Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

LÀNG TÔI NGÀY ẤY - TẢN VĂN CỦA TRÀN QUÝ LỘC ( I )

 ( Kỳ 1 : Đăng từ trang 1 đến trang 23 )


                                                 Phần một : LÀNG TÔI NGÀY ẤY

 

1.. Làng tôi

        Trước năm 1945, tổng Trường Sơn phủ Đức Thọ có 10 làng, làng tôi tên là Vạn Phúc Trung.

Năm 1945, Nghệ Tĩnh là vùng tự do, thuộc chính quyền cách mạng của nước Việt nam - Dân chủ - Cộng hòa, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Tổng Trường Sơn được gọi là xã Trường Sơn, 10 tên làng được gọi thành 10 xóm, làng Vạn Phúc Trung là xóm 8. Xóm 8 có ba xóm nhỏ là xóm Bến, xóm Đồng và xóm Đồng Nương, gia đình tôi ở xóm Bến.

Năm 1953, xã Trường Sơn được tách làm hai xã Đức Tân và Đức Trường. Từ xóm 1 đến xóm 5 là xã Đức Tân. Từ xóm 6 đến xóm 10 là xã Đức Trường. Biên giới của hai xã là bãi cát rộng được dùng làm chợ trâu bò. Đến năm 1993, hai xã Đức Trường và Đức Tân sáp nhập, lấy tên xã Trường Sơn như trước năm 1953, xóm 8 lấy lại tên cũ là làng Vạn Phúc Trung.

Cả 10 làng của xã Trường Sơn nằm trãi dài dọc phía bắc sông La. Con đường liên xã chạy theo bờ sông, rợp bóng tre. Bắt đầu là cầu Thọ Tường ở phía đông, đến cuối xã là ngã ba Tam Soa ở phía tây. Xã tôi là vùng ngoài đê, một năm đón ba bốn con lụt nhỏ và một con lụt lớn. Con lụt lớn là nước lụt ngập gần hết con đường liên xã, năm lụt lớn nhất có mức nước cao hơn sân nhà tôi trên 2m.

Ngày lụt là ngày vui của những đứa trẻ. Thú vui ngày lụt của chúng tôi là câu cá bù. Chỉ những khi có lụt, cá bù từ miền núi bị nước lũ cuốn về, chúng nhỏ như đồng xu nhôm 5 hào, nhưng dài hơn. Cá bù thường sống theo bầy, tụ tập nơi nước lặng, dưới các gốc sung hay gần những khóm tre. Câu cá bù bằng mồi giun, mỗi khi câu được một con cá bù là cs thể câu được đến 10 con.

2. Tập quán uống  rượu chè xanh

Làng tôi có tập quán mời nhau uống nước chè xanh. Khoảng bảyđến mười gia đình gần nhau, tiện đường đi lại, lập thành một nhóm uống nước chè xanh.

Đầu các buổi tối, nhà có nước chè xanh cho người đi một vòng, đến trước cổng mỗi nhà, mời thật to cho mọi người trong nhà cùng nghe: “Mời chú mự và các em đến nhà con uống nác mới nha...a”, “Mời các bác, các ênh, các ả đến nhà con uống nác mới nha”... Chỉ mời to một lần, không cần chủ nhà đáp lại.

Chủ nhà kê ngoài sân mấy chiếc bàn cùng mấy chiếc ghế băng cho phái nam, chiếc chõng tre cho phái nữ. Trên mặt bàn đặt những chiếc bát sứ đã được cọ rửa sạch sẽ. Khi có người đến uống nước chè, chủ nhà lấy gáo dừa, múc nước chè xanh còn nóng trong nồi đồng điếu, chuyên dùng để nấu nước chè ra bát, mời khách.

 Những người nghiện nước chè xanh, thường đến sớm, uống đợt nước cốt đầu tiên. Đó là bát nước có màu xanh vàng, thơm, nhấp vào lưỡi thấy chát đắng. Người uống nước chè xanh, cầm trên tay bát nước chè còn nóng, sau khi ngửi thưởng thức hương thơm, họ mới nhấm nháp từng ngụm nhỏ, thưởng thức vị chát của chè.

Có chủ nhà nấu nước chè, còn luộc khoai lang hay lạc tươi mời khách. Tập quán uống nước chè xanh, ngoài giúp người dân ngày nào cũng được uống nước chè tươi, còn giúp họ có dịp được cùng nhau giao lưu, tạo nên mối thâm giao tình làng nghĩa xóm.

Buổi uống nước chè xanh thường bắt đầu vào khoảng từ 6 giờ tối cho đến đến 12 giờ đêm, có người đến một lúc rồi về, có người ngồi chơi hết cả buổi, lấy giao lưu là chính. Họ vui vẻ, chuyện cà ràng rôm rả, đủ mọi thứ trên trời dưới biển.

Tôi thường theo bố hay mẹ đi uống nước chè xanh, nghe người lớn kể chuyện cười. Những câu chuyện cười của người lớn khá tục, tạo nên những tiếng cười thoải mái, giúp những người nông dân quên đi một ngày lao động vất vả. Từ năm 1964, Mỹ ném bom miền Bắc, làng tôi không còn tập quán mời nhau uống nước chè xanh nữa.

3. Chiếc roi cày

Tôi nói chuyện quê tôi trước năm 1963.

Làng tôi không nuôi trâu, mỗi gia đình thường nuôi một vài con bò.Bò được dùng để cày bừa, phân bò được ủ với rạ làm phân bón ruộng. Đồng ruộng ngày đó chưa có phân hóa học, chỉ bón độc phân chuồng. Trồng các giống lúa địa phương như nếp lú, nếp chao, lúa lốc, tám xoan..., năng suất cây trồng thấp nhưng cơm rất ngon.

Mỗi ngày, làng cử hai người luân phiên nhau đi chăn bò cho cả làng. Mới tờ mờ sáng, những người chăn bò đã chờ sẵn ở cuối xóm đồng, chờ mọi người đem bò giao cho họ chăn. Sau khi nhận xong số bò cần chăn, những người chăn bò, đưa chiếc roi cày lên, hua vào không khí, nói to cho cả đàn bò cùng nghe “đi nào”, cả đàn bò nối đuôi nhau đi đến bãi chăn.

Làng tôi có nhiều nơi có cỏ cho bò ăn tập trung, đó là những đám cỏ chạy dài dọc theo đường chiến lược, từ rú Động Vợi cho đến rú Cụp Tran và chân núi Thiên Nhẫn. Có nhiều bãi chăn đẹp như Cửa Điện - Vùng Bành - Cụp Tran - Đầu Bàu.

Tại bãi chăn, mỗi người chăn bò khóa một đầu, không cho bò xuống ruộng ăn lúa ăn khoai hay đi lung tung. Đến chiều tối, những người chăn bò đem bò về đầu làng, nơi buổi sáng nhận bò, thả tự do cho bò nhà ai về chuồng nhà ấy.

Các chú bò hiền lành, suốt ngày chỉ biết “ọ”, tưởng chúng ngu lắm, nhưng không, bò là loại vật thông minh, chẳng bao giờ nhầm ngõ “lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi bò”. Có gia đình, bán con bò của mình cho người nơi khác, sau ba năm bò vẫn nhận ra chủ cũ.

Làng tôi còn có lệ, sau khi cấy lúa chiêm xong, thường vào khoảng đầu tháng 1 dương lịch, các khu đất trồng lúa và hoa mầu đều bị cấm chăn bò lẫn cắt cỏ. Làng nuôi cỏ cho bò ăn trong tháng tết, thế là, bò cũng như người cùng thực hiện “tháng giêng là tháng ăn chơi”.

Xã tôi có năm làng, mỗi làng góp hai người làm nhiệm vụ bảo quản hoa màu ngoài đồng, gọi là tổ nậu, thành viên của tổ được gọi là nậu. Các nậu thay nhau bảo vệ các cây trồng ở ngoài đồng cả ngày lẫn đêm. Trước khi thu hoạch hoa màu, chủ nhà báo trước cho nậu, hôm sau nậu đến thu công lao động bằng sản phẩm trên đồng ruộng.

Trách nhiệm của nậu là rõ ràng, nếu nậu để trộm lấy mất hoa màu là phải đền 100%, nhưng chuyện này chưa từng xẩy ra. Nậu chỉ đền khi bị mất trộm. Chuyện mất dăm khóm lạc, vài gốc sắn, mấy cây mía do bọn trẻ chăn bò “mượn vắng mặt” không được gọi là mất trộm.

Nậu quản lý đồng ruộng rất nghiêm, nếu người chăn bò mãi chơi để bò ăn lúa hay hoa màu, ngoài bị đánh còn phải bồi thường cho gia đình nhà chủ bị hại. Nếu lúa đang ở thời con gái, các nậu bắt người chăn bò về nhà gánh phân chuồng bón cho những gốc lúa bị bò ăn. Nậu kiểm tra cụ thể, không chây ì được.

 Người ăn đòng đòng lúa cũng bị đánh, kể cả ăn đòng đòng lúa của ruộng nhà mình, “ăn đòng đòng nậu đánh còng lưng”. Các vị nậu luôn đeo bên mình một chiếc roi cày. Roi cày là cái roi chuyên dùng điều khiển bò khi cày ruộng. Ở làng tôi, nhà nào có bò đều có roi cày. Nhờ nhà nào cũng có chiếc roi cày, các ông bố đánh con rất tiện. Mỗi khi con có lỗi cần đánh, chỉ cần ra cái rèm trước nhà, lấy chiếc roi cày là xong.

Roi cày gồm một đoạn thân gốc của cây trúc nhỏ, dài khoảng 40cm. Phía đầu ngọn đoạn trúc đó, được buộc một đoạn dây thừng chuyên dùng làm dây roi, nhỏ như đầu nhỏ của chiếc đũa, mua ở chợ, dài khoảng 60cm.

Nậu chỉ đánh vào phần mông hay phần đùi, nơi nhiều thịt. Người bị đánh, phần giây roi xoắn vào da thịt, làm chỗ đó sưng lên như những con chạch, không chảy máu, không nguy hiểm đến sức khỏe con người.

 Với nậu, bảo vệ hoa màu cho người dân chỉ bằng một cây roi cày và bộ mặt lạnh như tiền, không cần chính quyền can thiệp. Những tập tục này, có từ thời trước khi ông tôi được sinh ra, chấm dứt vào năm 1963, khi hợp tác xã chuyển từ cấp thấp lên cấp cao.

4. Ngày họp họ Trần

Người làng tôi chủ yếu là họ Trần.

Gốc gác cụ tổ họ Trần làng tôi, nghe nói thuộc dòng dõi danh tướngTrần Nguyên Hãn, chạy trốn tránh họa Lê Lợi. Nhà thờ của dòng họ Trần ở xóm Đồng, bằng gỗ lim, lợp ngói ta, to như chiếc đình của làng tôi. Tôi là đời thứ 18 của dòng họ Trần này.

Hàng năm, dòng họ Trần làng tôi làm giỗ cụ tổ vào ngày 1 tháng 3 âm lịch, ngày đó cũng là ngày họp họ, do tộc trưởng tổ chức. Ngày họp họ là ngày vui của tất cả mọi người trong dòng họ, từ trẻ em đến các cụ già, chỉ phái nam mới có tên trong cuốn số họ.

Vào những ngày này, các cụ già mặc áo the đội khăn vấn, ngồi phía trên cùng với những người trẻ có địa vị trong giòng họ, câu “ăn trên ngồi trốc” là như vậy. Các trẻ em cũng ăn mặc tinh tươm như ngày tết, không cửi truồng như những ngày thường. Những người từ 18 tuổi trở lên được ngồi ăn cổ, những người dưới 18 tuổi được nhận phần.

Mâm cỗ thường là một mâm xôi với thịt lợn luộc thái miếng, được bày ngay trên những chiếc chiếu trên nền nhà thờ. Mọi người ăn cổ bằng xôi nếp lú trộn đậu xanh, thịt lợn luộc, chấm nước mắm cốt. Một mâm cổ 5 người có một nậm rượu, đủ cho mỗi người một chén mắt trâu.

Trẻ em dưới 18 tuổi được gọi tên nhận phần họ. Người nhiều tuổi được gọi tên trước, người ít tuổi được gọi tên sau. Bọn trẻ chúng tôi chờ đợi đến lượt gọi tên nhận phần họ, cũng nóng ruột như ngày chờ thầy giáo xứng tên xếp thứ tự học tập của học sinh vào cuối mỗi tháng. Mỗi phần họ được nhận là một nắm xôi to và một miếng thịt lợn luộc. Tôi xếp thứ trên 80. Nhận xong phần họ của mình, chúng tôi đem phần họ đó về nhà.

Họ Trần có một số ruộng họ thuộc loại đẳng điền, gần làng, thuận tiện tưới tiêu. Số ruộng họ này được tộc trưởng quản lý, cho người trong họ cày rẽ thu tô. Người cày ruộng rẽ phải nộp cho họ 1/3 sản lượng lúa nếp thu hoạch được.

Nhờ có họp họ, người trong họ có dịp giao lưu với nhau, thành ra gần gủi. Mỗi khi người trong họ Trần gặp nhau, dù ở đâu, đều tay bắt mặt mừng, chào nhau bằng “bác”, bằng “chú”, bằng “mự”... rồi xưng “con” như là người nhà.

Năm 1955, nhà nước thực hiện Cải cách ruộng đất. Đội cải cách trưng thu tất cả ruộng của giòng họ Trần làng tôi, đem chia cho những người không có ruộng. Nhà thờ họ Trần làng tôi được sung công, làm lớp vở lòng, từ đây họ Trần làng tôi bỏ họp. Khi không còn ngày họp dòng họ của làng, tình cảm của những người trong dòng họ phai nhạt dần, rồi đến ngày những người trong dòng họ chỉ coi nhau như người làng.

5. Bến Sông

Bến sông làng tôi rộng hơn 50m, chia thành 2 bến, bến trên rộngkhoảng 20m giành cho người, bến dưới rộng khoảng 30m dành cho những con bò.

Bến trên chia thành 2 cấp. Cấp dưới có 15 bậc đá, cấp trên có 6 bậc đá, được ghép bằng những tảng đá nặng đến hàng tạ hàng tấn. Ở giữa hai cấp đá đó là con đường thoải thoải, chạy từ bến nước qua xóm Bến ra xóm Đồng.

Hàng đá thứ hai của cấp đá trên có hòn đá xanh, phẳng, to hơn chiếc mặt bàn, dân làng thường mổ bê tế thần, được gọi là hòn đá mổ bê. Mỗi khi nước lụt mấp mé hòn đá này là lúc dân làng bắt đầu chạy lụt.

 Phía trên bến sông là một phần của con đường liên xã, cũng là chợ hôm họp vào các buổi sáng. Mé sát bờ sông có 3 cây phượng vĩ, một cây các và một cây bộp. Mé bên kia đường có 1 cây phượng vĩ và 2 cây các, toàn là những cây đại thụ có tuổi đời khoảng trên 500 năm.

Cây bộp cao khoảng 30m, vượt cao hơn các cây phượng trên chục mét. Mùa hè những quả bộp rụng đầy mặt đất, quả bộp giống quả sung nhưng dày chắc hơn. Bọn trẻ thường nhặt quả bộp, gắn vào đầu chiếc que tre dài, vút ra lòng sông, thi xem ai vút được xa hơn.

Quạ khoang và ác xắc làm tổ trên những cành cao của cây bộp, chim ác xắc kêu nhốn nháo “ác xắc” “ác xác”... vào các buổi sáng hay buổi chiều. Quạ khoang giống quạ đen, nhưng to con hơn, có khoang trắng ở cổ. Hiện nay hai giống chim này ở quê tôi không còn nữa.

Dưới những gốc cây phượng, cây các, cây bộp là những bộ rể cây ngoằn nghèo to dài nổi cao trên mặt đất, kết hợp với những phiến đá tảng của bến sông, tạo thành những chổ ngồi lý tưởng cho những ai hóng mát và giao lưu văn hoá, nhất là vào các buổi chiều hay buổi tối.

Dưới mấy cây phượng có ba quán nước của cố Cát, cố Nhân và cố Hoán. Đó là những túp lều tre lợp rạ, bán nước chè xanh cho khách vãng lai, chủ yếu là những người ở xã Đức Tân, gánh hoa quả từ Hương Sơn về qua, nghỉ chân. Khách ngồi uống nước trên chiếc chõng tre. Trên chiếc bàn tre, có bày một lọ kẹo lạc, một lọ kẹo bột, mấy chiếc bánh chưng là những mặt hàng gia đình tự chế cùng những quả bưởi chưa gọt vỏ và đã gọt vỏ. Phía trên bàn treo vài nải chuối.

Buổi sáng nước sông La sạch, là lúc dân làng gánh nước sông về nhà làm nước ăn. Họ đựng nước sông vào chum, vào vại, nhà tôi có chiếc bể ngoài trời chứa được 10 gánh nước gọi là bể cạn. Mọi việc từ tắm giặt, rửa rau, rửa chè, rử bát, rửa khoai, mổ gà, mổ chó... đều được dân làng thực hiện ở bến sông, “trăm rác lấy nác làm sạch”.

6. Chiều chiều

Sông La nơi tôi ở, cách biển khoảng 20 km theo đường chim bay. Trong một ngày, có một lần nước ròng và một lần nước lên, gọi là nước thủy triều. Đỉnh nước ròng thường vào khoảng 9-11 giờ sáng, đỉnh nước cao nhất thường vào khoảng 9-11 giờ đêm. Chênh lệch thủy triều khoảng 3m nước.

Khoảng 5 giờ chiều, là lúc bọn trẻ ăn cơm chiều xong, tập trung ở bến sông hóng mát, nghe người lớn kể chuyện thời sự hay nghe kể chuyện văn học hoặc ra chơi ở sân vận động nằm đối diện phía bên kia đường liên xã, còn gọi là sân vận động Phúc Long.

Vào đầu thế kỷ 20, tại đây có ngôi chùa Phúc Long. Xuống phía dưới 2 làng, có nhà thờ Thiên chúa giáo. Các con chiên của đạo Thiên chúa giáo và các phật tử của đạo Phật công kích nhau, dẫn đến chiến tranh. Phe Phật giáo thua, bị phe Thiên chúa giáo đốt mất chùa. Sau đó, một ngôi chùa nhỏ được xây mới, ở núi Tằm thuộc làng Vĩnh Khánh, cạnh ngã ba Tam Soa, gọi là chùa Tằm. Năm 1960, tôi học ở gần đấy, chùa vẫn còn, chỉ có sãi, không có sư.

Tại sân vận động Phúc Long, những lúc có nắng, bọn trẻ chơi dưới bóng cây phượng. Chiều tối nắng nhạt, bọn trẻ chơi khắp sân, đủ mọi lứa tuổi từ khoảng 7 đến 15 tuổi, có đứa chơi đến khoảng 12 giờ đêm mới về nhà.

Có nhiều trò chơi cho đủ mọi lứa tuổi, như đá bóng, đánh trận giả, vật nhau, chơi khăng, chơi ù, đá kiện, chọi gụ, chơi đáo, chơi cướp cờ... và các trò chơi dân gian khác như chơi ô ăn quan, trồng nụ trồng hoa, hổ bắt lợn...

Phía trên bến sông khoảng 5m, cách mép nước khoảng 15m, có một gốc đa đường kính khoảng 2m, chết từ bao đời, nằm nghiêng nghiêng, đen sì, trơn bóng. Vào khoảng 5 giờ chiều, tuy nước thủy triều đã lút đầu người, nhưng gốc đa cổ này còn nổi một đoạn dài khoảng 1m, cao khoảng 0,5m. Phần nổi của gốc đa cổ là nơi tập kết của bọn trẻ ngồi lấy lại sực sau những trận “thủy chiến”.

Khi tắm, bọn trẻ cửi bỏ quần áo trên bờ đá, nhảy ào vào lòng sông, đuổi nhau. Lúc đầu là từng cặp, rồi tự nhiên phân thành hai phe. Quân phe này bơi đuổi quân phe khác, chúng kéo chân nhau, chúng dìm nhau đến nghẹt thở, có lúc phải uống dăm ba ngụm nước bất đắc dĩ là chuyện bình thường.

Khi thấy mệt, đuối sức, chán bơi, bọn trẻ mới kéo nhau lên phần nổi của gốc đa cổ, ngồi nghỉ dưỡng sức, chuẩn bị cho những “trận chiến” mới. Chúng tôi tắm là chơi, chơi là tắm, chẳng bao giờ kỳ cọ đất cát trên người, mà đất cát cũng chẳng thể đọng lại trên người chúng tôi, sau mỗi buổi tắm dài hàng tiếng đồng hồ.

Lớn lên phần lớn bọn trẻ trong làng đều đi bộ đội, trở thành những chiến sĩ dũng cảm, làm nên thương hiệu “Lính xứ nghệ”. Những người lính nơi khác cho lính xứ Nghệ giàu lòng yêu nước, nên luôn sẵn sàng chiến đấu quên mình. Tôi cho là, dân xứ Nghệ phần lớn đều tắm sông, ngay khi những đứa con vừa mới sinh ra, chúng đã mang dòng máu “hiếu chiến” từ các ông bố, được hun đúc từ các trận “thủy chiến”.

 Bọn trẻ làng tôi từ khi mới chập chửng bước đi đã thích đánh nhau. Chúng tôi thường tổ chức những cuộc “đánh trận giả” giữa bọn trẻ xóm đồng và bọn trẻ xóm bến, trước là chơi cho vui, sau đó là đánh nhau thật. Hàng ngày thấy tôi thất thiểu đi chơi về, mẹ nhìn tôi, nắn chân nắn tay, thấy còn nguyên vẹn mới an tâm. Những hôm tôi bị rách quần, rách áo, sưng mặt, vêu đầu, mẹ tôi đã quen coi là chuyện vặt.

Cuối những năm 1980, nhà nước cho đắp một con đê mới, nối từ núi Động Vợi đến mặt bằng của con đường tàu hỏa gần cầu Thọ Tường. Sau khi con đê hoàn thành được 3 năm, một con lũ lớn, tức nước, đã cuốn trôi hết những viên đá ở bến sông và tất cả các cây cổ thụ phía mé sông, khu bến sông không còn dấu tích của bến nước ngày xưa. Người dân làng tôi không còn nơi hóng mát.

Gốc đa cổ cũng bị nước lũ cuối mất, bọn trẻ mất nơi tập kết trong lúc tắm, mất luôn các trận “thủy chiến”. Sân vận động Phúc Long được chia cho dân làm đất ở, bọn trẻ cũng mất luôn nơi vui chơi tập thể.

7. Cây các phượng ấn

Xã Trường Sơn có hình dáng một con chim Phượng Hoàng, cây các cổ thụ đến cả 1000 năm tuổi nằm ở phần ngực, được gọi là cây các Phượng Ấn. Cây các Phượng Ấn này nằm chính giữa làng tôi. Cây các có lá đơn mọc cách xanh đậm quanh năm, đường kính thân khoảng 2m, tán cây rộng trên 30m, chiếm khoảng trên 800m2 đất công.

Cây các ra hoa vào cuối mùa xuân. Hoa các giống hạt cườm, bọn con gái thường nhặt những bông hoa mới rụng còn tươi, màu trắng sữa, xâu vào dây chỉ thành những chuổi cườm đeo vào cổ, trông cũng rất sang trọng.

Giữa hè, đầu mỗi cành nhỏ đeo lũng lẳng những chùm quả các giống như những chùm qủa dâu da, nhưng quả ít và to hơn. Quả các màu vàng xanh, khi vỏ quả các chuyển sang màu vàng sáng là quả chín. Khi chín hết cở, vỏ quả nở ra 3 vết nứt, các vết nứt này lớn dần lên, để lộ ba khối hạt đỏ au, khoe sắc một ngày mới rụng. Mùa hạt các rụng, kéo dài cả tháng.

Vào mùa quả các rụng hạt, hàng ngày, mới tờ mờ sáng đã có mấy đứa trẻ đi lượm hạt các rụng, đem về phơi khô, cho vào chiếc oi đựng cá, chờ ngày bán cho thợ ép ép dầu. Khi mua hạt các, thợ ép dầu quảy hai cái bồ đi qua làng, rao: “Ai có hạt các bán khô..ô...ông?”

Số tiền bán hạt các của các bé không nhiều, đứa ít được ba bốn hào, đứa nhiều được trên một đồng, giá một xếp giấy trắng là 4,8 hào. Đây là những đồng tiền tự tay tự các bé kiếm ra, được quyền tiêu không phải hỏi ý kiến bố mẹ.

Hạt các được những người mua, đem về ép dầu, bán dầu cho những người ở nông thôn thắp đèn dầu. Hồi ấy, hầu hết các gia đình ở quê tôi đều thắp đèn dầu. Đèn thắp dầu có một chiếc cần đèn dài khoảng 0,8m, treo lên xà nhà, phía dưới đeo một chiếc đĩa đựng dầu, tất cả đều bằng sắt. Trong chiếc đĩa đựng dầu đó, có một sợi bấc gối lên thành đĩa dầu. Ngọn lữa nằm trên đỉnh chiếc bấc, chạm sát thành đĩa, ánh sáng yếu ớt và vàng bệch. Về cường độ ánh sáng chỉ bằng khoảng 10% ánh sáng của một chiếc đèn hoa kỳ loại nhỏ, đốt bằng dầu hỏa.

Vào đầu hè, khi có tiếng ve kêu trên những cây phượng ngoài bến sông, cũng là lúc xuất hiện những con cạp rạp hút nhựa cây các. Con cạp rạp giống con ve sầu, nhưng to hơn, dài khoảng gấp ba lần con ve sầu. Phần trên của cạp rạp màu đen, có một vệt vàng to trên lưng, phần cuối của mỗi chiếc cánh có một chấm vàng. Bụng cạp rạp màu hồng. Mắt cạp rạp to lồi. Cạp rạp có một chiếc vòi dài và chắc dùng để hút nhựa cây, dấu ở ngực

Bọn trẻ rất thích bắt cạp rạp để chơi, bằng cách, lấy chiếc que quấn nhựa mít, buộc vào đầu hai cây nứa nối nhau, dí nhựa mít vào cánh con cạp rạp là xong. Con cạp rạp có thể ăn được, nhưng bọn trẻ chúng tôi không ăn. Cành đầu tiên của cây các to dài, nằm ngang, cách mặt đất khoảng 6m. Những ngày tết nguyên đán, đoàn thanh niên làm đu tre, mắc lên cành các này cho người dân chơi đu tết.

Phần đất trống dưới cây các, là nơi trai làng đan lá cót bằng cật nứa, lước lóng tách riêng phần cật nứa ra khỏi phần ruột. Cây các là nơi nghỉ trưa của những con bò sau khi đi làm đồng về. Tại đây, thỉnh thoảng vào các buổi tối thanh niên và thiếu niên tập trung trước mỗi lần khi đi cổ động.

Vào một đêm mùa thu đẹp trời năm 1963, có cả trăng sao, gió nhẹ như mọi ngày, tự nhiên có tiếng rào rào rồi ầm một tiếng thật to, cây các Phượng Ấn đã tự đổ. Cây các to khỏe và hùng vĩ, đã chống chọi với hàng vạn cơn bão không hề hấn gì, ai cũng tưởng nó sẽ được sống lâu “muôn năm”, nhưng đã tự đổ do bộ rễ không chịu bảo vệ cây các.

Từ cây các, tôi liên hệ đến một quốc gia nào đó, khi lòng dân không còn tin vào nhà nước, nhà nước đó sẽ giống như cây to không còn rễ, tự khắc phải bị tiêu điệt.

8. Đội chiếu bóng lưu động số 42

Cứ khoảng 40 đến 50 ngày một lần, đội chiếu bóng lưu động số 42 lại về làng tôi chiếu phim. Mới khoảng ba giờ chiều, tại sận động Phúc Long, chiếc màn ảnh bằng vải phin trắng dùng lâu ngày đã ố vàng, khâu nhiều miếng vá, được dựng lên.

Tiếng micro oang oang, nội dung lần nào cũng như lần nào, chỉ khác về tên phim, đại loại như: “Hôm nay đội chiếu bóng lưu động số 42 về đây phục vụ đồng bào hai tối, tối hôm nay là tối đầu tiên. Hôm nay đội chiếu bóng phục vụ đồng bào hai bộ phim, bộ phim thứ nhất là

thời sự Việt Nam số 32 “Nước về Bắc - Hưng - Hải”, bộ phim thứ hai là phim truyện mới của Liên Xô: “Khi đàn sếu bay qua”.

Chỉ cần nghe được câu “phim truyện mới” là bọn trẻ chúng tôi đã sung sướng, cùng nhau reo hò, như sắp được đến thăm thế giới mới: “Chúng mày ơi, phim mới”, “ hôm nay chiếu phim mới”, “hoan hô”...

Thông thường, áp phích được dán trước hôm chiếu phim một ngày, từ đầu xã đến cuối xã. Nhiều lần, cùng một bộ phim, đã được đội chiếu bóng lưu động số 42 thay tên nhiều lần, có bộ phim lúc thì quảng cáo “Dùng mưu chiếm Uy Hổ sơn” lúc thì quảng cáo “Rừng thẳm tuyết dày” lần khác lại quảng cáo “Vào hang bắt cọp”... đó là hành vi lừa đảo 100% , nhưng chẳng mấy ai quan tâm, đơn giản là với tuổi trẻ đi xem phim còn là mượn cớ giao giữa các bạn khác giới.

Đội chiếu bóng có 4 người, anh Thành thuyết minh, anh Kiền chạy máy nổ, anh Minh chiếu bóng, anh Luận lùn phụ trách khâu soát vé. Họ đến đâu cũng được địa phương đón tiếp chu đáo, ăn ngủ tại nghà dân. Khâu bán vé dùng người địa phương.

Cả xã tôi, nếu ai đã từng đi xem phim, chỉ cần đi xem một lần là biết hết tên của họ. Đầu mỗi buổi chiếu, tiếng anh Thành vang lên ấm áp trong tiếng micro: “Đề nghị đồng chí Minh phụ trách máy chiếu, chuẩn bị cho buổi chiếu được bắt đầu”, “Đề nghị đồng chí Luận tắt bớt ánh sáng, tại cửa soát vé”, “Đề nghị đồng chí Kiền tăng thêm 5 vôn điện”, còn anh Thành thuyết minh là người của xã nên ai cũng biết.

Vé xem phim người lớn 1 hào, trẻ em 5 xu. Bọn trẻ chúng tôi xin bố mẹ tiền xem phim không khó. Tuổi trẻ vừa hiếu động lại tiếc tiền, chúng tôi chẳng bao giờ mua vé, chỉ xem phim chui. Xem phim chui là chui trộm vào sân chiếu bóng xem phim nhờ. Trò chui này chẳng dễ dàng, có lần tôi bị vị Luận lùn tóm được khi đang chui ngay tại cửa soát vé. Vị Luận lùn đã thẳng tay đấm vào mặt tôi, bầm cả mắt, may không bị đui. Xem phim chui không chỉ để có tiền để mua 5 chiếc kẹo bột, còn là thú vui của tuổi trẻ.

Các cuộn phim đều cũ, hình ảnh nhạt nhòa, thường bị đứt giữa chừng vài ba lần trong một cuốn phim. Giữa các cuộn phim đều phải dừng lại để thay. Chẳng ai phàn nàn về chất lượng bộ phim cũng như chất lượng buổi chiếu. Bọn trẻ đi xem phim là thực hành chui trốn vé. Các chàng và nàng thanh niên đi xem phim cũng không nhất thiết đến bãi để xem phim.

Đi xem phim hầu như chỉ có thanh niên và thiếu niên. Mọi người thường chờ đến khi bóng đèn trong sân bãi tắt, tiếng máy quay phim chạy rè rè, tất cả mọi người mới chen lấn nhau vào bãi, tạo nên từng đợt sóng người xô vào lại đẩy ra. Khi cuốn phim cuối cùng nhấp nháy, báo hiệu sắp hết, mọi người đã vội vàng ra về, chen chúc nhau ra cổng, lại từng đợt sóng người xô ra đẩy vào.

 Với bọn trẻ chúng tôi, chen vào cổng soát vé khi đông người là để trốn vé, còn mấy anh chị thanh niên có vé hẳn hoi, họ tranh nhau cả lúc vào bãi và cả lúc ra bãi. Tôi rất ngạc nhiên, tại sao các anh chi thanh niên không vào sớm và về muộn cho rộng chổ?

Năm 1970, là sinh viên năm thứ tư của trường Đại học nông nghiệp I, tôi tham gia đoàn kiểm tra vật tư nông nghiệp TW, kiểm tra tình hình cung ứng vật tư của Trạm vật tư nông nghiệp Cầu Bùng – Diễn Châu – Nghệ An. Tôi kể chuyện xem phim nơi làng tôi cho anh phó đoàn vui tính, là dân xứ Nghệ chính gốc nông thôn, rồi hỏi trình trạng xem phim nơi quê anh có giống như nơi quê tôi không, anh cười:

- Nông thôn ở mô chẳng rứa. Ngày đó bọn mi còn nhỏ, chưa biết cái thú được chen lấn với mấy o áo cánh trắng phin nỏn mỏng tanh, quần phíp đen hay quần lụa đen cũng mỏng tanh. Anh còn đưa cả hai bàn tay ra minh họa. Lúc vào cửa soát vé, anh đưa hai tay ra phía trước, lúc về qua cổng soát vé, anh đưa hai bàn tay ra phía sau rồi nháy mắt cười: “Mấy o nớ cũng thích chen lấn đấy”.

Tôi há hốc mồm. Trời đất, lại còn thế nữa.

9. Chợ Thượng

Nằm phía bờ bắc sông La, trung tâm xã Trường Sơn là chợ muabán trâu bò. Tại chợ này, người dân các huyện Đức Thọ - Can Lộc - Hương Khê - Hương Sơn, Hưng Nguyên - Nghi Lộc - Thanh Chương đều đổ về đây mua bán trâu bò. Chợ trâu bò họp vào các ngày 16 âm lịch hàng tháng.

Chợ có 4 vị “vuốt đuôi”, có một vị trong số họ ở ngay sát nhà tôi. Vào các buổi chợ mua bán trâu bò, các vị “vuốt đuôi” ăn mặc lịch sự, mới sáng sớm đã có mặt ở chợ. Họ chỉ dùng nước bọt thông qua mấy lời dèm pha hay tâng bốc, có thể biến những con bò ngoan cày giỏi thành những con bò phản chủ, biến những con bò lười nhác và bướng bỉnh thành những con bò siêng năng dễ bão.

Mặc dù biết rõ các vị “vuốt đuôi” này chẳng có tài cán gì, nhiều người cần bán trâu bò vẫn phải chi tiền mua sự im lặng của họ, để khỏi bị họ nhận xét bậy về những con trâu bò ngoan của mình. Chỉ có một số rất ít người, tin các vị này “biết xem tướng bò”, nhờ mua trâu bò giúp, rồi mất tiền vô ích. Dân miền Bắc gọi mấy ông “vuốt đuôi” này là “lái trâu”, nên có câu “Thật thà cũng thể lái trâu”.

Nằm bờ nam sông La, đối diện với chợ trâu bò là chợ Thượng. Chợ Thượng là một bãi cát rất rộng, tiếp giáp với bờ sông. Đây là chợ lớn liên tỉnh, họp vào các ngày 0, 5, 15, 25 âm lịch hàng tháng. Những ngày trước phiên chợ, các thuyền buôn dong buồm theo các con sông Lam, sông Ngàn Phố và sông Ngàn Sâu đổ về chợ. Từ các con sông lớn khác của miền Trung và miền Bắc, theo đường sông ra biển, từ biển tiến vào vào Bến Thủy, theo sông Lam, rẽ trái vào sông La, đến chợ. Từ ngã ba sông Lam vào đến chợ Thượng khoảng 6 km. Các thuyền lớn này, chở đầy các hàng đặc sản và hải sản của địa phương đến chợ. Họ bán những hàng cần bán và mua những thứ hàng cần mua.

Ngày phiên chợ, thuyền lớn có hai cánh buồm to, thuyền nhỏ chỉ có một cánh buồm, đậu san sát kín cả bờ sông. Con đường liên xã qua làng tôi nườm nượp những người đi chợ bằng chân đất, từ huyện Hương Sơn về, từ huyện Nam Đàn sang. Những người đi chợ mua hàng hay bán hàng, thường cho các thứ cần bán hay đã mua vào một chiếc thúng, đội lên đầu.

Những con đò ngang, chở đầy người, qua lại trên các bến sông đông như trẫy hội. Các vị chèo đò ngang rất liều, những hôm gió to nước lớn, khách đứng và ngồi chật hết cả con đò ba lá, nước sông chỉ mấp mé mạn đò khoảng 10 cm, họ chỉ nhắc khẻ khách đi đò: “Hôm nay gió to sóng to nha, nhớ ngồi yên đứng yên nha, nếu không thuyền lật đấy”. Những người đi đò cũng rất liều, họ tranh nhau nhảy hết lên đò, sung sướng khi không bị lỡ chuyến, chẳng ai quan tâm tới câu “Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”.

Chợ Thượng có bán đủ mọi thứ từ trên rừng đến dưới biển, trong đó có nhiều hàng đặc sản, như nước mắm cốt, màu vàng trắng, thường dùng chấm chấm xôi hay thịt luộc. Hạt xôi rơi vào bát nước mắm này chỉ trôi lơ lững không chìm. Khi cho lưỡi vào nếm, không có cảm giác mặn, chỉ có cảm nhận vị thơm bùi tê tê nơi đầu lưỡi. Nước mắm này để xa người 10m vẫn ngửi được mùi thơm. Nếu sơ ý dây tý nước mắm này vào áo quần, phải giặt bằng xà phòng mới tẩy được hết mùi thơm của nó.

Vào mùa lũ lụt, chợ Thượng có loại cá mát, nặng khoảng 0,3kg một con, hai bên lườn màu hồng, thớ mịn, thịt chắc, có mùi thơm rất đặc trưng. Đó là loại cá quí hiếm, trong một năm chỉ xuất hiện ở vài phiên chợ với số lượng rất ít. Nghe nói, cá này sống ở suối thượng nguồn bên Lào, theo nước lũ xuôi xuống các con sông lớn của Việt Nam, dân chài đánh bắt được.

Chợ có bán quả cọ nếp màu xanh lơ, quả tròn, hạt nhỏ, thịt quả dày, vàng như mỡ gà, khi ăn cảm nhận rất rõ các vị béo bùi và thơm. Qủa cọ đem om với nước nóng 80 độ, khoảng 20 phút thì chín mềm. Chợ Thượng có bán cá nục hấp chín. Người dân biển đem cá nục tươi hấp nước biển, đầy những chiếc nồi đất to, mua ăn liền, không phải chế biến lại. Thịt cá thơm, béo, dai, còn tươi.

Cá nục kho, quả cọ om, cùi dừa bánh tẻ ăn với bánh đúc hay bánh đa nướng, chấm nước mắm cốt, là món đặc sản của chợ Thượng, “bánh đúc cá kho, cái bụng đó no, cái mồm không chán”. Đặc sản của chợ Thượng còn có kẹo cu đơ Đức Thọ. Kẹo cu đơ được làm từ mật mía loại một, sánh vàng tươi như mật ong, nấu với nhân lạc, giống ba tháng, kẹp giữa hai tấm bánh đa đã nướng chín. Keo cu đơ có vị ngọt thanh - dẻo - thơm của mật mía, vị béo của lạc và vừng đen.

Khoảng 7 giờ sáng chợ đã đông người, đến khoảng 4 giờ chiều chợ mới vãn người. Lúc này các thuyền nhỏ lục tục dương buồm kéo nhau đi trước, đến chiều tối các thuyền lớn mới giong buồm ra biển. Lúc này, nước thuỷ triều đang lên chảy về hướng tây, gió cũng thổi theo hướng tây, nhưng những chiếc thuyền buồm lại chạy băng băng theo hướng Đông ra biển.

Dấu ấn đậm nét của bọn trẻ như chúng tôi về chợ Thượng là những phiên chợ tết. Chợ tết họp liên tục từ ngày 25 đến ngày 29 tết. Bọn trẻ đi chợ để khoe quần áo mới, ngắm người, ngắm hàng, xem của ngon vật lạ. Các của ngon vật lạ, chúng tôi chỉ nhìn qua cho biết, giành hết tiền cho mua pháo nổ. Những hôm chợ tết, thường có bán 3 loại pháo, loại pháo vỏ giấy xi măng ngòi giữa giá 5 xu một quả, pháo đùng vỏ đỏ một đầu gắn xi giá 1 hào một quả, pháo đùng vỏ đỏ hai đầu gắn xi giá 2 hào một quả. Có người nói pháo nổ 5 xu được sản xuất tại Hưng Nguyên Nghệ An, pháo đùng loại 1 hào và 2 hào được đưa từ Bình Đà - Hà Tây vào.

Từ khi Mỹ ném bom Miền bắc, năm 1964, chợ bỏ họp. Nơi chợ Thượng ngày xưa, hiện nay là những ruộng ngô và những bãi cây bạch đàn.

10. Núi Thiên Nhẫn

Núi Thiên Nhẫn nằm phía tây xã Trường Sơn, chỉ có sỏi, đá dăm với chút ít đất cằn. Cả triền núi, trải từ dưới chân cho tới dỉnh núi, chỉ có độc hai loại cây chính, là cây sim và cây bổi. Dân miền Bắc gọi là cây hanh hao. Chỉ có hai loại cây dễ tính này mới đủ sức kiên cường bám trụ, nhờ giỏi chịu đựng nắng hạn và gió lào.

 Mùa xuân đến, tranh thủ mưa phùn và nắng ấm, cây sim ra thêm lá, thêm cành rồi đâm hoa. Vào mùa hoa sim nở, nhìn từ xa, chỉ nhìn thấy màu xanh của những chiếc lá đầu cành. Khi đến gần, không còn nhìn thấy lá sim nữa, trước mặt là một đồi hoa, hoa tím nhạt, hoa tím hồng, hoa tím sẫm, đẹp đến mê hồn. Sau khi vừa nở, hoa sim có màu tím sáng, rồi thời gian, ánh sáng và nắng làm hoa phai dần màu. Khi cánh hoa có màu trắng đục là hoa đã già, cánh hoa rụng xuống đất.

Sau khi những cánh hoa sim rụng đi, quả sim hình thành, lớn lên thành những quả sim to bằng đầu ngón tay. Khoảng 40 ngày sau, những quả sim này bắt đầu chín. Thời gian cho quả chín của một cây sim kéo dài trên một tháng.

Sau những cơn mưa rào giữa mùa hạ, những quả sim già hút đủ nước, chín hàng loạt. Quả sim chín chuyển màu dần dần, từ xanh lá cây, sang màu vàng nâu, rồi màu đỏ nâu, cuối cùng là màu đen tím. Từ khi vỏ quả sim chuyển màu đến khi hết chín vào khoảng dăm ngày.

 Thịt quả sim mềm, chứa đầy mật, cứ cho cả quả vào miếng cắn bỏ chút vỏ nơi đầu quả, là mật ngọt của quả sim chín đã tan ra nơi đầu lưỡi, cùng với mùi thơm của quả sim cho ta cảm giác ngon và ngọt hơn nho Ninh thuận. Cái hay của quả sim chín là mọi người cứ thoải mái ăn no, không có cảm giác xót ruột. Mùa hái sim cũng là mùa lấy tổ ong vang. Ong vang có thân màu vàng nhạt, rất hiền, thường làm tổ ở thân cây bổi. Khi gặp tổ ong nào vừa ý, chỉ cần đốt tý khói, hua quanh tổ là ong vang bay đi hết, bỏ lại tổ cho bọn trẻ.

Tổ ong vang càng to càng có nhiều ấu trùng ong. Bọn trẻ cho cả tổ ong lên ngọn lửa nướng, nhặt ăn các con ấu trùng ong. Ấu trùng ong có ba loại, loại như con nhộng có màu trắng trong, loại nhộng đã biết thành con ong non cũng có màu trắng trong, loại đã hình thành nên con ong gần trưởng thành có màu vàng. Khi ấu trùng ong hết lớn, chúng bay ra khỏi tổ, trở thành những con ong vang chính thức, tiếp tục gây dựng đại gia đình nhà ong.

Sau khi những con ấu trùng ong nướng chín, thơm phức, bọn trẻ xé dần từng miếng tổ ong, nhặt từng con ấu trùng ong cho vào mồm, nhai chậm rãi, thưởng thức vị ngon hổn hợp vừa thơm vừa béo vừa bùi vừa ngọt của những con ấu trùng ong. Có nhiều đứa trẻ thích ăn ấu trùng ong sống, chẳng cần nướng, chúng cho từng con ấu trùng ong còn sống vào miệng, nhai ngon lành.

Núi Thiên Nhẫn còn là vương quốc của chim đa đa. Chim đa đa có màu lông lẫn với đất, sống chui lủi dưới những cây sim và cây bổi, nên tôi chỉ được nghe tiếng chim kêu mà chưa nhìn thấy chim. Có người tả nó như con chim cút, nhưng to hơn. Hàng ngày, nhất là vào buổi sáng hay buổi chiều của mùa xuân và mùa hè, tiếng chim đa đa kêu rộn ràng, không dứt: “Bất thực cốc đa đa”, “bất thực cốc đa đa”, “bất thực cốc đa đa”...

Từ khi xuất hiện máy cát xét đại trà, khoảng năm 2000, con người đã dùng tiếng chim đa đa trong băng cát xét để bẩy chim. Việc bẩy chim đa đa vô cùng đơn giản, người ta đặt chiếc cát xét vào gốc bụi sim, chăng lưới xung quanh rồi bật băng cát sét. Nghe tiếng chim đa đa từ chiếc băng cát xét, chim đa đa tưởng đó là tiếng gọi của bạn tình, bay nhào đến rồi vướng lưới.

 Chỉ khoảng bốn mùa hè, sau khi có kẻ bẫy chim, núi Thiên Nhẫn tĩnh lặng không còn một tiếng chim đa đa. Nền văn minh của nhân loại kết hợp với tính ích kỹ của những con người thực dụng, đã tiêu diệt đến tận cuối cùng những con chim đa đa ở quê tôi.

( Còn nữa )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét