Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Ai phải chịu trách nhiệm vụ hỏa hoạn chung cư Carina Plaza?


Lê Quốc Trinh, Kỹ sư cơ khí về hưu Canada

A)- Mục đích

Bài viết này dựa trên những diễn biến về hỏa hoạn tại chung cư cao cấp Carina Plaza (ngày 23-03-2018) để làm một phân tích khoa học kỹ thuật (KHKT), từ đó truy tìm ra nguyên nhân gốc và vạch rõ người chịu trách nhiệm chính của sự kiện kinh hoàng gây chấn động cả nước.

B)- Diễn biến vụ hỏa hoạn Carina Plaza

Tổng hợp các thông tin từ báo chí (qua mạng Internet) qua kiểm chứng của Công an TP HCM (Quận 8) thì đám cháy bùng lên rạng sáng ngày 23-03-2018 từ tầng hầm chứa xe của chung cư. Khói đen và lửa bùng lên dữ dội len lỏi vào các hành lang qua các cánh cửa ăn thông với hầm bốc lên các tầng lầu của hai khu A & B, gây náo loạn cho hàng ngàn cư dân đang yên ngủ. Vì hệ thống báo động không hú còi và đèn điện tắt ngúm, làm tăng cơn hoảng sợ khiến cho mọi người thi nhau tìm đường thoát chạy trong đêm tối. Hệ thống Phòng Cháy Chữa Cháy (PCCC) gồm dàn phun nước trên trần (Gicleurs, Springlers) không hoạt động, vòi nước chữa lửa ở mỗi tầng cũng bị thất lạc. Mọi thứ vô hy vọng, chỉ còn mong chờ xe cứu hỏa của thành phố gửi đến dập tắt đám cháy.

Hậu quả thiệt hại về nhân mạng: 13 người bị chết, 99 người nhập viện, hơn 50 người trọng thương (bị bỏng, té ngã, phổi bị ám khí độc). Thiệt hại về vật chất: 340 chiếc xe máy cùng 17 xe hơi bị bà Hỏa thăm viếng trong tầng hầm. Tài sản, nội thất của hàng trăm cư dân bị cháy, bị ám khói hoặc bị ngập nước hư hỏng nặng nề. Đây là một vụ hỏa hoạn kinh hoàng nhất từ 10 năm nay theo đánh giá của báo chí trong nước.

Nguyên nhân sơ khởi: theo báo cáo chính thức của ngành Công an TP HCM thì một ngọn lửa nhỏ bắt nguồn từ chân chống một chiếc xe tay ga Attila Victoria dựng trong hầm vì chập điện, lan sang tới đầu xe đằng trước (dưới dàn ống thông khí trên trần) và bùng thành đám lửa lớn. Sau đó thì hàng trăm chiếc xe khác và xe hơi trong hầm bắt lửa và bùng cháy biến thành một cơn bão lửa dữ dội khiến cho đội bảo vệ chung cư không can thiệp nổi đành bó tay, chỉ cố gắng hết sức giúp đỡ cứu trợ những nạn nhân.

Xem bản tin trong VNExpress.vn ngày 29-03-2018 (mô phỏng đám cháy dựa trên cuộn băng Video Clip thu lại từ Camera trong hầm)

C)- Tìm hiểu và phân tích KHKT về nguyên nhân xe máy cháy nổ tự động


Theo báo cáo chính thức của Công an thì trong cuộn băng video camera không hề thấy bóng dáng con người lảng vảng trong tầng hầm và gần chiếc xe Attila, do đó họ loại trừ yếu tố phá họai hay khủng bố do từ tác nhân bên ngoài. Vậy chỉ còn mỗi kết luận duy nhất là: “xe máy tự động chập điện nảy tia lửa và tự động bốc cháy gây nên hỏa hoạn lớn”. Tiếp theo là những bài báo của thành phố và Nhà nước thi nhau kết án nhà thầu đầu tư chung cư mang những lỗi lầm nặng nề về hệ thống PCCC không được kiểm tra, không được bảo trì chăm sóc kỹ lưỡng theo tiêu chuẩn, xem họ như là bị can duy nhất để kiện ra tòa. Rồi một màn kịch được Ủy ban Nhân dân thành phố dựng lên để thu hút chú ý của mọi người vào công tác PCCC, tưởng chừng như đó là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chận những vụ hỏa hoạn tương tự trong tương lai ở các chung cư đông dân. Câu hỏi đặt ra là: Có thật là thế không?

Đến giờ vẫn chưa có bài báo nào đặt nghi vấn trên kết luận của CA: chỉ dừng lại không đi xa hơn để giải thích tại sao một tia lửa nhỏ xẹt xẹt do lỗi chập điện 12 V lại có thể gây thành đám cháy khủng khiếp làm 13 người chết, 55 người trọng thương, 340 xe máy và 17 xe hơi bị thiêu rụi? Nếu không có sự hiện diện của chất liệu dẫn lửa nhạy bén gần chiếc xe với khối lượng khá đủ thì làm sao tia lửa nhỏ có thể bốc lên thành đám lửa lớn? Vậy thì chất dẫn hỏa đó là gì? Đến từ đâu? Nếu không phải là xăng lỏng chảy từ xe máy ra?

Bài viết này sẽ đào sâu vào câu hỏi đó và đi tìm một giả thuyết KHKT khác khả dĩ giải thích hiện tượng bùng cháy tự nhiên của chiếc xe máy. Đề tài này không có gì là mới lạ bởi vì từ 10 năm qua báo chí trong nước vẫn thường đăng tải thông tin về tai nạn cháy xe máy, xe hơi, nói chung là phương tiện giao thông sử dụng xăng dầu trong động cơ nổ bốn thì, gây rất nhiều thiệt hại về nhân mạng cũng như tài sản cho người dân lao động. Và trên các Trang Mạng Internet trong nước rất nhiều chuyên gia kỹ thuật, kỹ sư, cán sự bàn cãi và bày tỏ mối quan ngại về sự ra đời của loại xăng sinh học, hay xăng pha cồn (Ethanol) ở nồng độ thấp 5% (E5).

Xin phép lật lại hồ sơ và trích dẫn ra đây một số bài viết thảo luận của người dân trong nước (Google Wikimedia):

Nguyên nhân gây cháy nổ trên xe máy và xe hơi

Xăng kém chất lượng và không đạt chuẩn?

Nhiều chuyên gia cho rằng xăng kém chất lượng là một nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy nổ bất ngờ [6].
Acetonemethanolethanol là những phụ gia thường được pha vào xăng để tăng khả năng cháy, khả năng bay hơi và chỉ số octan của xăng. Acetone là dung môi mạnh, có độ bay hơi cao (100%) [7]. Methanol là dung môi gây ăn mòn, làm phá hủy nhanh các kết cấu bằng cao su và nhựa, làm hở. Nếu hàm lượng này vượt quá mức quy định cho phép và càng cao thì càng làm tăng khả năng bay hơi, nếu gặp tia lửa điện sẽ dễ bốc cháy hơn hoặc gây chập điện[8].

Kết quả kiểm nghiệm ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng I phát hiện một mẫu xăng không chì RON92 lấy từ một cây xăng thuộc Công ty Xăng dầu Quân đội tại Mai Dịch, Hà Nội có hàm lượng oxy cao gấp ba lần mức quy định cho phép (8,8% khối lượng so với tiêu chuẩn là 2,7%) và lượng methanol 'chưa được chấp nhận' (15,3% thể tích)[8][9]. Theo các nhà khoa học, đây là một thông tin quan trọng có thể tìm ra manh mối thủ phạm gây ra các vụ cháy nổ hàng loạt.

Trong năm 2011, có gần 4.200 tấn acetone do 32 công ty sản xuất và kinh doanh nhập khẩu vào Việt Nam cho nhiều mục đích. Về vấn đề cháy xe máy, trong đó đa phần nghiêng về giả thiết xăng bị pha acetone. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, vẫn chưa có một cơ quan nào lên tiếng hay chính thức điều tra về nghi vấn này [10].

Rút ruột bồn xăng và xăng pha tạp?

Tháng 1 năm 2012, các phóng viên báo Thanh Niên đã theo dõi và ghi hình được quả tang một số xe bồn chở xăng sau khi nhận xăng ở Tổng kho xăng dầu Nhà Bè thuộc tập đoàn Petrolimex, đã rẽ ngang các "trạm pha chế" bí mật để rút bớt xăng từ các bồn và pha chế "xăng bẩn"[11][12]. Tình trạng gian lận vì lợi nhuận ích kỷ riêng đã kéo dài nhiều năm.
Tình trạng quy định pháp luật về xăng và trách nhiệm quản lý
Từ tháng 9 năm 2008, Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Khoa học Công nghệ đã cho phép bán xăng sinh học Ethanol-E5 (còn gọi là xăng pha cồn sinh học) có pha chất ethanol ra thị trường [13]. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA) đã bày tỏ sự quan ngại đối với xăng trộn ethanol này [13]. Mặc dù cho phép xăng được pha thêm methanol nhưng đến nay tại Việt Nam lại chưa có quy định cụ thể về nồng độ methanol trong xăng [8]

Bên cạnh đó, mỗi năm vẫn có đến vài trăm ngàn tấn xăng A83 được sản xuất, các bộ nhà nước chưa thống nhất về việc có nên ngừng sản xuất xăng A83, tạo cơ hội cho các đại lý xăng dầu pha trộn xăng A83 vào xăng A92 để gian lận. Từ năm 2006, đã có báo động về việc "xăng dỏm là nguyên nhân xe máy hỏng hàng loạt". Từ nhiều năm nay đã diễn ra việc pha xăng A83 và xăng A92, hoặc xăng A92 vào xăng A95 nhằm tăng khối lượng nhưng lại làm giảm trị số ốc-tan, nhưng các cơ quan quản lý phản ứng rất chậm chạp, quản lý lỏng lẻo, thiếu tính khoa học, đồng nhất đã tạo điều kiện cho gian thương biến đổi tính chất của xăng đi rất nhiều và làm người tiêu dùng chịu thiệt.
Phản ứng của các cơ quan nhà nước
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng phát biểu ngày 3 tháng 1 năm 2012, cho rằng hiện nay trách nhiệm về phương tiện cháy nổ không thuộc về ai, chứng tỏ có khoảng trống về pháp luật và "Từ năm 2012 với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải chịu trách nhiệm khi xe cháy nổ" [2].

Ngày 6 tháng 1 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng cho biết: "Chúng tôi có trách nhiệm cùng với ngành Khoa học Công nghệ trong quản lý chất lượng xăng dầu. Để xảy ra tình trạng một số cơ sở kinh doanh không đảm bảo chất lượng xăng dầu, có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương. Nếu các cơ quan chức năng qua kiểm tra xác định nguyên nhân từ xăng dầu dẫn đến cháy nổ các phương tiện vận tải, chúng tôi xin nhận trách nhiệm" [14].

Bộ công an địa phương đã vào cuộc để điều tra vài vụ cháy xe có nghi vấn hình sự (như vụ tại Bắc Ninh), Bộ Khoa học Công nghệ mở đợt kiểm tra quy mô lớn với hơn 3.000 mẫu xăng. Tuy nhiên, Công an cho rằng không có trách nhiệm điều tra nguyên nhân cháy, do không được yêu cầu từ chủ xe, còn Cục đăng kiểm thì không có trách nhiệm với những xe đang lưu hành [15]
Phản ứng người dân
Hội bảo vệ người tiêu dùng tại việt Nam cho biết chưa nhận được bất cứ đơn, thư khiếu nại nào của các nạn nhân trong hàng chục vụ nổ ô tô xe máy ở Việt Nam [16].
Chú thích
11. ^ Kinh hoàng "công nghệ" xăng dỏm, Thanh Niên, 09/01/2012
Sau đây là những thông tin khác từ báo chí VN về chủ đề xăng sinh học E5:



Không chỉ ở VN mà báo chí chuyên môn ở Hoa Kỳ cũng có nhiều bài chia sẻ ý kiến lo ngại về ảnh hưởng của xăng sinh học lên động cơ nổ của xe máy:





Những ý kiến này nhắc nhở người sử dụng nên cẩn thận vì có nguy cơ hóa chất Ethanol trong xăng sẽ làm hư hỏng máy, gây sét rỉ động cơ, carburators và làm giãn nở các ống cao su (plastique) từ bình xăng xuống máy, làm chảy xăng ra ngoài không khí.

Những quan ngại này có lý do chính đáng bởi vì xăng nguyên chất (RON A92 & A95) do các khu công nghiệp nặng khai thác từ hơn 100 năm nay, đầu tư cả ngàn tỷ US$, dựa trên những lý thuyết KHKT vững chắc, theo dõi kiểm tra chất lượng chặt chẽ từ nhiều phòng thí nghiệm hiện đại, người tiêu dùng tin tưởng không có vấn đề. Còn xăng sinh học là hình thức pha trộn giữa hai nền công nghiệp hiện đại (dầu hỏa thô) và nông nghiệp thô sơ (rượu cồn tinh lọc từ nhà máy chế biến bắp, khoai mì, mía, lúa, v.v.) cho nên phẩm chất không bảo đảm.

Riêng tại VN thì vấn nạn buôn lậu, ăn cắp, tự ý pha trộn xăng sinh học ngầm từ những “cây xăng ma” mà Nhà Nước không kiểm soát được, nhất là ở những nơi xa vắng hẻo lánh làm cho người tiêu dùng thêm sợ hãi lo âu. Sau đây là những bằng chứng đã được phanh phui trên mặt báo:

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/phanh-phui-hang-loat-sai-pham-tai-34-co-so-kinh-doanh-xang-dau-20180105124243486.htm






Hậu quả nghiêm trọng là từ đó nhiều tai nạn bùng cháy xe máy, xe hơi, xe vận tải, xe khách liên tục xảy ra trên khắp nẻo đường quê hương, một hiện tượng chỉ có ở VN dưới chế độ XHCN định hướng kinh tế thị trường, rất hiếm nghe ở xã hội tân tiến Bắc Mỹ hay miền Nam VN trước thời kỳ1975 (chính thể VNCH). Sau đây là những thông tin truy tìm được trong khoảng thời gian 12 tháng (2017-2018) từ báo chí truyền thông:






















Sẽ có nhiều người nêu thắc mắc: “Vậy thì làm sao giải thích hiện tượng xe cộ bùng cháy tự nhiên trên giao thông công cộng không vì tai nạn va chạm hay phá hoại?”

Bài viết này chỉ tập trung tìm hiểu phân tích KHKT trên những xe cộ sử dụng động cơ nổ bốn thì, đổ xăng nguyên chất (RON A92 & A95) hay xăng sinh học pha cồn E5. Những phương tiện chạy bằng dầu cặn diesel (xe vận tải, xe khách lớn, tàu bè qua lại trên sông) cũng bị cháy nổ tự nhiên nhưng không đề cập ở đây vì chưa đủ dữ liệu khoa học.

D)- Giải thích hiện tượng bùng cháy từ xe máy Attila Victoria trong hầm chứa xe

Dựa trên báo cáo CA (mô phỏng đám cháy trông hầm chứa xe từ hình ảnh Camera thu lại, 
VNExpress.vn 29-03-2018) tác giả đưa ra một giả thuyết KHKT giải thích hiện tượng bùng cháy tự nhiên của xe tay ga SYM Attila Victoria trong chung cư Carina Plaza, sát với thực tiễn.

1)- Đặc tính cơ bản của nhiên liệu xăng dùng trong động cơ nổ bốn thì

a)- Nhiệt độ tối thiểu để xăng bốc hơi (Flash Point of Gasoline)
Xăng ở thể lỏng không dễ bắt cháy, chỉ bùng cháy ở dạng khí (hơi). Nhiệt độ tối thiểu để cho xăng lỏng bốc hơi là – 43 độ C (43 độ dưới 0 độ C). Vậy thì thời tiết khí hậu ở VN xứ nhiệt đới từ +10 độ C đến +37 độ C, là điều kiện lý tưởng để xăng bốc hơi nhanh, dễ bùng cháy khi tiếp xúc với ngọn lửa.

b)- Hỗn hợp xăng hòa không khí tối thiểu để gây cháy nổ trong động cơ (Stochiometric Ratio of Gasoline)

Hơi xăng hòa với không khí ở nồng độ 1:14,7 (1 gam hơi xăng + 14,7 gam không khí) là điều kiện thấp nhất để gây cháy nổ trong không gian kín (xylanh) khi tiếp xúc với một tia lửa (bougie, Spark Plug) tạo áp suất lớn và nhiệt độ cao.

c)- Nhiệt độ thấp nhất làm hơi xăng bùng cháy tự nhiên trong không khí (Auto-Ignition Temperature of Gasoline)
Khi hỗn hợp xăng + không khí tiếp xúc với môi trường nóng ở nhiệt độ 247 độ C, ở áp suất bình thường, thì tự nhiên bùng cháy không cần tia lửa xúc tác từ bên ngoài.

2)- Đặc điểm của xe tay ga SYM Attila Victoria

Vào Google truy tìm những hình ảnh xe SYM Attila Victoria (lưu thông ở VN) thì thấy một kiểu xe đời mới với đặc điểm là bình xăng 7 lít (khá lớn) được gắn trước mặt người lái (dưới ghi đông, đằng sau dàn đèn pha), chứ không nằm dưới yên xe người lái như phần đông xe máy khác. Đặc điểm khác là ống xả khói từ động cơ ra bị che khuất hoàn toàn trong thùng xe, nằm trên bộ chân chống.



Hình minh họa một kiểu mẫu SYM Attila Victoria (trích từ Google)

Hai chi tiết đó đưa đến giả thuyết mô tả “cơn bão lửa” như sau:

a)- Vì bình xăng nằm khá xa động cơ, vòi dẫn xăng (bằng cao su hay plastique) khá dài phải chạy dưới lườn xe để nối với dàn máy đằng sau. Khi chủ nhân đổ xăng sinh học pha cồn E5 (sau ngày 01-01-2018, theo quyết định của Nhà nước), vòi xăng có thể bị hóa chất Ethanol tấn công làm giãn nở và hở tuột, xăng chảy nhỏ giọt từ bình xăng đọng thành vũng trước đầu xe;

b)- Xăng tiếp tục luồn theo ống dẫn chảy ra dàn máy đằng sau và tiếp xúc với ống xả khói đang nóng hừng hực;

c)- Nhiệt độ bên ngoài trong mùa khô nóng (Saigon +30 độ C) có thể chủ nhân đã đi một đoạn đường dài, khá lâu, ống khói bị nóng ở nhiệt độ cao vì bị che kín trong thùng xe, không được làm mát bằng gió, có khả năng lên đến 240 độ C, gây hiệu ứng bốc cháy tự nhiên thành lửa (auto-ignition). Chỗ này gần bộ chân chống cho nên hình ảnh trên Camera cho thấy tia lửa nhấp nháy làm cho người xem nghĩ rằng “do chập điện”;

d)- Tia lửa tự nhiên trên bộ chân chống xuất hiện kích thích cho xăng bùng cháy theo vòi lan đến đằng trước xe châm ngòi cho vũng xăng thành đám lửa lớn;

e)- Chỉ trong vài phút đám cháy được ống thông khí trên trần tiếp tế thêm dưỡng khí cho nên càng bùng mạnh, nhiệt độ tăng cao và tấn công lên những bình xăng của hàng trăm chiếc xe máy xung quanh, tạo thành cơn bão lửa kinh hoàng;

f)- Trong khi đó thì mọi cánh cửa từ tầng hầm được mở toang để khói đen độc hại và lửa nóng có lối thoát tấn công lên các tầng trên lầu đi theo các hành lang, xông vào các căn hộ gây náo loạn chung cư.

E)- Kết luận: xác định người chịu trách nhiệm chính trong vụ hỏa họan Carina Plaza
Xuyên qua nhiều bằng chứng thực tế trích dẫn từ báo chí truyền thông “lề phải” trong nước và bằng lý luận KHKT rõ ràng, tác giả bài viết có thể đi đến kết luận rằng:

1)- Tập đoàn lãnh đạo Đảng CS và Nhà Nước VN là người chịu trách nhiệm trước tiên về tai họa cháy kinh hoàng ở chung cư cao cấp Carina Plaza ngày 23-03-2018 vì chính Bộ Công Thương đã ban hành lệnh ép người dân phải mua xăng sinh học pha cồn E5 sau khi ngừng sản xuất xăng RON A92 (từ ngày 01-01-2018);

2)- Tập đoàn lãnh đạo Đảng CS và Nhà Nước VN phải chịu trách nhiệm trước toàn dân vì không có biện pháp hữu hiệu để kiểm tra chất lượng xăng sinh học, không ngăn ngừa được vấn nạn ăn cắp, buôn lậu và pha chế xăng sinh học từ các cây xăng bất lương;

3)- Tập đoàn lãnh đạo Đảng CS và Nhà Nước VN phải chịu trách nhiệm trước lịch sử vì bất lực không giải quyết được tình trạng mất chủ quyền trong vùng lãnh hải Biển Đông, để cho mọi khả năng khai thác dầu hỏa ngoài khơi bị ngăn chận trước sức ép quân sự của TQ. Từ nay khu công nghiệp lọc dầu Dung Quất sẽ phải nhập cảng dầu thô từ ngoài và tinh lọc cho nhu cầu trong nước. Để tránh lỗ lã và thất thu họ bắt buộc phải hạn chế dầu nhập và pha với cồn sinh học Ethanol nhằm giữ cho nhà máy hoạt động;

4)- Tất cả mọi nỗ lực của thành phố nhằm cải thiện hệ thống PCCC trong các chung cư chỉ là biện pháp chính trị tạm thời nhằm “xoa dịu cơn phẫn nộ của quần chúng, tìm cách trốn tránh trách nhiệm của tập đoàn lãnh đạo” không giải quyết vấn đề tận gốc vì hiểm họa bùng cháy tự nhiên của xe máy, xe hơi dùng xăng sinh học hãy còn hiện diện và sẽ tiếp tục xảy ra ở bất kỳ nơi nào, bất kỳ thời điểm nào.
F)- Lời trần tình sau cùng của tác giả

Trước hết tác giả xin lỗi quý vị độc giả trong nước, bài viết này khá dài giòng (8 trang giấy) vì tính cách chuyên môn trong lĩnh vực KHKT và liên hệ đến nhiều tầng lớp người sống trong xã hội VN, bắt buộc phải liệt kê nhiều trích dẫn từ báo chí để đi sát với thực tiễn hơn.

Kể từ khi nhà máy Dung Quất chính thức đi vào hoạt động (01-2011) đến nay chưa tròn 10 tuổi nhưng vấp váp quá nhiều khó khăn chồng chất, vì tình hình quân sự chính trị căng thẳng trên Biển Đông đã trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn khai thác dầu thô.


Từ đó tác giả đã quan tâm theo dõi tình hình trên mặt báo VN mỗi ngày. Sau nữa, kiến thức KHKT trong nghề cùng với kinh nghiệm cá nhân đã giúp tác giả hành động bén nhạy tránh được một tai họa chết người tương tự vụ Carina Plaza, cứu được 11 người trong gia đình nhân chuyến về thăm nhà năm ngoái (Saigon, 29-01-2017), sẽ có một bài viết khác trình bày kỹ chi tiết của sự kiện hy hữu này. Nhờ hoạt động trong ngành công nghiệp khai khoáng & hóa dầu Canada nên tác giả có đủ tài liệu KHKT để đóng góp ý kiến với những chuyên gia trong nước giúp cho người dân lao động VN hiểu rõ vấn đề hơn, hy vọng trong tương lai tránh được những hiểm họa kinh hoàng như Carina Plaza vừa qua.

Kính chào quý vị độc giả
L.Q.T.
Canada, 21-04-2018
Tác giả gửi BVN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét