Matthew Chuong
I. DẪN NHẬP
1a) Đọc thấy trên một số báo
ghi: "(...) Trương Định đóng quân tại Đám Lá Tối Trời ở làng Gia Thuận,
thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang".
Sao, Trương Định lập căn cứ
trong ... năm 1976 hả? Bởi vì, quí bạn chú ý, tên gọi "tỉnh Tiền
Giang" CHỈ mới xuất hiện từ tháng 2/1976 mà thôi; trước đó ở vùng này theo
dòng lịch sử KHÔNG hề có tên gọi "tỉnh Tiền Giang".
Viết đúng phải là "(...)
ở làng Gia Thuận, thuộc Gò Công, tỉnh GIA ĐỊNH" (rồi mở ngoặc ghi chú: nay
thuộc tỉnh Tiền Giang). Vì, vào năm 1861 khi tướng quân Trương Định lập căn cứ,
Gò Công bấy giờ thuộc tỉnh Gia Định đó đa! (sau này, Gò Công còn thay đổi nhiều
bận về địa giới hành chánh)
1b) "Đám tang của chí sĩ
Phan Châu Trinh, tháng 3 năm 1926, là môt sự kiện gây chấn động trong lòng nhân
dân thành phố HCM". Ắt quí bạn thấy sai, ngay lập tức! Ghi đúng, phải là
"...trong lòng người dân SÀI GÒN". Đâu phải vì hiện nay gọi "TP.HCM"
(đổi tên từ tháng 7/1976), rồi đem cách goi này úp chụp trên dòng thời gian
trước đó.
1c) Đọc thấy ghi quấy quá, như ri: "Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, mở ra thời kỳ tự chủ lâu dài cho đất nước. Năm 939, ông xưng vương, đặt kinh đô tại Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) => Cái rồi, đọc thấy có những ý kiến bàn luận cho rằng Hà Nội đã được chọn là kinh đô từ buổi đầu độc lập! Hả? Bình luận KHÔNG trúng lich sử gì hết!
Bởi vì CỔ LOA, vào năm 939,
thuộc Phong Châu, NẰM NGOÀI cương vực của Đại La (khi Lý Thái tổ dời đô về đây,
họ Lý đổi tên Đại La thành Thăng Long, giữa thế kỷ 19 gọi là Hà Nội).
Suốt hơn một ngàn năm sau đó,
Cổ Loa vẫn không thuộc Hà Nội, mà - đây nói tắt vào thế kỳ 19, 20 cho gần - Cổ
Loa thuộc trấn Kinh Bắc, rồi tỉnh Phúc Yên, rồi thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (mãi đến
giữa thế kỷ 20 này, vào năm 1961, mới sáp nhập Cổ Loa vào Đông Anh của Hà Nội
mà thôi).
Thành thử ghi đúng cương vực
của địa danh theo thời điểm lịch sử, câu hỏi sẽ là: Vì sao Ngô Quyền, vị anh
hùng mở đầu thời kỳ độc lập, không chọn Đại La làm kinh đô?
(ghi chú: Đại La, trước đó,
do nhà Đường xây đắp, trở thành trung tâm của An Nam đô hộ phủ)
II. TRƯỚC THỜI PHÂN ĐỊNH "ĐÀNG
TRONG", "ĐÀNG NGOÀI"
Lãnh thổ Đại Việt xuôi về
phương nam tới Hoài Nhơn là dừng (sau này đổi tên Hoài Nhơn thành Qui Nhơn, rồi
thành Bình Định).
Đây, không nói chi li về địa
giới hành chánh thay đổi từng lúc, mà đã từng có các cách gọi như: Đạo, Trấn.
Chẳng hạn từ Thanh Hoa (Thanh Hóa) trở vào gọi là "Hải Tây" (thời Lê
Thái tổ), nếu viết một sự kiện vào lúc đó mà ghi "Thanh Hóa, Trung
bộ" là trật, thời bấy giờ đâu có cách gọi "Trung bộ" mà là
"Hải Tây".
Rồi, thời Lê trung hưng (vua
Lê - chúa Trịnh) còn có cách gọi: Đạo thừa tuyên (hoặc "Thừa tuyên"),
Trấn, Phủ... Chẳng hạn có các đạo thừa tuyên Thanh Hoa, Nghệ An, Thuận Hóa,
Quảng Nam.
Lưu ý: đất nước bấy giờ không định ra tên chung cho mỗi
vùng, chẳng hạn nếu ghi "Nghệ An, Trung Bộ" thì - hiểu đúng đắn về
khoa học lịch sử - tưởng đang nói về ... thời kỳ năm 1945 trở đi! (bởi vì cách
gọi "Trung Bộ" chỉ xuất hiện vào tháng 3 năm 1945 mà thôi, trước đó
trong dòng chảy lịch sử hoàn toàn không có cách gọi "Trung Bộ").
III. THỜI ĐÀNG TRONG - ĐÀNG NGOÀI
* ĐÀNG NGOÀI:
Nói tắt, ở Đàng Ngoài có các
Trấn 鎮, rồi
Phủ 府 )
(riêng Phủ chúa ở Kinh thành gọi là "Phủ Phụng Thiên"), xuôi phía nam
có “trấn Thanh Hoa”, “trấn Nghệ An”.
* ĐÀNG TRONG
Sau khi sáp nhập Thủy Chân
Lạp vào Đàng Trong, các chúa Nguyễn chưa đặt ra một tên gọi chung cho toàn vùng
châu thổ Đồng Nai - Cửu Long. Cũng vậy, chưa đặt ra một tên gọi chung cho miền
duyên hải.
Ở Đàng Trong, dùng cách gọi
các cấp hành chánh gồm các "Trấn" 鎮, "Dinh" 營, "Phủ" 府...
Thành thử nếu ghi một sự kiện
xảy ra tại Qui Nhơn, thời các chúa Nguyễn, mà ghi "Qui Nhơn, Trung
Bộ" là không đúng với thời điểm lịch sử, mà nên ghi là "Qui Nhơn
thuộc miền duyên hải" (ghi chú ở phần
V/ Phụ lục, cuối stt này).
Nếu có câu chuyện xảy ra mà
ghi tại "Tây Nam Kỳ" thì tưởng... xảy ra sau năm 1832! (vì đến lúc đó
mới có tên gọi chung, chính thức, là "Nam Kỳ"), hoặc ghi "tại
Tây Nam Bộ" thì còn nhầm lẫn hơn nữa, ắt tưởng xảy ra ... sau tháng 3 năm
1945! (vì tên gọi "Tây Nam Bộ" chỉ "ra ràng" vào năm 1945
mà thôi).
Thay vì "Tây Nam
Kỳ", "Tây Nam Bộ"..., cách gọi thích hợp hơn hết, trong giai
đoạn các chúa Nguyễn định cõi, là "miền châu thổ Cửu Long" (ghi chú ở
phần V/ Phụ lục).
Vào năm 1790, Nguyễn vương
(Nguyễn Phước Ánh) chọn Sài Gòn (thuộc Dinh Phiên trấn) làm kinh đô, gọi là
"Gia Định kinh".
Sau khi hợp nhứt giang sơn,
lấy được Phú Xuân (năm 1801), Nguyễn Phước Ánh quyết định dời kinh đô từ Gia
Định ra Phú Xuân, khởi đầu một quốc gia chính thức lấy tên VIỆT NAM.
IV. "VIỆT NAM" - "ĐẠI
NAM"
(Mang tên "Việt Nam"
1802-1839, sau đó đổi sang tên nước là "Đại Nam" kéo dài cho đến năm
1945, và trở lại tên "Việt Nam" từ tháng 3/1945 khi thành lập
"Đế quốc Việt Nam" với Hoàng đế Bảo Đại và chánh phủ Trần Trọng Kim).
* VUA GIA LONG:
Năm 1808, vua Gia Long thành
lập cấp hành chánh cho từng vùng. "Bắc Thành" (北城) có vị
Tổng trấn thay mặt vua cai quản từ Ninh Bình trở ra (lần lượt với các Tổng trấn
Nguyễn Văn Thành, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Chất).
Có "Bắc" ắt có cách
gọi "Nam"?
Không. Mà gọi là "Gia
Định Thành" (嘉定城), cai quản toàn bộ châu thổ Đồng Nai - Cửu Long (lần
lượt với các Tổng trấn Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, trở lại
với Lê Văn Duyệt).
Từ Thanh Hoa đến Bình Thuận
thì do Kinh Thành Huế trực trị.
* VUA MINH MẠNG:
Năm 1832, lần đầu tiên mới có
cách định danh chính thức theo vùng. Gọi là "Kỳ" (圻), cả thảy
có 5 Kỳ:
1 NAM KỲ (gồm châu thổ Đồng
Nai, châu thổ Cửu Long), 2 TẢ KỲ (Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định), 3
TRỰC KỲ (Quảng Ngãi, Quảng Nam, kinh đô HUẾ, Quảng Trị, Quảng Bình), 4 HỮU KỲ
(Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa), 5 BẮC KỲ (từ Ninh Bình trở ra).
Nếu xét chặt chẽ, vào lúc này
cũng chưa xuất hiện cách gọi "Trung Kỳ". Tuy nhiên, "Trực Kỳ -
Hữu Kỳ - Tả Kỳ" có thể gọi chung là Trung Kỳ, nằm giữa Nam Kỳ và Bắc Kỳ.
* Vào tháng 3 năm 1945, xuất
hiện cách gọi cho từng vùng là "Bộ" (Nam Bộ, Trung Bộ, Bắc Bộ) vào
thời chánh phủ Trần Trọng Kim.
Thế chế Việt Nam dân chủ cộng
hòa, rồi Cộng hòa XHCN VN hiện nay áp dụng cách goi "Bộ".
Thế chế Quốc gia Việt Nam,
Việt Nam Cộng Hòa đổi sang cách gọi "Phần" (Nam Phần, Trung Phần, Bắc
Phần).
V. PHỤ LỤC
Như nói trên, ở ĐÀNG TRONG
thời các chúa Nguyễn định cõi chưa đặt ra tên gọi chung chính thức, cho từng
vùng, về mặt địa giới hành chánh. Chưa có cách gọi "Kỳ", lại càng
chưa có cách gọi "Bộ"..., thành thử nếu ghi "Kỳ",
"Bộ" là không ghi đúng theo trình tự thời gian trong dòng chảy lịch
sử!
Cách gọi thích hợp nhứt là
dựa vào ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN. Ở Đàng Trong, bấy giờ, gồm:
- MIỀN DUYÊN HẢI: từ Quảng
Bình đến Bình Thuận, với đặc điểm ĐỀU GIÁP BIỂN.
- MIỀN CAO NGUYÊN: theo chế
độ tự trị, triều cống cho các chúa Nguyễn.
- MIỀN CHÂU THỔ: gồm Châu thổ
Đồng Nai, Châu thổ Cửu Long.
Thuộc miền Châu thổ, có nơi
giáp biển nhưng cũng có những nơi nằm trong nội địa (khác với miền Duyên hải là
đều giáp biển).
Ta nói, tỉ như "Miền
duyên hải" (Đàng Trong), "Miền châu thổ" (Đàng Trong) là rõ rành
lắm đa!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét