Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Thiền Sư Nhất Hạnh một đời dấn thân và những lầm lẫn

(Tựa gốc: Thiền Sư Nhất Hạnh một đời dấn thân).

“Về chính trị, nếu tôi không lầm, ông chỉ viết có một cuốn duy nhất là Hoa Sen Trong Biển Lửa, Trong sách này ông xem Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam là một lực lượng chính danh đại diện cho nhân dân miền Nam.”

“Ông lên án các vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại miền Nam mặc dù trong thời gian này quyền tự do tôn giáo được bảo đảm. Ông đòi hỏi chính quyền Saigon thương thuyết với MTDTGPMN để chấm dứt chiến tranh, mặc dù tổ chức này chỉ là công cụ của Hà Nội.”

“Thiền sư Nhất Hạnh chống chiến tranh mà chỉ chống Hoa Kỳ và miền Nam Việt Nam mà không chống miền Bắc mang quân vào xâm chiếm miền Nam. Ông chống Mỹ ném bom vào tỉnh Bến Tre và có những số liệu gây tranh cãi mà không chống CSVN tàn sát dân vào Tết Mậu Thân tại Huế. Ông chống miền Nam thiếu tự do, nhưng không chống miền Bắc độc tài đảng trị, chà đạp nhân quyền và tôn giáo tàn bạo. Chính Làng Mai của ông ở Lâm Đồng thiết lập vào 2005 bị tàn phá vào 2009 mà ông bất lực.”

3098. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng kiến nghị để Phật giáo VN ‘tách khỏi Nhà nước’

3100. Thích Nhất Hạnh: Chánh niệm hay chánh trị?

3111. Thầy Nhất Hạnh mất đi, nỗi buồn Việt Nam vẫn còn đó

VOA Tiếng Việt

05/02/2022

Nguyễn Quốc Khải



Cuối đời Thiền Sư Thích Nhất Hạnh toan tính cảm hóa CSVN theo con đường nhân bản, cho tự do tôn giáo… nhưng ông đã thất bại.

Vài ngày nay có khá nhiều góp ý về Thiền Sư Thích Nhất Hạnh kể từ khi ông qua đời vào ngày 22/1/2022. Một cách tổng quát, có hai ý kiến trái ngược nhau ca ngợi và chỉ trích mãnh liệt. Xét cho cùng hai bên đều có thể đúng. Một bên ca ngợi ông về mặt triết lý của cuộc sống và mục tiêu là mưu cầu hạnh phúc, đặc biệt là phương pháp thiền của ông giúp con người sống an nhiên tự tại. Một bên phê phán ông về mặt chính trị dựa trên tinh thần quốc gia dân tộc.

Một đời viết sách

Tính đến 1/2019, thiền sư Nhất Hạnh đã xuất bản trên 130 cuốn sách, bao gồm trên 100 cuốn bằng Anh ngữ và bán được trên năm triệu cuốn trên thế giới. Sách của ông được dịch ra trên hơn 40 ngôn ngữ và viết về những đề tài như hướng dẫn về tâm linh, Phật điển (Buddhist texts), lời dạy về tỉnh thức (mindfulness), thơ và truyện, và những bài tiểu luận về thiền học.

Thiền sư Nhất Hạnh viết rất nhiều về cuộc sống, giúp ích cho mọi gia đình, mọi tôn giáo. The Art of Mindfulness (Nghệ Thuật Sống Tỉnh Thức) bán được 200,000 cuốn chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Giám Đốc Ngân Hàng Thế Giới Jim Jong Kim gọi cuốn sách Phép Mầu của Chánh Niệm (Miracle of Mindfulness) là cuốn sách ưa thích nhất của ông. Ngoài ra ông Nhất Hạnh còn có nhiều sách nổi tiếng khác như Bông Hống Cài Áo, Muốn An Được An, Hạnh Phúc Cầm Tay, Giận, Chỉ Nam Thiền Tập Dành Cho Người Trẻ, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, Thả Một Bè Lau, Bước Tới Thảnh Thơi, Tâm Tình Với Đất Mẹ, Thiền Tập Cho Người Bận Rộn, Con Đường Chuyển Hóa, Gieo Trồng Hạnh Phúc, Để Có Một Tương Lai, Tìm Bình Yên Trong Một Gia Đình.

Ông viết ít hơn về đạo Phật. Sách về Phật giáo gồm Đạo Phật Cho Tuổi Trẻ, Đạo Phật Ngày Nay, Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời, Đường Xưa Mây Trắng, Đạo Bụt Nguyên Chất, Bụt Là Hình Hài, Bụt Là Tâm Thức, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Sen Nở Trời Phương Ngoại. Trong tác phẩm của mình, ông phát huy một ý niệm mới về Phật giáo dấn thân. Theo đó, triết lý và những điều răn dạy của Phật giáo, những bài học về đức tin, có thể áp dụng vào phúc lợi của con người trong các lãnh vực giáo dục, y tế và chính trị. Tức là đạo vào đời. Trong phần sau, người đọc sẽ thấy ông chủ xướng Phật giáo dấn thân, nhưng áp dụng tùy lúc, tùy nơi.

Về chính trị, nếu tôi không lầm, ông chỉ viết có một cuốn duy nhất là Hoa Sen Trong Biển Lửa, Trong sách này ông xem Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam là một lực lượng chính danh đại diện cho nhân dân miền Nam. Ông không trực tiếp tham gia hoạt động chính trị, nhưng thái độ và những hành động mang tính cách chính trị của ông gây nhiều tranh cãi và hậu quả về sau như chúng ta sẽ thấy ở một phần dưới đây.

Vận động hòa bình

Thiền Sư Nhất Hạnh là người thông thạo Anh, Pháp và một số ngôn ngữ khác. Do đó ông có nhiều môn sinh thuộc các sắc dân khác nhau và có cơ hội gặp gỡ nhiều yếu nhân quốc tế như Đức Dalai Lama, Mục Sư Martin Luther King, Jr., Đức Giáo Hoàng Paul VI, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert S. McNamara, TNS Edward M. Kennedy, TNS William Fulbright. Mục Sư Martin Luther King, Jr. sau khi được giải Nobel Hòa Bình vào năm 1964 đã đề cử Thiền Sư Nhất Hạnh nhận giải Nobel của năm 1967 nhưng không có kết quả. Ông là một trong những người Việt Nam nổi tiếng trên thế giới và có lẽ là một tu sĩ Phật giáo nổi tiếng chỉ sau Đức Dalai Lama.

Thiền Sư Nhất Hạnh được học bổng Hoa Kỳ du học về tôn giáo tại Princeton University vào năm 1960 và Princeton Theological Seminary vào 1961-1962 trong lúc chiến tranh Việt Nam bắt đầu sôi động. Vào cuối năm 1960 Mặt Trân Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (MTDTGPMN) thành lập. Ngay sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát, ông trở Việt Nam vào cuối năm 1963 theo lời mời của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Ba năm sau, vào 1966, lúc 40 tuổi, ông được Cornell University mời trở lại Hoa Kỳ và dự trù ở lại trong ba tháng. Mục tiêu của chuyến đi này là vận động hòa bình cho Việt Nam.

Ngay trên đất Mỹ, ông phát động chiến dịch chống chiến tranh rất sớm, chỉ một năm sau khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Ông lên án các vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại miền Nam mặc dù trong thời gian này quyền tự do tôn giáo được bảo đảm. Ông đòi hỏi chính quyền Saigon thương thuyết với MTDTGPMN để chấm dứt chiến tranh, mặc dù tổ chức này chỉ là công cụ của Hà Nội (Chỉ vài tháng sau khi quân Cộng Sản Bắc Việt chiếm được miền Nam, MTDTGPMN bị giải tán tức khắc). Ông được tài trợ đi nhiều nơi quảng bá chiến dịch hòa bình này. Ông được mời nói chuyện trước quốc hội một số nước Tây Phương. Vì vậy chính quyền quân nhân Saigon cấm ông trở về Việt Nam. Ông buộc lòng phải xin tị nạn tại Pháp vào cuối năm 1966.

Thiền sư Nhất Hạnh chống chiến tranh mà chỉ chống Hoa Kỳ và miền Nam Việt Nam mà không chống miền Bắc mang quân vào xâm chiếm miền Nam. Ông chống Mỹ ném bom vào tỉnh Bến Tre và có những số liệu gây tranh cãi mà không chống CSVN tàn sát dân vào Tết Mậu Thân tại Huế. Ông chống miền Nam thiếu tự do, nhưng không chống miền Bắc độc tài đảng trị, chà đạp nhân quyền và tôn giáo tàn bạo. Chính Làng Mai của ông ở Lâm Đồng thiết lập vào 2005 bị tàn phá vào 2009 mà ông bất lực.

Trở về Việt Nam lần đầu

Thiền sư Nhất Hạnh làm đơn xin với Bộ Văn Hóa trở về Việt Nam từ năm 2000 và đã nộp những bài ông sẽ thuyết pháp cho Bộ Văn Hóa kiểm duyệt, nhưng không được chấp thuận. Đáp ứng với Nghị Quyết 36 của của Bộ Chính trị CSVN về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ban hành vào 2004, Thiền Sư Nhất Hạnh một lần nữa xin trở về và được chấp thuận vào 2005 cùng trong khoảng thời gian trở về của cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, Nhạc Sĩ Phạm Duy, cựu Viện Trưởng Viện Đại Học Hòa Hảo Lê Phước Sang.

Cũng vào thời gian này, Việt Nam đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách những quốc gia đáng quan tâm (country of particular concern – CPC) vào 2004 vì vi phạm nhân quyền đặc biệt là tự do tôn giáo. Do đó chính quyền Hà Nội muốn nới lỏng gọng kìm độc tài để chứng tỏ Việt Nam có tự do nên dễ dàng với ông Nhất Hạnh và thả tự do cho một số tu sĩ Phật giáo liên hệ với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) như Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ và Thượng Tọa Thích Trí Siêu. Đồng thời chính quyền Hà Nội chuẩn bị tổ chức Hội Nghị Hợp Tác Kinh Tế Á châu Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation – APEC) vào năm 2006.

Sau gần 40 năm lưu vong ở nước ngoài, 30 năm sau chiến tranh chấm dứt, ông có mặt ở Việt Nam để chứng kiến những tu sĩ từng tranh đấu cho tự do tôn giáo như ông đang bị chính quyến Hà Nội giam cầm hay quản chế là Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh, và các thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ, Thích Viên Định, Thích Thanh Huyền, Thích Nguyên Lý, Thích Hải Tạng …

Chính sách đàn áp tôn giáo tàn bạo của CSVN thể hiện rất rõ ngay từ khi vừa chiếm xong miền Nam. Vào cuối năm 1975 chính quyền cấm không cho treo cờ Phật giáo khiến 12 tăng ni và Phật tử ở chùa Dược Sư, Cần Thơ tự thiêu để phản đối. Khi GHPGVNTN ra thông điệp kêu gọi Bảo Vệ Nhân Quyền ở Việt Nam và đòi hỏi tự do tôn giáo vào ngày 9-6-1977, ngay lập tức CSVN bắt giam sáu vị trong ban lãnh đạo bao gồm các thầy Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và Thích Thiện Minh. Viện Đại Học Vạn Hạnh do Thiền Sư Nhất Hạnh sáng lập và nhà xuất bản Lá Bối bị ngưng hoạt động. Cô nhi viện Quách Thị Trang bị trưng dụng. Thượng Tọa Thích Mẫn Giác phải rời nước ra đi bằng đường biển để mang thông điệp ra thế giới bên ngoài. Riêng Thượng Tọa Thích Thiện Minh, bị áp giải về trại cải tạo Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải, nay là tỉnh Bình Thuận. Thượng Tọa bị chết trong tù vào ngày 17-10-1978. Thượng Tọa Thích Thiên Minh là một chiến lươc gia của GHPGVNTN, từng bị thực dân Pháp bắt giam vào 1947 vì tham gia Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc tại Quảng Trị và chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam vào 1963 cùng với một số tu sĩ Phật giáo khác vì chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo.

Vào cuối năm 2003, Quốc Hội Hoa Kỳ và Quốc Hội Âu Châu phê chuẩn hai nghị quyết tố cáo CSVN đàn áp GHPGVNTN. Vào tháng 9/2004, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam vào danh sách những nước đáng quan tâm. Vào cuối năm 2004 tại Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEM tổ chức tại Việt Nam, hơn 100 dân biểu Quốc Hội Âu Châu đã gửi thư yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu đưa vấn đề đàn áp tôn giáo và nhân quyền ra thảo luận với CSVN. Các dân biểu cũng lên tiếng yêu cầu trả tự do cho hai Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và tất cả các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị tại Việt Nam.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh trong dịp trở về Việt Nam lần đầu đã trực tiếp trao cho Thủ Tướng Phan Văn Khải một bức thư đề nghị bảy điều về chính sách của nhà nước với Phật giáo. Quan trọng nhất là các vấn đề tách rời giáo quyền ra khỏi chính quyền, xung khắc và nghi kỵ giữa chính quyền và Phật Giáo, hợp nhất hai giáo hội Phật Giáo Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và việc hỗ trợ giữa chính quyền và tôn giáo.

Thiền sư Nhất Hạnh muốn thống nhất Phật Giáo nhưng CSVN lại chủ trương chia rẽ và kiểm soát Phật Giáo bằng cách lập giáo hội quốc doanh. Ông muốn tôn giáo độc lập, CSVN lập gia Ban Tôn Giáo để kiểm soát tôn giáo. Những điều ông đòi hỏi hợp lý nhưng đương nhiên không thể được chấp nhận bởi một chính thể độc tài. Sau cùng ông bị chính quyền Hà Nội ra mặt xem ông như một phần tử đối nghịch nguy hiểm, không cho ông được tiếp xúc với nhiều người.

Trở về Việt Nam lần thứ hai

Thái độ của chính quyền Hà Nội khá rõ khi ông trở về Việt Nam lần thứ hai vào năm 2007. Sự di chuyển của ông bị hạn chế tối đa. Ông bị cấm đoán tổ chức trai đàn giải oan cho nạn nhân chiến tranh ở cả hai miền. Một lá thư của Làng Mai giải thích “Theo tư tưởng lãnh đạo, đây là một cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, những người chiến sĩ hy sinh là tại họ muốn hy sinh, những người bên kia chống lại tại vì họ muốn chống lại, hai bên đã chết vì muốn đi theo đường lối và chí hướng của mình, như vậy không có oan ức gì cả.”

Cũng trong lần về nước lần thứ hai, Thiền sư Nhất Hạnh đề nghị với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng dựng tượng đài tưởng niệm những nạn nhân đã chết khi vượt biên nhưng không được chấp thuận. Ông cũng kêu gọi Đảng Cộng Sản Việt Nam đổi tên vì “cái tên đảng hiện giờ đang là một chướng ngại, gây hiểu lầm và tiếp tục nuôi dưỡng oan hận.”

Hai năm sau, vào khuya ngày 28-06-2009 những tu sinh Làng Mai sinh hoạt tại tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng đã bị khoảng 200 côn đồ có vũ trang do công an chỉ đạo đến xách nhiễu, đánh đập và đuổi ra khỏi tu viện. Thiền Sư Nhất Hạnh gửi thư cho Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết để cầu cứu, nhưng không được hồi âm. Họ phải chạy qua lánh nạn tại chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc.

Hơn 400 tu sinh theo pháp môn Làng Mai đã một lần nữa bị đánh bật ra khỏi chùa Phước Huệ. Họ bị vu cáo là tụ tập chống phá nhà nước và GHPGVN. Công an ép các tu sinh pháp môn Làng Mai trở về địa phương. Bô Ngoại Giao trục xuất những người có ngoại tịch ra khỏi Việt Nam. Vấn đề then chốt là chính quyền không muốn có một tổ chức độc lập nào ở Việt Nam.

Vào năm 2005 Thượng Tọa Thích Đức Nghi hiến chùa Bát Nhã cho Thiền Sư Nhất Hạnh để truyền dạy pháp môn Làng Mai ở Việt Nam và tiếp tục trụ trì chùa này. Trong ba năm chùa Bát Nhã đã được sửa sang và mở rộng, Nhưng đến giữa năm 2008, chính quyền ép buộc Thượng Tọa Thích Đức Nghi đòi lại ngôi chùa và không cho các môn sinh Làng Mai tu học ở đây. Dự tính thành lập nhiều Làng Mai ở Việt Nam của ông Nhất Hạnh đến thời điểm này kể từ khi chùa Bát Nhã bị đập phá đã chấm hết. Sự việc Bát Nhã là một bài học cay đắng cho Thiền Sư Nhất Hạnh.

“Không cùng chí hướng trên tinh thần quốc gia dân tộc”

Pháp môn Làng Mai của Thiền Sư Nhất Hạnh là một tổ chức độc lập, không thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) của nhà nước. Trong những lần về Việt Nam ông Nhất Hạnh và phái đoàn Làng Mai hợp tác với GHPGVN và Ban Tôn Giáo của nhà nước để tổ chức những chuyến viếng thăm một số nhân vật lãnh đạo chính quyền và thuyết pháp truyền đạo.

Báo Tuổi Trẻ tường thuật rằng vào ngày 5-5-2007, trong lần Thiền Sư Nhất Hạnh về nước lần thứ 2, “Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp tại Phủ Chủ Tịch Thiền Sư Nhất Hạnh và đại diện thiền sinh, cư sĩ trong đoàn tăng thân Làng Mai tới thăm xã giao nhân dịp về thăm Việt Nam theo lời mời của Ban Phật giáo quốc tế thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Chủ tịch nước đánh giá chuyến về thăm Việt Nam của thiền sư Thích Nhất Hạnh và đoàn tăng thân Làng Mai đã có những đóng góp tích cực vào hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cảm ơn Nhà nước, Chính phủ đã tạo điều kiện cho ông cùng các thiền sinh, cư sĩ trong đoàn được về thăm đất nước.”

Trong những lần về Việt Nam, Thiền Sư Nhất Hạnh cũng thỉnh cầu được thăm viếng các vị cao tăng trong GHPGVNTN gồm Hòa Thượng Thích Quảng Độ và Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ, nhưng đều không được toại nguyện. Hòa Thượng Thích Quảng Độ từ chối tiếp Thiền Sư Nhất Hạnh vì lý do công an không cho phép. Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ đang trong thời gian nhập thất cũng không tiếp ông được. Trong lúc sinh thời Thiền Sư Nhất Hạnh cũng đã bị Hòa Thượng Thích Quảng Độ và Hòa Thượng Thích Huyền Quang từ chối tiếp.

GHPGVNTN cũng không cử người chính thức đại diện tới dự tang lễ của Thiền Sư Nhất Hạnh. Đại Lão Hòa Thượng Thích Chí Viên của GHPGVNTN từ Nha Trang ra Huế dự tang lễ chỉ với tư cách huynh đệ đồng môn do từng tu học ở chùa Từ Hiếu trước đây.

Theo lời Hòa thượng Thích Huyền Việt, Chủ tịch Văn phòng 2 Viện Hóa đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì một số chùa của Giáo hội thống nhất có tổ chức tưởng niệm Thiền sư Nhất Hạnh với tư cách cá nhân chứ Giáo hội thống nhất không có lễ tưởng niệm ‘ở cả trong nước lẫn hải ngoại’ với lý do là ‘Giáo hội không cùng chí hướng với thiền sư trên tinh thần quốc gia dân tộc’.

Kết luận

Thiền sư Nhất Hạnh là một người yêu dân tộc, yêu đạo pháp, muốn đất nước có tự do no ấm. Nhưng sinh không hợp thời, cả hai chế độ Nam Bắc đều không chấp nhận ông. Thiền Sư Nhất Hạnh có thể nghĩ rằng CSVN sẽ mang lại tự do no ấm cho dân Việt Nam. Nhưng sau 1975, ông đã thấy hết sự thật như thế nào. Tiếng súng đã im trong gần nửa thế kỷ nhưng hòa bình thật sự vẫn chưa thành sự thật.

Cuối đời Thiền Sư Thích Nhất Hạnh toan tính cảm hóa CSVN theo con đường nhân bản, cho tự do tôn giáo, giải oan cho các nạn nhân chiến tranh hai bên, cầu siêu cho những oan hồn của những người tử nạn trên đường vượt biên, nhưng ông hoàn toàn thất bại. Dự định thiết lập một số Làng Mai ở Việt Nam cũng đã không thành trong cay đắng. Hẳn ông đã vỡ mộng. Vào năm 2018, ông được trở về lần cuối cùng chỉ để chuẩn bị cho sự ra đi của ông ở quê cha đất tổ.

Nói tóm lại Thiền Sư Nhất Hạnh đã đóng góp đáng kể cho sự hiểu biết về cuộc sống an lạc nhưng con đường dấn thân của ông cho đất nước đã không đạt được điều gì. Ông bị đột quy và cấm khẩu vào cuối năm 2014. Không còn nguy hiểm cho chế độ Hà Nội nữa cho nên ông được phép về Việt Nam vào 2018, sống lặng lẽ trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. Ông mất tại chùa Từ Hiếu ở Huế vào ngày 22-1-2022, hưởng thọ 95 tuổi.

 

Tham khảo

1. BBC, “Thiền Sư Nhất Hạnh và con đường thứ ba,” 15-4-2015.

2. BBC, “Hai con đường, hai khác biệt,” 4-5-2015.

3. Nguyễn Hùng, “Thiền Sư Nhất Hạnh và ba lần nhẫn nại trở về,” VOA, 24-01-2022.

4. Henry Kamm, “Refugees from Indochina find only further despair,” New York Times, June 17, 1977.

5. Làng Mai,”Bẩy điểm đề nghị của Thiền Sư Nhất Hạnh về chính sách của nhà nước Việt Nam đối với Phật giáo,” 25-03-2005.

6. Quang Mai, “Tiểu sử cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh,” Quảng Đức, 8-10-2018.

7. Thanh Ngoc,”Lên án Thiền Sư Nhất Hạnh:sân si hay chính đáng,” 26-01-2022.

8. Princeton Theological Seminary, “Reflection: Thich Nhat Hanh at Princeton Seminary,” January 27, 2022.

9. Trần Phương, “Xưa có ba nhà sư: Thích Nhất Hạnh, Thích Trí Quang và Thích Quảng Độ,” Luật Khoa, 22-01-2022.

10. Võ Văn Quan,”Thích Nhất Hạnh: Chánh niệm hay chính trị?” 24-01-2022.

11. Matt Schudel, “Thich Nhat Hanh, Buddhist monk who sought peace and mindfulness, dies at 95.” Washington Post, January 22, 2022.

12. Văn Tâm, “Cuộc đời của Thiền Sư Nhất Hạnh,” Tạp Chí Luật Khoa, 22-01-2022.

13. Việt Tân, “Thiền Sư Nhất Hạnh: Không làm chính trị nhưng chọn thái độ chính trị,” 26-01-2005.

14. Đan Thanh, “Thiền sư Thích Nhất Hạnh và biến cố Bát Nhã năm ấy,” Báo Tiếng Dân, 27-1-2022.

15. VOA, “Quan chức Mặt Trận Tổ Quốc viếng Thiền Sư Nhất Hạnh,” 25-01-2022.

16. Oprah Winfrey, “Oprah talks to Thich Nhat Hanh,” 9-2009.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét