùng hậu gồm công an, dân phòng, thanh niên xung kích… tới “đàm phán” bằng dùi cui, roi điện và cả chó nghiệp vụ. Ảnh chụp một vụ cưỡng chế đất đai ở VN trước đây. Nguồn: internet
1. Tôi có đọc một stt, trong đó tác giả nói rằng lúc xung đột giữa người dân với chính quyền quá căng thẳng, thì “các nhóm Xã Hội Dân Sự tích cực” có thể là trung gian hòa giải rất tốt cho cả hai bên. Tác giả đưa ra ví dụ tiếng nói của vị linh mục trong sự kiện dân vây trụ sở huyện Lộc Hà.
Tôi cũng có đọc ý kiến của vài vị luật sư ở Hà Nội tình nguyện làm trung gian hòa giải giữa chính quyền Hà Nội và người dân xã Đồng Tâm. Ta cũng có thể xem các vị luật sư này như là một “nhóm XHDS tích cực”.
Ở các nước phương Tây, các nhóm XHDS đóng vai trò ngày càng mạnh mẽ trong việc hóa giải và hòa giải các xung đột xã hội, kể cả xung đột giữa người dân với chính quyền. Nhưng ở VN thì tôi tin rằng điều đó KHÔNG THỂ xảy ra, bao lâu đảng cầm quyền xem mình là lực lượng duy nhất có quyền lãnh đạo và “lãnh đạo toàn diện” đất nước.

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

3 NGUỒN TIN NÓNG VỀ ĐỒNG TÂM TỪ ÔNG LƯƠNG NGỌC HUỲNH
1. CHUYỆN ĐÀM PHÁN Ở ĐỒNG TÂM

Võ sư, GS VS Lương Ngọc Huỳnh
17-4-2017

Người dân chỉ tin cụ Kình (tóc bạc). Cụ đang nói chuyện với công an và người dân. Ảnh chụp từ clip ngày 10-3-2017.
Năm 1980, Nhà nước sử dụng đất Đồng Tâm làm sân bay quốc phòng. Theo người dân ở đây nói rằng, lúc bấy giờ Nhà nước lấy cột mốc 29 làm địa giới cho sân bay.
Nhưng sau đó Huyện và Xã đã lấy thêm đất của dân để cho thuê vào những mục đích khác mà báo Vietnamnet đã đề cập đến từ năm 2014. Cũng từ đây người dân và chính quyền địa phương luôn mâu thuẫn và đã có nhiều lần người dân đi kiện các quan chức địa phương.
Ông Lê Đình Kình là người đại diện cho dân nói lên tiếng nói của mình. Năm nay ông đã 82 tuổi và có 60 năm tuổi đảng.
Gần đây có thông tin rằng Viettel đã thuê đất địa phương với số tiền khá lớn, nhưng địa phương lại không minh bạch trong chuyện này…?!
Tiếp tục sự kiện, vào lúc 9h sáng ngày 15-4-2017 chính quyền địa phương tiếp tục cưỡng chế đất mà địa phương gọi là đất quốc phòng, do vậy ông Kình cùng một số người dân được mời đi ra bãi để chỉ nơi cắm mốc.
Trên đường đi cán bộ địa phương hỏi ông: “bãi có rộng không?” Ông nói: “rộng”. “Vậy mời bác lên xe đi cho nhanh”. Ông Kình không đi xe mà thích đi bộ. Khi mọi người đến cột mốc số 15 thì không hiểu vì lý do gì tự nhiên cảnh sát cho nổ lựu đạn khói và bắt ông Kình, hai bên giằng co và cuối cùng họ đã quật ngã ông Kình xuống đất, lúc này ông Kình kêu lên: “Ối giời ơi, tôi bị đau tay”! rồi sau đó cán bộ vẫn bắt ông và đẩy lên xe chạy đi.
Các thanh niên làng trong đó có anh Công con trai của ông Kình và cháu Y (Uy) con của anh Công lấy xe máy đuổi theo xe ô tô của công an. Đến gần thị trấn Chúc Sơn thì có người trên xe công an hô lên rằng “bọn cướp người”. Lúc này dân ở Chúc Sơn tưởng cướp liền xông ra hỗ trợ công an đánh nhóm thanh niên chạy theo xe. Việc xô xát khiến cháu Y (Uy) bị thương. Sau đó công an đã bắt tất cả là 9 người đưa về trụ sở thành phố.
Thấy vậy, dân quay về làng và củng cố lực lượng, lúc đó vào khoảng 11h trưa, có một xe cảnh sát cơ động chạy về làng để trấn an dân; khi xe về làng thì có anh công an hỏi dân rằng: “Các anh chị đến đây để làm gì?”. Dân hỏi lại: “Vậy các anh đến đây để làm gì?”. Anh công an trả lời: “Không cần biết”, do vậy dân đáp lại: “Vậy thì anh cũng không cần biết chúng tôi đến đây để làm gì”!
Lời qua tiếng lại và bắt đầu mâu thuẫn xảy ra, công an cầm loa yêu cầu dân giải tán, còn dân thì đòi thả người… Cuối cùng một màn ẩu đả bằng gạch đá nhanh chóng diễn ra, người dân vây bắt được 29 cảnh sát, một lát sau lại bắt được thêm hai cảnh sát nấp ở gậm giường, thế là con số lên 31 người, tất cả được đưa đến nhà văn hoá thôn Đồng Tâm giam giữ ở đó, vì việc này mà công an huy động chi viện thêm lực lượng đến hàng trăm cảnh sát về địa phương. Tất cả những ai vào đàm phán, hoà giải, kể cả nhà báo… đều bị bắt nhốt tiếp, đến hôm qua theo chị Nhung, con gái ông Kình, nói rằng tổng số là 38 người.

CẦU MONG CÔNG AN NHÂN DÂN BIẾT LỰA CHỌN NHÂN DÂN!


Từ lâu tôi đã nghĩ: Tại sao CAND, CSCĐ, thậm chí có lúc cả quân đội nữa lại đi đàn áp dân để “giải tỏa”, “cưỡng chế” đất đai của dân, dâng cho các doanh nhân? Kinh doanh theo cơ chế thị trường thì phải thương thảo “thuận mua, vừa bán” chứ! Ở đây có nhiều khuất tất, phi lý. Các doanh nhân và số quan chức ký kết dự án với nhau thì làm giàu bất chính trên lưng người dân khốn khổ. Không những thế, người dân còn bị đàn áp, tù đầy, oan ức.
Không oan ức, phẫn uất tột cùng thì sao người dân lại lăn vào bánh xe ủi? Sao người phụ nữ lại tụt quần áo, lõa lồ trước bàn dân thiên hạ lăn ra giữ đất? Sao hàng trăm, hàng ngàn người dân liều chết chống trả lực lượng vũ trang được trang bị tận răng cộng với chó nghiệp vụ và bọn xã hội đen bố ráp? Không oan ức tột cùng, sao có hàng vạn dân oan khiếu kiện ròng rã năm này qua năm khác từ mọi miền đất nước, kéo ra Sài gòn, Hà Nội, vật vờ khổ ải triền miên? Sao cả xã Đồng tâm, huyện Mỹ Đức Hà Nội, hơn 6.000 người dân thề “giữ đất đến chết”?

Vụ Đồng Tâm: ‘Người dân đã vượt qua làn ranh sợ hãi’


17-4-2017

Đã xãy ra đối đầu giữa người dân Đồng Tâm với công an hôm thứ Bảy 15/4. FB Thai Van Duong
Trong bàn tròn cuối tuần với với BBC hôm Chủ Nhật 17/4, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, từ Tp HCM và nhà báo tự do JB Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội bình luận về những diễn biến tại Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức nơi có đối đầu giữa chính quyền và dân.
Hai khách mời của chương trình nói hiện không có con số chính xác về số cảnh sát và cán bộ xã được cho là đang bị giữ làm con tin sau khi nhà chức trách bắt một số người dân.
Tuy nhiên ông Dũng cho rằng việc bắt cả một đơn vị “cấp trung đội” là lần đầu tiên.

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

THƠ THÁI BÁ TÂN

ĐỒNG TÂM, MỸ ĐỨC
Thái Bá Tân
16-4-2017
Vấn đề rất nghiêm trọng.
Cảnh sát và người dân
Lần nữa lại đụng độ,
Vì đất, vì miếng ăn.

Chưa nói chuyện sai đúng
Giữa dân và chính quyền.
Nhưng hai mươi cảnh sát
Bị dân bắt, tất nhiên

Là sự cố nghiêm trọng.
Có thật và bất ngờ.
Còn bị tưới xăng sẵn.
Chờ đốt, vâng, đang chờ.

NHỮNG KỊCH BẢN VỤ CƯỚP ĐẤT Ở ĐỒNG TÂM, MỸ ĐỨC, HÀ NỘI

Hôm qua (15-4), cư dân mạng chia sẻ nhiều hình ảnh, clip của vụ cưỡng chế đất nông nghiệp ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Liên quan đến vụ việc này, các CSCĐ đã ngu dốt, liều lĩnh bắt cóc 15 người dân khi họ đang ra đồng và mới có thông tin 1 người dân bị đánh đã chết. Phía người dân đã bao vây và giữ lại 20 CSCĐ trong làng. Có thông tin cho biết, những CSCĐ này đã bị người dân tẩm xăng lên quần áo để nếu phía công an tiếp tục đàn áp thì họ sẽ đốt những CSCĐ này.
Những tin tức lúc 22h đêm ngày 15/4 cho biết rất nhiều công an, CSCĐ và cả đám côn đồ đầu gấu đã “hợp đồng tác chiến” (như nhiều vụ trước đây) cùng các lực lượng công an nhằm ăn tươi nuốt sống Đồng Tâm. Sóng điện thoại, 3G và điện lưới bị cắt để những thông tin và tiếng kêu cứu ở đây không thể lọt ra ngoài. Hiện vẫn chưa rõ tình hình ra sao khi tất cả các phương tiện có thể truyền tin ra ngoài đều đã bị phía cướp đất, đàn áp người dân bịt kín.
Để đỡ sốt ruột, chúng ta cùng “dự đoán”, đánh giá các khả năng và kịch bản sẽ xảy ra ở đây để có cái nhìn toàn cảnh và các hướng giải quyết vấn đề mà nhà cầm quyền và công an là công cụ đàn áp, cướp đất sẽ dùng để giải quyết điểm nóng này.

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

ĐỒNG HƯƠNG XỨ NGHỆ

Thái Bá Tân

Buồn, đồng hương xứ Nghệ
Có quá nhiều anh hùng.
Quá nhiều lãnh tụ đảng
Và quá nhiều cái khùng.
Xưa, tiến lên cộng sản
“Bằng mo cơm, quả cà”.
Nay cặp bánh bảy tạ,
Giữa trời mưa “dâng Bà”.

SAI LẦM CHIẾN LƯỢC và QUẢ BOM NỔ CHẬM FORMOSA

Nguyễn Đăng Quang

Thảm họa Formosa xẩy ra đã tròn 1 năm. Đây là thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước ta, gây ra hậu quả vô cùng nặng nề, hàng chục năm nữa mới có thể khắc phục được! Trong tuần lễ qua, các phương tiện truyền thông đã đăng tải nhiều bài đề cập đến thảm họa này. Đây là dịp tốt để Chính phủ thấy rõ những vấn đề mà trước đây chính phủ đã không thấy hoặc không muốn thấy!
Đến nay, như dân Nghệ Tĩnh nói, Formosa Vũng Áng chẳng thấy lợi ở đâu, nhưng hại thì đã nhãn tiền! Nó đã hủy hoại nặng nề môi trường biển các tỉnh Bắc Trung bộ, không chỉ hiện tại mà còn trong hàng chục năm tới! Nhưng nguy hiểm hơn, Formosa còn gây ra mâu thuẫn gay gắt trong lòng xã hội, không chỉ ở 5 tỉnh miền Trung mà cả trên phạm vi toàn quốc! Nó chỉ phải bỏ ra 500 triệu USD gọi là tiền bồi thường để rồi ung dung khoanh tay “tọa sơn quan hổ đấu”! Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, số tiền đền bù trên chỉ bằng 1% số thiệt hại chúng gây ra cho môi trường và nhân dân miền Trung mà thôi!
Việc chấp thuận cho Formosa vào Hà Tĩnh là sai lầm chiến lược lớn của ĐCSVN! Hậu quả để lại là khôn lường, ít ra là trong 70 năm nữa! Ba sai lầm sau đây về Formosa cấu thành sai lầm chiến lược của ĐCSVN, tạo ra mâu thuẫn gay gắt, giống quả bom nhiệt hạch nổ chậm trong lòng xã hội Việt Nam, kể từ sau Phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh 1930-1931! 
1/Chấp nhận hy sinh môi trường để đánh đổi phát triển kinh tế:

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Người Nhật nói: “Trung Quốc chiếm trọn Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian”?

( Nguồn Thanhnientphcm.com  )
Bài toán chiếm trọn lãnh thổ VN mà không tốn một viên đạn nào đối với TQ thực sự đang là một viễn cảnh rất gần, nhưng dường như phần lớn người dân Việt đều không biết và biết nhưng không cần hoặc không dám quan tâm. Và có lẽ điều đáng sợ nhất là nhiều cán bộ Việt Nam cố tình lặng im tiếp tay cho TQ như một sự đồng tình miễn sao đem đến nguồn lợi cho cá nhân nhiều hơn là vì lợi ích lâu dài của đất nước.
Câu chuyện biển Đông cũng như câu chuyện TQ xua người qua làm việc và sinh sống trong những công ty, nhà máy nhiệt điện, các khu công nghiệp mà họ đã được cấp phép hoặc mua lại của những cty đã phá sản dọc từ Bắc chí Nam. Các thành phố của người TQ đã và đang hình thành một cách rốt ráo trên khắp các vùng miền của đất nước ta…đã cho thấy kế hoạch lấy đàn ông TQ kết hôn với phụ nữ Việt rồi sinh con đẻ cái thành người mang họ TQ là một âm mưu đồng hoá rất dễ dàng nhận thấy.
 Mới đây, lùm xùm việc người TQ xây dựng gần xong cả dãy phố Tàu tại Tp Đà Nẵng rồi mới bị cơ quan chức năng phát hiện, hay một dự án cực kỳ quan trọng mang tầm chiến lược lại được giao cho TQ. Đó là dự án hai bên bờ dọc theo sông Hồng. Tất cả đã cho thấy dường như kế hoạch chiếm trọn VN của TQ đang dần thành hình và thời gian đó không còn bao lâu nữa.
Bài viết dưới đây mượn lời của một người Nhật vốn sinh sống và làm việc tại Việt Nam khá lâu. Anh bạn này có góc nhìn rất khác đối với kế hoạch xâm lược Việt Nam của Trung Quốc, đồng thời châm biếm, đả kích sự thờ ơ của một số vị lãnh đạo tỉnh thành trước mối đe dọa đặt ra cho đất nước. Tâm sự của anh như sau:

Lời Chia Tay

Posted by adminbasam on 13/04/2017

Ngọc Thu
13-4-2017
Kính thưa quý độc giả trang Ba Sàm,
Dù không muốn nhưng không thể khác nên tôi đành viết thư này, tạm biệt quý vị. Thư có thể làm nhiều người thất vọng nhưng xin đại xá.
Năm 2009, khi Ba Sàm gần 2 tuổi, anh Trần Hoàng đã ngưng cộng tác với anh Vinh, một mình anh Vinh không thể kham nổi công việc, “xin đi nhà trẻ”, tôi đã nhận lời phụ với anh Vinh một tay.
Tôi chưa bao giờ làm loại việc nào giống như công việc với trang Ba Sàm, từ Biên tập viên đến kỹ thuật. Kể từ tháng 6 năm 2011 đến nay, trung bình mỗi ngày làm hơn 10 tiếng, mỗi tuần đủ bảy ngày, mỗi tháng đủ 30 ngày, không ngưng nghỉ, không thù lao, ròng rã như thế cũng đã gần tám năm.