Nguyễn Quang Dy
Bạn đọc quý mến,
Trang BVN vẫn
đang trong dịp nghỉ Tết hàng năm. Tòa soạn vắng lặng, không còn ai thường trực.
Tuy nhiên, cái Tết năm nay có
một hiện tượng rất dễ nhận thấy là hình như không khí xã hội có một cái gì đấy
có phần gượng gạo. Người có lương tri khó tìm được cho mình một niềm vui hồn
nhiên. Ngay cả trên phương tiện truyền thông nhà nước, những màn tấu hài mà nội
dung như mếu, phải mượn tiếng vỗ tay của sân khấu giả để ủng hộ tiếng cười giả
hiệu của mình. Và kể cả trời đất, trận mưa đá giáng xuống xối xả ở Hà Nội suốt
4 tiếng đồng hồ trước Giao thừa khiến người đi xem pháo hoa hầu như vắng bặt,
đám truyền hình muốn làm một cuộc phỏng vấn cũng chẳng tìm được ai trừ một
vài người sắm vai "dân chúng" được chuẩn bị sẵn từ trước như hai
ông nhạc sĩ Văn Ký và Phạm Tuyên.
Vì thế, khi nhận được 2 bài viết
của hai tác giả Nguyễn Quang Dy và Phạm Đình Trọng gửi tới, dù đang trong kỳ
nghỉ, BBT BVN vẫn hội ý chớp nhoáng và quyết định mời BTV kỹ
thuật đăng giúp cho hai bài này, nhằm gửi đến quý bạn những lời tâm tình gan
ruột trong ngày đầu xuân Canh Tí. Đó là một ngoại lệ cần thiết giữa lúc thiên
nhiên và con người đều đang... bão nổi.
Xin cảm ơn hai tác giả và kính
trình bạn đọc xa gần.
Bauxite Việt Nam
|
Trong bài trước (Những
chỉ dấu bất ổn đầu năm mới, 12/1/2020), tác giả đặt biến cố Đồng Tâm
trong bối cảnh rộng lớn hơn, để tránh “thấy cây mà không thấy rừng” và cảnh báo
về hệ quả khó lường nếu “tự bắn vào chân mình”, chỉ có lợi cho Trung Quốc.
Trong bài này, tác giả cố gắng phác họa bức tranh toàn cảnh về Đồng Tâm, trong
khi dư luận bị phân hóa vì thiếu hụt thông tin được kiểm chứng, và 60% người Việt
bị vô cảm (theo Gallup, 2012).
Trong khi Việt Nam đang cố gắng vận động quốc tế ủng hộ thì
những người cầm quyền cực đoan lại dùng bạo lực để đàn áp dân Đồng Tâm. Ngày
10/1, Việt Nam phóng thích và trục xuất bà Trần Thị Nga để lấy điểm về nhân quyền,
nhưng động thái đó quá ít và quá muộn (too little too late) để dư luận quốc tế
có thể bỏ qua vụ Đồng Tâm. Ngày 14/1, Đại Sứ quán Mỹ tại Hà Nội tuy tỏ ý “cảm
kích” trước động thái đó, nhưng vẫn tiếp tục bày tỏ lo ngại về vụ Đồng Tâm và
chắc trong thời gian tới sẽ có phản ứng mạnh hơn về vấn đề này.
Tiếng nói về nhân quyền của Mỹ hiện nay có thể không mạnh bằng
tiếng nói của EU do Mỹ đã rút khỏi TPP, trong khi EU vẫn nắm đòn bẩy về EVFTA,
vì trong hiệp định này có điều khoản ràng buộc về vấn đề nhân quyền. Nếu vấn đề
này không được cải thiện, như đánh giá của tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc,
thì EVFTA có thể không được phê chuẩn, hoặc được phê chuẩn nhưng vẫn bị EU giám
sát. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với Việt Nam, vì chính phủ Việt Nam đang kỳ
vọng rất nhiều vào EVFTA như một cứu cánh.
Vụ Đồng Tâm có thể xô đẩy Việt Nam vào thế mắc kẹt như một
nghich lý với “hệ quả kép” về đối nội và đối ngoại, còn nặng nề hơn cả vụ Trịnh
Xuân Thanh. Ngày 21/01/2020, INTA (Ủy ban Thương mại Nghị viện Châu Âu) đã họp
tại Bruxelles để bỏ phiếu cho EVFTA, với 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống, và 5
phiếu trắng. Đó là một kết quả thuận lợi cho cuộc họp toàn thể của Nghị viện
Châu Âu để phê duyệt EVFTA (đầu tháng 2/2020). Vậy lý giải thế nào về kết quả bỏ
phiếu đó, trước cú sốc dư luận do biến cố Đồng Tâm gây ra?
Thứ nhất, giá trị thương mại Việt Nam-EU là 56 tỷ USD, lớn
thứ hai sau Singapore, là yếu tố quan trọng nhất để EU phê duyệt EVFTA. Thứ
hai, EU phê duyệt EVFTA với Việt Nam không có nghĩa là đánh đổi hay bỏ qua nhân
quyền, mà là điều kiện. Thứ ba, sau khi Mỹ rút khỏi TPP thì vai trò của EU
trong EVFTA với Việt Nam về thương mại và nhân quyền càng quan trọng hơn. Vì vậy,
EU muốn dùng EVFTA để ràng buộc và giám sát Việt Nam về nhân quyền, hơn là để
Việt Nam đứng ngoài, có thể bí cờ phải đi theo Trung Quốc.
Thay lời kết
Khi kinh tế thị trường bị thao túng bởi các nhóm lợi ích
thân hữu thì quyền lực và tham nhũng không được kiểm soát. Nguy hiểm nhất là
tham nhũng chính sách vì nó không chỉ làm thất thoát lớn công quỹ mà còn gây ra
khủng hoảng lòng tin. Trong khi Vụ AVG và vụ Thủ Thiêm là hai ví dụ điển hình
đang được cho vào lò xử lý thì xảy ra biến cố Đồng Tâm. Đó không chỉ là một nghịch
lý mà còn là một bi kịch quốc gia, làm đất nước tụt hậu.
Dư luận thắc mắc vì sao ông Nguyễn Phú Trọng lại vội quyết định
truy tặng Huân chương Chiến công Hạng nhất cho 3 sỹ quan cảnh sát bị thiệt mạng.
Dù vì lý do sức khỏe nên ông Trọng bị bưng bít thông tin hay ông thực sự ủng hộ
phương án đàn áp, thì đó là một thảm họa về truyền thông. Điều đó hơi vô lý
trong bối cảnh ông Trọng vẫn “đốt lò” để xử lý tiếp vụ Thủ Thiêm, cũng như phát
biểu của ông Trần Quốc Vượng (ngày 25/12/2019).
Ông Vượng xác định “Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta” và
“cơ đồ xây dựng 75 năm có nguy cơ sụp đổ”, không do bên ngoài mà ngay trong nội
bộ, vì xác định sai về “thế lực thù địch”. Không chỉ có ông Vượng xác định “kẻ
thù làm hại ta chính là ta”, mà còn nhiều người khác như Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm
(cựu Giám đốc Học Viện Hải Quân). Theo ông Lâm, để giám sát được quyền lực thì
“vai trò của nhân dân cũng quan trọng không kém”.
Dư luận cho rằng nhiệm kỳ Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng
sẽ đi vào lịch sử với ba sự kiện bất thường. Một là thảm họa môi trường
Formosa; Hai là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh; Ba là vụ đàn áp Đồng Tâm. Nếu vụ Đồng
Tâm không phải do ông Trọng, mà là một nhân vật khác muốn gài bẫy ông (theo
thuyết âm mưu) thì đó là một dấu hiệu bất ổn vì “trên bảo dưới không nghe”, báo
hiệu năm 2020 còn nhiều ẩn số và biến số khó lường.
***
Năm mới, dù chính quyền dùng bạo lực nhổ được “cái gai Đồng
Tâm” trong mắt họ thì vẫn khó diệt được tinh thần Đồng Tâm trong lòng dân. Thắng
dân chỉ là hạ sách trước mắt, vì phải trả giá đắt lâu dài về đối nội, đối ngoại
và truyền thông, như hệ quả bất định của cách ứng xử cực đoan. Tuy “chính phủ
kiến tạo” kêu gọi ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển, nhưng cách ứng xử của
người Việt vẫn theo hệ quy chiếu 0.4 vì “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, làm
Việt Nam tiếp tục bị cô lập và tụt hậu trong một thế giới biến động khôn lường.
26/01/2020 (Mùng 2 Tết Canh Tý)
N.Q.D.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét