Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

MỘT NGỌN NẾN, MỘT NÉN NHANG CHO NHỮNG CÁI CHẾT QUÁ ĐAU THƯƠNG





Mấy ngày qua, tôi vẫn chờ thông tin chính thức từ nhà nước về vụ tấn công đêm 9/1/2020, trong đó có thông tin liên quan cái chết của 3 người lính và 3 người đàn ông (2 con và cháu nội cụ Lê Đình Kình) mà không thấy. Các thông tin được đưa “đồng phục” trên báo đài khá nghèo nàn không đáp ứng nhu cầu lớn và cấp bách hiện nay: MINH BẠCH.
Hiện trạng thật là loạn thông tin với một lực lượng chiến sĩ “liều chết” hướng dẫn dư luận! Xuất hiện trên báo đài và các trang phây là những thông tin na ná nhau, còn bình luận thì nhiều khi rất hàm hồ. Như khi bà bạn tôi, Luật sư Nguyễn Thị Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, viết tút: “Điều cần lưu ý là khi chưa khởi tố, chưa có phán quyết xét xử của tòa án, chưa có trát đòi của tòa án, thì chưa thể xem ông Kình và những người trong gia đình ông Kình là giặc (hay tội phạm) được. Vậy đến trước ngày ông Kình bị chết, ông ấy vẫn là công dân Việt Nam, không phải là giặc...”
Thế là các cây bút (chạy vòng vòng khắp các trang phây, còm rất hăng) vào nhiếc móc bà bạn tôi thật vô bằng và hỗn hào. Ông bác sĩ phẫu thuật thần kinh nổi tiếng Võ Xuân Sơn có một tút ngắn về cụ Kình, cũng bị y chang: “Theo thông tin từ BBC và VOA, thì cụ Lê Đình Kình cùng con trai đã mất. Vậy là tôi còn nợ Cụ một chuyến đi Sài gòn, kiểm tra tầm soát sức khỏe cho Cụ. Làm sao tôi có thể trả được món nợ này đây? Thật đau lòng khi trước đây, Cụ bị đánh gãy chân. Còn bây giờ, thì Cụ đã ra đi mãi mãi...”
Tôi càng muốn biết thông tin thực sự về những trường hợp tử vong của những người lính, khi đọc lại những giòng viết của Dương Đức Hoàng Quân, người chiến sĩ Cảnh sát cơ động qua đời trong đêm 9/1 ở làng Hoành, Đồng Tâm: “Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc không đáng sợ. Nhưng đáng sợ là máu đổ chính vì người dân mình”.
Mới có mấy ngày mà tôi thấy lâu như một biến cố lớn kéo đến mấy tháng dài. Thời gian như cứ như đọng lại, không trôi đi được, đông cứng âm u trrong đầu tôi hình ảnh cụ già 84 tuối điềm đạm, ôn tồn trong từng câu chuyện pháp lý về đất. Cụ nói: Phải giữ đất dù phải hi sinh cả xương máu. Và chính cụ, gia tộc cụ và cả làng Đồng Tâm đã làm thật. Họ đã trả giá bằng xương máu. Máu của 3 đời nhà họ Lê và nhiều người Đồng Tâm nữa.
Đó là một trang vô cùng đau thương của người Việt Nam, nghĩ tới là chảy nước mắt. Sao mà để xảy ra cảnh tương tàn thảm khốc đầy bạo lực như vậy? Người già nửa đêm chết trong ngôi nhà mình, trên cái giường mình, không toàn thây. Người trẻ chết trong thông tin mù mịt càng để lại bao nhiêu đau thương cho gia đình và cả cho chúng ta.
Vong hồn nhưng người đã mất, sống khôn thác thiêng, chắc chắn sẽ xui khiến cho sự thật sớm được minh bạch. Có minh bạch thông tin và có trách nhiệm rõ ràng mới an lòng dân.
Mỗi người chúng ta hãy thắp một ngọn nến, một nén nhang tưởng nhớ họ, cầu cho họ siêu thoát trong bình an, giữa những ngày giáp Tết quá buồn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét