Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

TỪ BẮC GIANG ĐẾN NEW YORK


Ông Tô Oanh bị rớt chuyến metro ở New York khi chúng tôi đang trên đường tới trụ sở Liên Hợp Quốc theo một lời mời, tất nhiên có người dừng lại để đợi ông.Cô gái hướng dẫn bảo tôi : “Từ Bắc Giang rơi tõm vào giữa New York cũng khổ đấy anh nhỉ ?”Chà, cám ơn cô “Từ Bắc Giang đến New York”.Cái title quá đắt cho một bài viết về ông Tô Oanh.
Tôi hỏi ông :
-Có bao giờ anh nghĩ đến việc sẽ đặt chân lên đất Mỹ không ?

Ông chỉ cười hiền lành và không trả lời. Tôi biết người thầy giáo già đã về hưu sống ở một thị xã nhỏ bé vùng trung du miền Bắc coi chuyện mình đặt chân đến cái đất nước xa xôi ấy là điều bất khả.Dù bây giờ đi Mỹ không khó, thậm chí với nhiều người việc ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở Paris rồi hôm sau đã dạo bước trên đại lộ số 5, khu mua sắm nổi tiếng thế giới của New York còn dễ hơn việc ông phải đạp xe trốn vòng vèo mỗi Chủ nhật tìm cách về Bờ Hồ -Hà Nội đi biểu tình.
Tô Oanh là giáo viên dạy Địa lý ở trường trung học, thỉnh thoảng ông cũng dạy thay môn Sử cho một người bạn.Lại môn Sử, “ngục sỹ” Nguyễn Chí Thiện cũng bắt đầu bước vào vòng lao lý dài dằng dặc 27 năm khi dậy thay môn Sử cho một người bạn.Ông Oanh nói :
- Soạn giáo án cho môn Sử, nghiên cứu thêm về nó tôi thấy cái truyền thống Đông A hào hùng, Chí Linh, Bạch Đằng…. ngày càng lụi tàn và những Ích Tắc, Chiêu Thống ngày thêm nhiều hơn.
Ông miệt mài viết báo về những vấn đề tiêu cực trong xã hội, việc cưỡng chế đất không đúng mục đích và không công bằng với nông dân, về những vấn đề trong cải cách giáo dục…báo tỉnh không dám đăng thì ông tìm cách đăng ở báo trung ương.Những phiền lụy bắt đầu đến với ông khi ông đăng bài về người thanh niên tên Khương bị đánh chết trong đồn công an, không báo nào dám đăng thì ông gửi cho các hãng thông tấn nước ngoài như BBC, RFA….Chẳng suy nghĩ xa xôi, ông đau xót vì cái chết tức tưởi của một thanh niên, tấm lòng của một người ông, người cha, cái bất bình trước tội ác bị che dấu, lương tâm một người thầy giáo không cho phép ông im lặng.Và thế là các phiền phức bắt đầu, ông bị phỏng vấn liên miên đến 17 ngày, với đủ những cái “mũ” kinh khủng.Người thầy giáo già ngơ ngác, ông không hiểu mình đã phạm tội gì ? Có lần ông còn bị một cái taxi lùi thẳng vào khi ông đang đi xe máy, may mà chỉ bị rạn xương, khi mấy người ngang đường xông lại, tên lái xe vội chạy mất.Họ bảo ông :
- Ông gây thù chuốc oán gì với chúng nó vậy ?Chúng tôi thấy nó chờ sẵn ở đây lâu lắm rồi.
Có nơi đâu trên trái đất này lại khốn nạn đến thế không ?Chỉ vì không thể im lặng trước sự dối trá mà người ta phải chịu những sự trả thù hèn hạ đến thế.Họ tưởng như vậy sẽ làm người ta sợ hãi, nhầm rồi, không ai có thể nói rằng mình không sợ điều gì, nhưng khi người ta mạnh, người ta biết mình cao hơn đối thủ thì người ta không còn sợ nữa.Họ có dối trá là vũ khí, những người như ông Tô Oanh biết mình có sự thật trong tay, kẻ dối trá phải run sợ trước sự thật là điều tất nhiên.
Những người cùng chí hướng thì sẽ phải gặp gỡ nhau, định mệnh đã sắp đặt như vậy.Khi nghe tin có các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ở Bờ Hồ thì ông Oanh mừng lắm.Ông kể :
- Buổi đầu tiên tôi đi bằng xe máy, lần sau họ biết nên cho công an ngăn cản, tôi lấy xe đạp đi vòng vèo rồi cũng tìm cách về được Hà Nội.
Đạp xe hơn 100km trong một ngày với một người đã gần 70 tuổi thì phải có điều gì thúc đẩy ghê gớm lắm.Điều này thật khó giải thích, riêng với tôi mỗi lần đi biểu tình được hòa giọng cùng hàng trăm đồng bào cất tiếng : “Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi…” thật khó tả, lần nào cũng trào nước mắt.Niềm hạnh phúc thấy mình không cô đơn, thấy lương tâm mình thật thanh thản, thấy đất nước còn có cơ hội thoát ra khỏi bùn lầy tăm tối và tội ác thật khó diễn tả bằng lời.
Nhìn ông đánh vật bên chiếc computer viết bản tiểu sử cho buổi điều trần sắp tới với nhóm dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ mà thấy thương, ông thấy khó nói về mình, nó lúng túng, ngượng ngập, ông cho rằng những việc ông làm thật là nhỏ bé, ai ở vào địa vị ông cũng phải làm thôi.Tôi lén chụp ảnh ông mỗi lúc có thể, khi ông đứng ngắm hoa anh đào, lúc ông đăm chiêu bên nấm mộ Tổng thống Kenedy, hay ngồi trên chiếc ghế ở cái quán vỉa hè New York…tôi vẫn không cắt nghĩa nổi tại sao ông làm những việc to lớn như vậy.Có lẽ cái chất “Sỹ phu Bắc Hà” vẫn chảy trong huyết quản của ông ?
Việc ông Tô Oanh được mời sang Mỹ chắc chắn sẽ làm những người ở Việt Nam sửng sốt, ngỡ ngàng.Tôi nghĩ chính phủ Mỹ không thể làm việc này một cách cẩu thả, họ phải nhìn thấy ở ông một cái gì đó.Thực tình tôi cũng rất tò mò muốn biết điều này.
Top of Form


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét