Một số người trịnh trọng biến dư luận về việc cải cách chữ viết theo sáng kiến Bùi Hiền thành thuyết âm mưu, rằng người ta đang đánh lạc hướng dư luận để quên đi những chuyện động trời khác. Trong khi dư luận cộng đồng bao giờ cũng nhạy cảm hơn số người trịnh trọng ấy. Tôi hình dung có một âm mưu khác còn to hơn âm mưu vặt vãnh mà mấy ông đa nghi này đặt ra.
Sự thực, người ta đủ khôn để không rơi vào mớ bùng nhùng, rắc rối khi cổ súy cho cái món cải cách chữ viết của ông già không còn đủ tỉnh táo. Vấn đề môi trường, dân chủ, dân sinh ư? Thì nó vẫn chình ình ra đó hết ngày này đến ngày khác chứ mất đi đâu mà lấp liếm, ai bức xúc cứ lên tiếng chứ có sự cấm đoán nào đâu. Nhưng cải cách chữ viết như Bùi Hiền tưởng là chuyện điên rồ, nhưng không điên rồ tí nào khi nó nhân danh khoa học và được các nhà khoa học tai to mặt lớn đứng ra lên tiếng bảo kê. Không phải ngẫu nhiên mà họ quảng bá công trình của Bùi Hiền trên phương tiện báo chí, trên truyền hình quốc gia, lại cho những nhà khoa học có danh như Phạm Văn Tình, Trần Ngọc Thêm, Đoàn Hương… lên tiếng khẳng định đó là khoa học!
Xét hệ thống vấn đề, theo tôi, đó là một chiến lược diễn ngôn. Có thể sau thăm dò dư luận sẽ là một sự áp đặt bằng một dự án tiền tỉ trong cải cách giáo dục. Hiện tại có thể vấp sự phản ứng quyết liệt nhưng rồi sẽ dần quen. Giới tuổi teen thấy lối chữ này phù hợp với chế biến lâu nay của chúng, chúng tin tưởng và sẽ bắt chước làm theo, cứ thế cái chưa quen thành quen dần, đến lúc chấp nhận và trở thành phổ biến. Theo Foucault, tri thức – quyền lực – niềm tin là bộ ba trong chiến lược diễn ngôn phổ biến của giới cầm quyền. Tri thức do một nhóm cầm quyền tạo ra, dùng quyền lực áp đặt để hợp thức hóa và tạo ra thói quen gọi là niềm tin để hoàn tất một quy trình của chiến lược diễn ngôn.
Vấn đề nghiêm trọng nằm ở chỗ, không chỉ là cải cách chữ viết. Theo triết gia Derrida, chữ viết không kí sinh vào tiếng nói như Aristotle và Saussure nói, mà ngược lại, nó hình thành độc lập và có xu hướng điều chỉnh và thống nhất âm đọc theo quy ước của con chữ. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi phổ biến chữ viết Bùi Hiền? Thế hệ tiếp theo sẽ đọc “ngờ” /ng/ thành “quờ” /q/, “chờ” /ch/ thành “cờ” /k/, “thờ” /th/ thành “uờ” /w/, “trờ” thành “cờ” /c/… Cải cách hợp lý để tối ưu hóa giao tiếp thì không có gì để nói, nhưng cải cách làm dị dạng ngôn ngữ từ chữ đến tiếng nói của một dân tộc là một âm mưu thâm độc.
Âm đôi khi bị mất chức năng khu biệt như nói ngọng, lẫn lộn hỏi/ngã, n/ng, c/t, d/gi,… nhưng chữ viết lại có chức năng khu biệt rất lớn về nghĩa của từ. Bùi Hiền nói lấy tiếng Hà Nội làm chuẩn, trong khi không có lý do gì tiếng Hà Nội phải là chuẩn phổ thông. Sự cải biến tự nhiên lâu nay để có chữ viết như hiện tại là cả một quá trình lựa chọn dung hòa tiếng nói giữa các vùng miền và khu biệt nghĩa cho nhiều trường hợp đồng âm. Cải cách như Bùi Hiền không còn là tiếng Việt nữa. Không phải vô lý khi một số bạn phát hiện âm đọc trong cách ghi âm của Bùi Hiền na ná như người Việt học tiếng Tàu. Hậu quả là cả ngàn năm Bắc thuộc, người Việt dù mượn chữ Hán nhưng vẫn đọc âm Việt do chữ ghi hình không liên quan đến âm đọc, nay chỉ trong vài mươi năm mà toàn dân có thể phát âm giống người Hán để dễ dàng học… tiếng Tàu! Vậy là tiếng Việt đẹp đẽ trong veo của dân ta biến mất ngay khi dân ta học tiếng mẹ đẻ của mình!
Và câu chuyện không ngẫu nhiên khi Bộ Záo zụk và Dào tạo từng chủ trương phổ cập hóa tiếng Trung với hàng loạt sách giáo khoa đã in. Và cũng không phải ngẫu nhiên có kẻ đang đánh động dư luận sẽ thay Facebook, Google thành mạng Weibo, WeChat và Baidu Tieba của Trung Quốc (?).
Nếu nói thuyết âm mưu thì âm mưu nào lớn hơn? Tiếng nói của dân tộc không là vấn đề môi trường, dân chủ, dân sinh? Môi trường văn hóa, sự độc lập tự chủ và sự tồn sinh tinh thần dân tộc không lớn hơn mọi thứ khác sao? Saussure nói, người bản ngữ luôn luôn đúng. Tôi nói thêm, phản ứng cộng đồng luôn luôn đúng!
Ngôn ngữ, trong đó có chữ viết khi đã phổ cập thành ngôn ngữ toàn dân, là tài sản của cả cộng đồng. Nó sinh ra để giao tiếp và mọi thay đổi đều nhằm mục đích tối ưu hóa giao tiếp chứ không phải là tri thức như phát minh Galieo, Copernic. Nghiên cứu quy luật khách quan của ngôn ngữ thì đúng là câu chuyện riêng của chuyên gia ngôn ngữ học. Nhưng ý muốn chủ quan nhân danh sự tiến bộ đòi làm thay đổi toàn bộ tài sản ngôn ngữ của cộng đồng thì không có ông vua Mèo nào dám tuyên bố với cái lý rằng, cộng đồng bản ngữ không được phép phản ứng. Một bảng chữ cái với mấy mươi ký hiệu là cái gì cao siêu đến mức “đám quần chúng” không được phép lên tiếng, hỡi các ông vua ngôn ngữ học trịch thượng Phạm Văn Tình, Trần Ngọc Thêm, và cả bà chuyên viết văn, bình văn yết hậu “rất là thiền luận” Đoàn Hương???
---------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét