Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

TƯỜNG TRÌNH 15 NĂM ĐI TÌM NGUỒN CỘI


Hà Văn Thùy
Một đêm tháng Tám năm 2004, trong khi tìm tư liệu cho cuốn tiểu thuyết đang viết thì tôi gặp dòng tin từ tờ báo tiếng Việt xuất bản ở Mỹ: “Các nhà đi truyền học khám phá loài người hiện đại xuất hiện ở châu Phi 180.000 năm trước. 60.000 năm trước, người từ châu Phi theo ven bờ Ấn Độ Dương tới Việt Nam. Nghỉ lại ở đây 10.000 năm, sau khi tăng nhân số, người từ Việt Nam tỏa ra các đảo Đông Nam Á, chiếm lĩnh Ấn Độ và 40.000 năm trước đi lên chinh phục Hoa lục…” Đọc xong bản tin, tôi ngồi lặng một lúc lâu, người như bị say sóng, trong đầu chợt lóe lên ánh sáng như làn chớp. Một ý nghĩ chợt đến: Nếu tin này đúng, sẽ làm thay đổi cả lịch sử và vận mệnh dân tộc! Khi xác minh được thông tin, tôi dừng mọi việc văn chương để tập trung đi tìm nguồn cội.
Đó là quá trình tìm lời giải cho những câu hỏi.
1.Câu hỏi thứ nhất: người di cư đến Việt Nam theo con đường nào?
Học giả thế giới đưa ra hai quan điểm đối nghịch nhau về con đường di cư của người châu Phi. J.Y. Chu và nhóm Đại học Texas cho rằng: “60.000 năm trước, người hiện đại theo ven Ấn Độ Dương tới Việt Nam.” Trong khi đó Spencer Wells của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ khẳng định: “Có con đường di cư phương nam diễn ra 60.000 năm trước. Nhưng đợt di cư thứ hai xảy ra 45.000 năm trước, từ châu Phi, con người lên Trung Đông, vào Trung Á sau đó lan tỏa ra toàn thế giới mới là cuộc di cư quan trọng, làm ra đại bộ phận nhân loại ngoài châu Phi.” Hai con đường di cư tất dẫn đến kết quả trái ngược. Theo con đường nào?
Rất may là lúc này có thêm công bố của Stephen Oppenheimer Đại học Oxford, cho rằng “Chỉ duy nhất cuộc di cư thành công diễn ra 85.000 năm trước. Con người qua cửa Hồng Hải sang bán đảo A Rập. Bị băng hà chặn ở phía bắc, đoàn di cư chia đôi. Một bộ phận dừng lại trên đất Yemen, bộ phận còn lại theo ven biển Ấn Độ, tới Việt Nam 70.000 năm trước.” Một lá phiếu bỏ cho con đường phía nam. Tiếp đó bạn bè gửi cho tài liệu của Ballinger thuộc Hiệp Hội Di truyền học Hoa Kỳ: “Dân cư châu Á cùng một chủng Mongoloid. Trong đó người Việt Nam có chỉ số đa dạng sinh học cao nhất.” Phát hiện này xác nhận Việt Nam là nơi phát tích của dân cư châu Á. Con đường di cư phía nam có thêm sự ủng hộ. Tôi yên tâm đi con đường này. Kết quả là tôi đã đúng trong khi các học giả phương Tây và Trung Quốc theo quan điểm hai con đường dẫn tới sai lầm tai hại.
2.Câu hỏi thứ hai: Người đến Việt Nam là ai?
Để tìm hiểu sự hình thành dân cư phương Đông thì đáp án của câu hỏi này sẽ là biển chỉ đường. Vì lẽ, chỉ khi biết người đến Việt Nam là ai thì mới hiểu con người sinh ra tại Việt Nam là ai rồi từ đó mới theo bước chân của họ để biết sự hình thành dân cư các nước phương Đông. Có lẽ do không chú ý đến việc người tiền sử đặt chân tới Việt Nam đầu tiên nên không nhà di truyền nào đặt ra câu hỏi này. Rất may là trong cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa khám phá: “Thời đồ đá, trên đất Việt Nam có mặt hai đại chủng Australoid và Mongoloid. Họ hòa huyết với nhau và con cháu họ hòa huyết tiếp sinh ra bốn chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, cùng thuộc nhóm loại hình Australoid. Sang thời kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và trở thành chủ thể dân cư. Người Australoid biến mất khỏi đất này, không hiểu do di cư hay đồng hóa?” Tư liệu này vô cùng giá trị, nó không những cho thấy, người di cư tới Việt Nam gồm hai đại chủng Australoid và Mongoloid mà còn xác định, bốn chủng người Việt cổ được sinh ra ở Việt Nam cùng một thời điểm, cùng một tổ tiên và là gốc của dân cư phương Đông. Nhờ nắm được tư liệu này, tôi giải thích sự hình thành dân cư châu Á rõ ràng và nhất quán. Không hiểu sao, tài liệu quý như thế mà các học giả thế giới không biết đến khiến cho họ bất cập trong việc giải thích nguồn gốc dân cư châu Á?
3. Câu hỏi thứ 3: Người Mông Cổ từ đâu ra?
Nguồn gốc chủng Mông Cổ là chìa khóa của vấn đề dân cư phương Đông. Nhà nhân học hàng đầu Việt Nam khẳng định: đại chủng Mongoloid có mặt ban đầu rồi biến mất trong suốt thời đồ đá nhưng sang thời kim khí thì xuất hiện trở lại để thay thế toàn bộ người Australoid. Người Mongoloid vì sao biến mất? Rồi từ đâu xuất hiện? Cho đến nay khoa học thế giới chưa có câu trả lời thỏa đáng cho hiện tượng bí hiểm này.
Từ khảo cứu của mình, tôi lý giải như sau:
i.Vì sao người Mongoloid biến mất khỏi Việt Nam?

Từ thực trạng dân cư Việt Nam thời đồ đá mà chứng cứ là 35 cốt sọ, cho phép suy luận, đến Việt Nam do số lượng người Australoid đông nên sau quá trình hòa huyết liên tục qua nhiều thế hệ, gen Mongoloid trong máu các cá thể lai bị lặn còn gen Australoid trội. Cuối cùng chỉ còn duy nhất loại hình Australoid được thể hiện. Chủng Indonesian (Lạc Việt) theo nguyên lý di truyền đáng lẽ phải là Mongoloid nhưng trên thực tế, do lượng gen Australoid trội nên gen Mongoloid lặn đi. Tuy nhiên chủng Indonesian vẫn mang lượng gen Mongoloid cao nhất trong dân cư. Nói người Mongoloid biến mất chỉ đúng về hình thức nhưng thực ra họ vẫn có mặt vì gen của họ không mất đi mà ở lại trong máu huyết của con cháu là người Việt cổ.
ii. Người Mongoloid phương Bắc xuất hiện từ đâu?
Cho đến nay, các học giả thế giới cũng chưa đồng ý với nhau về việc người Mongoloid xuất hiện ở châu Á như thế nào? Stephen Oppenheimer cho rằng, từ khu vực giữa Ấn Độ và Pakistan, người Mongoloid theo hành lang núi Hymalaya đi lên Mông Cổ. Một nhánh khác theo ven biển Đông Nam Á đi vào Hoa lục. Peter Bellwood lại cho rằng, đó là do một nhóm dân cư từ Malaysia đi vào lục địa.
Trong khi đó, dựa vào bốn gợi ý:                                                                          a. Người Mongoloid có mặt ở Việt Nam 70.000 năm trước;                                   b. Di cốt người Mongoloid tại Lưu Giang Quảng Tây 68.000 năm tuổi;             c. Người North Mongoloid xuất hiện trên đất Mông Cổ 40.000 năm trước;                  d. Một số khảo cứu di truyền cho rằng người Mongoloid cũng từ Đông Nam Á đi lên.
Tôi đưa ra giả thuyết:
70.000 năm trước, khi tới Việt Nam, phần lớn người Mongoloid gặp gỡ hòa huyết với người Australoid để sinh ra người Việt cổ. Trong khi đó có một số nhóm riêng rẽ đi lên Tây Bắc Việt Nam rồi dừng lại trước bức thành băng giá. Họ sống tách biệt ở đây trong khoảng 30.000 năm. Nhiều khả năng bộ xương người Mongoloid Lưu Giang Quảng Tây là dấu tích của nhóm người này.
 40.000 năm trước, khi khí hậu được cải thiện, họ theo hành lang phía Tây Hoa lục đi lên đất Mông Cổ. Do giữ được gen Mongoloid thuần chủng, họ được nhân học gọi là chủng Mongoloid phương Bắc (North Mongoloid).
4. Người Mongoloid phương Nam từ đâu ra?
Chủng người Mongoloid phương Nam là bí ẩn lớn của lịch sử thế giới. 7000 năm trước họ mới xuất hiện tại văn hóa Ngưỡng Thiều nhưng nay là chủng người đông nhất hành tinh. Năm 2005 học giả Trung Quốc Zhou Jixu cho rằng họ từ phía nam lên. Điều này không đúng vì thời đồ đá ở phương nam không có người Mongoloid.
Tôi cho rằng khoảng 7000 năm trước, người North Mongoloid sống ở bờ Bắc còn người Việt Australoid sống ở bờ Nam Hoàng Hà có sự tiếp xúc trao đổi vật phẩm nên xảy ra quan hệ trai gái. Phần nhiều đàn ông Mông Cổ vượt sông, kể cả cướp bóc. Những con lai Mông – Việt mang mã di truyền South Mongoloid ra đời trên đất Việt, trong cộng đồng Việt nên là người Việt, sau này được nhân học gọi là người Việt hiện đại. Người Việt cổ sống ở lưu vực Hoàng Hà chủ yếu là người Indonesian, trong máu có lượng gen Mông Cổ cao nhất. Do vậy khi được thêm một lượng nhỏ gen Mông Cổ từ người đàn ông trên bờ Bắc, con lai sẽ chuyển sang chủng Mongoloid phương Na, m. Đến lượt mình, những con lai này khi hôn phối với đồng bào người Việt cổ, như phản ứng dây chuyền, cũng sinh ra con cháu mang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Do vậy, số lượng người Mongoloid phương Nam tăng nhanh, thay thế người Việt cổ Australoid, trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà.
5.Người Hán là ai?
Cho đến nay, nguồn gốc người Hán vẫn là thách đố với khoa học thế giới. Học giả phương Tây cũng như của Đại học Phúc Đán Trung Quốc cho rằng “người nông dân Trung Quốc – một cách gọi người Hán- từ Siberia xuống. Mà tổ tiên họ từ Tây Á lên khoảng 45.000 năm trước.” Nhưng theo tôi, sự thật như sau. Người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam từ 7000 năm trước là chủ nhân lưu vực Hoàng Hà với hai trung tâm Thái Sơn và Trong Nguồn. Năm 2698 TCN, người Mông Cổ phương Bắc đánh chiếm miền Trung Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Hàng vạn người Việt (Mông Cổ phương Nam) phải chạy xuống Nam Dương Tử. Cuộc chiến kéo dài khiến cho nhiều lớp người phải tỵ nạn. Người Việt còn ở lại lưu vực Hoàng Hà một phần trở thành dân cư nhà nước Hoàng Đế, phần trở thành những nước nhỏ hay bộ tộc độc lập người Việt, tiếp tục kháng chiến. Tiêu biểu là nước Ư Việt trên đất Hà Nam tiếp tục chiến đấu cho tới thời nhà Thương. Sau đó, những tiểu quốc “Đông Di” này liên kết với nhà Chu, diệt nhà Thương rồi trở thành chư hầu của nhà Chu, Ư Việt thành nước Sở. Diệt nhà Tần, Lưu Bang người Hán Thủy nước Sở, lấy tên quê đặt tên nước là Hán quốc nên người Việt nước Sở trở thành người Hán. Do dân cư Nam Dương Tử và Nam Hoàng Hà cùng một chủng tộc nên nhà Hán mở rộng lãnh thổ tới đâu thì người vùng mới chiếm tự nhiên trở thành người Hán. Trình bày trên cho thấy, Tổ tiên người Hán là lớp con cháu do người Việt cổ sinh ra 7000 năm trước và sống tại lưu vực Hoàng Hà.
6. Sự hình thành dân cư Việt Nam
Học giả phương Tây và Trung Quốc, theo quan niệm hai con đượng di cư tới Đông Á cho rằng, dân cư Việt Nam được hình thành từ hai lớp. Con đường phía nam cho ra lớp người bản địa chủng Australoid. Con  đường phương bắc sinh ra người nông dân Trung Quốc chủng Mongoloid phương Nam. Một lượng lớn người nông dân Trung Quốc tràn xuống, trùm lên người bản địa, làm nên dân cư Việt Nam.
Theo tôi, quan niệm đó không phù hợp với sự thật. Bởi lẽ, nếu hình thành như vậy thì người Việt Nam phải là con cháu của người Trung Quốc. Theo nguyên lý di truyền, chỉ số đa dạng sinh học của tổ tiên cao hơn con cháu. Lẽ đương nhiên, người Việt Nam phải có chỉ số đa dạng sinh học thấp hơn người Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, các nghiên cứu di truyền đều khẳng định người Việt Nam có chỉ số đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư Đông Á. Điều này hoàn toàn phủ định quan niệm trên và xác nhận người Việt cổ là tổ tiên của người Trung Quốc.
 Từ khảo cứu của mình, tôi khẳng định, đúng là dân cư Việt Nam được hình thành từ hai lớp. Nhưng quá trình như sau: 40.000 năm trước, nguời Việt cổ từ Việt Nam đi lên, trở thành dân cư đầu tiên của Hoa lục. 7000  năm trước, tại Nam Hoàng Hà, người Việt cổ tiếp xúc với người Mông Cổ phương Bắc, sinh ra người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam. Sau năm 2698 TCN, do cuộc xâm lăng của người Mông Cổ phương Bắc, một bộ phận người Việt hiện đại di cư về phương nam, đem nguồn gen Mongoloid chuyển hóa di truyền dân cư Nam Dương Tử, Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam. Do trong máu người Việt Nam cũng như Đông Nam Á có sẵn một lượng gen Mongoloid được tổ tiên truyền lại từ 70.000 năm trước nên khi nhận thêm gen Mongoloid, người Việt cổ chuyển sang chủng Mongoloid phương Nam. Cuộc chuyển hóa di truyền kéo dài gần hết nửa sau thiên niên kỷ III TCN. Tới 2000 năm TCN, toàn bộ dân cư Việt Nam mang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Do số người từ Trung Quốc trở về không nhiều nên không làm cho chỉ số đa dạng sinh học của người Việt Nam giảm đi.
7. Ai là người trồng lúa đầu tiên
 Câu hỏi về người trồng lúa đầu tiên ở châu Á được quan tâm nhiều của học giới quốc tế. Nhiều nhà di truyền dựa vào hai gen đặc biệt của cây lúa trồng Oryza japonica để xác định thời gian và địa điển đầu tiên thuần hóa lúa. Tuy nhiên không thành công vì di truyền cho kết quả không chính xác. Trong khi đó kết quả khảo cổ tìm ra cây lúa trồng đầu tiên liên tục được thay đổi khiến cho kết luận đưa ra liên tục bị phủ định. Chỉ tới năm 2012, các nhà khoa học phát hiện cây lúa trồng sớm nhất 12.400 năm trước tại Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây, xác nhận người Lạc Việt là chủ nhân đầu tiên của cây lúa trồng. Dựa trên hàng loạt di chỉ trồng lúa ở Nam Dương Tử và lưu vực Hoàng Hà, tôi nhận định, người Lạc Việt thuần hóa cây lúa ở Tiên Nhân Động rồi đưa tới Giả Hồ Hà Nam 9000 trước và hạ du Dương Tử làm nên nghề trồng lúa ở đây. Những người Việt tỵ nạn từ lưu vực Hoàng Hà trở về nửa sau thiên niên kỷ III TCN, là con cháu những người nông dân xưa mang cây lúa lên phương Bắc. Nay trở về cùng đồng bào của mình xúc tiến việc trồng lúa tại vùng Ngũ Lĩnh. Họ hoàn toàn không phải là người đầu tiên mang nghề trồng lúa xuống phương Nam như học giả phương Tây và Trung quốc nhận định.
8.Về lịch sử và văn hóa của tộc Việt
Lịch sử và văn hóa là kết quả hoạt động xã hội của cộng đồng người. Trước đây do chưa biết người Việt là ai, người Hán là ai nên nhận định về lịch sử của người Hán, người Việt đều không chính xác. Nay khi khoa học khám phá người Việt là cội nguồn dân cư phương Đông, ta có đủ cơ sở kết luận rằng:
i. Tiếng Việt là chủ thể làm nên ngôn ngữ Trung Hoa.
ii. Chữ Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa.
iii. Văn hóa Việt là cội nguồn của văn minh phương Đông.
                                                                *
Với cuốn TIỀN SỬ NGƯỜI VIỆT, tôi đã hoàn thành tâm nguyện tìm lại cội nguồn văn hóa dân tộc. Là nhà sử học nghiệp dư, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu nghiệp dư, tôi trực tiếp đưa kết quả nghiên cứu của mình vào sách sử. Trong cuộc đua khám phá lịch sử phương Đông, tôi đã về đích trước. Trong khi tôi giải quyết xong những vẫn đề cơ bản của lịch sử văn hóa phương Đông thì học giả thế giới lạc vào mê lộ ngay từ khi rời châu Phi với thuyết “hai con đường di cư”. Một câu hỏi được đặt ra: Ai là người công nhận Hà Văn Thùy? Các nhà (sao) chép sử quốc doanh ư? Không bao giờ! Bởi lẽ trong đầu họ, “thời tiền sử của người Việt Nam kéo dài tới 800.000 năm. 140.000 năm trước, người “đi thẳng” chuyển hóa thành người Homo sapiens, tổ tiên dân tộc Việt Nam!” (1) Học giả thế giới ư? Càng không! Nhiều năm nữa, sau khi ra khỏi mê lộ, họ sẽ hạ cố phán: “Hà Văn Thùy có những phát hiện. Nhưng do mang tinh thần dân tộc cực đoan nên ở nhiều chỗ, tác giả tỏ ra thiếu khách quan!” Người ủng hộ tôi là dân tộc Việt. Chính là qua đối thoại với những người Việt này mà Giáo sư người Mỹ Liam Kelley từ chỗ phản bác tôi quyết liệt, đã ngộ ra là “có một “Lịch sử bên lề” viết phiên bản mới của tiền sử Việt Nam, đang trở thành trung tâm.” (2)
TIỀN SỬ NGƯỜI VIỆT là cuốn sách tích chứa năng lượng vĩ đại, giải thoát người Việt khỏi cái bóng Trung Hoa, giúp dân tộc Việt phục hưng để đảm trách sứ mệnh dẫn dắt nhân loại trong kỷ nguyên mới.
Tài liệu tham khảo.
1.   Trần Quốc Vượng. Lịch sử Việt Nam. NXB Giáo dục. H, 2012
2.   Liam C. Kelley. The centrality of “fringe history”: Diaspora, the Internet and a new version of Vietnamese prehistory.
International Journal of Asia Pacific Studies 30 Jan 2020
Sài Gòn, 29.6.2020                                                        


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét