Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Về những tù nhân lương tâm Việt Nam

Việt Dương
Bọn thẻ đỏ tim đen tiếm quyền hóa giặc
Bịt miệng người kêu nỗi đau Ải Bắc
Bóp cổ người thét nỗi nhục Hoàng Sa
Sông có nghe nỗi nhục chuyển sơn hà
Bùi Minh Quốc
Trên dòng đổ vỡ về tư tưởng, lãnh đạo và chính nghĩa của Đảng Cộng sản, dân Việt đã và đang chứng kiến ngày càng nhiều những phiên tòa của Đảng Cộng sản xử người yêu nước chống Tàu và đòi dân quyền. Theo dõi những người bị kết tội từ những phiên tòa ấy, chúng tôi có mấy nhận định, xin ghi lại như sau:
NỘI DUNG CỦA NHỮNG PHIÊN TOÀ
Những phiên tòa kết án những người yêu nước, yêu dân chủ cho thấy 3 điều:
1. Kết tinh và phát triển chủ lưu chống Tàu và đòi dân quyền
Cuối thập niên 1980, khởi đầu với nhóm Hiền sĩ cao nguyên gồm Tiến sĩ Hà Sĩ Phu (Nguyễn Xuân Tụ), nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh và các ông Huỳnh Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tấn, Trần Minh Thảo..., lên tiếng chống lại chế độ độc tài toàn trị và đòi dân chủ. Với những tác phẩm: Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của Trí Tuệ (1988), Đôi điều suy nghĩ của một công dân (1993) và Chia tay Ý thức hệ (1995), ông Hà Sĩ Phu đã chỉ ra sự sai lầm từ căn bản của chủ nghĩa cộng sản và sự thất bại của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trả giá cho sự phê phán này, ông đã bị bắt giam 1 năm không xét xử (95-96). Sau đó ông cùng với cả nhóm bị cô lập, quản thúc, quản chế, bao vây kinh tế.
Cùng với nhóm hiền sĩ cao nguyên là Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, nhà văn Hoàng Tiến, ông Hoàng Minh Chính và tướng Trần Độ ở Hà Nội (thập niên 1990), lên tiếng phê phán chế độ độc tài, đòi dân chủ, nhân quyền. Các ông Hoàng Tiến, Hoàng Minh Chính và Trần Độ bị sách nhiễu, canh chừng còn ông Nguyễn Thanh Giang bị bắt giam một thời gian.

Tiếp đó, đầu thập niên 2000, cùng với phong trào dân oan khiếu kiện đòi đất, đòi nhà, 4 trí thức trẻ ở Hà Nội đã lên tiếng phê phán chế độ độc tài và đòi dân chủ. Đó là Luật gia Lê Chí Quang (viết Hãy cảnh giác với Bắc triều), Bác sĩ Phạm Hồng Sơn (dịch bản Thế nào là dân chủ từ website của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam), nhà báo chuyên viết về kinh tế của Tạp chí Cộng sản Phạm Vũ Bình (viết Về vấn đề biên giới Việt - Trung và xin thành lập Đảng Tự do - Dân chủ) và nhà báo, cựu bộ đội Nguyễn Khắc Toàn, viết tường thuật và thông tin về các vụ khiếu kiện của dân oan và những bài viết kêu gọi chính quyền thực thi dân chủ.
Cả 4 người đều bị bắt năm 2002, đưa ra tòa kết tội làm gián điệp, xuyên tạc, chống đảng và nhà nước theo điều 80 Bộ luật hình sự:
- Luật gia Lê chí Quang, 4 năm tù giam, 3 năm quản chế, thả 5/2004.
- Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, 5 năm, 3 năm quản chế, thả 8/2006.
- Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, 7 năm, 3 năm quản chế, thả 6/2007.
- Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, 4 năm, 3 năm quản chế, thả 1/2006.
Một hiện tượng đặc biệt là từ giữa thập niên 2000, những người trẻ xuất hiện lên tiếng đòi dân quyền, chống Tàu xâm chiếm biển đảo, đã tăng theo sự đàn áp của Đảng Cộng sản. Và tất cả những người bị bắt đưa ra tòa đều bị kết tội theo mấy điều 79, qui định cấm các hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, điều 80, 88, qui định tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, điều 258, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước. Như thế những phiên tòa xử người yêu nước đã kết tinh cho chủ lưu tranh đấu chống bạo quyền, chống Tàu xâm lấn và cho thấy sự phát triển của chủ lưu này.
2. Minh chứng sự phân lìa giữa đảng và nhân dân
Từ năm 1954, miền Bắc thành xã hội cộng sản: công, nông, binh, trí thức phụ thuộc vào đảng và nhà nước. Trên lý luận và cơ chế xã hội, Đảng Cộng sản đã gom nhân dân vào tay đảng. Đảng với dân là Một. Xã hội vô sản miền Bắc không có mâu thuẫn, không có đối lập, chỉ có tiếng nói và lệnh của đảng. Mấy ông nhà văn, nhà thơ và học giả trong vụ Nhân văn-Giai phẩm (1956) chỉ đòi tự do văn nghệ, học thuật là bị đập chết ngay.
Sau khi chiếm được miền Nam, Đảng Cộng sản vội vã tiến hành vô sản hoá miền Nam như miền Bắc, nhưng bất khả và đại bại, vì dân miền Nam với nếp sống tự do, tư hữu đã phân hóa những cán bộ cộng sản và phá vỡ hệ thống kinh tế tập sản. Chỉ trong mấy năm thực hiện kinh tế xã hội chủ nghĩa, dân miền Nam thiếu ăn, thiếu mặc, dân miền Trung từng đoàn lũ lượt vào Nam đi ăn xin. Kinh tế xã hội chủ nghĩa lao vào khủng hoảng, đỉnh cao là là vụ đổi tiền lần thứ 3 với cải cách giá, lương, tiền và chống quan liêu bao cấp (1985), lạm phát lên tới trên 700%. Vì thế Cộng sản Việt Nam phải cải tổ theo Liên Xô, rồi theo Tàu của Đặng Tiểu Bình làm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Tàu gọi là kinh tế thị trường kiểu Trung Quốc). Việc cải cách này Cộng sản Việt Nam gọi là đổi mới kinh tế, thực chất là trở về với kiểu làm ăn tư sản, mở cửa cho các nước tư bản vào đầu tư và đảng Cộng sản giữ độc quyền làm ăn với tư bản để làm giàu.
Đổi mới, cởi trói kinh tế có hai tác dụng: Với dân, vì được làm ăn tự do nên thoát khỏi sự phụ thuộc vào đảng, còn với Đảng Cộng sản là đảng được tư sản hóa thành giàu, nhưng vuột mất quyền kiểm soát bao tử nên không thể gom dân vào tay đảng như ở miền Bắc trước 1975. Từ đó đối lập xuất hiện: Trí thức lên tiếng phê phán chế độ độc tài, đòi dân quyền. Dân oan đi khiếu kiện đòi đất, đòi nhà. Nông dân kêu than thuế nặng phí cao. Công nhân đình công đòi quyền lợi. Và từ thập niên 2000, những tiếng nói đối lập cùng những phiên tòa xử người đối lập ngày càng nhiều trên khắp nước. Như thế những bản án của tù nhân lương tâm đã đánh dấu sự phân lìa giữa đảng với dân, hủy mệnh đề “Đảng với Nhân dân là một” để minh chứng một sự thật là Đảng với Dân là Hai, soi rõ đảng quyền độc tài và dân vô quyền bị áp bức.
3. Nói lên bản lãnh và trí tuệ của tù nhân lương tâm
Những phiên tòa xử người yêu nước cho thấy, tất cả những người này đã coi thường nhà tù và cả cái chết. Trước tòa những người yêu nước tuyên bố: Tội của tôi là tội yêu nước. Trong nhà tù những tù nhân lương tâm đấu tranh đòi cải thiện nhà tù. Khi mãn hạn tù, trả lời các đài BBC, VOA và đài Á châu Tự do (RFA) phỏng vấn, tất cả đều kiên định một lời là tiếp tục con đường đấu tranh cho dân quyền và chống Tàu Cộng xâm lấn.
Danh sách tù nhân lương tâm, đã được tha và còn ở trong tù quá nhiều, nên ở đây chỉ xin ghi một số người tiêu biểu.
Trước hết là những anh thư:
- Cô Phạm Thanh Nghiên:
Cô bị bắt tháng 9/2008, tòa án Hải Phòng kết án tù 4 năm, 3 năm quản chế theo điều 88 Bộ luật hình sự. Mãn hạn tù tháng 12/2012.
Năm 2008, cô Nghiên đã mạo hiểm vào tận xã Hoằng Trường và Hòa Lộc, Thanh Hóa, tìm đến nhà những ngư dân bị hải quân Trung Quốc bắn và bắt ngày 8/1/2005 để tìm hiểu sự việc mà nhà nước Việt Nam luôn giấu kín. Chuyến đi này cô đã ghi lại được nhiều điều của những gia đình nạn nhân trong bài Uất ức Biển ta ơi. Nhưng ở đây chỉ xin trích lại một đoạn nói về thái độ của viên chức Bộ Ngoại giao Việt Nam đối với ngư dân và Trung Quốc: “Khoảng hai, ba hôm sau khi ngư dân Thanh Hóa bị tàu chiến Trung Quốc tấn công thì người của Bộ Ngoại giao Việt Nam sang. Họ có hai người, không có nhà báo đi theo để đưa tin. Họ xin chính quyền Trung Quốc gặp các ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ và khuyên: “Các anh cố gắng ở lại cải tạo cho tốt, đừng cãi người ta. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa các anh về trước tết”. Những ngư dân này không hiểu họ phạm tội gì, tại sao lại “cố gắng cải tạo cho tốt”?
Trong tù khi bị xiềng chân trước hai viên công an thẩm vấn, cô Nghiên đã lên tiếng: Tôi sẽ không nói gì, nếu các anh xiềng chân tôi, và công an đã phải tháo xiềng.
Sau khi mãn án tù, bị quản chế, nhưng cô đã cùng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhiều người khác sáng lập Mạng lưới Blogger Việt Nam, và Mạng lưới đã thực hiện những chiến dịch nhân quyền như “Lời tuyên bố của Công dân Tự do”, chiến dịch “Chúng ta muốn biết”, phong trào “Không bán nước”...
- Bà Bùi Minh Hằng:
Bà Hằng là nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền với câu nói: “Chúng tôi ngã xuống để đất nước này đứng lên” và đã đi hàng đầu trong những cuộc biểu tình chống Tàu xâm lấn ở Hà Nội. Tháng 2/2014 bà và một nhóm thân hữu và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tới thăm một cựu tù nhân lương tâm là ông Nguyễn Bắc Truyền. Trên đường đi tại khu vực Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, Bà Hằng đã bị công an bắt cùng 2 người khác là Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh. Cả ba người đã bị tòa án Đồng Tháp kết án gây rối giao thông và trật tự công cộng theo điều 245 Bộ luật hình sự: Bà Hằng 3 năm tù giam, Thúy Quỳnh 2 năm 6 tháng và Minh 2 năm.
Mãn hạn tù ngày 11/2/2017, khi được hàng trăm người đón tại Nhà thờ Dòng chúa Cứu Thế ở Kỳ Đồng, quận 3, TP Hồ Chí Minh, bà đã nói: Tôi phải cám ơn nhà cầm quyền cộng sản. Chính họ tạo dũng khí cho tôi. Chính nhà tù đã tạo dũng khí cho chúng ta tranh đấu và giúp chúng ta trưởng thành.
- Cô Đỗ Minh Hạnh:
Cô Hạnh bị bắt tháng 2/2010, với cáo buộc cùng với 2 người khác là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương thúc đẩy cả chục ngàn công nhân, Công ty giày Mỹ Phong tại Trà Vinh đứng lên đình công. Phiên tòa 27/10/2010 tại tòa án Trà Vinh, tuyên án Đỗ Minh Hạnh 7 năm tù giam, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm, và Đoàn Huy Chương 7 năm về tội phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân theo điều 79 bộ luật hình sự.
Bà Ngọc Minh, mẹ của Hạnh trong cuộc phỏng vấn của Trà My đài VOA (23/9/2013) cho biết: Từ 2013, Hạnh tham gia khối 8406, giúp đỡ dân oan mất đất. Hạnh đánh máy hồ sơ khiếu nại đất đai cho dân oan rất nhiều. Trong thời gian hoạt động không tết nào Hạnh ăn tết ở nhà. Hạnh nói: Thực trạng Việt Nam rất bi đát, nguy cơ mất nước, dân rất đau khổ.
Trong tù Hạnh nói với mẹ: Đời người chỉ chết có một lần thôi, để cho họ thấy họ không được coi thường tinh thần của dân tộc. Con không có tội. Những việc con làm, bất cứ công dân nào cũng phải làm.
Trong tù Hạnh nói với cán bộ trại giam: Cán bộ không có người thân bị mất đất, nên cán bộ không hiểu nỗi lòng người dân oan bị mất đất. Cán bộ không làm công nhân thì làm sao hiểu được nỗi khổ sở nhục nhã khi bị chửi mắng, đày đọa, bóc lột của người chủ. Mất từng mảnh đất Việt Nam, tôi như mất từng miếng thịt da của mình.
Ngày mãn hạn tù 26/6/2014, cô đã tuyên bố: May mắn đã được ở tù. Và nay Đỗ Minh Hạnh là Chủ tịch tổ chức Lao động Việt.
- Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga:
Tòa án Khánh Hòa ngày 9/6/2017 đã kết án Như Quỳnh 10 năm tù giam, 5 năm quản chế, và ngày 25/7/2017, Trần thị Nga bị tòa án Hà Nam tuyên án 9 năm tù, 5 năm quản chế, với tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ luật hình sự.
Đòn thù của Đảng Cộng sản giáng xuống hai phụ nữ, cả hai đều có con nhỏ, đã gây sự phẫn nộ của nhiều giới đồng bào trong và ngoài nước, gây sự phẫn nộ của các tổ chức Nhân quyền Thế giới. Vì tất cả những việc làm của chị Quỳnh và Nga chỉ có mục đích bảo vệ môi trường, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo vệ quyền làm người chính đáng của công dân. Với những khẩu hiệu “Cá cần nước sạch – Dân cần minh bạch”, “Đả đảo Trung Quốc xâm lược” và “Formosa cút khỏi Việt Nam”, hai blogger Quỳnh và Nga đã nêu lên khát vọng của dân, mối nguy của nước. Đó là sự thật hiển nhiên, nhưng Đảng Cộng sản quỳ gối trước Tàu nên đã vùi dập con dân Việt.
Nhận xét về mức án của chị Quỳnh, Luật sư Nguyễn Khả Thành nói: “Thông thường về tội 258 hoặc 88, người ta gọi là tội nhạy cảm, nên án bị tội này thì bản án cao lắm là 5 năm tù thôi. Vụ án này với chị Quỳnh lại gấp đôi, tức là 10 năm thì cao hơn cả tội phạm giết người nữa”.
Do sự bưng bít và cấm người tham dự phiên tòa xử Trần Thị Nga, nên chúng ta không được nghe tiếng nói của chị. Còn với Như Quỳnh, may có bà mẹ được tham dự phiên tòa, nên Quỳnh đã có thể nói với mẹ:
- Con xin cảm ơn mẹ và các con, các Luật sư cố gắng bảo vệ cho tôi. Mỗi người chỉ có một cuộc đời, nhưng dù được làm lại, con vẫn sẽ làm lại như vậy và con tin mẹ và các con sẽ không bao giờ phải hối hận mà sẽ tự hào vì con.
Và nói với Đảng Cộng sản và đồng bào:
- Tôi mong muốn xây dựng một xã hội và đất nước tốt đẹp. Một quốc gia chỉ tự cường khi nó gắn liền với nền tảng một xã hội mà người dân có tự do và hạnh phúc. Người dân chỉ có tự do hạnh phúc khi có tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt những điều mình mong muốn. Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn (rfa.org/vietnamese/news – 10/2/2017).
- Sinh viên Nguyễn Phương Uyên:
Phiên tòa phúc thẩm 16/8/20013 tại Long An, xét xử Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha về tội: Tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa, theo điều 88 Bộ luật hình sự, đả giảm án cho hai sinh viên. Kha từ 8 năm xuống 4 năm tù giam. Uyên từ 6 năm xuống 3 năm và được hưởng án treo nên Uyên đã được trả tự do ngay tại tòa.
Việc Uyên và Kha được giảm án là sự kiện đặc biệt chưa có tiền lệ trong các vụ án chính trị. Nhưng đặc biệt hơn cần nói là trong vụ án này, Phương và Kha đã nổi bật lên là 2 người trẻ – Uyên 21, Kha 25, đã có một nhận thức chính trị vững vàng, lý luận sắc bén và tự tin về việc làm của mình. Vì thế, Kha đã có thể tuyên bố trước tòa:
- Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi. Tôi chỉ chống Đảng Cộng sản mà chống đảng thì không phải là tội.
Còn Phương Uyên trong phiên tòa sơ thẩm (16/5/2013) đã khẳng khái:
- Tôi không có tội... Ông Hồ Chí Minh nói: Một năm bắt đầu từ mùa xuân, con người bắt đầu từ tuổi trẻ. Tôi là sinh viên có lòng yêu nước. Nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi thì mọi người trẻ sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Tới phiên tòa phúc thẩm, Uyên đã tuyên bố:
- Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần tòa xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống Đảng Cộng sản không phải là chống phá đất nước, dân tộc. Các ông đừng đánh đồng.
Những anh kiệt
Những tù nhân lương tâm đầu tiên dưới chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phải kể là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt... Mấy vị này bị bắt từ 1977, 78 và người nào cũng ở tù trên 20 năm. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ ghi lại mấy trí thức tiêu biểu, học và sinh trưởng thành dưới chế độ cộng sản.
- Kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức:
Ông Thức bị bắt cùng thời gian với Luật sư Lê Công Định, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung và doanh nhân Lê Thăng Long. Ngày 20/5/2009, Duy Thức bị tòa án TP Hồ Chí Minh kết án 16 năm tù giam về tội hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Ông Thức là Kỹ sư và doanh nhân thành công, là Tổng giám đốc công ty Dịch vụ Điện thoại Internet OCI. Ông đã viết: Con đường nào cho Việt Nam, nói lên những trăn trở về những vấn đề đất nước và dân tộc và là người sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam.
Trong tù Duy Thức đã mấy lần tuyệt thực đấu tranh để giành lại những sinh hoạt của cá nhân và đòi hỏi cải thiện đời sống nhà tù. Và trong thời gian Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam (5/2016), ông Thức đã từ chối đi Mỹ để đổi tự do. Việc ông chọn ở lại nhà tù hơn là đi Mỹ giống với Vaclav Havel, kịch tác gia lớn của Tiệp Khắc, một trong những người đã đề xướng Hiến chương 77, đã chọn ở lại nhà tù chớ không ra khỏi nước theo ý muốn của chính quyền năm 1979 (Hiến Chương 77 là một văn kiện đã được khoảng 1200 nhà văn, triết gia, trí thức và nhạc sĩ ký vào năm 1977, chống lại sự hạn chế những quyền tự do và yêu cầu chính quyền tôn trọng Minh ước Nhân quyền Helsinki (Helsinki human rights convention) mà chính quyền Tiệp Khắc đã ký. Từ việc đấu tranh chống lại chế độ Cộng sản Tiệp, đòi tự do dân chủ, Vaclav Havel đã bị tù nhiều lần, và một lần đã suýt chết vì sự ngược đãi của nhà tù. Trong những biến động cuối năm 1989, Vaclav Havel ra khỏi nhà tù đã cùng với những nhà trí thức và sinh viên thành lập Diễn đàn Công dân (Civic Forum) để đáp ứng tình thế. Sau khi chính quyền Cộng Sản sụp đổ, Vaclav Havel đã được Quốc hội Liên bang bầu làm Tổng thống của Tiệp Khắc – 29/12/1989).
- Luật sư Lê Công Định:
Ngày 20/1/2010, toà án TP Hồ Chí Minh đã kết án Luật sư Định 5 năm tù giam, 3 năm quản chế về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 Bộ luật hình sự và được phóng thích 6/2/2013.
Luật sư Định là một cây bút bình luận thời sự, chính luận sắc bén, đơn giản mà sâu. Trong các bài viết ông cổ võ tư tưởng đa nguyên, đa đảng với lập trường dứt khoát: Đa nguyên không đáng ngại mà trái lại rất cần thiết nếu biết điều tiết thích hợp. Đa nguyên là động lực của sự phát triển, điều đó miễn bàn cãi.
Trong cuộc phỏng vấn của đài Á Châu Tự do (3/1/2016, Luật sư Định cho biết ông kiên định với lý tưởng theo đuổi: Vì là lý tưởng nên tôi đã đã không dừng lại và đến ngày hôm nay, sau khi đã trả giá rất nhiều rồi thì không có lý do gì để tôi phải thay đổi điều đó. Bởi vì tôi thấy xây dựng nên một nhà nước Pháp trị Dân chủ thực sự là cần thiết cho sự phát triển của đất nước cũng như mang lại những lợi ích cho người dân.
Luật sư Định cho biết đã mừng là ngày nay có nhiều bạn trẻ, nhiều người dân, giới luật sư và những giới khác, đặc biệt giới doanh nhân cũng ý thức được vấn đề. Họ bắt đầu lên tiếng và làm các công việc rất cụ thể và hữu ích. Và họ ngày càng tranh đấu cho sự dân chủ hóa và xây dựng một nhà nước pháp trị thật sự ở Việt Nam.
- Luật sư Nguyễn Văn Đài:
Luật sư Đài, năm 2007 đã bị xử tù 4 năm về tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Sau khi ra tù được mấy năm, ngày 16/12/2015, ông Đài lại bị bắt giam về cùng tội trên.
Luật sư Đài đã góp phần cho việc thành lập Khối 8406 và Tuyên ngôn Tự do Dân chủ 2006. Ban đầu chỉ có 118 thành viên người Việt trong nước. Đến tháng 8/2006, số thành viên công khai đã lên đến 1951 ở trong nước. Ngoài ra khối cũng đã có 3881 thành viên là người Việt ở nước ngoài cùng với 139 chính khách quốc tế, gồm đại diện các tổ chức, 50 nhân sĩ Hiến chương 77 Tiệp Khắc và 50 dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ.
Luật sư Đài là biên tập viên của báo mạng Tự do Dân chủ, cộng tác viên của báo Tự do Ngôn luận, và ông đã viết nhiều bài nghiên cứu luật học về các quyền tự do chính trị.
Bà Vũ Minh Khánh, vợ ông Đài cho biết, tính đến 16/7/2017, ông Đài đã bị tạm giam tròn 16 tháng sau 3 lần gia hạn lệnh tạm giam mà chưa công bố kết luận điều tra, cũng như không cho các luật sư tiếp xúc và còn bị biệt giam. Phần bà chỉ được gặp chồng hai lần 10/4/16 và 1/2017. Tuy đang bị tạm giam, ông Đài đã được Tổng thống Đức Frank Walter Steinmeier trao giải thưởng Nhân quyền 2017 của Liên đoàn Thẩm phán Đức ngày 5/4/2017. Ngày 10/4/17, khi định bay sang Weimar để nhận giải thưởng thay chồng, bà Khánh đã bị chặn tại sân bay Nội Bài với lý do “Bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”.
- Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa bị bắt ngày 11/9/2008 cùng với các ông nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Mạnh Sơn và bà Nguyễn Kim Nhàn. Ông Nghĩa đã bị toà án Hải Phòng tuyên án tù 6 năm, quản chế 3 năm về tội “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa”, vì ông và mấy thân hữu đã treo biểu ngữ “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam”.
Ông Nghĩa đã lên tiếng trước khi vào tù với bài thơ:
Tổ quốc tôi như miếng da lừa,
Một lần ước mất đi một góc
Ước phồn vinh: Rừng mất cây, biển mất cá.
Ước vẹn toàn: Mất hải đảo, mất cao nguyên.
Tôi đứng ôn hòa, biểu ngữ chống Bắc Kinh,
Người đến đầu tiên là cảnh sát.
Họ nhìn tôi như nhìn loài chó ghẻ.
Tôi ngã rồi, họ dựng chúng tôi lên,
Những nắm đấm thôi miên vào mặt.
Họ là người Việt Nam như tôi,
Ở chung với tôi trên mảnh đất cỗi cằn sỏi đá,
Ở chung với tôi mảnh đất ngàn năm vật vã.
Lo sinh nhai, lo giữ chốn sinh tồn.
Tôi nằm lăn ra đất
Nước mắt nuốt vào lòng
Lịch sử 4 ngàn năm triều đại nào như thế!
(Hải Phòng 29/4/2008)
Trong bài Con tôi đã ra đi, ông Nghĩa loan báo: Con trai út của ông, Nguyễn Thanh Thủy, trước sự trả thù tàn độc của Đảng Cộng sản Việt Nam nên đi làm thuê, công an bắt chủ đuổi. Ở trọ Hà Nội, công an bắt chủ đuổi ra đường. Có bạn gái, 2 lần bị ngăn cản nên bạn gái đã phải khóc để chia tay. Một chế độ tàn độc đến mức khi người dân nào đã bị khoanh tròn thì bị tiêu diệt cả hôn nhân và cuộc sống, cả sự nghiệp tương lai nếu là người có chút học hành. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng như vậy, giống như hàng triệu người khác, cháu quyết tâm ra đi. Lần thứ nhất năm 2014, đi du học tại New Zealand, bị thu hộ chiếu ở phi trường Tân Sơn Nhất. May thay lần trốn chạy thứ hai đã thành công. Ông Nghĩa cho biết khi ông viết những dòng này thì Thủy đã đang bay đến Hoa Kỳ.
Điều cần nói hơn trong lời loan báo – Con tôi đã ra đi – ông Nghĩa đã tố cáo một nghịch lý của chế độ độc tài toàn trị là “Đã và sẽ có nhiều nữa con cháu của các cán bộ, đảng viên cộng sản lớn nhỏ đương quyền bỏ nước đến làm công dân của các nước tư bản. Mâu thuẫn là ở Việt Nam giới lãnh đạo cộng sản cưỡng bức dân chúng sống với chủ nghĩa cộng sản của họ trong khi họ đưa con cháu sang bên kia sống với thế giới tư bản, cái thế giới mà họ từng nói là đang giãy chết. Họ đã không và chẳng bao giờ dám lên tiếng giải thích cho trường hợp này.
Con cái họ bị đàn áp chính trị? Không! Chính họ đang đàn áp người dân kia mà. Họ yêu chủ nghĩa tư bản, thích xã hội dân chủ. Vậy sao họ không dám làm điều này ngay tại Việt Nam, nơi họ có quyền làm, vừa hợp với xu thế của thời đại và đòi hỏi của phần lớn người dân”.
TÁC DỤNG CỦA NHỮNG PHIÊN TOÀ
Về tác dụng của những phiên tòa xử người yêu nước, có thể thấy 3 điều:
1. Đập vỡ lý luận về đảng với dân là một
Trên hệ thống báo chí của Đảng Cộng sản, chúng ta thường được đọc câu: “Mệnh đề đảng với dân là một không phải là câu khẩu hiệu mà là bản chất mối quan hệ mật thiết giữa đảng với nhân dân”. Sự khiên cưỡng đồng nhất Đảng Cộng sản với nhân dân, với Tổ quốc đã giúp Đảng Cộng sản, một mặt kết tội những người chống sự cai trị độc tài của đảng là chống nhân dân, chống Tổ quốc, và mặt khác, Đảng Cộng sản có thể nói: Xã hội xã hội chủ nghĩa không có đối lập, chỉ có một thể thống nhất Đảng nói, Dân nghe và làm. Vì thế sự phát triển tiếng nói đòi dân quyền, tiếng nói đòi lại quyền tư hữu của dân oan mất đất, mất nhà, tiếng nói của tù nhân lương tâm với sự đàn áp và phát triển của lực lượng công an và nhà tù đã phá vỡ mệnh đề Đảng với nhân dân là Một, phơi bày một sự thật là đảng với dân là Hai trong đó đảng quyền áp chế và dân vô quyền đòi dân quyền.
Vấn đề đồng nhất đảng với nhân dân, Tổ quốc của Đảng Cộng sản trên chục năm nay đã có nhiều bài báo phân tích và tố cáo Đảng Cộng sản đã vo tròn nhân dân và Tổ quốc vào tay đảng. Nhưng tiếng nói đơn giản, khúc chiết về một sự thật của hai sinh viên Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha là những tiếng nói đầu tiên trước Tòa Án Sinh Sát của đảng đã đập vỡ mệnh đề “đảng với dân là một”. Kha nói: Tôi không hề chống dân tộc. Tôi chỉ chống Đảng Cộng sản. Mà chống Đảng Cộng sản thì không phải là tội. Còn Uyên: Tôi cho rằng chống Đảng Cộng sản không phải là chống phá đất nước, dân tộc. Các ông đừng đánh đồng.
Sức nặng của hai câu nói không biết có làm động não mấy ông quan tòa cộng sản hay không, nhưng đã nói lên được một nhận thức đúng về sự liên hệ giữa đảng, nhân dân và Tổ quốc. Vì đảng chỉ là một tổ chức chính trị trong nhiều tổ chức khác của một quốc gia, có thể tồn tại trong một thời gian ngắn hay dài nào đó. Còn nhân dân và Tổ quốc là một tập hợp chung và muôn đời.
Từ lý luận đảng với nhân dân, với dân tộc là một, không có đối lập, nên Đảng Cộng sản đã khăng khăng lập luận Việt Nam không có tù chính trị, không có tù lương tâm, chỉ có những cá nhân phạm pháp. Đây là sự nguỵ biện trâng tráo, có thể dùng công an và nhà tù bắt dân Việt nghe, nhưng không thể bắt quốc tế nghe. Vì thế, những phiên tòa xử vội với những tiếng tố cáo chế độ đàn áp tiếng nói đòi công lý, dân quyền và nhân quyền đi nhanh và xa với hệ thống truyền thông ngày nay đã cho thế giới nghe và thấy sự đối lập chính trị của dân Việt và sự đàn áp đối lập của chính quyền cộng sản ra sao. Chính vì nghe và thấy được những sự thật ấy mà các tổ chức nhân quyền và chính quyền ở các nước tư bản lên tiếng phản đối những phiên tòa với những bản án vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam.
2. Nói lên nỗi sợ của Đảng Cộng sản
Trong bài Có những phiên tòa, có những nỗi sợ trên mạng Dân làm báo, ông Paulus Lê Sơn đã đặt một câu hỏi: Xử tù người yêu nước, ai sợ ai? Và ông đã trả lời là nhà cầm quyền, với hai nhận định: Thứ nhất là sợ quốc tế lên án về vi phạm nhân quyền, thứ nhì là sợ lòng dân, khi thấy người dân đã can đảm, hết sợ hãi, kéo đến tòa ngày càng đông, lỳ và ý thức hơn để đòi trả tự do cho người bị xét xử.
Và trên mạng Đàn chim Việt, Luật sư Lê Công Định, trong bài Nói về ngày 30/4 cũng khẳng định: “Càng ngày chúng ta thấy càng nhiều hơn tù nhân lương tâm bị bắt, nó thể hiện mối sợ hãi ám ảnh đầu óc của người lãnh đạo. Họ luôn luôn sợ quyền lực của họ bị mất do ảnh hưởng của người trí thức bất đồng chính kiến và cách duy nhất là họ đàn áp, tù đày”.
Vì thế tất cả các phiên tòa được loan báo là xử công khai. Nhưng đã có 2 sự kiện đặc biệt:
- Thứ nhất, bên ngoài tòa án, công an rải rộng khắp nơi, chặn các ngả đường tới tòa và đàn áp bắt bớ người tới tham dự phiên tòa.
- Thứ nhì, trong tòa chỉ có mấy quan tòa, 1 hay 2 thân nhân của bị cáo (nhiều phiên tòa thân nhân không được tham dự), 1, 2 luật sư và công an. Và trong khi xử, chánh án đã không cho luật sư và người bị xử nói hết lời. Có lẽ họ sợ sự thật, không muốn nghe sự thật, sợ không đủ lý lẽ trước việc làm đúng của bị cáo – cái sợ của phi nghĩa độc tài bán nước trước chính nghĩa của người yêu nước, yêu dân chủ. Do đó, phiên tòa nào cũng xử rất nhanh. Việc của mấy ông quan toà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là làm cho có và ném bị cáo vào tù với những bản án đã được định sẵn.
Nhìn lại những phiên tòa gọi là công khai mà đầy bưng bít ấy, chúng tôi nhận ra một điểm là việc xử án của chế độ xã hội chủ nghĩa đã kém xa việc xử án của chế độ thực dân Pháp. Xin lấy một thí dụ điển hình là vụ xử nhà cách mạng Phan Bội Châu, một vụ án quan trọng hàng đầu vì cụ Phan là linh hồn của phong trào cách mạng chống thực dân Pháp.
Ngày 23/11/1925, cụ Phan Bội Châu được đưa ra xét xử trước Hội đồng Đề hình (tòa án đặc biệt xét xử các vụ án chính trị liên quan đến an ninh của chế độ Bảo hộ). Xin ghi lại mấy điểm:
- Thứ nhất, lính Pháp canh phòng nghiêm ngặt, nhưng từ tảng sáng dân chúng đã tự do lũ lượt kéo tới tòa án, đông nghẹt từ trong ra ngoài.
- Thứ nhì, ngoài 2 luật sư Bona và Larre được chỉ định bào chữa bênh vực cho bị can, cụ Phan đã được tự do ung dung biện hộ, nói về những hoạt động chính nghĩa của mình trước chế độ Bảo hộ.
- Thứ ba, trong khi quan tòa đang xử và viên biện lý đứng lên buộc tội và yêu cầu Hội đồng xử tử hình thì một người dáng nho phong len lỏi đám đông ra trước tòa, xưng tên là Nguyễn Khắc Doanh (Tú Khắc, quê Nam Trực, Nam Định) tự nguyện xin chết thay cho cụ Phan. Việc xin chết của Tú Khắc đã làm kinh động Hội đồng xét xử, và nâng cao tinh thần của những người dân đến tham dự phiên tòa.
Theo mấy cuốn sách viết về cụ Phan Bội Châu thì đáng lẽ Hội đồng Đề hình tuyên án tử hình cụ Phan, nhưng do uy tín quá lớn của cụ cùng với tinh thần dân Việt sôi nổi trên toàn quốc khi nghe tin cụ Phan bị bắt, nên sau một ngày xét xử, tòa đã tuyên án khổ sai chung thân. Và một tháng sau ngày xử án (24/12/25) Toàn quyền Varrenne ký quyết định ân xá cụ Phan Bội Châu.
3. Hủy bỏ chính nghĩa của Đảng Cộng sản
Trên dòng đấu tranh chống thực dân Pháp giành độc lập, Đảng Cộng sản đã xuất hiện cùng với những tổ chức cách mạng khác như Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt Quốc dân đảng, Đại Việt Duy dân đảng... Nhưng tháng 8/1945, nhân khoảng trống chính trị ở Việt Nam khi Nhật phải đầu hàng Đồng minh và Chính phủ Trần Trọng Kim mới thành lập được 4 tháng, Đảng Cộng sản có tổ chức chặt chẽ đã nhanh tay cướp được chính quyền từ Chính phủ Trần Trọng Kim. Từ đó nhân danh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phát động cuộc kháng chiến chống Pháp khi Pháp trở lại Việt Nam (1946 - 1954), rồi phát động cuộc chiến chống Mỹ cứu nước (1960 - 1975), thực ra là xâm lược Việt Nam Cộng hòa. Cả hai cuộc chiến này Cộng sản Việt Nam đã nhận được sự yểm trợ tối đa của Liên Xô và Trung Cộng, nhất là Trung Cộng. Vì thế từ hai cuộc chiến ấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã bắc cầu cho Tàu Cộng vào Việt Nam. Sau hội nghị Thành Đô (1990) giữa lãnh đạo hai Đảng Cộng sản Trung-Việt, Cộng sản Việt gọi đó là hội nghị bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Còn theo ông Trần Quang Cơ, cựu Thứ trưởng Ngoại giao, trong Hồi ức và Suy nghĩ thì không phải bình thường hóa quan hệ mà là phụ thuộc hóa quan hệ. Vì thế từ lệnh truyền “Hãy gác lại quá khứ, hướng đến tương lai” trong bài diễn văn của Giang Trạch Dân ở hội nghị Thành Đô, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cấm dân Việt không được nói bất cứ điều gì đụng đến Trung Quốc. Trước hết là phải quên trận chiến xâm lược của Trung Quốc năm 1979, rồi xa hơn là tất cả những gì về lịch sử chống Tàu đều phải đục bỏ. Ra lệnh cấm chiếu các bộ phim, cấm diễn các vở kịch có nội dung chống xâm lược phương Bắc như Tiếng trống Mê LinhThái hậu Dương Vân Nga...
Tiếp theo là đàn áp và cấm những cuộc biểu tình của trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên và dân chúng chống Tàu xâm lấn biển, đảo những năm 2007, 2008, 2011.
Ông Hà Sĩ Phu, trong bài Từ vụ Bauxite nghĩ về vận nước trên mạng Đối thoại đã viết: “Trong lịch sử 4000 năm đã có bao giờ thất thủ mất đất, mất biển đơn giản như thế, đã có bao giờ ngoại bang cưỡi lên lưng, tóm lấy yết hầu, chi phối nhân sự dễ dàng như thế? Đã có bao giờ người cầm đầu xã hội bạc nhược đến mức không dám gọi đến tên kẻ đã đánh giết dân mình, chứ chưa nói đến có gan chống lại?”.
Đến bài Giải Cộng nhi thoát ông lại viết: “Nguy cơ mất nước là hoàn toàn có thật. Đến lúc này nhân dân buộc phải hỏi: Đảng và nhà nước có thực sự muốn chống xâm lược không? Cả đến việc thông qua Luật Biển, làm nức lòng nhiều người nhưng tiến hành song song với những động tác ve vãn kẻ xâm lược và cấm dân biểu tình thì có đáng tin không hay chỉ là “đánh trận giả” để đánh lừa dân chúng, giúp kẻ địch tiến thêm một bước nguy hiểm?”.
Đối diện trước nguy cơ mất nước và sự đàn áp tàn bạo những người dân lên tiếng chống Tàu, nhạc sĩ Việt Khang đã viết hai bản nhạc Anh là Ai và Việt Nam tôi đâu? với những câu:
Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất?
Mà giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta.
Hoàng, Trường Sa đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu.
Việt Nam tôi đâu? Việt Nam tôi đâu, Việt Nam tôi đâu?
Vì thế trong dòng đấu tranh chống Tàu xâm lược và chống Đảng Cộng sản, ác với dân mà quỳ gối trước giặc Tàu, những tiếng nói lớp lớp của những người tù lương tâm đã nói lên một sự thật là Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ yêu nước sang bán nước, là Đảng Cộng sản đánh Pháp, đánh Mỹ và Việt Nam Cộng hòa để đưa Tàu vào thôn tính Việt Nam, đã bắc một cây cầu từ Nô Lệ Tây Sang Nô Lệ Tàu mà cây cầu đó Đảng Cộng sản đã xây bằng xương máu của dân Việt.
KẾT LUẬN
Trên 80 năm dưới chế độ thực dân Pháp, tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái, những phiên tòa xử những nhà cách mạng Việt Nam Quốc dân đảng, xử nhà cách mạng Phan Bội Châu... đã là những ngọn lửa của hồn nước đánh thức quốc dân, soi sáng khát vọng đòi quyền độc lập của dân Việt, thì trên 60 năm dưới chế độ độc tài toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, những phiên tòa xử người yêu nước đòi công lý, đòi dân quyền cũng là những ngọn lửa của hồn nước đánh thức toàn dân, soi sáng con đường đấu tranh chống lại một chế độ tàn phá con người và đất nước.
Bây giờ người ta nói Đảng Cộng sản Việt Nam không có đối thủ. Họ lầm. Xin đừng nhìn thời gian dài ngắn. Cứ nhìn sang những nước Cộng sản Đông Âu cuối thập niên 1980 sẽ nhận ra cái lầm này. Vì trước 1989, Cộng sản Đông Âu không có đối thủ, nhưng cuối năm 89 khi người dân Tiệp Khắc, Đông Đức, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Lỗ Mã Ní..., hàng triệu người xuống đường lật đổ chế độ Cộng sản trong một thời gian chóng mặt thì ta thấy Cộng sản Đông Âu có đối thủ. Đối thủ đó là lòng người, một đối thủ tiềm ẩn lâu dài dưới chế độ Cộng sản và sẽ hiện hình nhanh chóng khi có thời cơ. Nhìn sang Đông Âu năm 89, Liên Xô năm 90 hay nhìn sang Indonesia năm 1997, dân biểu tình hàng triệu người lật đổ chế độ độc tài Suharto do khủng hoảng kinh tế, ta sẽ thấy rõ hơn ý nghĩa câu: Nước nâng thuyền mà nước cũng lật thuyền, mà người Việt thường nói.
Từ đó nhìn lại Việt Nam, với thứ chính quyền mà ông Hà Sĩ Phu trong bài Giải Cộng nhi thoát đã gọi là Một Đám Cướp Lớn Phản Động, với dân là một lò tích tụ uất hận, còn với nước là sự nguy vong trước giặc Tàu thì chuyện nước lật thuyền có thể nhìn thấy được.
Trước ánh sáng và niềm tin bùng lên từ những phiên tòa xử người yêu nước của Đảng Cộng sản, chúng ta có thể nói rằng dưới thời thực dân Pháp, những người yêu nước đã tạo nên dòng lịch sử kháng Pháp đòi độc lập, thì ngày nay, những tù nhân lương tâm cũng đang tạo thành dòng lịch sử đòi dân chủ. Và chúng ta tin rằng trên dòng vận động lịch sử ấy, những người tù lương tâm khi có thời cơ biến động sẽ cùng với dân làm lại Việt Nam, xây dựng một đất nước dân chủ, độc lập và tiến bộ.
V.D.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét