Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Bàn về tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân

Nguyễn Đình Cống
Vừa qua Bauxitvn và Báo Tiếng Dân đăng bài “Giá lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi, số 23)” của GS Tương Lai, nhân kỷ niệm lần 95 ngày sinh Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau khi đọc kỹ bài viết, tôi tìm nghiên cứu lại bức thư nổi tiếng của ông Kiệt gửi Bộ Chính trị năm 1995. Tôi không có dịp gặp gỡ, trao đổi ý kiến với ông, chỉ biết Cố Thủ Tướng qua những việc làm, bài viết của ông, và qua các bài viết về ông. Vì vậy những điều tôi trình bày sau đây, một phần dựa vào các thông tin có hạn, phần khác dựa vào cảm nhận. Nếu nó đúng được chút nào mong được chia sẻ, nếu có chỗ nào chưa chính xác, mong được các vị hiểu rõ hơn cải chính.
Tôi thấy trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, ông Võ Văn Kiệt là một trong những người xuất sắc, có nhân cách và phẩm giá rất tốt. Sẽ là phúc lớn cho đất nước, dân tộc khi có được nhiều người như ông và những người như thế liên kết được lại với nhau để tạo thành sức mạnh tổng hợp của trí tuệ và lòng nhân ái. Tiếc thay, đó chỉ mới là mơ ước.
Trí tuệ, sự dũng cảm, lòng nhân ái, sự bao dung của ông Sáu Dân-Võ Văn Kiệt đã được viết nhiều, đặc biệt là những bài của các anh Tương Lai, Nguyễn Trung, Việt Phương, tôi xin không nhắc lại, tôi tin vào sự trung thực của những trí thức chân chính. Tôi chỉ muốn nêu một ý có tính cách phản biện để cùng nhau suy nghĩ.

Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

THANH TRA ĐẤT ĐỒNG TÂM: Bài 1: CÓ AI TIN VÀO THANH TRA HÀ NỘI?

-Nguyễn Đăng Quang-



Biến cố Đồng Tâm đã để lại nhiều bài học đau xót. Một trong các bài học này chính là công tác thanh tra. Những bức xúc, bất bình và khiếu nại của người dân chất chứa trong nhiều năm về những sai phạm trong việc sử dụng, quản lý đất đai ở xã Đồng Tâm và sân bay Miếu Môn không hề được các cấp chính quyền Hà Nội xem xét, giải quyết! Ngày 20/4/2017, UBND Hà Nội thông báo mới quyết định lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra toàn diện vấn đề đất đai ở Đồng Tâm và cam kết sẽ phán xử công minh! Nhưng rồi sau đó, kết luận phũ phàng của Thanh tra Hà Nội làm người dân Đồng Tâm từ chỗ chưa kịp lóe lên niềm HY VỌNG đã sớm tắt ngấm LÒNG TIN vào chính quyền! Đúng như KTS Trần Thanh Vân, trong “Thư gửi ông Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung”, đã thẳng thắn đánh giá bản kết luận của Thanh tra Hà Nội là “coi thường sự thật, thậm chí còn lươn lẹo, dối trá”! Còn nhà báo Nguyễn Đình Ấm viết trong “Thư ngỏ gửi Thanh tra và Công an Hà Nội về vụ Đồng Tâm”, đưa ra nhận định rất xác đáng: Các vị đã cố tình làm “rối trí người đọc” để “phức tạp hóa” tình hình một sự việc vốn rất đơn giản!  
Như tất cả mọi người đều đã biết, ngày 22/4/2017, trong bản “Cam kết 3 điểm” với người dân Đồng Tâm, ngay tại điều cam kết đầu tiên, ông Chủ tịch Hà Nội đã viết rất rõ ràng : “Trực tiếp kiểm tra Đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực khách quan và đúng pháp luật khu vực đất Đồng Sênh rõ ràng đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật.”

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Hậu APEC: Chính trường Việt Nam ‘sẽ có kịch hay’?

Phạm Chí Dũng
“Hoa đến kỳ thì hoa phải nở - Đò đã đầy thì đò trở sang sông”. Chẳng nên quan tâm nhiều đến sự thế chân như một quy luật tất yếu giữa các thế hệ, dầu trong một đảng mà quyền lực đang luôn là mục tiêu để gầm ghè nhau thì cũng vậy. Việc ông Trọng buột thốt ra một cách quá “hồn nhiên lão làng” trong cuộc thưởng trà với sói già họ Tập ở ngôi nhà sàn của cố Chủ tịch Hồ cho thấy ông ấy đã tại vị hơi lâu ở cái tuổi “già thì nói lẫn” thật rồi. Vấn đề là người sẽ kế chân ông, dù là ông Trần Đại Quang hay ai đi nữa, trong mỗi cuộc trình diễn trên sân khấu chính trường hiện tại, có thấp thoáng .phía sau cái bóng lừng lững của chính con sói đang/đã gật gù với cụ Tổng, vờ làm cách vui vẻ nghe cụ khen trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam hay không, và cái bóng hay cười gằn đó mờ rõ đến chừng nào. Đó mới là điều 90 triệu quốc dân quan tâm nghe ngóng, vì nó là thước đo để xem người có khả năng kế chân ấy là lú hay không lú, lú nhiều hay lú ít, sớm lú hay chậm lú, thưa bạn Phạm Chí Dũng.
Bauxite Việt Nam
Ông Trọng và ông Tập ở Hà Nội.
Chỉ trong vòng một tháng, chính trường Việt Nam đã diễn ra hai hiện tượng hoàn toàn phản ngược.
Phản ngược
Vào những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, trên các mặt báo nhà nước Việt Nam tràn ngập hình ảnh Trần Đại Quang – Chủ tịch nước – trong các cuộc gặp đa phương lẫn song phương với các nguyên thủ quốc gia, kể cả bộ ba quyền lực mạnh nhất trên thế giới là Donald Trump, Vladimir Putin và Tập Cận Bình.
Trong lúc đó, người ta lại không hề thấy bóng dáng Tổng bí thư đảng là ông Nguyễn Phú Trọng tại các cuộc hội đàm cao cấp APEC. Chỉ sau khi Trump lên máy bay và Tập Cận Bình đến Hà Nội, người ta mới nhìn thấy ông Trọng “tay bắt mặt mừng” với họ Tập tại Phủ Chủ tịch chứ không phải ở Văn phòng trung ương đảng.
Một tháng trước đó, tại Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền, đã gần như chỉ độc tôn hình ảnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trên mặt báo nhà nước, trong khi hình ảnh của ông Trần Đại Quang hầu như “biến mất” – như thể tình trạng bị xem là “mất tích” của ông Quang vào tháng Tám năm 2017 sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” theo cách gọi của Nhà nước Đức, hoặc còn được gọi cách khác là “Trịnh Xuân Thanh đầu thú” theo lối đặt câu của công an Việt Nam và rút tít của báo đảng.
“Trọng tiếp; Quang đón, hội đàm; Phúc hội kiến Trăm”
Lẽ đương nhiên, có thể lý giải sự vắng mặt của ông Nguyễn Phú Trọng trong việc đón tiếp và hội đàm với nguyên thủ quốc gia các nước tại APEC Đà Nẵng là bởi ông không phải… nguyên thủ quốc gia.
Nhưng không ít người vẫn nhớ sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng đã được Tổng thống Mỹ Obama đặc cách tiếp như một nguyên thủ quốc gia tại Phòng Bầu Dục vào tháng Bảy năm 2015 như thế nào, lẫn việc ông Trọng đã như một nguyên thủ quốc gia tiếp đón ông Obama tại Hà Nội vào tháng Năm năm 2016 ra sao.

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Hãy nghe và hãy nhìn vào người dân trên đường phố (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 22)

Tương Lai
Không thể chuyển dịch bán đảo hình chữ S nằm ở rìa Đông Nam lục địa châu Á nhìn ra Biển Đông ra xa khỏi cái “lục địa khổng lồ” này, chứ nếu được thì ông cha ta đã tính đến kế đó từ lâu! Để gì? Để tránh xa ông láng giềng khó chơi vì mộng bành trướng của các vương triều Trung Quốc chưa bao giờ nguôi, mà nước ta lại là đối tượng trực tiếp và thường xuyên nhất. Có lẽ chỉ có sự vận động của vũ trụ nói chung, của quả đất nói riêng, mới làm được việc đó, nhưng lúc ấy thì tất, tất cả chúng ta đã là tro bụi trầm tích dưới nhiều tầng địa chất ở đâu đó rồi! Thì chẳng thế sao?
Nhân sắp đến ngày 20 tháng 11 tôi tìm đọc lại những trang trong cuốn Thiên nhiên Việt Nam của thầy tôi, Gs Lê Bá Thảo, “một cuốn sách vượt hẳn lên mọi cuốn sách địa lý Việt Nam đã được xuất bản đến hôm nay… vạch ra được những đường nét của một tổ chức lãnh thổ mới cho những thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba” như giới học giả quốc tế đánh giá. Cuốn sách này người thầy kính yêu đã tặng tôi ngày 24.1.1991 khi hai thầy trò chúng tôi cùng tham gia trong Hội đồng nghiệm thu một đề tài khoa học cấp nhà nước Nghiên cứu về Đồng bằng Sông Cửu Long (tên cụ thể thì tôi quên mất rồi, còn tên tác giả, một giáo sư danh tiếng ở nước ngoài về, tôi không tiện nhắc tên).
Dừng lại suy nghĩ những trang về cấu tạo địa hình đất nước, thầy tôi viết: “Bây giờ nếu chúng ta quay trở về được cách đây chừng vài trăm triệu năm thì có lẽ cảnh tượng đất nước sẽ làm chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta sẽ không thấy có dải đất hình cong chữ S quen thuộc mà chỉ có một vài khối núi lớn bị san bằng nổi chơ vơ trên biển cả”!... Để làm được trọn vẹn công việc của mình, thiên nhiên đã phải bỏ công sức đến hàng trăm triệu năm, không kể những giai đoạn trước đó… Thế mà con người chỉ mới xuất hiện trên bề mặt trái đất này nhiều nhất là 3 triệu năm, còn chúng ta thì cố gắng lắm cũng chỉ sống được khoảng trên dưới 100 năm… Đất nước chúng ta cho đến giờ vẫn chưa phải đã chấm dứt sự tiến hóa của nó…: năm 1923, một vài đảo, trong đó có đảo Tro, bỗng xuất hiện ở ngoài khơi bờ biển Nha Trang để rồi chìm xuống đáy sâu, khi biến đi cũng đột ngột như khi xuất hiện. Sự phát triển lâu dài của đất nước ta để lại dấu vết ở khắp nơi và có nhiều cảnh tượng thực sự không hiểu được nếu chúng ta không tính đến điều đó.

Trách nhiệm chính trong việc làm chết lâm sàng nền giáo dục

Nguyễn Đình Cống
Gần đây Nguyễn Thượng Long, một nhà giáo, viết loạt bài "Nghề cao quý đã chết lâm sàng" trình bày sự ngắc ngoải của nền giáo dục Việt Nam. Sau khi nêu ra và phân tích nhiều hiện trạng đau lòng, Nguyễn Thượng Long viết: "Có hợp lí không khi quy hết trách nhiệm làm hư hỏng thế hệ trẻ cho ngành GD - ĐT? Câu hỏi này nằm ngoài phạm vi bài viết của tác giả". Tôi thông cảm với thày Long. Thày biết trong việc này, ngành GD - ĐT vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, còn trách nhiệm chính ở cao hơn, có thể thày biết, nhưng chưa có dịp nói ra. Tôi xin tiếp lời.
Trước đây, tôi đã có nhiều bài báo và thư gửi Quốc hội cũng như Bộ Giáo dục về các vấn đề giáo dục. Chỉ xin nhắc lại vài ý.
Trong thư gửi Quốc hội vào tháng 3-2010 tôi nêu 6 nguyên nhân làm GD xuống cấp và đề nghị 6 biện pháp để chấn hưng. Xin nêu lại 2 nguyên nhân đầu tiên là: 1- Sự quá duy ý chí của lãnh đạo cấp nhà nước trong việc phát triển GD; 2- Nhà nước và Quốc hội cử nhầm người kém tài năng làm Bộ trưởng GD.
Trong thư gửi Quốc hội vào tháng 6-2014, tôi viết "Đổi mới toàn diện GD là việc chưa thể thực hiện" vì không thể tách GD ra khỏi nền tảng xã hội tràn ngập các tệ nạn. Trong một thể chế độc tài toàn trị đầy rẫy tham nhũng, nạn mua quan bán chức là quá phổ biến, nền GD chỉ có thể sửa chữa một số sai lầm, làm một số giải pháp tình thế. Nếu chưa có cải cách về thể chế để dẹp bỏ tham nhũng và kiến lập nền dân chủ thực sự mà cứ cố đổi mới toàn diện GD thì chỉ tiêu tốn thời gian, sức lực và tiền của để thay các sai lầm này bằng các sai lầm khác mà thôi.
Trong bài "Bàn về triết lí GD" (tháng 12-2016), tôi viết rằng nền GD Việt Nam đi chệch hướng là vì bị chính trị hóa, bị dùng để phục vụ cho ý thức hệ của Đảng Cộng sản, nhằm đào tạo ra những người chủ yếu chỉ biết thừa hành sự lãnh đạo của đảng. Vậy để cứu nền GD thì trước hết cần thoát li chính trị, đưa GD trở về với nhân văn và khoa học.

THÀY, TRÒ THPT TÔ HIỆU SƠN LA HỌP MẶT KỶ NIỆM NGÀY 20/11 TẠI HÀ NỘI

( Tiếc là thiếu ảnh 63 trò chụp chung với thày, cô vì tôi ngồi để chụp nên ko bấm máy được ) !





Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Đâu mới là nhân cách thật sự của nguyên thủ một cường quốc?

FB Tran Hung
Chắc hẳn đến hôm nay, những người mang tư tưởng ghét Trump vẫn nhìn ông bằng con mắt khinh thường, căm ghét vì "quá khứ dơ dáy" của ông được truyền thông bẩn, truyền thông cánh tả thổi phồng, dựng chuyện. Sự ác cảm thái quá kia đã gián tiếp xúc phạm danh dự đại đa số công dân Mỹ vì họ đã tin tưởng, bầu chọn Trump làm tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Hãy bỏ qua những ác cảm định hướng kia đi để làm một con người biết phân biệt trắng đen. Những hành động của Trunp và phát ngôn của ông khi đặt chân đến Đà Nẵng trong vai trò nước lớn đủ cho chúng ta thấy đâu là nhân cách thật sự của một nguyên thủ cường quốc.
Mở đầu cho CEO APEC Summit ngày 10-11-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ về những tổn thất mà người dân Việt Nam đang gánh chịu do cơn bão số 12 gây ra "Người dân Mỹ đang cầu nguyện cho các bạn và mong các bạn khôi phục trong những tháng tiếp theo. Trái tim chúng tôi hướng về những người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng của cơn bão khủng khiếp này" - ông thay mặt người Mỹ hướng về Việt Nam và cầu nguyện cho Việt Nam. Điều mà nước chủ nhà, nơi tang thương xảy ra mới toanh nhưng vẫn vô cảm thi mông, đọ dáng... và mọi hoạt động chính trị khác cũng không hề có lấy một lời chia sẻ, nguyện cầu.
Tại sao Trump không ca ngợi vua Hùng, ca ngợi các anh hùng dân tộc khác mà lại ca ngợi Hai Bà Trưng? Bởi vì ông thừa biết rằng khi ông ở đây, vợ ông đang tung tăng bên Trung Quốc và ngoài kia bao nhiêu giai nhân đang lượt là, vui tươi thì phía sau song sắt nhà tù cộng sản, những kẻ độc tài đang vùi dập các hậu duệ của Hai Bà Trưng như Cấn Thị Thêu, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga... bằng những bản án tận cùng của sự khốn nạn.
Tại sao ông nói: "Đà Nẵng trước đây là căn cứ quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ, nơi chứng kiến nhiều trận đánh thương đau. Nhưng giờ đây không còn nữa, thành phố này đang phát triển rất nhanh chóng và đạt được những tiến bộ đáng nể"? Bởi ông thừa hiểu rằng dù chiến tranh có người Mỹ tham chiến đã đi qua từ rất lâu, mọi sự đã trở về bình thường, tốt đẹp đáng nể nhưng cộng sản Việt Nam vẫn nuôi lòng căm thù, ngoài miệng giả nghĩa, giả nhân, giả lả rằng "khép lại quá khứ, mở ra tương lai, hòa hợp hòa giải" nhưng luôn đối xử tệ bạc với "quá khứ" bằng chủ nghĩa lí lịch, đàn áp người Công giáo, cắt cổ dân lành chỉ vì tấm vải màu vàng...

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Chịu thua dân ư, chịu sao thấu! (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 21)

Tương Lai
Nhưng đó là chuyện nhãn tiền.
Chiều 8.11.2017 dân Đồng Tâm tổ chức cuộc họp trực tuyến phản bác lại lời của Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội phát biểu trước Quốc hội hôm 7.11.2011:
“Khi cơ quan điều tra tiến hành bắt giữ ông Lê Đình Kình, gia đình nhà ông Lê Đình Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và đã xảy ra cái việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân… Không có vấn đề gì liên quan đến quá trình lực lượng thực thi nhiệm vụ đánh gây thương tích ông Kình. Ở đây hoàn toàn trong quá trình giằng co giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ, và gia đình ông Kình đã xông vào cản trở cơ quan điều tra, dẫn đến việc đáng tiếc như vậy”. Đài BBC đưa ngay tin này và tường thuật tỉ mỉ như sau:
Ông Kình cho biết hôm 15/4 các cán bộ yêu cầu cụ ra chỉ mốc giới ở khu đất tranh chấp với chính quyền, tuy nhiên cán bộ sau đó yêu cầu người dân ra về, chỉ còn lại vài người trong đó có hai ông Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Vệ và bà Hoàng Thị Thăng. Theo lời ông Kình, một cán bộ đã nổ súng bắn chỉ thiên và ngay sau đó ông bị một cán bộ “đá văng” làm gãy xương đùi. “Hai cảnh sát cơ động, mỗi người khiêng tay và chân tôi, quăng lên xe như một con thú”, ông Kình giữ nguyên cáo buộc từng tuyên bố suốt nhiều tháng qua. “Lúc đó chỉ có con tôi là Lê Đình Công đã bị bắt trước cả tôi, còn lại thì ở nhà. Không có chuyện gia đình giằng co làm gẫy chân tôi”. “Vì vậy lời nói của ông Đào Thanh Hải là không đúng. Công an Hà Nội vừa đá bóng, vừa thổi kèn và vu khống cho vợ con tôi”, ông Kình nói. Hai ông Hiểu và Vệ và bà Thăng cũng xuất hiện trong video phát trực tuyến trên Facebook xác nhận lại lời tường thuật của cụ Kình.

Ông Hiểu nói: “Hôm đó tôi đi cuối hàng, đang đi thì nghe phát súng, tôi ngẩng lên thì thấy Trần Thanh Tùng, Phó Giám đốc công an huyện đá cụ Kình ngã, cặp đựng tài liệu của cụ văng lên. Họ cũng bắt tôi, nhưng khi đẩy đến gần xe thì tôi giằng ra và bỏ chạy được”.

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

NẾU FACEBOOK, GOOGLE RA ĐI, SỰ THỤT LÙI SẼ Ở LẠI!

Lê Ngoc Sơn
Việc Facebook, Google có thể rời khỏi Việt Nam nếu Dự thảo Luật an ninh mạng được thông qua, chưa biết thiệt hại của hãng này sẽ như thế nào, nhưng sự tụt hậu mà đất nước gánh phải do thiếu nó sẽ là điều chúng ta phải đối mặt.
Có lẽ Dự luật An ninh mạng với yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt “máy chủ quản lý dữ liệu” trên lãnh thổ Việt Nam vừa thể hiện tầm nhìn hạn chế của các cách nhà làm chính sách về quản lý công nghệ trong kỷ nguyên số.
Điều đó, nếu được thông qua, sẽ làm cho giấc mơ “cách mạng công nghiệp 4.0” của Việt Nam trở nên xa vời.
Chẳng hiểu sao câu chuyện trên làm tôi nhớ lại câu chuyện đồn đoán trong giới dạy học tại Hà Nội.
Một vị giáo sư về truyền thông một hôm được mời đến dạy ở một trường đại học với cơ sở khang trang. Mới vào đến lớp, ông đập bàn mắng té tát: Sao cái trường hiện đại thế này mà không có wifi? Lớp trưởng mặt tái mét đứng dậy thưa là phòng học có wifi để sinh viên có thể tra cứu thông tin trên mạng.
Vị giáo sư liền mắng xối xả: - “Tại sao bảo có wifi mà không thấy ổ cắm ở đâu?”
Tất cả hơn 100 sinh viên trong lớp mắt chữ “o” mồm chữ “a” nhìn nhau ngơ ngác.
Còn câu chuyện ông Cục trưởng Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu ông không dùng mạng xã hội hay các ứng dụng miễn phí nhắn tin vì thấy… phức tạp cũng rất đáng suy nghĩ.
Những câu chuyện dở khóc dở cười trên đây và câu chuyện Dự luật An ninh mạng có điểm chung: dường như những người cần có trách nhiệm trong lĩnh vực của mình thiếu am hiểu đúng bản chất và sự phát triển của công nghệ.
Một khi những người được giao trọng trách không am hiểu lĩnh vực của mình, quyền lợi của một quốc gia sẽ bị đánh mất.

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

BIẾN CỐ ĐỒNG TÂM: CÔNG AN HÀ NỘI NÊN SỚM ĐÌNH CHỈ 2 VỤ ÁN HÌNH SỰ ĐÃ KHỞI TỐ (tiếp theo và hết)

Nguyễn Đăng Quang
Trong bài viết với cùng đầu đề này hơn một tuần trước đây (2/11/2017), tôi có đề đạt ý kiến là Ban Giám đốc CAHN nên sớm xem xét để đình chỉ 2 vụ án mà Cơ quan CSĐT của CAHN đã khởi tố hôm 13/6/2017: Đó là quyết định khởi tố 2 vụ án hình sự “Bắt, giam giữ người trái pháp luật” và “Hủy hoại, làm hư hỏng tài sản” xảy ra trên địa bàn xã Đồng Tâm hôm 15/4/2017. Trong bài viết đó, tôi có hứa là sẽ trình bày (đưa ra) cơ sở, lý lẽ và lập luận cho kiến nghị này của tôi để các cơ quan hữu quan xem xét. Nói đến các cơ sở và lý lẽ cho kiến nghị này, có thể kể ra rất nhiều, nhưng tôi chỉ xin vắn tắt trình bày 3 vấn đề chủ yếu để Ban Giám đốc Công an Thành phố xem xét, cân nhắc mọi mặt nhằm sớm đưa ra quyết định đình chỉ 2 vụ án hình sự nói trên. Ba vấn đề này là:
1. Xây dựng LÒNG TIN, và không để mất NIỀM TIN: Trước tiên và trên hết, phải xây dựng LÒNG TIN! Nói về chữ TÍN (tức lòng TIN) cha ông ta xưa nay luôn coi là điều cốt tử! Các chính khách ngày nay dù ở phương Đông hay phương Tây, dù theo thể chế nhà nước hay xu hướng chính trị nào cũng đều nhận thức và thấy rõ vấn đề cốt lõi này! Cách đây đúng một tháng, chính TBT Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu ĐCSVN đã kêu gọi các cấp ủy Đảng và toàn bộ máy chính quyền các cấp: “Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân TIN và chế độ ta còn, Đảng ta còn! Ngược lại, nếu ta làm trái lòng dân, để mất NIỀM TIN là mất tất cả!” (Diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, sáng hôm 11/10/2017).

NÓNG: BIỆT PHỦ CỦA BÍ THƯ HUYỆN ỦY MỘC CHÂU (SƠN LA)



H1


Sơn La: Ngắm "dinh thự" đang xây 
của Bí thư Huyện uỷ Mộc Châu 

An Nhiên
Báo Gia đình
Thứ ba, 31/10/2017, 09:32 AM 

Thông tin việc ông Hà Trung Chiến, Bí thư huyện uỷ Mộc Châu (Sơn La) đang xây dựng ngôi “biệt thự” sang trọng với giá trị lớn khiến dự luận quan tâm. 

Trước thông tin trên, trao đổi với phóng viên báo Gia đình Việt Nam, ông Hà Trung Chiến cho biết: Ngôi nhà gia đình ông đang xây nằm ở tiểu khu 32 thị trấn Nông trường Mộc Châu. Ngôi nhà này xây 2 tầng và 1 tầng hầm. Diện tích nhà xây dựng là 468m2. 

“Giá tiền lúc đầu tôi dự định làm khoảng 1 tỷ đến 1,5 tỷ nhưng anh em thiết kế hơi quá tay nên bây giờ làm thì làm cho đến cùng. Sau này không ở thì còn làm kinh doanh…”- Ông Chiến thẳng thắn nói.
  
Theo ông Chiến, do phong cách là nhà Thái, hè chạy xung quanh nhà rất là to, nên giống biệt thự.

 
 H2 .Toàn cảnh về ngôi nhà của Bí thư huyện Uỷ Mộc Châu đang chuẩn bị hoàn thiện

Nói về nguồn gốc đất, ông Chiến cho biết, khi mới về đây ông đã mua 2 mảnh vườn dưới tiểu khu 32. Mảnh thứ nhất là 1.755.8m2, mảnh thứ 2 là 1.359m2. 

“Mua ở đó, mỗi năm tôi đổ đất 1 tý. Năm vừa rồi được tuổi tôi mới làm nhà và khi làm tôi có kê khai, có báo cáo, có giấy phép xây dựng. Việc xây nhà đấy, tôi thừa nhận nhìn có vẻ to vì cốt đường thấp hơn mặt đường nên bắt buộc có tầng hầm ở dưới. Riêng tầng hầm đã hơn 100m2 rồi. Còn diện tích ở là tầng 1, tầng 2”- Ông Chiến cho hay.

   
H3 .Tường bao quanh được làm 2 lớp, phía dưới làm bằng đá cao, 
phía trên xây bằng gạch bê tông.

Ông Chiến cho biết thêm, do phong cách là nhà Thái, hè chạy xung quanh nhà rất là to, nên giống biệt thự. Còn diện tích đất ở cả nhà có 3 phòng ngủ.

 H4 .Theo ông Chiến, diện tích xây dựng là 468m2

“Tôi về đây 7 năm, đi thuê nhà đến lần thứ 5, có những lần nửa đêm cháy nhà tôi phải bế con ra đường đứng. Có những ngôi nhà thuê được hai tháng bị người ta lại lấy nhà. Cho nên tôi có 1 ngôi nhà để ở cũng giống như mọi người thôi. Tôi biết, giờ lò đã nóng lên rồi mình cháy lúc nào không biết đâu, không có cách nào bằng cách trung thực cả”- Ông Chiến giãi bày.



H5. Nhiều người còn đánh giá, ngôi nhà được xây dựng trên mảnh đất khá phong thuỷ



Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Kẻ ấu trĩ, cực đoan ngăn chặn văn minh khoa học



Con người được tự do tiếp cận thông tin bao nhiêu thì trí tuệ sẽ giàu có bấy nhiêu. Con người được tự do thể hiện suy nghĩ bao nhiêu thì phát minh sáng tạo sẽ phong phú rực rỡ bấy nhiêu.
Hạn chế, cấm đoán người dân tiếp cận thông tin là hạn chế cấm đoán người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học công nghệ của loài người. Đó là chính sách ngu dân. Đó là kìm hãm sức phát triển của dân tộc. Chính sách đó không chỉ là đại trọng tội với một dân tộc mà còn là trọng tội với tiến bộ nhân loại.

HẠN CHẾ, CẤM ĐOÁN NGƯỜI DÂN TIẾP CẬN VỚI TIẾN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ LÀ KÌM HÃM SỨC PHÁT TRIỂN CỦA DÂN TỘC
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng Việt Nam đang dấy lên sự lo lắng về những quy định hạn chế tiếp cận thông tin mà chính quyền có thể đưa ra, vì chính quyền lo lắng không thể kiểm soát được thông tin. Hệ quả trực tiếp là người Việt có nguy cơ bị hạn chế trong tiếp cận với những sáng chế của loài người như Google hay Facebook.

1. TIẾN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ SỰ THAY ĐỔI KHẢ NĂNG SÁNG TẠO Ở CÁC NƯỚC CHẬM PHÁT TRIỂN
Vũ trụ không ngừng phát triển và đổi thay. Đó là quy luật của vũ trụ. Xã hội loài người là sản phẩm của vũ trụ nên cũng không ngừng phát triển và thay đổi.

Sau thế kỷ “đỏ” sẽ là thế kỷ “xám”?

Một câu hỏi trong khi nghĩ về 100 năm Cách mạng Tháng Mười và Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa mới bế mạc
Nguyễn Trung
Vâng, sau thế kỷ “đỏ” có thể sẽ là thế kỷ “xám”!?
Đấy là ý nghĩ ngay tức khắc của tôi, sau khi thấy thiên hạ đưa ra khái niệm thế kỷ “đỏ” trong bàn luận về 100 năm Cách mạng Tháng Mười. Nhất là ít lâu nay đó đây trên thế giới đã có ý kiến coi thế kỷ 21 là của Trung Quốc…
I. Về ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười
Thừa nhận những ảnh hưởng sâu rộng toàn cầu của Cách mạng Tháng Mười Nga (CMTM), nhiều báo chí và học giả trên thế giới gọi 100 năm qua là thế kỷ “đỏ”. Đánh giá này trước hết dựa vào những tác động của Cách mạng Tháng Mười đã làm thay đổi sâu sắc diện mạo thế giới và xu thế phát triển của nó với những dấu ấn khác nhau suốt 100 năm qua, mặc dù nước Nga của Tổng thống Putin không có lễ kỷ niệm sự kiện này.
Sự thật là:
- CMTM đã diễn ra như một tất yếu lịch sử của sự phát triển ở nước Nga đã đi tới bước khốn cùng và trong bối cảnh phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang ở đỉnh cao trong cuộc đấu tranh chống lại sự bóc lột tàn tệ của chủ nghĩa tư bản tại thời kỳ này. Cuộc cách mang này mang trong nó những lý tưởng cao đẹp về giải phóng con người, hứa hẹn khả năng mở ra một con đường phát phát triển mới đầy hy vọng, vì lẽ này nó được coi như mùa xuân của nhân loại, đã cổ vũ nức lòng trào lưu tiến bộ trên thế giới. Những người chống lại quan điểm này gọi CMTM là một cuộc đảo chính bôn-xê-vich!
- Xuất hiện cường quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN) Liên Xô với tính cách là một trong những yếu tố quyết định cùng với các lực lượng đồng minh đánh bại các thế lực phát xít trong Chiến tranh Thế giới II.
- Tạo ra sự hình thành hệ thống thế giới XHCN - trong đó có sự ra đời của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) - đối kháng với hệ thống của chủ nghĩa đế quốc, làm xuất hiện cục diện chiến tranh lạnh I với nội dung “2 phe 4 mâu thuẫn”.
- Thúc đẩy và hậu thuẫn mạnh mẽ phong trào giành độc lập dân tộc của các nước thế giới thứ ba - qua đó góp phần quan trọng vào việc xóa bỏ chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa thuộc địa. Trong quá trình phát triển này chủ nghĩa đế quốc với nội hàm cổ điển coi như đã cáo chung.
- vân vân…
Cùng với những thay đổi tự thân tất yếu trong quá trình phát triển cũng như trong quá trình tham gia toàn cầu hóa của các nước phương tây - đứng đầu là Mỹ, sự xuất hiện hệ thống thế giới XHCN đã góp phần nhất định vào những thay đổi ở các nước phương Tây với những nội dung như: khắc phục ở mức có thể những khuyết tật của hệ thống tư bản chủ nghĩa, chuyển sang giương cao ngọn cờ tự do - dân chủ - nhân quyền và ngọn cờ toàn cầu hóa, tham gia vào và đẩy mạnh cuộc đấu tranh “ai thắng ai?” do phe XHCN đề xướng giữa hai con đường XHCN và TBCN trong chiến tranh lạnh…
Có thể sẽ không phải là quá lời nếu nói rằng: Trong suốt thời kỳ này các nước phương Tây đã có những thay đổi theo hướng tự hoàn thiện và nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình để thích nghi với cục diện quốc tế ở thời kỳ này. Một phần đáng kể những thay đổi này đã chịu những tác động nhất định trực tiếp hoặc gián tiếp từ hệ thống thế giới XHCN - rõ nét nhất là những diễn biến trong khoảng thời gian này đã làm xuất hiện và cuối cùng là đã làm mất đi chủ nghĩa thực dân mới của các nước phương Tây, vì phương thức này đã trở thành “đồ cổ” trong cục diện mới của thế giới đương thời. Có lẽ cũng không sai nếu cho rằng CNTB đã học được nhiều điều và khai thác được đáng kể những khuyết tật của hệ thống thế giới XHCN; đến lượt nó - chủ nghĩa tư bản, đã tích cực tham gia hoặc tạo ra được những ảnh hưởng/tác động vào quá trình làm sụp đổ hệ thống thế giới XHCN. Tuy nhiên trước sau vẫn phải nhấn mạnh: Sự sụp đổ của các nước Liên Xô - Đông Âu (LXĐÂ) trước hết và chủ yếu là do các nguyên nhân tự thân bên trong của những quốc gia này.

Lénine, trí thức hay đồ tể?

Từ Thức
Cái ông Lénine khát máu đó, đã gây kinh hoàng hơn cả chủ nghĩa nazi, người ngày nay cả thế giới muốn quên lãng, lại là người mà toàn bộ lãnh đạo VN đứng xếp hàng kính cẩn tưởng niệm.
Trong khi các nhà lãnh đạo VN, áo quần bảnh bao, đứng xếp hàng tưởng niệm Lénine (Lenin) và công đức của cuộc Cách mạng Tháng Mười, người Việt nên tìm hiểu về Lénine để biết các cụ, các bác tính dẫn dân tộc vào con đường nào.

Sáng 5-11, tại Công viên Lê Nin (Hà Nội), Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP Hà Nội đến dâng hoa tưởng niệm tại Tượng đài V.I. Lénine, nhân Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 – 7-11-2017). Ảnh: Ý Như.
Rất nhiều sách báo về Lénine đã ra đời nhân dịp 100 năm Cách Mạng Tháng Mười. Nếu chỉ cần đọc một cuốn, cuốn đó là một tác phẩm mới in của Stéphane Courtois, “Lénine, l’inventeur du totalitarisme” (Lénine, người sáng tạo chủ nghĩa toàn trị)(1).
Stéphane Courtois là một nhà nghiên cứu, một sử gia có thẩm quyền nhất về cộng sản, tác giả 30 cuốn sách về chế độ độc tài đỏ. Ông là người điều khiển ban biên soạn cuốn “Le Livre Noir du Communisme” (Cuốn sổ đen của chủ nghĩa cộng sản)(2) cách đây 20 đã gây tiếng vang lớn, đã được dịch ra 26 thứ tiếng, bán trên một triệu bản. Trong một hồ sơ trên 800 trang, các tác giả đã vạch trần, với sự chính xác của các nhà nghiên cứu khoa học và con mắt phân tích của sử gia, những tội ác đối với nhân loại của các chế độ CS.
Trong “Lénine, l’inventeur du totalitarisme”, 450 trang do nhà xuất bản Perrin, Paris xuất bản, Stéphane Courtois thuật lại cuộc đời của Lénine, qua nhiều tài liệu chính tay Lénine viết, để chứng minh Lénine thực sự là cha đẻ của chủ nghĩa toàn trị, với những phương pháp tàn bạo sau này đã được những Mussolini, Hitler áp dụng, những đệ tử như Staline, Mao, Pol Pot thực thi.
Lénine, cha đẻ của bạo lực

Sau khi những tội ác kinh hoàng của chế độ CS bị phát giác, guồng máy tuyên truyền của Nga Xô Viết, với sự đồng lõa của trí thức thiên tả Tây phương, tìm cách đổ hết tội ác lên đầu đồ tể Staline, khoác cho Lénine cái áo một lý thuyết gia trí thức.

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

PHI CÔNG VIỆT NAM CƯỚP MÁY BAY TRỰC THĂNG CHẠY TRỐN SANG TRUNG QUỐC NĂM 1981

 Tạp chí TÂN LÃNG QUÂN SỰ (Quân Sự Làn Sóng Mới) 新浪军事 
Ngày 21-9-2015 
(越南飞行员夺取美制直升机投奔中国)

BẢN DỊCH:
 “Năm 1979, giữa Trung Quốc và Việt Nam nổ ra cuộc phản công tự vệ chống Việt cộng, mối quan hệ giữa hai nước đã tụt xuống dưới điểm đông lạnh (0 độ), trong những năm Tám mươi sau khi hai nước tiếp tục đối đầu, ở các ngọn núi Pháp Ca Sơn, Khấu Lâm Sơn, Lão Sơn, khu vực này cũng đã xảy ra xung đột biên giới, thời gian kéo dài trong 10 năm. Tuy nhiên, ít người biết rằng đang khi hai nước có mối quan hệ cực kỳ nghèo nàn vào năm 1981, hai phi công Việt Nam và tám người bạn đồng hành, đã chiếm máy bay Việt Nam của Tổng cục Chính trị, cuối cùng đã đào thoát thành công sang Trung Quốc !
Làm thế nào có thể khiến một hành động kinh hoàng mà cuối cùng thành công như vậy ? Điều này phải được thiếu uý Kiều Thanh Lục phi công trực thăng thí điểm không quân nói rõ. Khi Kiều Thanh Lục 27 tuổi, cha anh là một đảng viên lâu năm của Việt Nam đã được cử đến Trung Quốc để học thêm. Đảng của Lê Duẩn vào năm 1975 đã nắm bắt quyền lực cao nhất của đất nước thống nhất, kết hợp với Liên Xô tạo thành một liên minh chiến lược, vì vậy cha của Kiều Thanh Lục trong những nhân sĩ gắn bó Trung Quốc đã được đưa ra khỏi đảng.
Kiều Thanh Lục bắt đầu phục vụ Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1969. Lúc đầu, anh được đào tạo để "đánh đuổi đế quốc Mỹ và đáp ứng cho giải phóng". Nhưng đến năm 1975, tập đoàn Lê Duẩn đã chiếm được quyền lực tối cao của Việt Nam và chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Kiều Thanh Lục đã lái trực thăng tiếp tục đi công tác Lào và Campuchia và bôn ba biên giới Việt- Trung. Khi Kiều Thanh Lục ở Cam-pu-chia, chứng kiến nỗi kinh hoàng cuộc xâm lược của quân đội Campuchia và Việt Nam đã giết hại người rất tàn ác và lính Việt Nam đã chết nhiều không có nơi chôn cất. Thực tế là làm đổ rất nhiều xương máu làm cho anh ta cảm thấy rằng Việt Nam đang đi trong một "con đường cùng tăm tối”, khiến trái tim anh hạ quyết định cắt đứt với tập đoàn Lê Duẩn.

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

A-Pếch, A-Piếc, có nhiều điều ai cũng biết, mà khối anh như tớ lại cóc biết!

Tô Hải
6-11-2017
APEC, nó là cái chi chi dzậy?
Thiệt tình là do cái sự dốt nát về ba cái chuyện kinh tế kinh tiếc, nên ngay từ khi nó mới được thành lập cách đây 28 năm (1989) do ông tư bản Úc có sáng kiến dựng nên nó với cái tên mà tớ:
1- Ngay từ lúc đọc lên đã thấy đầy tính “gài bẫy” cho mấy anh kinh tế “nghéo rớt mùng tơi”, ôm vào mà lệ thuộc toàn diện (cả về chính trị), chứ chẳng phải như cái tên của nó chỉ đơn thuần là economic cooperation (hợp tác kinh tế) không dính líu gì đến… politic (chính trị) cả đâu!
Vả lại trông mong gì ở mấy cái nước làm cái ốc vít chưa xong mà hợp tác với hợp tiếc?! Chẳng qua chỉ là, mấy bác “tư bổn to” muốn thống trị nền kinh tế của mấy mảnh đất còn “hoang dã” ở Á châu mà đề ra cái sự hợp tác Asia-Pacific (Châu Á – Thái Bình Dương), chứ chưa dám đánh đu với mấy bác EU, tư bổn châu Âu, kể cả Ấn Độ!?
2- Sự tuyên truyền ầm ỹ của bộ máy truyền thông do “Đoảng nãnh đạo” lúc đó cũng chưa huênh hoang, ầm ỹ, tốn nhiều của cải tiền bạc, ngay những ngày Việt Nam được mời (hay xin?) gia nhập sau đó… 9 năm (năm 1998) và ngay cả cái lần đầu được “đến phiên” tổ chức APEC tại VN, hai ngày 18 và 19 tháng 11 năm 2006!
3-Sự vinh dự, “làm như ta chúa lắm” lúc đó chưa bị cái câu hãnh tiến cộng sản, rằng “Ta có thế nào người ta mới mời chứ?” của bác Tổng Trọng bao trùm lên mọi đường lối tuyên truyền đối ngoại, nên lần này “Ta có thế nào thế giới gồm đủ loại từ Donald Trump đến Jack Ma mới thèm đến gặp các nhà lãnh đạo tối cao của ta chứ!” (Có tin đang có sự vận động để Trump gặp bác Trọng để bác í có thể một lần nữa cao giọng “Đảng do tôi lãnh đạo có thế nào thì anh Trăm mới gặp chứ”! Chả biết anh Trăm sẽ lắc hay gật?
4-Tóm lại, mọi sự tưởng huênh hoang ầm ỹ, tưởng rằng để tuyên truyền đối ngoại, té ra chỉ để tuyên truyền đối nội mà thôi! Kể cả biểu diễn duyệt binh, truyền hình các cảnh sát đặc biệt múa võ thiếu lâm tự, lảm xiếc tuột dây từ nhà cao tầng xuống đất hay đập vỡ 2 tầng gạch trên bụng 2 chiến sỹ, hay cho ra mắt các xe cơ giới kiểu mới, các loại vũ khí đàn áp kiểu mới, đâu có phải để bảo vệ an ninh cho hơn 1.000 đại biểu, đâu có phải để cảnh cáo bọn IS hay Al Qaeda nào Tất cả chỉ nhằm mục đích cảnh cáo dân Việt Nam:

Giải khát bằng thuốc độc (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 20)

Tương Lai
Trong không khí oi bức ngột ngạt vì hai cơn áp thấp nhiệt đới đang chuyển thành bão mạnh đang ập đến các tỉnh phía Nam, càng ngột ngạt hơn về một loại “áp thấp nhiệt đới” có khả năng chuyển thành bão trong đời sống xã hội đang dồn nén nhiều sự kiện dễ bùng nổ.
Thế là đúng 20 năm, tính từ 2.11.2007 cơn bão Linda, cơn bão lớn nhất trong vòng 100 năm qua, đã cướp đi sinh mạng của 3.111 người. Báo Tuổi trẻ giật một cái tít lớn ngay giữa trang nhất về sự trùng hợp ngẫu nhiên này. Chỉ có điều, tờ báo vốn thính nhạy với thời cuộc và dám ném lên mặt báo những tin nóng đáp ứng mong đợi của xã hội, lại không có một dòng nào về cơn “áp thấp nhiệt đới” có khả năng mạnh lên thành bão trong lòng xã hội nếu dư luận không kịp thời lên tiếng ngăn chặn. Cũng phải thông cảm với tòa báo thôi, đừng đòi hỏi họ quá nhiều, để còn có tờ báo mà đọc vài bài, thậm chí vài dòng, có khi chỉ là cách giật một cái tít!
Thay vào đó, trên mạng đã nhanh nhạy phản ứng kịp thời và quyết liệt với cái gọi là “Liên minh Cờ Đỏ” ra mắt ngày 29/10/2017, gần Giáo họ Văn Thai, thuộc Giáo xứ Song Ngọc, ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Trước đó, vào cuối tháng 4/2017, “Hội Cờ Đỏ” họp ở Sơn Hải rồi đến đêm tối thì ra tay hành hung giáo dân. Chúng ném đá vào nhà, dùng gậy gộc đánh đập bà con giáo dân trong tiếng la hò điên loạn nhằm tạo ra một cảnh tượng bạo lực và hoảng loạn. Sự việc diễn ra trước mắt công an và chính quyền sở tại!
Hơn một năm qua, Hội Cờ Đỏ đã liên tục khủng bố các cá nhân, tổ chức tôn giáo từ Hà Nội, Đồng Nai, Nghệ An. Một câu hỏi được blogger Tâm Ngọc đưa ra: “Tại sao Hội Cờ Đỏ đã có những hành động manh động, nguy hiểm gây ra tổn thất về vật chất, tinh thần và tính mạng cho con người mà không bị pháp luật xử lý, thậm chí lại được các cấp chính quyền dung dưỡng và sắp đặt cho các cuộc tụ họp. Phải chăng hội này như là một cánh tay nối dài và là chiến lược hữu hiệu của chính quyền nhằm đàn áp và trả thù những ai lên tiếng chống lại bất công tại Việt Nam?”. Tại sao ư? Câu trả lời đã có trong nội dung câu hỏi.

Một trăm năm Cách mạng Nga: Cách mạng Nga đã gây ra những tổn thất kinh hoàng

Yuri Maltsev
Phạm Nguyên Trường dịch
Marxism-Leninism là ý thức hệ tàn ác và làm chết nhiều người nhất trong lịch sử.
Tổng thống Nga, Vladimir Putin, muốn phớt lờ cuộc Cách mạng Bolshevik - tháng này sẽ là kỷ niệm 100 năm. Putin nói với các cố vấn rằng sẽ không cần kỷ niệm sự kiện này. Ông ta biết rõ hơn - không có gì đáng tự hào.
Bắt đầu bằng cuộc cách mạng năm 1917
Cuộc đảo chính ngày 7 tháng 11 năm 1917 đã mở ra giai đoạn mới trong lịch sử nhân loại.
Những hiện tượng kinh hoàng của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XX - của Lenin, Stalin, Hitler, Mussolini, Mao và Pol Pot - là con đẻ của năm 1917. 70 năm trước đó, Marx và Engels dự báo rằng việc lật đổ chế độ tư bản cần bạo lực và “chuyên chính vô sản… nhằm quét sạch tàn dư của chủ nghĩa tư bản”. Lenin đã tiến hành “quét sạch” bằng những chiến dịch khủng bố bừa bãi, như những người xã hội chủ nghĩa Nga trước ông ta đã làm và những người khác sẽ tiếp tục làm sau khi ông ta chết.
Rudolph Rummel (đã quá cố), nhà nhân khẩu học nghiên cứu về những vụ giết người hàng loạt do chính phủ tiến hành, ước tính tổng thiệt hại về người mà chủ nghĩa xã hội đã gây ra trong thế kỷ XX: khoảng 61 triệu người ở Liên Xô, 78 triệu ở Trung Quốc, và khoảng 200 triệu người trên toàn thế giới. Những nạn nhân này bị chết trong những nạn đói do nhà nước tổ chức, trong quá trình tập thể hoá, trong các cuộc cách mạng văn hoá, trong những vụ thanh trừng, trong các chiến dịch chống thu nhập “bất hợp pháp” và những cuộc thí nghiệm tàn độc khác trong quá trình sắp xếp lại xã hội.
Đây là vụ khủng bố vô tiền khoáng hậu trong lịch sử.
Cuộc đảo chính của Lenin, ngày 7 tháng 11 năm 1917, ngày chính phủ lâm thời của Kerensky rơi vào tay lực lượng Bolshevik, đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử nhân loại: Chế độ nô lệ dành cho tất cả mọi người. Kế hoạch hóa nền kinh tế tập thể đã dẫn tới tình trạng cưỡng bức, bạo lực và giết người hàng loạt. Marx và Engels đã định nghĩa chủ nghĩa xã hội là “xóa bỏ tư hữu”. Thành phần cơ bản nhất của tư hữu - quyền tự chủ - đã bị bãi bỏ ngay từ đầu.
Phá hoại trên quy mô lớn

Thế kỷ máu của chủ nghĩa cộng sản

Stephen Kotkin
Một trăm năm kể từ cuộc đảo chính của Lenin ở Nga, cái ý thức hệ dấn thân cho sự nghiệp xóa bỏ thị trường và quyền tư hữu đã để lại một chặng đường dài hủy diệt và chết chóc.
Tầm tuần này một thế kỷ trước, chủ nghĩa cộng sản chiếm được đế quốc Nga, đất nước lớn nhất thế giới tại thời điểm đó. Các phong trào thiên tả đủ loại đã lan tràn trong chính trị châu Âu trước khi diễn ra cuộc cách mạng ngày 25 tháng Mười năm 1917 (trùng vào ngày 7 tháng Mười Một theo lịch cải cách của Nga), nhưng Vladimir Lenin và những người bolsheviks của ông thì khác hẳn. Họ không chỉ mang một niềm tin hoang tưởng mà còn linh hoạt trong chiến thuật và may mắn hơn các đối thủ.
Chủ nghĩa cộng sản đi vào lịch sử như là sự kết tội chủ nghĩa tư bản, kịch liệt nhưng đầy chất lý tưởng, và hứa hẹn một thế giới tốt đẹp hơn. Những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, cũng như những người cánh tả khác, đều đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản đã gây ra tình trạng bi thảm của nông dân và công nhân cũng như sự lan tràn của lao động nhập cư và lao động trẻ em. Những người cộng sản nhìn thấy cuộc tàn sát trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất như là hậu quả trực tiếp của sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc để giành giật thị trường nước ngoài.
Nhưng một thế kỷ cầm quyền của chủ nghĩa cộng sản - mà ngày nay vẫn còn đứng vững ở Cuba, Bắc Hàn và Trung Quốc - đã làm rõ cái giá phải trả về nhân mạng của một chương trình chính trị quyết tâm lật đổ chủ nghĩa tư bản. Hết lần này đến lượt khác, nỗ lực xóa bỏ thị trường và quyền tư hữu đã gây ra cái chết của một số lượng người đáng kinh ngạc. Từ năm 1917 - ở Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ, Đông Âu, Đông Dương, Phi châu, Afghanistan và nhiều nước châu Mỹ Latin - chủ nghĩa cộng sản đã làm thiệt mạng ít nhất 65 triệu người, theo nghiên cứu cẩn thận của các nhà dân số học.
Những công cụ hủy diệt của chủ nghĩa cộng sản bao gồm việc trục xuất hàng loạt, các trại cưỡng bức lao động và sự khủng bố của nhà nước cảnh sát - một mô hình được lập ra bởi Lenin và đặc biệt là người kế tục ông là Joseph Stalin. Mô hình này được nhân rộng nhiều nơi. Dù chủ nghĩa cộng sản đã cố ý giết chết một lượng lớn người dân nhưng thậm chí còn nhiều nạn nhân hơn đã chết vì nạn đói - hậu quả của những dự án tàn bạo về cải tạo xã hội.

ĐỒNG TÂM: THĂM LẠI CỤ KÌNH, NGHĨ THÊM VỀ HẬU BIẾN CỐ ĐỒNG TÂM!

                                                                    -Nguyễn Đăng Quang-

Sáng 4/11/2017, tôi và bác Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh triết Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Ban Dân vận Trung ương Đảng, cùng nhà báo Nguyễn Đình Ấm, nhà nghiên cứu Trần Đức Thịnh, chuyên viên của VUSTA (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) về Đồng Tâm thăm cụ Lê Đình Kình, các thành viên Tổ Đồng thuận cùng nhiều bà con thôn Hoành sau biến cố xã hội mang tên Đồng Tâm làm rung chuyển vùng quê hiền hòa và anh dũng này xảy ra cách đây 6 tháng rưỡi. Cụ Lê Đình Kình cùng đông đảo bà con vui mừng dành cho chúng tôi sự tiếp đón thân tình, cởi mở và đầy xúc động.

Mặc dù biến cố xảy ra đã trên nửa năm, nhưng mọi việc vẫn còn như đang nóng hổi. Cuộc sống của gần 10 ngàn cư dân nơi đây không còn được bình yên như xưa. Người dân luôn sống trong bất an và sợ hãi! Bất an vì họ luôn lo sợ bất cứ lúc nào cũng có thể bị tống đạt “Giấy triệu tập” không chỉ của Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội mà cả của Cục Điều tra Hình sự - Bộ Quốc phòng nữa! Gần đây, Đài truyền thanh xã Đồng Tâm dành trọn mấy ngày phát lời kêu gọi của CAHN yêu cầu người dân ra “đầu thú” và “tự thú” để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật!? Điều này đã gây ra nỗi lo sợ lên khắp các thôn, xóm trong toàn xã! Người dân nơm nớp lo sợ không chỉ khi ra đường mà ngay khi ở ngay trong nhà họ! Cuộc sống bị xáo trộn, người dân không cảm thấy bình an!

Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Việt Nam bỏ chế độ «hộ khẩu»

Theo báo chí trong nước ngày hôm qua, 04/11/2017, chế độ quản lý «hộ khẩu» của Việt Nam chính thức chấm dứt, theo một nghị quyết của chính phủ.
Kể từ đầu tháng 11/2017, trên nguyên tắc, người dân Việt Nam sẽ không còn phải đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú để được coi là cư trú hợp pháp. Cùng với việc bỏ «sổ hộ khẩu», 13 thủ tục liên quan, trong đó có «tách sổ hộ khẩu», «gia hạn tạm trú», «đăng ký tạm trú trái pháp luật tại Công an cấp xã »… đồng thời cũng được xóa bỏ.
Việc quản lý thông tin về nơi cư trú của công dân sẽ được thay thế bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thông qua «mã số định danh cá nhân», do Bộ Công an phụ trách, thể theo Luật Cư trú sửa đổi.
Ra đời từ hơn nửa thế kỷ trước tại miền Bắc, chế độ hộ khẩu vẫn tiếp tục được duy trì 30 năm qua, ngay cả sau khi đất nước đã mở cửa, hội nhập với thế giới. Chế độ này liên tục bị giới bảo vệ nhân quyền lên án, như một xâm phạm đối với quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam.
Chấm dứt chế độ hộ khẩu, nhằm bãi bỏ các loại giấy tờ nhiêu khê, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân, được nhiều người hoan nghênh là một biện pháp «được lòng dân». Cùng với việc chấm dứt chế độ hộ khẩu, chính quyền Việt Nam cũng chính thức ngừng cấp «giấy chứng minh nhân dân», thay vào đó là thẻ căn cước công dân.
Tuy nhiên, theo một số giới chức trong bộ máy chính quyền, thiện chí nói trên của chính phủ Việt Nam sẽ chỉ có hiệu lực thực sự, một khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn tất. Trong hiện tại, chính quyền Việt Nam mới «thí điểm cấp mã số định danh cá nhân» ở 4 tỉnh, thành phố. Dự kiến đến năm 2019, Bộ Công an mới hoàn tất thông tin của hơn 90 triệu cư dân.
***
‘Phải mất thêm một thời gian mới bỏ hộ khẩu trên thực tế’