Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

TRÍ THỨC VÀ TIẾNG NÓI PHẢN BIỆN

 


Tạ Duy Anh (Lao Ta)

Trong bất cứ xã hội nào, thì bộ phận có học vấn luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với mọi lĩnh vực. Điều đơn giản này thiết tưởng chẳng cần phải nhắc lại. Nhưng thực tế lịch sử luôn khiến chúng ta không được yên lòng, chủ quan với bất cứ nhận định nào.

Số phận của trí thức luôn gắn liền với số phận của những cộng đồng, quốc gia cụ thể, nơi anh ta là thành viên. Trong những xã hội lạc hậu, bảo thủ, trí thức luôn bị dị nghị, bị nghi ngờ, bị lánh xa, thậm chí bị coi thường, bị biến thành kẻ thù nguy hiểm, như chúng ta từng thấy, đang thấy và chắc chắn sẽ còn thấy. Các đấng quân vương, những kẻ độc tài thường đòi hỏi mọi thần dân đều phải nhất nhất tin theo ông bà ta, cấm bàn cãi. Mọi lời ông bà ta ban ra là chân lý cuối cùng, bất khả tư nghị, không ai có quyền nghi ngờ tính đúng đắn tuyệt đối của nó. Trí thức trong những xã hội ấy thường đóng vai trò làm vật trang trí, không có tiếng nói, hoặc quay sang quy phục quyền lực để vinh thân phì gia, chấp nhận làm cái loa cho nó, trở thành những kẻ xu nịnh hèn mạt.

Trong khi đó, trí thức là “kho trí khôn” là “túi càn khôn”, là “mỏ trí tuệ” của những xã hội văn minh, đề cao tiếng nói phản biện. Tại đó, trí thức và giới trí thức không chỉ là những người cung cấp ý tưởng, tư tưởng, các sáng kiến, vạch ra kế sách, can dự vào các chính sách, mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn những giá trị tinh thần cao quý như đạo đức, lẽ phải, sự tiến bộ, định hình chiến lược giúp quốc gia hướng tới tương lai.

Vậy trí thức thực chất là ai?

Có khá nhiều định nghĩa thế nào là một trí thức? Theo tiêu chí học vấn và có vẻ cũng dễ được chấp nhận nhất, thì trí thức là người có bằng cấp, có học hàm học vị. Theo tiêu chí công việc, thì trí thức là những người chuyên nghiên cứu, phát minh, sáng chế, quản lý, truyền thụ kiến thức....nghĩa là làm việc bằng cái đầu. Rồi với mỗi chế độ xã hội lại có những định nghĩa khác nhau, theo quan niệm riêng của mình, về trí thức.

Một trí thức lớn (mà tôi không nhớ tên) có một cách nói rất hay, làm nổi bật chân dung của một trí thức. Ông bảo rằng: Người nghĩ ra bom hạt nhân, chắc chắn phải là một bác học.

Nhưng nếu anh ta không thấy trước để cảnh báo về tai họa của bom hạt nhân với nhân loại, thì anh ta chưa phải là một trí thức!”

Một người học đầy mình, có đủ kiến thức đông tây kim cổ nhưng nếu thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu đạo đức, vô cảm với nỗi đau đồng loại, thì vẫn chưa phải là một trí thức.

Sự quan trọng của trí thức trước hết bởi họ vốn là những người luôn có óc hoài nghi. Người bình thường, những kẻ ít học, có thể yên phận tin theo số đông, nhưng một trí thức thì không, hoặc không dễ tin theo. Thậm chí anh ta sẵn sàng chống lại tất cả để bảo vệ quan điểm, chính kiến của mình.

Nhưng giá trị đích thực, giá trị lớn nhất của trí thức lại ở chính cái phẩm chất ấy?

Thứ hai, trí thức là những người có tầm nhìn xa, có tư duy sắc bén, nhạy cảm với mọi thay đổi. Họ là những người đoán định được tương lai dựa trên những suy tưởng mang tính triết học.

Nhưng có lẽ quan trọng nhất, trí thức là nguồn ánh sáng dẫn dắt sự phát triển lành mạnh của xã hội. Một xã hội không phát triển, chắc chắn là một xã hội không có tương lai. Nhưng sự phát triển thiếu dẫn dắt, thiếu trí tưởng tượng lại rất dễ gây thảm họa, tạo ra thứ chúng ta gọi là nhân tai, thậm chí còn nguy hiểm cả hơn thảm họa thiên tai, như chúng ta vẫn thấy.

Chính vì những điều đó mà tiếng nói của trí thức luôn vô cùng quan trọng. Nó cần thiết vào mọi thời điểm, mọi không gian quyền lực chính trị, văn hóa, với mọi thể chế xã hội. Trước mỗi vấn đề lớn của quốc gia, liên quan đến hàng triệu người, thì tiếng nói của trí thức càng phải được lắng nghe một cách nghiêm túc và chân thành.

Trên thực tế, thì tiếng nói quan trọng nhất của trí thức thể hiện ở những ý kiến phản biện.

Tuy được nhắc đến hàng ngày, nhưng không nhiều người hiểu thấu đáo từ phản biện, hành động phản biện. Vì nó có từ “phản” (luôn được hiểu là chống lại) nên thường phản biện bị gán cho nghĩa tiêu cực. Tiêu cực nhất mà người ta hay quy cho phản biện, là nó làm thất tán sự tập trung, phá rối, gây mất đoàn kết của cộng đồng khi thực hiện một công việc, một chính sách nào đó!

Vậy phản biện cần được hiểu thế nào?

Trước hết, phản biện là một tư duy, một thái độ và một quyền. Trong từ điển Đào Duy Anh, thì phản có nhiều nghĩa: Trái; Trả lại; Trở về; Tự xét. Còn từ biện có các nghĩa: Xét rõ để phân biệt; Tranh luận phải trái; …Ghép hai từ lại với nhau thành Phản biện, có thể hiểu là đưa ra một cái nhìn trái chiều mang tính tranh luận, trên cơ sở học thuật và trách nhiệm, để tìm ra những chỗ sai, những chỗ chưa hợp lý, những chỗ chưa chuẩn xác, chưa khôn ngoan, chưa hợp thời… (của một quan điểm, một chính sách nào đó) rồi cùng nhau đạt đến mức hoàn thiện nhất có thể. Như vậy từ sâu trong bản chất, phản biện mang tính trách nhiệm và tinh thần xây dựng, chứ không như nhiều người cho rằng nó nhằm chống lại, phá rối?

Đã phản biện thì đòi hỏi đầu tiên phải có chính kiến. A dua, nói theo thì còn phản biện nỗi gì! Bởi vì a dua là một hình thức xu thời, chắc chắn mang động cơ vụ lợi cá nhân.

Tiếp theo, muốn phản biện, phải có nền tảng học vấn tốt, có tư duy độc lập, không chấp nhận bất cứ CHỈ ĐẠO định hướng nào, của bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào.

Cuối cùng, người đưa ra ý kiến phản biện phải là người có tư cách đạo đức, có tinh thần tự do.

(Chiếu theo các tiêu chí này, thì liệu chúng ta có bao nhiêu trí thức, bạn đọc hãy tự trả lời. Rất nhiều người có bằng cấp đầy mình, có hàng chục danh hiệu sang trọng về học vấn đi kèm nhưng thực sự họ chỉ là KẺ GIÚP VIỆC).

Vì sao cần tiếng nói phản biện?

Trên thực tế không có bất cứ thứ gì là hoàn hảo, vì thế bất cứ thứ gì muốn tiến tới hoàn hảo, cũng cần được soi xét nhiều chiều. Một mô hình phát triển, một đường lối, một chính sách, một điều luật, một chủ trương… có ảnh hưởng lớn đến xã hội, cho dù nhóm soạn thảo có tài giỏi đến đâu, cá nhân nào đó có là thiên tài, thì vì đặc tính “nhân vô thập toàn” của con người, không thể nào bao quát được toàn bộ sự đúng đắn. Sự giới hạn về mặt không gian, thời gian, văn hóa… cũng luôn là một vật cản chắn tầm mắt của những người trong cuộc. Khi đó nó cần các nhà phản biện, như những người có thể giúp họ thoát ra khỏi vấn đề để nhìn nó từ bên ngoài, từ nhãn quan khác, từ phía ngược lại. Bởi vì mục tiêu cuối cùng của phản biện không phải là để tranh hơn tranh kém về tầm vóc học vấn, không phải nhằm tìm cách bôi nhọ, giễu cợt nhau, không nhằm xóa bỏ vô lối, vô lý mà để hoàn thiện thứ bị phản biện.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến lời của một vĩ nhân: “Dân tộc nào thiếu vắng những nhà phản biện lớn, thì đó là dân tộc đại vô phúc”.

Một đảng phái, một chính thể luôn tuyệt đối hoá mình, tự coi mình là đỉnh cao trí tuệ, là chân lý thời đại để từ đó coi mọi ý kiến không giống mình là sai trái rồi tìm mọi cách đàn áp bằng bạo lực, sẽ không bao giờ có tương lai.

12.4.2021

T.D.A

Không có mô tả ảnh.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét