Thứ Năm, 23 tháng 1, 2020

TRUNG ĐOÀN CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG KỴ BINH: KHÔNG PHẢI CỨ CÁC NƯỚC CÓ LÀ MÌNH PHẢI CÓ!




1. Tập đoàn kỵ binh của nguyên soái Budionnưi đặt dấu chấm hết cho vai trò của kỵ binh trong nội chiến Liên Xô.
Bom, đạn pháo chôn vùi và xe tăng nghiền nát bất cứ ngàn chiến mã nào xuất hiện. Trong thế chiến thứ 2 kỵ binh không được sử dụng. Kỵ binh vĩnh viễn biến mất khỏi chiến trường. Để lại sau lưng những hoài niệm nuối tiếc mù bụi vó ngựa Thành Cát Tư Hãn và tiếng hô xung trận của các hiệp sỹ thánh chiến.
2. Nuôi ngựa và cưỡi ngựa phải có truyền thống nhiều ngàn năm. Chỉ những nước có truyền thống nuôi ngựa mới có khă năng cưỡi ngựa giỏi. Việt Nam từ ngàn xưa không có truyền thống chăn nuôi ngựa như một ngành kinh tế quốc gia. Việt Nam không có truyền thống cưỡi ngựa giỏi. Việt Nam trong lịch sử không có kỵ binh như một lực lượng quân đội chủ lực. Ngựa Việt Nam bé, số lượng ít, không có sức bền, không quen với điều kiện chinh chiến. Người Việt Nam không giỏi cưỡi ngựa.
3. Trên thế giới, chỉ một số ít nước có truyền thống kỵ binh lâu đời còn lưu giữ một lượng rất nhỏ kỵ binh. Mục đích làm lực lượng duyệt binh, biểu diễn. Vai trò làm lực lượng cảnh sát gìn giữ trật tự rất hạn chế. Vì không hiệu quả, bị tan rã ngay nếu đối phương có vũ khí.
4. Nay trên thế giới, trong hoàn cảnh kỵ binh đã biến khỏi biên chế binh chủng quân đội gần cả thế kỷ, thì Việt Nam - chưa bao giờ có kỵ binh, chưa bao giờ chăn nuôi ngựa như một ngành kinh tế ngàn đời, chưa bao giờ cưỡi ngựa săn bắn - lại bỗng dưng mua ngựa về làm biên chế binh chủng cảnh sát cơ động. Đó là điều lạ khó hiểu vừa xuất hiện.

5. Việt Nam đã mất nhiều tỷ đồng để mua 105 con ngựa từ Mông Cổ về làm trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh. Việt Nam hàng năm sẽ tiếp tục mất nhiều tỷ đồng nữa chỉ để chăm sóc, nuôi dưỡng hơn trăm chú ngựa này cùng với duy trì những con người trong trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh.
Những chú ngựa này không thể bù đắp bằng gây giống đẻ ở Việt Nam. Vì giống sẽ bị thoái hoá, không đáp ứng được yêu cầu. Cho nên, muốn giữ được hình thức phô diễn thì sau một thời gian lại phải nhập mới với chi phí đắt đỏ.
6. Mục đích như miêu tả là để “tuần tra, phòng chống tội phạm, xử lý tình huống an ninh trật tự và phục vụ các nghi lễ, nghi thức” (vnexpress, 21/01/2020).
Tuần tra và phòng chống tội phạm trong phố xá thì làm sao cơ động bằng xe mô tô. Còn để “xử lý tình huống an nin trật tự” như ngăn cản đám đông tụ tập ôn hòa thì không cần thiết. Nếu là “xử lý tình huống an nin trật tự” với đám đông có chủ ý trang bị thì không hiệu quả. Vì trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh này sẽ tan tác ngay trước sự chống đối của đám đông ngàn người trong tay chỉ với vũ khí thô sơ tự chế tạo! Chỉ để phục vụ nghi lễ thì quá tốn kém mà không cần thiết.
7. Lực lượng cảnh sát cơ động qua vụ Đồng Tâm đã làm cho không ai có thể khen - về mặt chỉ huy, tác chiến, và thiện chiến. Thì nói chi đến kỵ binh. Trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh sẽ yếu kém hơn nữa trong thực chiến - vì hoàn toàn không có kinh nghiệm trong tác chiến kỵ binh, và không sở hữu nghệ thuật điều khiển ngựa điêu luyện.
8. Trong kỷ nguyên của công nghệ vệ tinh, máy bay không người lái, người máy, tên lửa siêu thanh vượt đại dương... xin đừng quay lại ngàn năm về trước.
Không thể gật đầu vì làm cho ai đó vừa lòng, làm cảnh cho đẹp mà tốn kém nhiều tỷ đồng. Trí tuệ và tài quyết đoán của lãnh đạo chính là biết phủ quyết đúng lúc các đề nghị của cấp dưới. Không phải cứ cái gì các nước có thì mình cũng phải có.
9. Tưởng có thêm trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh thì thêm vui, mà trên thực tế lại buồn. Muốn nói theo chiều hướng tích cực mà thật khó. Một cái Tết đã buồn lại thêm buồn.
Buồn vì đất nước chưa giàu mà chi tiêu không hợp lý.
Buồn vì còn chạy theo sự phô diễn tốn kém không cần thiết, lại không oai phong.
Buồn vì không phòng chống được tội phạm, không giữ được trật tự trong phố xá đông người.
Buồn vì không đưa được trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh này ra gìn giữ trật tự an ninh ngoài biển đảo!
Tin rằng, trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh sẽ không còn hoạt động dưới thời một chính phủ mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét