1.LLiên Xô
Chúng ta đều biết trong lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô, Nhà nước Xô viết đã từng có giai đoạn có thể gọi là những “trang đen tối”, khốc liệt dưới thời ông Stalin vào cuối những năm 20 đầu những năm 30 thế kỷ trước, nó kéo dài đến thời kỳ chiến tranh vệ quốc 1941.
Chỉ vì khác quan điểm về lựa chọn con đường xây dựng xã hội mới mà một trong những lãnh tụ xuất sắc nhất của ĐCSLX, Nhà nước Xô viết, người được Lênin đánh giá rất cao là ông Bukharin đã bị cách mọi chức vụ, bị tống giam vào tù và sau đó bị xử bắn vì bị khép vào tội “phản Đảng, phản bội Nhà nước Xô viết...”.
Ông Bukharin là nhà trí thức trẻ, một trí thức tài giỏi, lại sớm tham gia Đảng Bônsêvich từ lúc hoạt động bí mật, sau đó là Uỷ viên BCT. Ông là người không đồng tình với chủ trương cải tạo XHCN, hợp tác hóa nông nghiệp vội vàng... Ông chủ trương phát triển quan hệ thị trường, kinh tế tư nhân. Ông từng công khai kêu gọi mọi người dân làm giàu để xây dựng xã hội mới. Điều đó trái với đường lối do Stalin chỉ đạo. Và ông đã gặp họa. Phải đến hơn 50 năm sau, ở Liên Xô thời cải tổ, người ta mới phục hồi danh dự cho ông.
Trong lịch sử Hồng quân Xô viết, cũng vào cuối những năm 30, một loạt sĩ quan cao cấp, trong đó có cả những vị nguyên soái tài ba lỗi lạc đã bị tống giam, có nhiều người bị xử bắn không qua xét xử công khai, trong đó có cả vị nguyên soái huyền thoại Tukhachevsky (trong 5 nguyên soái đầu tiên của Liên Xô được phong quân hàm vào năm 1935, thì 3 ông bị tống giam và bị xử bắn vào năm 1937). Phải đến vài chục năm sau, họ mới được minh oan và phục hồi danh dự.
Khi người đứng đầu Đảng, Nhà nước Xô viết nhận ra sai lầm, đã trả lại tự do, phục hồi chức vụ cho những người còn bị giam giữ ở Siberia ngay trước khi nổ ra chiến tranh vệ quốc tháng 6 năm 1941, những con người trung thành với đất nước đã gạt bỏ những nỗi đau oan trái, tiến ra chiến trường với tất cả nhiệt huyết, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc
2.
Trung quốc
Còn chuyện ở Trung quốc còn kinh khủng hơn.
Ngay từ những năm đầu tiên xây dựng xã hội mới sau cách mạng thành công năm 1949, liên tục diễn ra các cuộc thanh trừng nội bộ ở cấp cao dưới thời ông Mao Trạch Đông. Đỉnh cao của đấu tranh nội bộ là cuộc “đại cách mạng văn hóa” do ông Mao phát động vào giữa những năm 1960.
Hậu quả của nó, theo thống kê của báo chí Trung Quốc là 20 triệu cán bộ đảng viên bị sát hại bằng nhiều cách, trong đó có cả Phó chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, một số ủy viên Bộ Chính trị, một loạt phó thủ tướng, bộ trưởng, nguyên soái, tướng tá từng là công thần lập nước và khoảng 100 triệu người bị đàn áp, khủng bố, bị đầy ải đến những vùng xa xôi hẻo lánh.
May cho nước Trung Hoa là có người dù bị kỷ luật lên xuống, 3 lần bị đuổi ra rồi quay lại Trung Nam Hải, cuối cùng cũng thoát hiểm và ông ấy, Đặng Tiểu Bình đã nắm trọn quyền lực một thời gian sau khi ông Mao chết, đã khởi xướng đường lối cải cách mở cửa, đặt nền móng cho sự phát triển của đất nước Trung Hoa hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, chúng ta không thể quên được những sai lầm của ông ta, do tư tưởng bá quyền nước lớn đã phát động chiến tranh xâm lược chống Việt Nam năm 1979...
3. Việt Nam
Việt nam thì sao ? Một vụ oan sai kéo dài 3.000 ngày.
Tình thế chính trị nước ta gắn với tình hình phe XHCN suốt những năm từ 1960-1968 và đầu những năm 70. Đảng ta, nhân dân ta mong muốn thống nhất đất nước. Bằng cách nào? Ngoài quyết tâm và sức mạnh dân tộc, rõ ràng phải dựa vào sự giúp đỡ thiết thực của các nước bạn, trong đó chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc.
Thế nhưng, hai nước anh em này thì lại trong trạng thái mâu thuẫn căng thẳng, nhất là từ sau năm 1960. Một ông thì bị xem là xét lại, hòa hoãn với phương Tây, với đường lối chung sống hòa bình, thi đua phát triển. Ông kia thì được xem là giáo điều, quyết chống Mỹ triệt để, tuyên bố sẵn sàng chiến tranh tổng lực, khích lệ Việt Nam chống Mỹ (sau này mới té ra là ông ta "muốn đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng"!!!).
Đọc một số tư liệu lịch sử công khai, chúng ta biết rằng ngay Bộ Chính trị khi đó được tách làm hai nhóm, một nhóm “lo” việc chiến tranh giải phóng miền Nam do ông Lê Duẩn phụ trách, nhóm khác “lo” xây dựng XHCN ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam. Và điều đặc biệt nhất là khi đó, các vị lãnh đạo đã đồng ý với nhau để “nhóm miền Nam” có quyền quyết định một số vấn đề liên quan đến điều hành chiến tranh giải phóng miền Nam, sau đó báo cáo lại sau. Phải chăng, đó có thể được coi là một giải pháp khôn ngoan trong tình thế phức tạp khi đó, tình thế chiến tranh và có sự khác nhau về quan điểm.
Xem xét lại một số văn bản chính thức thì thấy cái gọi là “nhóm xét lại chống Đảng” có tên các ông là Ủy viên trung ương Đảng (khóa III): Nguyễn Văn Vịnh, Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Bùi Công Trừng. Điều kỳ lạ là ông Đặng Kim Giang khi đó mới là Thiếu tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, không phải là Ủy viên trung ương mà lại được xem là "đứng đầu nhóm"(!?)
Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, bị quy kết là có quan hệ và câu kết với ông Giang cho nên bị xếp vào nhóm nói trên và bị kỷ luật rất nặng. Bi kịch là ở chỗ đó. Vậy tướng Vịnh có quan hệ như thế nào với ông Giang?
Chuyện là ngay đối diện với ngôi nhà 34A Cao Bá Quát, Hà Nội nơi tướng Vịnh ở, bên kia đường phố là nhà ông Đặng Kim Giang. Ông Giang thỉnh thoảng có ghé qua thăm ông Vịnh, chủ yếu là buổi tối hoặc ngày nghỉ, đặc biệt là sau những những chuyến ông Vịnh bí mật đi vào Nam công tác. Đúng là ông Vịnh có chuyện trò, trao đổi thông tin về tình hình chiến sự, nhận định xu hướng diễn biến và các biện pháp đấu tranh, v.v... với ông Giang. Tướng Vịnh đã không hề biết và không ngờ rằng ông Giang đang bị theo dõi đặc biệt.
Các cuộc gặp gỡ giữa hai vị tướng đương nhiệm đều được quan sát và ghi nhận từ một căn phòng nhỏ ở tầng 3 ngôi nhà 60 Hoàng Diệu, cách nhà tướng Vịnh vài chục mét.
Căn phòng dùng để theo dõi ông lại chính do ông đồng ý cho người ta mượn mà không hề hay biết. Theo lời ông, ngôi nhà 3 tầng số 60 phố Hoàng Diệu thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thống nhất Trung ương mà ông là thủ trưởng (Chủ nhiệm). Tại ngôi nhà này, Ủy ban bố trí cho các cán bộ của mình ở, bà Nguyễn Thị Bình (khi đó là Phó vụ trưởng, sau này là Phó chủ tịch nước) từng được Ủy ban phân cho 1 căn phòng cũng tại đó.
Một hôm, người ta báo cáo với tướng Vịnh rằng, một cơ quan khối nội chính có cán bộ đi Nam công tác đặc biệt; họ xin mượn một phòng nhỏ trên tầng 3 để bố trí cho gia đình cán bộ đó. Nghĩ thương anh em, dù là khác cơ quan nhưng cũng là đồng chí với nhau cả, ông đã đồng ý. Và thế là căn phòng đó trở thành "đài quan sát lý tưởng" cho việc từ trên cao, họ bí mật theo dõi người ra vào nhà ông. Trớ trêu như vậy đấy!
Sau này, khi bị tổ công tác đặc biệt của Trung ương truy hỏi về nguồn cung cấp tin chiến trường và đối sách của ta, ông Đặng Kim Giang đã khai là từ trung tướng Nguyễn Văn Vịnh. Quá trình điều tra khá dài, và chắc là rất phức tạp, người ta đã không tổ chức để ông Vịnh được đối chất với ông Giang theo đề nghị của ông. Ông Vịnh đã bị quy kết "tham gia nhóm chống Đảng do ông Đặng Kim Giang cầm đầu" trong báo cáo chính thức trình Trung ương về kết luận điều tra hoạt động của nhóm xét lại, chống Đảng.
Sau năm 1975, ông vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm tháng cuối đời, ông bị bệnh hiểm nghèo.
Đến ngày 13.10.1977, trong Quyết định của Bộ Chính trị (BCHTƯ khóa IV) về việc giảm án kỷ luật cho đồng chí Nguyễn Văn Vịnh mới ghi rằng “Đồng chí Vịnh không có quan hệ về tổ chức và hành động với nhóm chống Đảng của Đặng Kim Giang...”. Cũng tại Quyết định nêu trên ghi rõ “... kỷ luật đã quyết định trong nghị quyết ngày 27.1.1972 kể trên là không phù hợp với mức độ sai lầm của đồng chí Vịnh...”. Ông được phục hồi mọi chế độ, quyền lợi nhưng chỉ được trả lại quân hàm thiếu tướng thôi.
Một năm sau ông qua đời khi đang chữa bệnh tại CHDC Đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét