Tương Lai
Thế là chúng nó y án xử “Mẹ Nấm” 12 năm tù. Cùng
với sự y án của một bản án bỏ túi vô pháp, vô luân đó, chúng đã làm choViệt Nam
tự phơi bày trước thế giới là một nước xấu xí, tự cô lập mình. Cần đặc biệt lưu
ý là việc y án của một “bản án bỏ túi” nói trên diễn ra đúng chỉ
một ngày trước cuộc Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam. Một sự sắp xếp
rất xảo quyệt và thâm độc và liều lĩnh. Do ai, vì đâu, từ những toan tính gì
chúng dám có sự liều lĩnh đó?! Hiện tình đất nước đang phơi bày ra đầy đủ dữ
kiện khiến cũng không đến nỗi quá khó để vạch ra.
Hãy nghe bà cụ thân sinh blogger nói về nỗi đau
và sự phẫn nộ của một người mẹ, người bà đang nuôi hai chúa nhỏ cho mẹ chúng đi
ở tù: “Mẹ Nấm bước ra khỏi phiên tòa trong nỗi thất vọng và uất ức tràn
trề, tôi cùng Trịnh Kim Tiến và bạn bè của Quỳnh đã hô to: “Phản đối phiên tòa
bất công, Con tôi vô tôi, Phản đối phiên tòa bịt miệng những người đòi công
lý”…
Ngay lập tức, tất cả chúng
tôi bị những người an ninh thường phục xông vào đánh đập thô bạo. Trong lúc hỗn
loạn, tôi đã bị họ đánh rất mạnh vào mặt và đầu. Trịnh Kim Tiến cũng bị bọn
chúng đạp mạnh từ phía sau khiến cô ngã lăn xuống đất, rồi hàng chục viên an
ninh Khánh Hòa - gồm cả nam lẫn nữ - xông đến tung những cú đá rất mạnh vào đầu
và sườn của Tiến… Em trai tôi vội chạy đến đỡ đòn cho cả tôi và Tiến thì cũng
bị họ đánh hội đồng không hề nương tay. Cô Trần Thị Thu Nguyệt, cháu Nguyễn
Peng cũng bị đánh như kẻ thù. Sau đó, họ bắt rất nhiều người lên xe mặc cho
tiếng kêu gào vô vọng của tôi.
Khi viết
lại những dòng này, khắp người tôi vẫn còn cảm thấy rất đau đớn, càng đau đớn
hơn khi những kẻ đánh đập tôi hôm nay cũng chỉ đáng tuổi con, cháu của mình”.
Trong mắt tôi bỗng chập chờn khuôn mặt vô hồn,
và tim tôi tôi nhói lên bởi câu lừa mị tởm lợm của Nguyễn Phú Trọng: “Chúng
ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ
luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự
tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ
luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người” (báo Tiền Phong 24.2.2017).
Nhói trong tim vì đã có lúc tôi còn tí chút mơ hồ, đã phí phạm thời gian để
viết thư ngỏ cho ông ta.
Mà thật ra thì nào có chi phải khó hiểu. Điểm
lại tiến trình lịch sử, vào những buổi mạt triều, bao giờ cũng hiện
khá rõ những điều mà nhà bác học Lê Quý Đôn từng đúc kết: “Trẻ không
kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ
phu ngoảnh mặt”. Xem ra những điều nói trên đâu còn là chuyện trong sử sách
nữa, mà là chuyện đang diễn ra. Sách Hoàng Lê nhất thống chí chép
lời của tên Trang, quyết trái lời thầy học là Lý Trần Quán ủy thác giúp Đoan
Nam Vương Trịnh Tông chạy trốn, nem nộp ngay cho quân địch. Rồi thưa lại với
thầy: “Sợ thầy chưa bằng sợ giặc, yêu Chúa chưa bằng yên thân mình, tôi
không thể để cho quan lớn làm cho lầm lỡ đâu” (tr.105).
Chuyện lừa thầy phản bạn đang
được nâng cấp lên cấp số nhân của thời buổi “kỹ thuật số”, triệt hạ đối thủ
nhanh như ngóe, lại có bậc quan thấy đi trước dạy bảo đường đi nước bước đẻ
nhân danh chống tham nhũng mà lừa dân, điều mà thời cụ Lê Quý
Đôn thế kỷ 18 chắc khó trải nghiệm được đủ. Còn “binh kiêu tướng
thoái” thì chẳng dám phân tích vì ngồi nhà thiếu thông tin, chỉ gợi
lên chuyện đất ở Đồng Tâm mà đến Đại tướng, Phó Bí thư quân ủy Trung ương phải
thân chinh đứng ra bênh vực Viettel, rồi chuyện sân bay sân golf tranh chấp rồi
tử thủ vì đối phương có súng!
Còn chuyện sĩ phu ngoảnh mặt thì e là cứ hỏi các
ông “gọi là sĩ phu”, kể cả “sĩ phu Bắc Hà giàu lý luận mới làm được
Tổng Bí thư” nghe đâu do ông Lú nào đó nói. Nhưng tôi không tin, vì có
lú thật cũng không ngu và dại như thế, và cả sĩ phu phía Nam, bao gồm hai loại,
một là miền Bắc tập kết, hai là ở R về, và ba là những người vào sinh ra tử
hoạt động nội thành để tùy người mà họ nói cho nghe họ tin Tổng Trọng được mấy
phần?
Từ sự kiện “Mẹ Nấm” cũng như dồn dập những vụ
tiếp theo như vụ Nguyễn Văn Hóa, người đã ghi hình các cuộc biểu tình của người
dân phản đối Formosa xả thải độc hại ra biển, trên website của tòa án ghi là
ngày 28/11 sẽ xét xử, nhưng ngày 27/11 thì anh Hóa cũng đã bị xử một cách vội
vã, không luật sư, không người thân chứng kiến. Bản án dành cho anh là bảy năm
tù, ba năm quản chế.
Thử đặt ra một câu hỏi: ai thích nhất và
có lợi nhất trong chuyện đáng xấu hổ này sẽ càng thấy đất nước ta đang
trong tình thế ngặt nghèo như thế nào trước nanh vuốt của Tập Cận Binh? Nên nhớ
là việc y án bản án bỏ túi được phê duyệt từ cấp cao nhất (chứ không chỉ thuộc
ngành tòa án và các cơ quan bạo lực). Quan sát thật kỹ, những gì có động chạm
đến yếu tố Trung Quốc đều bị xử rất nặng. Chẳng cần phải liệt kê ra đây thêm
nữa, chỉ nói đến chuyện kỷ luật Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh ngay
trước thềm APEC đủ nói lên mệnh lệnh của Bắc Kinh có uy lực đến cỡ nào?
Cái tội nặng nhất chắc không chỉ là chuyện tham
nhũng mà là có cái chi chi đây! Nếu so với các quan tỉnh khác, mèng như Phạm Sĩ
Quý em ruột bà chị Phạm Thanh Trà, Bí thư Yên Bái thì cũng chỉ là con muỗi mắt,
mà bộ sậu Yên Bái từng nổ súng đùng đoàng ngay tại trụ sở Tỉnh ủy hạ gục ba
mạng người gồm Bí thư, Chủ tịch kiêm Trưởng ban Tổ chức và Chi cục trưởng Hải
quan. Địa bàn này lại gắn với Quân khu 2 mà Tư lệnh vừa nhậm chức đã “bị bệnh
hiểm nghèo”, dường như thành trì “bất khả xâm phạm” do phía “bạn” quan tâm bảo
kê. Chuyện Đà Nẵng là chuyện thể diện quốc gia… Tàu! Thời Nguyễn Xuân Anh không
khai trương hoành tráng được Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc. Thật ra, ho một
tiếng, e có kẻ quắn đít chạy đi lo cấp tập và hoành tráng cũng cấp tập. Nhưng
xử như thế chưa oai! Đã chưa biết điều thì phải cho biết thế nào là lễ độ. Kỷ
luật Bí thư xong, ba ngày sau khai trương kịp đón khai mạc APEC, thế mới ngon! Cho
nên bản án 10 năm tù là dành cho những khẩu hiệu chống Tàu này đây: “Cá
cần nước sạch, Dân cần minh bạch; Đả đảo Trung Quốc xâm lược; Formosa cút khỏi
Việt Nam”. Nói rằng Formosa là công ty thép của Đài Loan nhưng thực
chất là của Tàu Bắc Kinh với vốn lên đến 90%! Động đến Tàu thì ông Trọng cho
làm tới bến. Chuyện Tòa phúc thẩm bản án “Mẹ Nấm”, và trước đó hai ngày là bản
án Nguyễn Văn Hóa phải chăng cũng nằm trong quy trình chỉ đạo đó. Phải tỏ rõ
“lập trường” trước ngày khai mạc “đối thoại nhân quyền Việt Nam - EU mà chắc là
trong các buổi mật đàm quanh chén trà cho dù có dại miệng và thiểu năng
khen trà Tàu chê trà ta cũng đã có chỉ thị. Các hãng tin phương Tây
nghe đâu đã đưa tin là ông Vương Đình Huệ đã ngỏ ý gần xa về chuyện này nhưng
không được chấp nhận.
Tuyên bố của bà Bärbel Kofler, Đặc ủy Nhân quyền
của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức lập tức chỉ rõ: “Trong năm 2017,
quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí tại Việt Nam và những người ủng hộ nó đã
phải chịu đựng những sự tấn công của nhà nước theo cách thức mà chưa từng
có… Hình sự hóa tự do biểu đạt là không phù hợp với Hiến pháp 2013 của
Việt Nam và những cam kết quốc tế mà Việt Nam là một bên tham gia, đặc biệt là
Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự (ICCPR)”.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Hà Nội ra thông cáo báo
chí với tuyên bố của Đại biện lâm thời Caryn McClelland, nói rằng bản án phúc
thẩm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm) là “cáo buộc mơ hồ”
trong lúc bà Quỳnh chỉ thực hiện các quyền tự do cơ bản. Bà McClelland kêu gọi
Việt Nam hãy thả bà Quỳnh và các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức.
Đại sứ Anh, ông Giles Lever vừa bày tỏ
sự thất vọng của chính phủ Anh trước tin toà án tại Việt Nam giữ nguyên án tù
10 năm trong phiên phúc thẩm blogger Mẹ Nấm.
Trong tuyên bố gửi cho báo chí hôm 1/12/2017,
một ngày sau khi bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị bác đơn kháng cáo,
ông Lever viết: “Chính phủ Anh vô cùng thất vọng về việc đơn kháng cáo
của cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Mẹ Nấm, đã bị bác bỏ và bản án 10 năm tù cho
blogger này vì tội 'tuyên truyền chống nhà nước', vẫn giữ nguyên. "Chúng
tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam xem xét lại các chính sách của mình trong vấn đề
này, và thả ngay Mẹ Nấm cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác”.
Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh
Châu Âu (EU) tại Việt Nam viết rằng bản án hoàn toàn trái ngược với bản Tuyên
ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Các quyền Chính trị và Dân sự mà
Việt Nam đã ký kết tham gia.
Đại sứ Angelet còn trình bày thêm là blogger Mẹ
Nấm bị bỏ tù, dù bà đưa ra những quan điểm ôn hòa về những vấn đề xã hội và môi
trường, đồng thời nhắc lại việc chính quyền Việt Nam không cho phép đại diện
phái đoàn EU và các đại sứ quan thành viên của Liên minh Châu Âu tham dự phiên
tòa, viết rõ điều này “đã đưa ra những câu hỏi về tính minh bạch trong quá
trình xử án”. Vì thế, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam tcho
rằng blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh “phải được trả tự do ngay tức
khắc và vô điều kiện”. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi phái
đoàn EU phải gây áp lực lên chính quyền Việt Nam: “Tình hình nhân quyền
Việt Nam xấu đi đáng kể trong năm 2017. Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục độc
chiếm quyền lực và trừng phạt những người dám thách thức vị trí của mình. Tất
cả các quyền chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do chính kiến, lập hội,
nhóm họp và đi lại đều bị hạn chế. Các nhóm tôn giáo chỉ được hoạt động dưới sự
quản lý của chính quyền”.
Tổ chức Quan sát Nhân quyền Human Rights Watch
cũng nói đến trường hợp của luật sư Võ An Đôn bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư tỉnh
Phú Yên chỉ vài ngày trước khi phiên xử phúc thẩm diễn ra, nên ông không thể có
mặt tại tòa trong tư cách luật sư bào chữa cho blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như
Quỳnh. Ủy ban Nhân quyền Việt Nam và Tổ chức Quan sát Nhân quyền Human Rights
Watch cũng nhắc lại sự kiện xảy ra ở ngoài tòa, khi những người ủng hộ bà Quỳnh
bị công an đánh đập và bắt giữ trong nhiều giờ đồng hồ, trong đó có cả thân mẫu
của bà Quỳnh.
Ấy thế mà, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt
Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Về phiên phúc thẩm xét xử blogger Mẹ Nấm
vừa kết thúc sáng nay, tôi cho rằng phiên tòa đã diễn ra công khai, theo đúng
quy định của pháp luật Việt Nam”. Sự nói dối có sách soạn sẵn kia của
lũ phát ngôn và lũ rôbốt áp giải phạm nhân hình như có chút gì đó gượng gạo.
Dẫu có thế, oái oăm thay, tuy là cái rôbốt vô hồn được bấm nút, song nó lại
hiện ra trong bản mặt một người phụ nữ Việt Nam (cho dù không đẹp, môi trề rất
kém duyên) lại để nói về một người phụ nữ Việt Nam khác, bình thản hiên
ngang một cách kín đáo trong dáng dấp thùy mị, tự tin đi giữa một lũ
rôbốt, bước vào nơi sẽ y án tuyên bố bản án bỏ túi 10 năm tù, là một nét tương
phản có thể là đề tài cho một bậc danh họa.
Nếu lại nhớ đến cái câu ông Donald Trump: “Ở
Mỹ, chúng tôi hiểu rằng không có gì quý giá bằng quyền được sinh ra, độc lập và
tự do. Chính nhận thức đó dẫn dắt chúng tôi trong suốt lịch sử đất nước. Nó tạo
cảm hứng cho chúng tôi…”. Tiếp đó, ông khẳng định: “Những vị
chủ nhà Việt Nam của chúng ta cũng từng trải qua cảm xúc đó không chỉ trong 200
năm mà là gần 2.000 năm. Vào độ năm 40 sau Công nguyên, lúc Hai Bà Trưng đánh
thức tinh thần của người dân đất nước này. Đó là khi nhân dân Việt Nam đứng lên
vì nền độc lập và tự hào của các bạn”.
Không hiểu nếu ông Trump nhìn thấy hình
ảnh người phụ nữ Việt Nam Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và tư thế hiên ngang,
nụ cười khiêm nhường và đĩnh đạc cùng với trí tuệ minh triết về tù tội, về sống
chết, về nhân quyền người mà phu nhân Melania Trump trao giải “Phụ
nữ can đảm” vì “sự can trường của bà trong cuộc đấu tranh cho
các vấn đề xã hội dân sự, vì đã truyền cảm hứng cho những thay đổi ôn hòa, kêu
gọi một hệ thống chính quyền minh bạch hơn, cổ vũ cho hoà bình, công lý và
quyền con người, và là tiếng nói đại diện cho quyền tự do ngôn luận” thì
ông sẽ còn nói gì nữa, đặc biệt là những lời ấy ông Tổng thống Mỹ lại nói trước
mặt Tập Cận Bình hậu duệ của Mã Viện và các tiên đế Thiên triều bành trướng, kẻ
thù truyền kiếp của Việt Nam trong dịp APEC.
Điều tôi muốn nói thêm là, trong trí nhớ của
người viết bài này, những câu thơ hay nhất nói về những biểu tượng đẹp và sống
động về khí phách của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến giành độc
lộc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trong thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21,
những hình ảnh đẹp nhất về hình tượng người phụ nữ Việt Nam đều có thể nói về
“Mẹ Nấm” như trong một ý đã viết trước đây trong“Mênh mông thế sự” về
Mẹ Nấm trước phiên tòa. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam Mẹ Nấm có sức tỏa sáng
mãnh liệt giục giã những người bình thường còn chút lương tri rồi sẽ từng bước
dấn thân theo chị.
Bỗng trong óc tôi hiện ra hình ảnh cháu Phương
Uyên tại phiên tòa Long An năm nao mà tôi đã viết trong bài Biểu tượng
Phương Uyên. Đôi mắt sáng ngời sau cặp kính cận, nét mặt thùy mị nhưng kiêu
hãnh nhìn thẳng vào chủ tọa phiên tòa. Hình ảnh cô nữ sinh viên mặc áo trắng có
phù hiệu nhà trường đứng trước vành móng ngựa xuất hiện trên các trang báo
mạng, báo viết trong và ngoài nước có sức lay động mạnh mẽ xúc cảm và lương tri
của nhiều người. Hôm vừa rồi tiễn cháu đi học theo một học bổng của một trường
đại học Mỹ, ngồi trên xe, cháu nắm chặt tay tôi: “Ông cứ tin ở cháu,
cháu sẽ cố gắng sống và học như thế nào để khỏi phụ lòng tin cậy của ông, của
ông Báu, không phụ lời các ông đã căn dặn cháu”. Rồi cháu mở balô, lấy cuốn
sách của giáo sư Cao Huy Thuần đưa tặng tôi: “Cháu đọc thấy hay quá, ở
giá sách của ông hình như cũng có, nhưng cháu cứ gửi ông như một kỷ niệm của
cháu”.
Tôi thầm nghĩ, hình ảnh cháu Phương Uyên cũng
đẹp như hình ảnh Mẹ Nấm, cũng đẹp như bao cô gái, chàng trai tôi đã gặp, đã
biết, và đôi lúc gặp một bất ngờ thú vị. Qua điện thoại, một giọng phụ nữ đã
đứng tuổi: “Thưa thầy, chắc là thầy không nhận ra em đâu. Em là Bùi Thị
C…đây, và là mẹ của Đoan Trang đấy thầy ạ. Cách đây nửa thế kỷ em nghe thầy nói
chuyện về lý tưởng và nay thì em nghe con gái em. Nghe rất say sưa và sung
sướng. Em rất tự hào về cháu thầy ạ”. Tôi nói trong xúc động: “Chẳng
phải chỉ em là mẹ đâu, mà tôi cũng đọc rất say sưa và đầy tự hào về Đoan Trang
đấy cô C…ạ”. Và cũng trong niềm xúc động trào dâng, tôi muốn nói với
Mẹ Nấm (mà Đoan Trang cẩn thận chú thích tiếng Anh trong văn bản “Mother
Mushroom”, hoặc Nguyen Ngoc Nhu Quynh (a.k.a. Mother Mushroom) rằng nhiều, rất
nhiều những cô gái, những chàng trai sẽ biết dấn thân theo gương chị, theo
gương Phương Uyên, theo gương Đoan Trang và bao cô gái, chàng trai đang can
trường không khuất phục trước bạo lực cường quyền, tù đày hay lừa mị.
Vả chăng, đâu chỉ phải những người con gái con
trai Việt Nam biết đến chị, Tôi đã được thấy New York Times,
trên Le Monde, trên Asahi Shimbun, trên Time,
trên Bloomberg, tên chị, hình ảnh chị. Truyền thống của báo chí phương Tây quan
tâm đế tự do và quyền đâu chỉ phải bây giờ. Chỉ có điều, bây giờ thì tin đưa
nhanh hơn, kịp thời hơn khắp hang cùng ngõ hẹp. Vì thế mà các chế độ độc tài
càng chóng sụp đổ.
Và rồi, ngược về thế kỷ trước, tôi bỗng nhớ đến
Louis Aragon, nhà thơ Pháp mà tôi yêu mến. Vào tháng 6 năm 1930, nhà thơ Pháp
từ Paris đã đăng trên tờ Front Rouge: “Yên Bái, đây là cái
từ nhắc nhở ta rằng, không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể
khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ!”. Không phải là Yên Bái của hai
chị em dơ dáy và bẩn thỉu với biệt phủ của chúng nó mà chỉ mươi năm sau sẽ là
lũ thân tài ma dại của lịch sử.
Mà là Yên Bái của Nguyễn Thái Học, người anh
hùng yêu nước. Tại pháp trường Yên Bái, vào lúc hơn 5 giờ 5 phút, sáng ngày 17
tháng 6 năm 1930, sau khi phải chứng kiến 12 đồng sự rơi đầu với 12 lời hô
“Việt Nam vạn tuế” đứt đoạn dưới lưỡi máy chém; đến lượt mình, Nguyễn Thái Học
còn đọc thơ bằng tiếng Pháp:
Mourir pour sa patrie
Cest le sort le plus beau
La plus digne denvie
Chết cho đất nước của mình
Là cái chết đẹp nhất
Thanh thản tuyệt vời nhất
Còn chàng thanh niên Phó Đức Chính 22 tuổi đời
(kém Nguyễn Thái Học 5 tuổi), người kỹ sư công chính, chỉ huy đánh Đồn Thông -
Sơn Tây, bị bắt ra Tòa Đề hình của thực dân Pháp, cố đạo Méchet hỏi: “Cậu
chết trẻ vậy có ân hận không?”. Phó Đức Chính trả lời: “Ở đời,
mong làm lấy một việc lớn mà việc ấy không thành thì chết có gì ân hận? Cho ta
nằm ngửa để nhìn lưỡi dao tội ác của người Pháp!”.
Tôi muốn gợi thêm hình ảnh hai người phụ nữ từng
ngời sáng trong lịch sử.
Cô Bắc (Nguyễn Thị Bắc) tại Tòa Đề hình Yên Bái
ngày 23/3/1930, xử các nghĩa sĩ tham gia khởi nghĩa Yên Bái, trước viên Chánh
án Osier, đã nói đanh thép rằng: “Này những người đại diện cho công lý
của nước Pháp, nếu xử ta thì hãy về giật đổ tượng thánh nữ Jeanne d’Arc, nữ
thánh yêu nước Pháp chống ngoại xâm. Ta yêu Tổ quốc Việt Nam chống xâm lược,
sao các ngươi lại đem xử?”.
Nguyễn Thị Giang (cô Giang, em ruột cô Bắc),
người đồng sự, người tham mưu đắc lực, người vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học,
sau khi chứng kiến cái chết oanh liệt của các nghĩa sĩ Yên Bái, đã về Thổ Tang
quê chồng, thắp hương khấn tổ tiên và lễ sống bố mẹ chồng, rồi ra quán nước nơi
hai người vẫn hò hẹn trước đây, dùng khẩu súng ngắn Nguyễn Thái Học tặng ở Đền
Hùng mấy tháng trước, quyên thân.
Nguyễn Thị Giang đã để lại hai câu thơ tuyệt
mệnh cảm động:
Thân không giúp ích cho đời
Thù không trả được cho
người tình chung…
Lịch sử rất công bằng và cũng rất sòng phẳng.
Lịch sử sẽ xéo nát lũ hại dân, hại nước, đồng thời cũng tạc vào hồn thiêng sông
núi hình ảnh bất khuất tuyệt vời những con người, những cô gái, chàng trai biết
sống vì tổ quốc và dân tộc, biết đấu tranh cho tự do và những quyền thiêng
liêng của con người, những giá trị vĩnh hằng mà thế hệ Việt Nam nào cũng đều
trân trọng. Đã biết sống như thế, thì bạo lực và cường quyền chỉ là phương tiện
thử thách để họ trưởng thành, và cái chết không làm cho họ sợ hãi. Mà khi họ đã
vượt qua sự sợ hãi, thì các ngươi, lũ đang núng thế đang níu lấy quan thầy, chỉ
còn dựa vào đàn áp và lừa mỵ sẽ biết cái gì đang đợi các ngươi!
Những người như Mẹ Nấm sẽ chiến thắng. Ngày chị
trở về sum họp với hai con và sưởi ấm lòng người mẹ già kiên cường sẽ đến rất,
rất gần.
Ngày 3.12.2017
T. L.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét