Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

“Phượt “ Lũng Cú Hà Giang một mình với áo No-U FC bằng xe máy MagicS 100cc


-         Thời gian 3 ngày : Từ 5 giờ sáng 28/4 đến 15 giờ ngày 30/4/2013
-          Tuyến đường đi và về : Bắc Giang-Việt Trì-Tuyên Q- Hà Giang--Quản bạ-Yên Minh-Lũng Cú -> Đồng Văn-Mèo Vạc-Phúc Lâm ( Cao Bằng )-Bắc Mê-Hà Giang-Tuyên quang-Thái Nguyên-BG
-         Nghỉ đêm tại Yên Minh ( 28/4) và Hà Giang ( 29/4 ).
-         Mục đích : Thăm cảnh thiên nhiên nơi địa đầu TQ, quảng bá áo No-U FC và xem ngành an ninh quan tâm đến mình như thế nào trong chuyện này !
Sau đây tôi tạm lược ghi cảm nhận của mình trong chuyến đi “Phượt” ba ngày qua :
1.     Vui buồn và hãnh diện vì đã mặc áo có biểu tượng No-U FC:
Lần đầu tiên tôi lên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn vào dịp hè 1972 với tư cách một trong số 24 người đi thực tế viết bài để về nhận tấm giấy làm Bồi bút cho chế độ. Nhưng khi về tôi đã chẳng viết được dòng nào bởi trong tôi nó cứ ám ảnh mãi chuyện một thượng úy công an vũ trang cùng 2 lính bắt chúng tôi xếp hàng 2 giữa trưa hè nắng nóng để kiểm tra hành lý, kiểm tra người trước những con mắt hiếu kỳ của nhân dân Quản Bạ. Thấm thoắt đã hơn 40 năm, lần này tôi mới lại có dịp lên Hà Giang và Lũng Cú. Tôi sẽ không bình luận gì về đời sống xã hội của dân vùng cao ( bởi sống dưới một chế độ chuyên chế thì người dân lao động ở đâu cũng vậy mà thôi ). Lần này  tôi chủ định mặc 2 cái áo có biểu tượng liên quan đến “đường lưỡi bò” của Tàu và  cái chết âm thầm của 64 chiến sỹ Gạc Ma mà cho đến hôm nay các phương tiện thông tin lề đảng vẫn không dám nói đến kẻ thù đã giết hại họ là ai và ai đã ra lênh cho bộ đội ta không được bắn trả bọn chúng!
Suốt hai ngày với 2 cái áo thay nhau trên người, ở đâu tôi cũng “ khoe “ nó ra. nhưng thực lạ lùng...dân đi đường, trong nhà nghỉ và nơi du lịch đều “dửng dưng” không biết hình trên tấm áo đó nói lên điều gì! Duy nhất có 2 cậu thanh niên con chủ nhà nghỉ ở Yên Minh đã hỏi tôi về ý nghĩa của cái áo No-U mà tôi đang mặc. Cũng đúng thôi, No-U thì toàn tiếng Anh, Chiếc áo thứ hai cũng là tiếng Anh và dòng chữ Việt quá cô đọng đến mức khó hiểu ( chưa kể số 8 màu vàng trên nền trắng ai mà nhìn thấy ngoại trừ tôi mặc và biết nó là số 8). Nhưng quan trọng hơn cả chính là chính sách bưng bít thông tin “ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng “ toàn bộ người dân VN của giới lãnh đạo đất nước. Tất cả đã có đảng và nhà nước lo . Thực chất đó là mưu đồ thủ tiêu lòng yêu nước của đân tộc Việt mà thôi. Hiểm họa đã cận kề mà họ vẫn dửng dưng bòn rút dân, cấm dân hành động vì vận mệnh của đất nước và dân tộc !








Rời Lũng Cú, đang trong tâm trạng thất vọng vì việc “ Quảng bá “ cho chiếc áo No-U không thành công  thì tôi đã gặp may: đoàn thanh niên ngoại quốc chạy ào đến tôi reo vui. Tám thanh niên với nhiều quốc tịch và một phiên dịch quây xung quanh tôi bấm máy ảnh lia lịa và ba cô gái đã ôm chặt lấy tôi. Niềm vui đến với tôi lúc này là nhờ cái áo No-U FC. Cái cô gái người Úc ( deo kính den ) đã ôm chầm lấy tôi mà hôn và cũng là người chụp nhiều ảnh nhất trong lúc gặp gỡ giữa họ với tôi. Thú thật là tôi cũng xúc động và tự hào. Ngoài ý nghĩa của cái áo No-U, có người đồng cảm và khích lệ mình trong lúc này quả là tiếp thêm sức mạnh cho tôi vượt tiếp chặng đường dài để trở về nhà. Thật là một kỷ niệm khó quên. Năm 1976, tôi từng hướng dẫn thực tập ngôn ngữ cho 2 sinh viên Nga, 2 TQ, 2 Nhật, 2 CuBa, 1 Bungari của trường ĐH tổng hợp Hà Nội đi thực tập trên Tây bắc. Họ chỉ chào và bắt tay tôi rất lịch sự theo lối ngoại giao chứ chưa bao giờ họ lại sôi nổi, thân mật, cổ vũ ( lại còn tặng cả nụ hôn ) như mấy bạn du lịch gặp tôi . Do xe máy của tôi có “sự cố” khó mà theo kịp họ nên tôi đã từ chối không về xuôi cùng họ. Chia tay các thanh niên ngoại quốc được chừng 30 phút tôi lại gặp 2 thanh niên người Anh đi 2 xe máy ngược chiều. Thấy tôi đứng nhìn dòng sông Nho Quế dưới chân đèo Mã Pì Lèng họ dừng xe chỉ tay về bên kia sồng Nho Quế và nhìn tôi nói “ china “! Tôi lắc đầu , nói “ Việt Nam “. Rồi thấy tôi mặc áo No-U nên đã đề nghị tôi chụp ảnh với mỗi người một kiểu.
Qua cảm nhận của tôi, với cách tuyên truyền và “ bao cấp cả lòng yêu nước “ của đảng thì  Sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong việc giữ nước liệu có còn ? Dân vùng biên, sài hàng Tàu ( quần áo, hạt giống...), xe máy Win Tàu nhả khói khắp hang cùng ngõ bản...thì đâu là công ơn đảng, ơn chính phủ ở nơi đây? Mai này “ có biến “ thì lấy ai bảo vệ vùng Biên kia chứ !
2.     Người thanh niên lạ - anh là ai ?
Từ cuối năm 2012, PA38 tỉnh BG đã giao tôi cho công an TP quản lý ( người đặc trách là sỹ quan tên Chính ). Đó là động thái cho thấy tôi ít nguy hiểm hơn theo cái nhìn của họ. Tuy nhiên đã được gắn cho cái mác phản động ( dù là thật hay giả ) thì chẳng bao giờ họ buông tha ai . Đó là bản chất của chế độ được dựng lên bằng súng đạn. Vì vậy tôi đã công khai trên FB, trên sóng ĐT về kế hoạch đi Lũng Cú một mình của tôi. Tuy nhiên vào phút cuối cùng trước khi xuất hành, hướng đi thực tế của tôi đã thay đổi ngược lại với dự kiến ban đầu. Một ngày rưỡi tôi lên đến sân UBND xã Lũng Cú lúc 8 giờ 30. Tại đây tôi đã thấy một thanh niên chạc tuổi 40 ăn mặc lịch sự, nói năng nhẹ nhàng để ý và tiếp cận tôi. Leo hết các bậc đến chỗ nghỉ lưng chừng núi thì người thanh niên này cũng phóng xe máy theo đường ưu tiên lên đến nơi. Tôi đang nhờ một ông chụp hộ ảnh ( nhưng ảnh không đẹp ) liền được thanh niên này đến cầm máy chụp hộ. Rồi anh ta nói nhỏ“ cháu có nhiệm vụ đi cùng bác “. Vậy là tôi hiểu anh ta là ai và cũng chẳng cần hỏi thêm gì nữa. Nhưng suốt chặng thứ hai lên đến tận chân cột cờ thì anh ấy là người rất nhiệt tình chụp ảnh cho tôi bởi tôi đi có một mình. Thấy tôi mặc áo No-U chụp ảnh anh ta cũng chẳng nói gì. Khi xuống đến trạm nghỉ giữa núi, anh ấy nói nhiều chuyện với tôi và cũng tỏ ra là người có học thức và đúng mực. Qua nói chuyện, anh thanh niên và một bảo vệ cột cờ khen tôi khỏe đi xe máy trên 500 km lên được đến tận đây một mình. Tôi nói vui :” thế mà công việc của tôi chả ra đâu vào đâu, nghèo hèn,  làm báo thì sau vài bài đã đảo ngũ, làm thầy thì “Mất dạy” từ 1980 , không được lên bục giảng cho đến khi nghỉ hưu “. Thanh niên đi cùng tôi còn nói vui thêm cả việc đi lính của tôi năm 1965 cũng bị địa phương không cho đi!
Xuống đến UBND xã tôi lại thấy anh ấy ở đó và cũng chính anh đã chụp hộ tôi tấm ảnh đứng dưới cổng ủy ban. Lúc này anh thanh niên lạ lại có một câu làm tôi sửng sốt “cháu công tác ở trên này nhưng  quê ở Phật Tích Bắc Ninh gần quê bác đấy  “! À ra thế đấy, họ không bám đuôi mình nhưng đã có đồng nghiệp nơi xa xôi làm thay. Biết vậy nên tôi ngỏ lời muốn đi thăm cột mốc biên giới. Anh thanh niên lạ nói rằng muốn đến cột mốc bên đường nhựa nối 2 nước thì phải ra công an võ trang làm thủ tục lâu lắm, bác hãy đi xe đúng 3 Km nhìn thấy con đường mòn nhỏ thì đi lên sẽ có một cột mốc cách đường chừng 50 mét thôi. Chia tay người thanh niên lạ không biết tên cũng chẳng được chụp hình, tôi đi tìm cột mốc biên giới. tới nơi đã có 2 thanh niên người địa phương dựng xe chờ sẵn. Họ cho biết là trên báo có khách nên chúng cháu ra hướng dẫn để khách khỏi đi nhầm sang đất TQ. Chụp ảnh chung với 2 thanh niên xong thì chuyện trò với nhau một lúc. Họ nói :  đây là đường dân sinh cho dân hai bên đi chợ phiên. Bên có chợ phải cử người ra cột mốc để nắm tình hình dân nước bên đi chợ. Ngày không có chợ thì chúng cháu không phải ra. Lương coi cột mốc do UB xã trả từng tháng theo số ngày thực tế phải ra .
Dọc đường về tôi cứ nghĩ mãi về anh thanh niên lạ tốt bụng. Lúc chia tay, thấy tôi ca cẩm con đường Yên Minh- Quản Bạ quá kém liền được anh ấy khuyên đi sang đường Phúc Lâm-Bắc Mê-Hà Giang, tuy xa hơn nhưng đường dễ đi. Quả vậy, con đường mới làm, không biển chỉ đường nhưng lại có đủ cột cây số cho khách tìm đường. Thế là lần đầu tiên tôi đã biết đến con sông Gâm dọc đường đi. Hình ảnh “anh thanh niên lạ” – anh chiến sỹ an ninh tôi tiếp xúc cả buổi sáng đã nhen nhóm lại trong tôi hình ảnh người chiến sỹ an ninh chân chính của dân. Tiếc là giới quan chức chóp bu lại không có suy nghĩ, cử chỉ được như người sỹ quan an ninh này. Qua “ nhật ký “ này, có thể anh sẽ bị  cấp trên quở trách vì “ không kín miệng “ để lộ nhiệm vụ được giao. Mong anh bỏ qua cho tôi, vì tôi quá vui bởi vẫn thấy trong hàng ngũ  an ninh vẫn còn có người tử tế. Mình là phản động hay mình đã trở thành một “ yếu nhân “ từ lúc nào hay sao mà họ phải mất công đeo bám như vậy nhỉ?  Âu cungc là một cách sài tiền thuế của dân một cách vô tích sự, làm khổ chung cho mọi người!
3.     Tình người và nỗi gian nan khi “ phượt “ một mình :
Phải nói ngay răng chỉ có lên miền núi thì mới thấy người dân vẫn thật thà chất phác, dễ mến đến vậy. Khi đến Yên Minh, đêm đầu tiên của cuộc đi thì nhà nghỉ đã không còn chỗ nghỉ. Thấy ông già vượt trên 400 km đến đây một mình nên nhà nghỉ đã cho tôi nghỉ tạm trên chiếc giường của phòng Lễ tân với giá 50 ngàn ( tất nhiên là được dùng nhà tắm và vệ sinh thoải mái ). Sáng hôm sau vượt chặng đường đèo nguy hiểm nhất để lên Lũng cú và Nhà Vương. Xe đã có biểu hiện lạ, kéo tay ga mà xe vẫn cứ “ ì “. Từ đó tôi cứ nơm nớp lo về sự cố của xe. Nhưng cuối cùng thì cái đích Lũng Cú tôi đã đạt được và trở về bằng tuyến Đồng Văn-Mèo Vạc. Đoạn đường ( ĐV-MC ) này đã chiếm mất nhiều thời gian của tôi do gặp gỡ nhiều bạn bè ( 2 đoàn Tây, nhiều đoàn thanh niên trẻ Vn. Tất cả họ đều đi bằng xe gắn máy). Tôi đa bất đắc dĩ phải làm “ người mẫu “ cho các bạn người nước ngoài chụp ảnh bởi tôi mặc áo No-U FC. Mã Pì Lèng và sông Nho Quế thật tuyệt vời. Niềm vui càng được nhân lên khi tôi gặp và chụp ảnh chung với 2 đoàn du lịch “ Tây “. Ngoài ra tôi cungc thực sự khâm phục 2 cô gái Hà Nội dám đi một xe máy lên tận đây thăm Cao nguyên đá. Một cháu mặc áo in hình cờ đỏ sao vàng và cháu kia áo Thanh niên tình nguyện. Hai cháu thiết tha mời tôi cùng đi Chợ tình Khau Vai rồi cùng về Hà Giang. Tiếc là xe của tôi đã cần phải có bàn tay thợ  nên không thể cùng đi với các cháu. Tôi lại tiếp tục hành trình, chừng 40km thì bánh sau không quay, đoán là ổ bi nên tôi nới lỏng ốc trục sau để đi tiếp. May thay cách Bảo Lâm ( Cao Bằng ) chừng 20 km thì gặp cửa hàng sửa xe. Lúc này lại một lần nữa tôi gặp may, thanh niên sửa xe người quê Vính Phúc, anh ấy thay cho tôi vòng bi một loáng là xong  rồi giải thích cho tôi nguyên nhân sự cố : vì thấy lỡi moay ơ hơi ngắn, thợ trước đã đệm thêm một vòng đệm vênh ( longden “ công “ ) nên lực tác động vào vòng bi không đều , vòng bi lệch và bật nắp, nên bi bị vỡ. Khi trả tiền công anh ấy chỉ lấy có 25 ngàn. Sợ nghe lầm tôi hỏi lại thì được anh ấy nói là vòng bi có 25 ngàn còn công cháu không lấy vì bác già mà đi được xe máy tới đây là rất quý đáng khâm phúc lắm rồi. Tôi đưa thêm cho anh 20 rồi 10 ngàn nhưng nhất định anh không cầm. Quan chức các cấp, các ngành và các đại gia ( nhất là bất động sản và ngân hàng ) mà có tình người như một thanh niên trẻ sửa xe máy vô danh này thì quý biết bao !
Qua Bảo Lâm không xa tự nhiên còi xe kêu nhỏ, dừng xe lại kiểm tra thì mới biết là bộ phận “ đề “ khởi động xe cũng “ tịch “ luôn. Mỗi khi bấm nút đề thì đèn báo ắc quy cũng tắt. Thôi đành đạp chân vậy. Nhưng than ôi, cần khởi động cũng hỏng tự bao giờ. Vốn tôi từng sử dụng nhiều loại xe  cũ của Đức, Nhật nên tôi vẫn an tâm hành trình tiếp về xuôi, có điều là hạn chế dừng xe và chỉ dừng khi mua xăng, nghỉ trọ và uống nước. Biết sửa 2 sự cố này của xe là rất mất thời gian nên tôi cố đi về nhà để sửa. Mỗi khi cần khởi động xe, tôi dựng chân chống giữa của xe rồi vào số 4 trước sau mới đạp cần khởi động. Xe nổ và lại “ bon bon “ từ Bắc Mê – Hà Giang-Bắc Giang ngon lành.
Chặng đường Hồ Chí Minh, đi Điện Biên, lên Sa Pa, Cao bằng tôi đã từng đi. Nhưng không nơi đâu lại có địa hình hiểm trở như Lũng Cú Hà Giang. Đèo Ô Quy Hồ ( nối Sa Pa và Lai Châu ) dài 48 km nhưng là đường rộng ta vẫn có thể leo dốc với vận tốc 45km/h. Nhưng với Yên Minh đi Nhà Vương thì nhiều đoạn xe chỉ đạt vận tốc 15 đến 20 km/h. Cuộc đi kết rhúc tốt đẹp tốn ít thời gian cũng còn do là ngày nghỉ, nhiều đoạn tôi “ phi “ đạt 80-90 km/h mà chẳng gặp bóng chú CSGT nào ! Nhưng trên chặng đương hơn một ngàn km theo lộ trình tôi lại càng hiểu thế nào là “thất thoát “ . Quốc lộ 2 vừa hoàn thành mà nay có đoạn dài trên 30 km ( Tuyên Quang đến giáp địa phận tỉnh Hà Giang ) chỉ là con đường Liên thôn của vùng núi. Đoạn Đoạn Hùng đi Tuyên Quang thì như mới trải qua trận ném bom B52 thuở nào ! Hệ thống đường liên huyện, liên tỉnh không hề có biển báo giao thông và chỉ đường. May thay họ cũng kịp chôn cột cây số để tính tiền với nhà nước và người dân dựa vào cột cây số để đoán hướng mình cần phải đi.
Sau 40 năm tôi mới có dịp qua Tuyên Quang, do xe hỏng mà tôi đành bỏ qua hẹn dịp khác lại đến với Tuyên Quang. Thành phố rất đẹp, bạn nào chưa đi Tuyên Quang thì nên ghé thăm. Kết thúc mùa du lịch của tôi. Ơn trời nếu còn khỏe sang năm có thể tôi lại đi Quy Nhơn hoặc Mường Nhé của Điện Biên. Chào các bạn trong nhóm chủ nhật Yêu nước No-U FC.

1 nhận xét: