(Nguyễn
Ngọc Già #Danlambao)
Bệnh viêm phổi cấp tính do virus Corona, xuất phát từ Vũ Hán
- Trung Quốc có nguy cơ lan rộng tới Việt Nam - làm dân tình nhốn nháo ngay
trong những ngày đón tết Canh Tý - 2020.
Một số ý kiến cho rằng, đại dịch đang hoành hành làm mờ nhạt
biến cố Đồng Tâm - vụ án có một không hai về lịch sử dân oan, tính từ 45 năm
qua.
Bốn điểm chủ quan của dân làng Đồng Tâm
Đài BBC ngày 19 tháng Giêng năm 2020 có bài [1] "Cụ
Kình và những mạng người đánh đổi đất Đồng Tâm, ai thắng, ai thua?" của
tác giả Lê Văn Bảy, ông tự giới thiệu đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh.
Bài viết ngoài các căn cứ khác, tác giả dẫn chứng các clip
do dân làng Đồng Tâm ghi hình lại, khi tụ họp bàn luận về việc giữ đất mà người
trong làng cho rằng, họ có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử để bảo vệ quyền lợi
chính đáng và hợp pháp của mình.
Cùng với những "khoe khoang" về việc tàng trữ vũ
khí, bình gaz v.v.. của người Đồng Tâm. Tác giả Lê Văn Bảy "rùng mình về sự
hung hăng của họ" và bày tỏ sự đau đớn, khi hậu quả xảy ra ngoài sức tưởng
tượng của nhiều người, kèm theo lời khuyên "đừng bao giờ kích động bạo lực"!
Việc bắt giữ và thả 38 viên công an vào năm 2017, rồi sau đó
phía nhà cầm quyền CSVN, đại diện là Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố
Hà Nội đã ký cam kết hẳn hòi về việc không khởi tố, cùng tình hình kéo dài gần
2 năm tạm yên ắng, cộng với "quyết tâm cao độ và đoàn kết một lòng"
trong làng, cũng như việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật và hoàn toàn tin tưởng
vào chủ trương "đốt lò" của Nguyễn Phú Trọng, vâng, cộng dồn tất cả
những căn cứ đó, dân làng Đồng Tâm dường như đã bào chế ra "chất kích
thích chính danh" cho việc giữ đất của mình, đúng theo khẩu hiệu một thời
của Hồ Chí Minh:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công
Thành công, thành công, đại thành công
Đó là sự chủ quan thứ nhất của dân làng Đồng Tâm với lãnh tụ
tinh thần - Lê Đình Kình, phó hội cùng con trai của ông - Lê Đình Công - ở họ vẫn
thể hiện sự chơn chất và ngây thơ từ những nông dân của ngày xưa!
Trong khi đó, ngay sau khi xảy ra biến loạn tại Đồng Tâm,
đài BBC dẫn lời của một phụ nữ trong làng [2]: "Tôi không tin Đảng, chính
quyền, nhưng hiện thời tôi cũng không biết tin ai trong làng, không biết ai là
chính nghĩa. Tôi không dám ra, cũng không chạy được ra khỏi làng, vì trong làng
có chỉ điểm". Cùng với thông tin "có chỉ điểm", báo An Ninh Thủ
Đô ngày 18 tháng Giêng năm 2020 có bài [3] "Lãnh đạo thành phố Hà Nội
thăm, tặng quà Tết cho 128 hộ dân xã Đồng Tâm". Người dân Đồng Tâm không
hoàn toàn đồng lòng như ông Lê Đình Kình và con trai ông - Lê Đình Công tưởng
tượng. Người nông dân Việt Nam vẫn gắn liền mảnh đất với máu, với xương nhưng sự
"đồng tâm" giữa họ là điều khác hẳn!
Hơn thế, một số người trong làng biến hình trở thành
tay sai cho nhà cầm quyền CSVN, cho thấy sự chủ quan thứ nhì của dân
làng Đồng Tâm và ông Lê Đình Kình, vì không coi trọng tính chất "những con
ong trong ống tay áo". Bởi khi quyền lợi cá nhân - sau khi "tiễu trừ
phản tặc" - có thể được hứa hẹn rất đáng giá từ phía nhà cầm quyền CSVN
(?).
Điều vô cùng đáng tiếc, ông Lê Đình Kình đã công khai cho biết
vào ngày 21 tháng Sáu năm 2017 như đài RFA dẫn lời [4]: "Mục đích của họ
là bịt đầu mối và thủ tiêu tôi. Bởi vì tôi là người đứng đầu ký tên trong đơn tố
cáo, khiếu nại việc này". Đây là sự chủ quan thứ ba của ông
Kình và dân làng Đồng Tâm - Đã đề cập đến chữ "thủ tiêu" mà vẫn tỏ ra
quá "dể ngươi".
Clip mà tác giả Lê Văn Bảy đưa ra, cho thấy sự thật nhưng
(nhấn mạnh) chỉ là những lời nói. Dù lời nói của ông Công rất hung tợn, mang đầy
tính đe dọa nhưng đó vẫn chỉ là lời nói và cần nhấn mạnh thêm, người làng Đồng
Tâm không hề hành động trước gì cả - Nói theo kiểu thời thượng, đó chỉ là những
lời "chém gió". Những đường gươm nghe soàn soạt nhưng chẳng hề hấn gì
đến một ai. Thật vậy, nhìn những cái gọi là "bằng chứng vũ khí" được
đưa ra trên báo chí quốc doanh, bất cứ ai cũng phải công nhận, những thứ hung
khí đó không thể giết chết một viên cảnh sát cơ động nào cả, bởi trang phục của
họ được bảo hộ đúng chuẩn chuyên nghiệp.
Ngoài những lời nói rất dữ tợn của ông Lê Đình Công và sự
cương quyết của ông Lê Đình Kình, trong clip của Lê Văn Bảy dẫn ra, tại phút
4:01 đến 4:02, người nghe nhận thấy có ba chữ "thiêu sống luôn" -
dành cho những kẻ nào vào cướp đất Đồng Tâm - bằng giọng nói của một phụ nữ
trong làng.
Rất tiếc, đó lại là một sự thật nữa cần phải chỉ ra, khi những
hình ảnh được cho là của công an bị thiêu cháy đen, co quắp được lan truyền
trên mạng, nếu được chụp mũ chung với ba chữ "thiêu sống luôn" đầy ẩn
ý.
Điều này chứng tỏ sự chủ quan thứ tư của người Đồng Tâm, bởi
hình ảnh chết cháy như nhiều người nhìn thấy, được cho là của công an, thì mãi
cho tới nay vẫn đầy khuất lấp và đủ hoài nghi.
Những ai quan sát đều không thể tin được, xác chết cháy đen
đó do chính tay dân Đồng Tâm gây ra trong lúc tâm trí hoảng loạn, rối bời giữa
đêm đen dày đặc cùng tiếng súng nổ vang trời của lực lượng công an hùng hổ và
hùng hậu đến cỡ như thế! Và cái xác chết, dù cháy đen vẫn không hề để lại một
chút khói ám khả dĩ nào tại nơi bị cho là dân Đồng Tâm ra tay "thiêu sống"?!
Đồng thời, hình ảnh "cháy thành than" như vậy,
không tránh khỏi nghi hoặc về mối liên hệ có thể bị gán ghép giữa giọng nói của
người phụ nữ và việc nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả các clip từ phía nhà cầm quyền
CSVN mang tên "chụp mũ" như đã nói trên.
Sự chủ quan của dân làng Đồng Tâm - điều cần phải được gọi
tên rõ ràng, nó không hề kém tính ngây thơ, bởi họ nhìn nhận sự việc giữ đất
trước nhà nước công an trị, lại không khác gì việc thanh toán xích mích giữa
hai làng với nhau - vốn là một trong các đặc tính cổ lỗ của người nông dân Việt
Nam, một khi không thể giải quyết được bằng "nói chuyện phải quấy".
Không tạo tiền lệ
Không dừng lại sự chủ quan, người Đồng Tâm có thể còn ngộ nhận
việc bắt sống và tha bổng 38 viên công an vào tháng Tư năm 2017 như là "bảo
chứng niềm tin" cho việc bảo vệ thành công mảnh đất hơn 50ha của họ, trong
khi không hề quan tâm đến hoàn cảnh và các chiều hướng chính trị đổi dời liên tục
cùng các điều kiện cần và đủ, vốn đã quá khác, so với những năm trước đó.
Có lẽ vì thế, ông Lê Đình Công "chém gió" rất bạt
mạng khi hứa, nếu không tiêu diệt được 300 - 500 tên sẽ không nhìn mặt đồng bào
cả nước (!). Lợi bất cập hại là chỗ đó. Bởi ông Công quên rằng, người CSVN là
"vua chụp mũ".
Những lời phát ngôn của Lê Đình Công làm Lê Văn Bảy
"rùng mình vì sự hung hăng", thì những ai còn lương tri và lương tâm
loài người chắc chắn nổi da gà chen lẫn cảm giác phẫn nộ và uất ức trước thi thể
không toàn vẹn của ông Lê Đình Kình cùng cảnh tan hoang của cả làng Đồng Tâm.
Sự tàn ác - tính hung bạo - tâm tà man trá của người CSVN vẫn
vẹn nguyên như chưa hề sứt mẻ chút nào, kể từ ngày "đảng đã cho ta sáng mắt
sáng lòng"! Ngay đây phải đưa cho Lê Văn Bảy vài câu hỏi:
- Những kẻ nào tôn thờ bạo lực và xem nó như là cứu cánh?
- Những kẻ nào luôn ép dân vào bước đường cùng của cuộc sống?
- Những kẻ nào dương dương tự đắc với khái niệm "cướp
chính quyền" để có được nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà ở đó ông Lê
Đình Kình cùng dân làng Đồng Tâm luôn luôn một lòng tin tưởng?
Dân oan Thủ Thiêm với trên 20 năm đi gõ cửa công lý, cho đến
nay vẫn mỏi mòn.
Cùng với Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng, Văn Giang v.v... và
hàng chục địa danh khác, trải dài từ Bắc chí Nam, xem ra diện tích đất Đồng Tâm
chẳng phải là to lớn gì cho lắm (!).
Để "yên" cho dân Đồng Tâm, người CSVN "ăn
nói" làm sao với hàng trăm ngàn dân oan khắp mọi miền đất nước (?).
Án tử hình vẫn đang treo lơ lửng trên đầu Đặng Văn Hiến, nay
có nguy cơ rơi thẳng xuống chăng?!
Tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam quá
khác, nếu so với Đoàn Văn Vươn của 8 năm về trước.
Hơn hết, sự phản kháng của Đoàn Văn Vươn và Đặng Văn Hiến ở
phạm vi gia đình, còn Đồng Tâm - dù muốn dù không cũng phải công nhận - một tổ
chức. Đó là mối nguy hại vô song nếu xét thêm 58 năm tuổi đảng của ông Lê Đình
Kình và sự tin tưởng tuyệt đối vào ĐCSVN mà người Đồng Tâm đã xác quyết nhiều
năm qua!
Lê Đình Kình phải chết, không phải chỉ vì ông ấy đã tiên liệu
trước mà ông phải chết, vì tại điều 2 của điều lệ ĐCSVN đã quy định không thể
rõ hơn về nhiệm vụ của một đảng viên: Tuyệt đối trung thành với đảng (!) Nhưng
người dân Việt Nam không thể nào hình dung ra nỗi cái cách ông ấy chết, cho đến
khi tận mắt nhìn thấy.
Cái chết của ông Lê Đình Kình nên được gọi tên Politicide
(Thanh trừng chính trị) - Một thuật ngữ do chính Cộng Sản thế giới công nhận
nhiều năm qua.
Trước khi người CSVN gán chữ "quốc tế hóa" [5] như
báo Quân Đội Nhân Dân, lẽ ra phải gọi tên "khủng bố Đỏ" [6] cho vụ án
Đồng Tâm, bởi tính chất trấn áp một cách có hệ thống, điều nghiên kỹ càng, lên
kế hoạch chi tiết và xử tử "kẻ phản đảng" từ nội bộ ĐCSVN.
Những thông điệp còn lại...
Đầu gối chân trái của ông Kình gãy lặt lìa cộng với nhiều
thương tích khác và cả phát súng ngay tim với đường mổ dài suốt ngực, tạo hình ảnh
quá đỗi thương tâm mà người Việt Nam không thể nào ngờ, nó lại xảy ra vào năm
thứ 90 kể từ ngày thành lập ĐCSVN mà lại "dành cho" người đảng viên cả
đời đi theo đảng! Chắc chắn hình ảnh thê thảm này không chỉ làm rúng động lương
tâm con người mà còn đả kích rất mạnh vào lương tri của đông đảo đảng viên thuộc
ĐCSVN, dù đang ở trong hay ngoài nước.
Dù không thể nào đạt đến tầm mức như những cuộc khởi nghĩa
nông dân Đàng Ngoài vào thời vua Lê chúa Trịnh hay các cuộc khởi nghĩa chống
Pháp vào thế kỷ 19 kéo dài đến đầu thế kỷ 20, nhưng cái chết của ông Lê Đình
Kình - do ĐCSVN gây ra - đã biến ông trở thành thần Thành Hoàng làng Đồng Tâm,
với hàng ngàn người đưa tiễn trong tang lễ. Chính ĐCSVN đã tạo ra một tiền lệ mới
mà họ không thể nào ngờ tới lòng dân ngày nay!
Việc phong liệt sĩ và thưởng huân chương với mỹ từ "hy
sinh" - đó là hành động, do chính tay người CSVN đập phá nốt tất cả những
thứ gọi là "cao cả và thiêng liêng nhất" suốt 90 năm qua.
Trương Thị Mai đi viếng đám tang 3 viên công an chết một
cách mờ ám, lại tạo ra một loại hiệu ứng khó diễn đạt hết bằng lời, một khi gắn
với "đảng phận" của bà ta - Trưởng ban Dân Vận. Không hiểu rồi bà Mai
sẽ vận động nhân dân cả nước như thế nào, trước thảm họa của dân làng Đồng Tâm
và phần số của nhân vật Lê Đình Kình cùng gia quyến (?!).
Bộ Chính Trị cùng Ban Chấp Hành Trung Ương ĐCSVN vẫn bình
chân như vại trước số phận hẩm hiu của ông Lê Đình Kình và hàng ngàn người Đồng
Tâm rất bi đát, không khác chút nào khi so với hàng trăm ngàn dân oan mất đất
trên toàn cõi Việt Nam?!
"Bàn cờ thế" cho kỳ đại hội đảng sắp diễn ra, xem
ra không hề dễ dàng cho những "nước cờ" đối nội và đối ngoại trước mắt,
mà nó cũng lại do ĐCSVN tự tay sắp đặt những" thế cờ" khó gỡ và khó đỡ
trong mắt quốc tế...
Chú thích:
03/02/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét