Truyện ngắn
của HOÀNG CÁT.
CÂY TÁO ÔNG LÀNH từ nửa thế kỷ trước bị người ta suy
diễn cho là viết ám chỉ một ông lớn lãnh đạo văn nghệ.
Nhà thơ Hoàng Cát - tác giả của truyện ngắn này một
thời khốn khổ. Nhà thơ Vương Trọng viết: "Mấy anh đồng hương xứ Nghệ làm
câu đối: " Thằng Cát viết điều hung / Ông Lành làm việc dữ", nhưng
sau sửa lại để thay cho một lời phát biểu với cấp trên:" Thằng Cát không
viết điều hung / Ông Lành đừng làm việc dữ". Nhưng có lẽ cấp trên không
thấu nên "việc dữ" cứ đến với Hoàng Cát, mà cái đòn đầu tiên là nhà
máy cho về mất sức". Chưa hết, sau đó Hoàng Cát bị treo bút, đời sống rất
khó khăn... Trước đó, ông là lính trận ở chiến trường, bỏ lại một cái chân ở
Mặt trận Quảng Đà, đi viện rồi ra quân. Là thương binh nặng, cụt chân trái phải
lắp chân giả, tay cũng bị thương, nhưng chả hiểu sao bị xếp hạng nhẹ nhất trong
thứ bậc thương binh, cho nên nỗi nhọc nhằn nhân lên gấp đôi, gấp ba. Khổ! Giá
như viết là "Cây táo ông Hiền", hay "Cây táo ông Ngoan" thì
chắc chẳng bị lên bờ xuống ruộng.
"Cây táo ông Lành" là truyện viết cho thiếu
nhi, ca ngợi người tốt và việc tốt một cách chân thật, dung dị và xúc động. Nó
chẳng ám chỉ ai, và nội dung tốt đẹp, nhân văn quá.
Dạo anh Min còn làm ở Tạp chí VNQĐ, thỉnh thoảng ngồi
chầu rìa xem nhà thơ Hoàng Cát đánh cờ với nhà thơ Vương Trọng. Kỉ niệm về ông
nay vẫn còn tươi mới. Xin trân trọng giới thiệu truyện ngắn "Cây táo ông
Lành" với bạn đọc. Ai chưa đọc thì nên đọc để biết một thời văn nghệ nước
nhà có cách hiểu văn chương bất thường ngoài văn chương như thế, và cũng thêm
một lần tưởng nhớ nhà thơ Hoàng Cát vừa mới đi vào cõ vĩnh hằng.
Tên thật ông
là gì, nhiều người không biết. Đã từ lâu, người ta vẫn quen gọi ông là ông
Lành. Vì tính ông hiền lành và rất yêu lũ trẻ trong làng. Lâu dần, nó thành ra
tên của ông.
Vườn nhà ông
khá rộng, có nhiều cây ăn quả như chuối, mãng cầu, vú sữa, táo… Ông Lành thú
nhất là cây táo lai. Nó đứng ở góc vườn, trùm cái tán khum khum lên một vạt đất
chừng dăm tấm chiếu. Cạnh cây táo quý ấy, ông đã cất lên một căn nhà ba gian,
hai chái; chung quanh tường xây gạch, mái còn tạm lợp tranh. Ấy là căn nhà ông
làm chuẩn bị cho cậu con trai duy nhất của ông lấy vợ, ở riêng. Nhưng nhà vừa
làm xong thì thằng Sửu lại xung phong vô bộ đội đợt đầu tiên, kể từ sau khi có
lệnh hoà bình của Chánh phủ cách mạng lâm thời. Thế là ngôi nhà đành tạm để
không. Và nó được mang mãi cái tên “Nhà mới”. Mặc dù cho đến nay, mái tranh của
nó đã có đôi chỗ dột vì chuột bọ, vì thiếu hơi người ở.
Cây táo quý
đứng ngay góc sân ngôi nhà mới ấy. Cây táo càng đẹp thêm, và ngôi nhà cũng đẹp
thêm.