Kính gửi Quốc hội khóa XIV nước CHXHXN Việt Nam
Quốc hội Việt Nam đang làm việc
để chuẩn bị nhân sự lãnh đạo nhà nước cho nhiệm kỳ mới mặc dù chưa kịp bầu Quốc
hội khóa kế tiếp cũng là một điều mới lạ không hợp với các quy định truyền
thống đã có từ trước. Việc họp và bầu bán gấp như vậy hẳn là có lý do rất đặc
biệt, với công việc đã được sắp xếp kỹ trước, như lời ông TBT kiêm CT nước
đương nhiệm đã từng nhiều lần phát biểu.
Theo Điều 69 Hiến pháp 2013 quy
định rõ, “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực
nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực
hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất
nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”, vì vậy kỳ họp thứ 11
của Quốc hội Khóa XIV đang diễn ra trong mấy ngày hôm nay là có ý nghĩa lịch sử
hết sức quan trọng mà mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước đều đang chú mục nhìn
vào với niềm hi vọng sẽ có sự đổi mới gì đó đáng gọi đổi mới và mang tính thực
chất.
Theo chúng tôi, dù phương án nhân
sự có là ai chăng nữa nhưng nếu đường lối chính sách căn bản vẫn không thay đổi
và mang tính đột phá cách mạng thì mọi thứ cũng sẽ đi vào bế tắc.
Đất nước đã và đang có đến hàng trăm vấn đề cần đặt ra để thảo luận giải quyết, nhưng theo chúng tôi, trước mắt và quan trọng hơn cả, cứ bị làm trì trệ mãi, đó là việc cải cách nền tư pháp và sửa đổi những luật lệ liên quan quyền sở hữu đất đai. Đây cũng là hai vấn đề nổi cộm mà từ lâu, cũng như ngay trong kỳ họp của Quốc hội Khóa XIV lần này, một số đại biểu Quốc hội cũng đã thẳng thắn đề cập, nhưng chưa nói thật rõ.
Hơn 3 năm qua, nhiều sự kiện gây
bất bình rộ lên trong xã hội, với không biết bao nhiêu là giấy mực của các cá
nhân, tập thể cả trong lẫn ngoài nước lên tiếng phê phán góp ý. Điển hình là vụ
án bất công tuyên án tử hình nghi can Hồ Duy Hải, và nhất là vụ Đồng Tâm tuyên
tử hình (cả trong kỳ phúc thẩm) hai người con trai của cụ Lê Đình Kình (86 tuổi
đời 58 tuổi Đảng) đã bị lực lượng công an tấn công bắn chết trước đó hồi đầu
năm 2020, gây bất bình trong dư luận xã hội cả trong lẫn ngoài nước. Các vụ
việc này trên thực tế đã diễn biến thành một vấn đề chính trị nóng bỏng.
Theo tổng kết của các cơ quan
chức năng, 80% các cuộc khiếu kiện của dân đều liên quan đến đất đai. Thực tế
cũng cho thấy, khoảng 80% vụ việc bị xử lý kỷ luật đều dính tới quan chức các
cấp từ địa phương đến trung ương, kể cả cấp thượng tướng, cấp ủy viên bộ chính
trị, mà chức càng lớn, quy mô tham nhũng đất đai càng nhiều, càng phức tạp khó
xử. Rõ ràng từ chính sách vô lý về đất đai, đã làm mất lòng dân, làm tha hóa
hỏng bét bộ máy nhà nước với mức độ vô phương cứu chữa.
Trong một lần tuyên bố trước của
CLB Lê Hiếu Đằng (tháng 10.2020), chúng tôi đã từng nêu rõ, một trong những nội
dung cải cách có tính đột phá khẩu để ổn định tình hình chính trị hiện nay là
cần khởi đầu từ việc sửa đổi chính sách sở hữu về đất đai. Quy định “Đất đai…
là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống
nhất quản lý” ghi trong Hiến pháp 2013 (Điều 53) và trong Luật Đất đai 2003
(Điều 5) là một trong những cội nguồn căn bản của quốc nạn tham nhũng vô phương
cứu chữa, cần phải được bãi bỏ hoặc sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Do
đó, không phải là vô lý khi có người cho rằng cần phải thực hiện một cuộc cải
cách ruộng đất lần thứ hai, trên cơ sở cải cách căn bản hệ thống chính trị theo
hướng tam quyền phân lập.
Vấn đề cốt lõi thứ hai, cũng rút
ra từ sự kiện vụ án bất công Hồ Duy Hải (HDH) và vụ án Đồng Tâm cùng hàng trăm
vụ án oan sai khác không kể xiết, đó là việc phải gấp rút tiến hành cải cách
nền tư pháp bất công đã tỏ ra quá sức bệ rạc, ù lì, gây mất lòng tin trầm trọng
trong dân về thể chế chính trị hiện hữu, bằng cách phải để cho tư pháp độc lập
với chính quyền, giúp cho nền luật pháp quốc gia được trong sáng lành mạnh,
mang lại lợi ích và sự công bằng cho tất cả mọi người dân trong xã hội.
Như mọi người đều biết, do quan
điểm “chính trị thống soái”, luật pháp ở nước ta lâu nay chỉ là hình thức trang
trí cho chế độ, chủ yếu chỉ dùng để trừng trị áp bức tùy tiện đám dân đen thấp
cổ bé miệng, hoặc áp dụng một cách bất công cho những người trí thức phản biện.
Ngoài ra, ý chí chủ quan của cá nhân đương quyền thực tế cũng đã đứng trên luật
pháp, chà đạp Hiến pháp, khiến cho tư pháp ngày càng kém nghiêm minh, dẫn tới
nhiều vụ án oan sai, nhiều “vụ án bỏ túi”…, nhất là những vụ có liên quan chính
trị hoặc kinh tế mà trong đó có sự tranh chấp quyền lực giữa các phe phái.
Riêng vụ án HDH còn cho thấy,
pháp luật đã bị chà đạp qua câu nói của người đứng đầu ngành tư pháp, “… cơ
quan điều tra có sai sót nhưng bản chất vụ án không thay đổi”… Tình trạng xét
xử oan sai đã tràn lan khắp nước, người dân sống trong sợ hãi. Những người cựu
chiến binh, những người không tiếc máu xương thời trai trẻ, đã ôm trên đôi tay
mình biết bao thân xác của đồng đội hi sinh vì Tổ quốc để xây dựng nên chế độ
hiện hữu, đã phải tự hỏi, nếu nền tư pháp như hiện nay không được sửa đổi tận
gốc thì tương lai con cháu mình có lúc cũng sẽ lãnh lấy số phận như Hồ Duy Hải,
trở thành vật thế mạng gánh tội chết cho thế lực cầm quyền nào đó (ông bà
nội HDH tham gia cách mạng từ mùa thu 1945; cha, các chú bác phần lớn là chiến
binh trong cuộc chiến chống xâm lược ở biên giới Tây Nam…).
Để chứng tỏ có sự thay đổi thực
chất gây lại niềm tin trong nhân dân, chúng tôi đề nghị Quốc hội họp lần này
cần đưa ra những ý kiến thật cụ thể về hai vụ án tiêu biểu nổi cộm kể trên,
được hiểu như là sự khởi đầu cho tiến trình cải cách tư pháp căn bản và lâu
dài. Quốc hội cũng nên yêu cầu phóng thích ngay những cá nhân, nhà báo đã lên
tiếng thẳng thắn phê phán vụ án đầy khuất tất ở làng Đồng Tâm.
Như trên chúng tôi đã nói, cái
chính là đường lối, chính sách căn bản. Nếu kỳ họp Quốc hội lần này mà các đại
biểu dự họp không thảo luận xoáy sâu vào cuộc cách mạng CẢI CÁCH TƯ PHÁP VÀ
CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI thì mọi việc coi như cơ bản không có gì đổi mới, ngọn lửa
dấu tranh trong nhân dân vì thế dù có tạm thời bị dập tắt bằng cường lực thô
bạo thì nó vẫn luôn âm ỉ đâu đó chờ cơ hội và chắc chắn sẽ bùng lại với một
cường độ cao hơn gấp bội, đe dọa một sự sụp đổ của hệ thống chính trị, ngoài ý
muốn nhưng khó lòng tránh khỏi!
Tuy nhiên, dù nói thế nào, việc
cải cách tư pháp và luật đất đai cũng không thể tách rời khỏi những sự đổi mới
tất yếu khác liên quan hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó có hoạt động
của Quốc hội. Điều này có nghĩa Quốc hội phải tự đổi mới bản thân mình trước,
bằng cách đòi thực hiện cho kỳ được những quyền độc lập mà Hiến pháp 2013 và
Luật Bầu cử Quốc hội 2015 cho phép, và đòi mọi hoạt động của quốc gia phải được
thực thi theo đúng trên căn bản Hiến pháp. Nói cách khác, tiếng nói của đại
biểu Quốc hội phải phản ảnh trung thực ý chí và nguyện vọng của toàn dân, chứ
không phải của một người hay vài người, để Quốc hội không tự biến mình thành cơ
quan “quyền lực cao nhất” nhưng thực chất không có quyền lực gì cả!
Trong cuộc bầu cử Quốc hội cho
khóa mới sắp tới, phải tổ chức thực hiện đúng theo tinh thần quy định của Hiến
pháp và Luật Bầu cử Quốc hội, không cho ai được dùng thủ đoạn khéo léo để ngăn
cản những người ứng cử tự do theo đúng quy định.
Được biết, từ ngày 30.3 đến
8.4.2021, Quốc hội sẽ bắt đầu quy trình kiện toàn nhân sự cho nội các mới.
Trong việc bầu bán các thành viên lãnh đạo cấp cao của Chính phủ trong kỳ họp
11 này cũng vậy, Quốc hội nên đề nghị mỗi chức danh được đưa ra bầu cử thì phải
có từ hai người trở lên để Quốc hội lựa chọn biểu quyết bằng phương thức bỏ
phiếu kín. Nếu không làm như thế thì việc bầu bán chẳng qua chỉ là một màn
trình diễn tồi lố bịch, sẽ gây buồn cười và làm cho nhân dân ngày càng trở nên
thờ ơ chán nản thêm đối với những hoạt động của hệ thống chính trị.
Trong một niềm tin còn sót lại
đối với thể chế chính trị hiện hữu, CLB Lê Hiếu Đằng chúng tôi mong mỏi kỳ họp
Quốc hội đang diễn ra lần này sẽ tạo được những bước đột phá đầy ý nghĩa, đáp
ứng nguyện vọng và lòng tin cậy đã đặt hết vào các đại biểu Quốc hội của cử
tri, mang lại bầu không khí tươi mới phấn khởi cho toàn thể nhân dân Việt Nam
chúng ta.
30.3.2021
TM
CLB Lê Hiếu Đằng
Lê
Thân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét