Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUỐC HỘI LÀ CỦA DÂN CHỨ KHÔNG PHẢI "GẦN DÂN"?


Nguyễn Ngọc Chu
22-6-2020
Chiều 19/6/2020, sau phiên bế mạc của Kỳ họp thứ 9 Quốc Hội khoá 14, Tổng thư ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo, trong đó có thông báo về Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia để tổ chức bầu cử Quốc Hội khoá 15 nhiệm kỳ 2021- 2026.
Qua tất cả các kỳ họp của Quốc Hội khoá 14 đã diễn ra, qua các vấn đề mà Quốc Hội khoá 14 đã thảo luận, qua các quyết định mà Quốc Hội khoá 14 đã bỏ phiếu, phải trung thực mà nhận định rằng Quốc Hội khoá 14 còn xa mới đáp ứng được đòi hỏi của Nhân Dân.
I. QUỐC HỘI GẦN DÂN NHƯNG CHƯA PHẢI LÀ CỦA DÂN
1. Ngày 04/5/2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân gặp gỡ cử tri quận Ninh Kiều TP Cần Thơ để ứng cử vào ĐBQH khoá 14 đã hứa – nếu trúng ĐBQH thì “đưa Quốc Hội gần dân hơn”.
Ngày 12/6/2020, nhân kỷ niệm 95 ‘Ngày báo chí cách mạng Việt Nam’, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ: “Trong những năm qua hoạt động của Quốc hội ngày càng trở nên gần gũi, gắn bó mật thiết với cử tri và nhân dân. Và chính báo chí là cầu nối để Quốc hội gần dân, một cầu nối hết sức quan trọng”
2. Như vậy, xuyên suốt trong suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trên cương vị Chủ tịch Quốc Hội khoá 14 là “đưa Quốc Hội ngày càng gần với dân”. Điều này đồng nghĩa với “Quốc Hội chưa phải Của Dân”.
II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUỐC HỘI LÀ CỦA DÂN?
1. Nhân dân đã chứng kiến nhiều vị ĐBQH phát ngôn những điều ngây ngô, không phải vì lỡ miệng, mà là hệ quả của một tầm nhận thức yếu kém. Trình độ hiểu biết của một bộ phận rất lớn các ĐBQH hiện nay thấp hơn trình độ nhiều cử tri.

2. Hậu quả là Quốc Hội chưa đủ năng lực để giải quyết những vấn đề hệ trọng của quốc gia. Trên thực tế, Quốc Hội hiện nay chỉ giữ vai trò biểu quyết thông qua các quyết định của BCHTƯ Đảng ở một chiều chấp thuận. Trong lĩnh vực quản lý kinh tế, Quốc Hội chưa có được quyết sách nào mang tính sang tạo nổi trội để trợ giúp Chính phủ. Thậm chí có việc thuộc thẩm quyền của Quốc Hội như ra ‘Luật biểu tình’, mà Quốc Hội lại ngồi chờ đề xuất của Chính phủ. Đó thực sự là chuyện lạ đời, không có ở quốc hội nước nào ngoài ở Quốc Hội Việt Nam.
3. Muốn Quốc Hội là Của Dân thì điều đơn giản đầu tiên là ĐBQH phải Của Dân. Cho nên, câu hỏi làm thế nào Quốc Hội trở thành Của Dân dẫn đến bài toán làm thế nào để ĐBQH là Của Dân.
Đến lượt mình, muốn giải quyết bài toán ĐBQH là Của Dân thì ĐBQH phải được Dân tự nguyện bỏ phiếu lựa chọn.
III. ĐỀ XUẤT CÁCH BẦU CỬ ĐỂ ĐBQH LÀ CỦA DÂN
Để ĐBQH là Của Dân thì trong cuộc bầu cử Quốc Hội khoá 15 nhiệm kỳ 2021-2026 các ĐBQH phải được bầu cử với những đổi mới dưới đây.
1. NGUYÊN TẮC “MỖI KHU VỰC BẦU CỬ CHỈ BẦU 1 ĐBQH”
ĐBQH là đại biểu của dân. Cho nên, mỗi Khu vực bầu cử chỉ bầu ra 1 ĐBQH. Theo cách này, ĐBQH sẽ chịu trách nhiệm trước cử tri Khu vực bầu ra ĐBQH; Đến lượt mình, cử tri sẽ thực sự quan tâm đến việc bỏ phiếu chọn ai là người đại diện cho mình ở Quốc Hội.
Đây là điều khác biệt, vì từ trước đến nay, mỗi Khu vực bầu cử đều bầu chọn nhiều ĐBQH. Kết cục là ĐBQH không chịu trách nhiệm cá nhân trước cử tri Khu vực bầu cử.
2. NGUYÊN TẮC TỐI THIỂU 25% CHỮ KÝ ỦNG HỘ CỦA CỬ TRI ĐỂ ỨNG CỬ ĐBQH
Mỗi Khu vực bầu cử chỉ có 1 ĐBQH nên mỗi cử tri chỉ được bầu cho 1 ứng cử viên duy nhất. Cho nên, trước khi ứng cử vào Khu vực bầu cử nào, ứng cử viên nhất thiết phải thu được chữ ký ủng hộ của cử tri Khu vực ứng cử. Đây là điều kiện bắt buộc để ra tranh cử ĐBQH.
Đề xuất phương án tối thiểu 25% chữ ký cử tri ủng hộ để ứng cử ĐBQH. Nghĩa là ứng cử viên muốn tranh cử ĐBQH ở Khu vực nào thì phải thu được 25% chữ ký ủng hộ của cử tri Khu vực bầu cử đó. Như vậy, mỗi Khu vực bầu cử sẽ không có quá 4 ứng cử viên cho 1 ghế ĐBQH.
Điều kiện tối thiểu 25% chữ ký ủng hộ của cử tri là lời giới thiệu tốt hơn mọi sự giới thiệu của bất cứ cơ quan đoàn thể nào. Điều kiện tối thiểu 25% chữ ký ủng hộ của cử tri là phép lọc tốt hơn bất cứ sự hiệp thương nào. Điều kiện tối thiểu 25% chữ ký ủng hộ của cử tri sẽ không cho phép có mặt trong Quốc Hội các ông nghị ngớ ngẩn. Điều kiện tối thiểu 25% chữ ký ủng hộ của cử tri cùng mỗi Khu vực bầu cử chỉ bầu 1 ghế ĐBQH là đảm bảo cho cuộc bầu cử ĐBQH trở thành một cuộc tranh cử ĐBQH. Điều kiện tối thiểu 25% chữ ký ủng hộ của cử tri sẽ biến Quốc Hội thành Quốc Hội Của Dân.
3. ĐỀ XUẤT GỢI Ý CÁCH CHIA KHU VỰC BẦU CỬ VÀ XÁC ĐỊNH SỐ LƯỢNG ĐBQH
Quốc Hội khoá 14 có 500 ĐBQH được bầu từ khoảng 70 triệu cử tri. Như vậy bình quân mỗi ĐBQH đại diện cho 140 000 cử tri.
Cả nước có 63 tỉnh thành. Xác định số lượng ĐBQH theo tỉnh thành. Lấy số lượng cử tri trong một tỉnh chia cho chẳng hạn 140 000 cử tri, thì ra số lượng ĐBQH và Khu vực bầu cử trong tỉnh. Đó là phép tính đơn giản.
Nhưng các tỉnh miền núi đất rộng thưa dân, nếu áp dụng đằng sằng chỉ theo tiêu chí số lượng cử tri thì sẽ không công bằng cho vùng sâu vùng xa. Bởi vậy cần áp dụng nguyên tắc làm tròn cho khu vực vùng sâu vùng xa.
Ở mặt khác, do số lượng cử tri trong các huyện của mỗi tỉnh khác nhau, dẫn đến không dễ dàng đưa một phần cử tri huyện này vào một một Khu vực bầu cử của huyện khác. Bởi thế cũng cần có phép làm tròn. Dưới đây, giới thiệu một phép làm tròn dựa trên đa số ¾ để xác định Khu vực bầu cử như là một phương án để xem xét.
Hiện nay cả nước có 707 đơn vị hành chính, bao gồm 77 thành phố thuộc tỉnh, 52 thị xã, 49 quận và 529 huyện.
Về huyện, thì có huyện đảo nhỏ và ít dân như Cồn Cỏ (83 dân, 2,2km2), có huyện lớn nhưng ít dân như Mường Tè (39 921 dân, 2 679,34 km2), và có huyện đông dân như Củ Chi (403 038 dân, 434,5km2). Về quận thì quận Bình Tân TP HCM là một quận đông dân (686 474 dân, 51,9 km2).
Sau khi lấy số lượng cử tri trong toàn tỉnh chia cho 140 000 cử tri thì ra Khu vực bầu cử. Sẽ xuất hiện những số lẻ. Có thể lấy phép chia như dưới đây để điều chỉnh số lượng Khu vực bàu cử trong một tỉnh.
3.1. Theo nguyên tắc làm tròn số lớn ¾: Các quận, huyện, thị xã, thành phố có dân số trong khoảng 105 000 – 140 000 cử tri sẽ là 1 khu vực bàu cử – ứng với 1 ĐBQH.
3.2. Các huyện, quận, thị xã, thành phố có dưới 105 000 cử tri được gộp lại theo địa lý hành chính cho đạt trong khoảng 105 000 – 140 000 cử tri để trở thành 1 Khu vực bầu cử với 1 ĐBQH. Đây là cách “đền bù” cho Khu vực bầu cử ở vùng sâu vùng xa.
3.3. Những huyện quận, thị xã, thành phố có số cử tri lớn hơn 140 000 thì lấy số lượng cử tri chia cho 140 000 sẽ ra số Khu vực bâù cử và số lượng ĐBQH.
3.4. Nguyên tắc làm tròn là lớn hơn ¾ (75%).
Với cách xác định như trên, cả nước sẽ có khoảng 500 Khu vực bầu cử – tương ứng khoảng 500 ĐBQH. Trong mọi cách chia Khu vực bầu cử, thì nhân tố đầu tiên là dựa vào địa lý hành chính, nhân tố thứ 2 là dựa vào số lượng cử tri, và nhân tố thứ 3 là điều chỉnh theo đặc thù. Trên đây mới chỉ là một đề xuất khung về cách chia Khu vực bầu cử, mà phương án cuối cùng phải được quyết định dựa trên các nghiên cứu chi tiết thực tế.
IV. GỬI GẮM
1. Việt Nam xứng đáng có một vị trí cao hơn trên trường quốc tế so với vị trí hiện tại của Việt Nam. Một trong những nguyên nhân làm cho Việt Nam chưa có được vị trí tương xứng trên trường quốc tế là vì Quốc Hội của Việt Nam mới “gần dân” mà chưa phải là Quốc Hội Của Dân.
2. Đừng nghĩ rằng vấn đề của Quốc Hội không phải là vấn đề của bạn. Đừng nghĩ rằng bạn không liên quan đến bầu cử QH. Đừng nghĩ rằng bầu ai làm ĐBQH cũng được. Đừng nghĩ rằng bạn không thể trở thành ĐBQH. Đừng nghĩ rằng đóng góp của bạn không giúp xoay chuyển được tình thế.
3. Không bầu được một Quốc Hội Của Dân cho nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ làm chậm bước tiến của Dân Tộc. Không bầu được một Quốc Hội Của Dân cho nhiệm kỳ 2021-2026 là lỗi của mỗi công dân Việt Nam.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét