TS. Đinh Hoàng Thắng
Đọc cái “tút” của GS-TS Trần Ngọc Vương từ Đại học Quốc gia
nhân ngày tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt
Nam 41 năm trước đây, thú thật người viết bài này không khỏi giật mình. Nói
chuyện điện thoại với Giáo sư xong, viết bài này, như thắp một nén tâm hương,
tưởng niệm gần 100.000 chiến sỹ và đồng bào ta đã bỏ mình trong hai cuộc chiến
tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc vốn bị lãng quên một cách nhẫn tâm và chóng vánh
nhất.
Con số 100.000 chiến sỹ và đồng bào ta hy sinh là lấy từ
Tuyên bố của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng. Tuyên bố viết: “Lịch sử rồi sẽ phải công
khai sự thật số lượng người Việt Nam thương vong trong cuộc chiến chống Trung
Quốc xâm lược ở cuối thế kỷ 20, nhưng theo các nhà quan sát phương Tây ước
tính, thì quân và dân Việt Nam đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh biên giới
mà nguyên nhân là từ Trung Quốc cộng sản gây ra khoảng 100.000 người”.
Vâng, con số nói trên rõ ràng chưa được thẩm định. Ở một đất
nước mà phải sau 3 Nghị quyết của Bộ Chính trị, doanh nghiệp, người dân và xã hội
mới được phép “hội nhập toàn diện” với thế giới, thì việc trích con số mất mát
trong trận mạc chưa qua thẩm định rất có thể bị xử lý. Vẫn biết chẳng hy vọng
gì nhiều vào câu chữ trong EVFTA, tự do báo chí sẽ được bảo đảm ở Việt Nam, để
tính chuyện “chạy tội”. Đơn giản, phải chờ đến năm 2023, cam kết trong Hiệp định
ấy mới có hiệu lực pháp lý. Còn trên thực tế thì chưa biết đến “Tết Công gô”
nào mới có!
Nhưng chẳng nhẽ vì thế mà những nhà báo trung thực dịp này vẫn
“mũ ni che tai”? Tác giả bài này còn nhớ, dạo nọ, nhân tưởng niệm ngày 17/2, một
trang mạng hàng đầu ở Việt Nam có đặt bài về cuộc chiến tranh biên giới, nhưng
lại đưa ra yêu cầu là không được đề cập đến hai từ “Trung Quốc” trong bài viết.
Thật là tột cùng của mọi sự phi lý! Đỉnh cao của mọi sự vô liêm sỉ! Ngay như
17/2 năm nay, các báo hầu như “không giám chấp” hay là do “huý kỵ” đặc biệt, vẫn
tránh hai chữ “Trung Quốc” trong bài viết như tránh dịch Covid-19. Lần này,
cùng với GS. Trần Ngọc Vương, tác giả muốn đề xuất với các “sử gia” đáng kính 5
“cái nhất” mà những người viết bộ sử “chính thống” ấy không rõ vì lý do gì đã bị
ép quên hay tự lãng quên.
Thứ nhất, đợt tấn công phủ đầu trên toàn tuyến biên giới bắt
đầu ngày 17/2/1979 thực chất là một cuộc chiến tranh xâm lược có quy mô lớn nhất
nhưng lại diễn ra trong một thời gian ngắn nhất, tính đến thời điểm kẻ địch phải
tuyên bố rút quân (ngày 5/3/1979). Theo nhà nghiên cứu Lịch sử Lê Mã Lương, đấy
thực sự là cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Chưa bao
giờ chúng ta phải đối phó với một đội quân xâm lược nhung nhúc như thế! Địch
tung ra một lực lượng quân sự 600.000 lính, cùng các phương tiện chiến tranh hiện
đại, tàn phá 6 tỉnh biên giới phía Bắc trong gần một tháng. Tuy nhiên, chúng chỉ
tiến sâu vào được đất ta không quá 50km. Khác với các triều đại trước đây, mỗi
lần đánh ta, đa phần quân Tàu vào tận kinh đô. Ấy vậy mà, các sử gia chính thống
chỉ chép về chiến công hiển hách ấy có 290 dòng trên tổng số 103.000 dòng về
các sự kiện qua 70 năm của bộ sử chính. Số chữ về cuộc chiến chiếm chưa đầy
0,003% toàn bộ số chữ về các sự kiện từ 1930 đến 2000. Mỉa mai thay, các “sử
nô” đã viết về cuộc chiến tranh bi thảm ấy bằng những con chữ vô hồn nhất, với
nguỵ biện để bảo đảm trung tính và khách quan, vì chưa “thương lượng” xong với
các “sử gia bạn”.
Thứ hai, từ đòn đánh bất ngờ ấy, một cuộc chiến tranh đẫm
máu nhất đã diễn ra, như tài liệu từng tổng kết. Nhưng sử “chính thống” chép
quá sơ lược, thậm chí hầu như không viết gì về cuộc chiến từ 1984 đến 1989, nên
rất nhiều người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, vẫn không biết gì về mức độ ác liệt
của nó. Trên thực tế, chỉ riêng tại Vị Xuyên, Hà Tuyên giai đoạn 1984-1989,
Trung Quốc chết 15.178 quân, bị thương 17.757 tên. Ở khu vực này, có chỗ ta và
địch giằng co nhau từng mét đất biên cương. Việt Nam đã tổn thất 4.000 (có nguồn
ghi 5.000) sĩ quan, chiến sĩ và hơn 9.000 bị thương. Chỉ riêng một đêm
12/7/1984 mở màn chiến dịch tái chiếm các điểm cao, quân khu II thiệt hại hơn
600 cán ,bộ chiến sĩ. Có nguồn ghi ngày đó, trên các điểm cao ấy, các sư của ta
“mất” ít nhất 1200 người.
Thứ ba, cuộc chiến đẫm máu nói trên lại cũng là một cuộc chiến
dai dẳng nhất (kéo dài chục năm có lẻ) trong lịch sử cận đại Việt Nam. Như
tuyên bố của CLB Lê Hiếu Đằng, nếu định nghĩa chiến tranh xâm lược là một quốc
gia đưa quân đi giết người của đối phương để chiếm lãnh thổ, thì cuộc chiến
Trung Quốc xâm lược Việt Nam vẫn chưa kết thúc. Trung Quốc từng xâm lăng, bắn
giết người Việt Nam để chiếm Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/1/1974, tiếp đó dùng
tập đoàn Polpot xâm lược Tây Nam – Việt Nam, đặc biệt cuộc tấn công 6 tỉnh biên
giới phía Bắc từ 17/2/1979 đến 1989, vụ thảm sát binh sĩ, sĩ quan Việt Nam để
chiếm Gạc Ma và một số đảo đá thuộc Trường Sa ngày 14/3/1988, cho đến nay,
Trung Quốc vẫn đang chiếm giữ và xây các căn cứ quân sự trên đó.
Thứ tư, trong thời gian chiến tranh Trung – Việt 10 năm có lẻ
ấy, Trung Quốc đã vi phạm luật tù binh thô bạo nhất và đối xử dã man nhất với
thường dân. Quân Trung Quốc đã thảm sát hàng ngàn tù binh, đặc biệt là 64 cán bộ
chiến sĩ công binh Việt Nam ra xây đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, cùng với 2 tàu vận
tải vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng Biển Đông. Trung Quốc đã chiếm đảo Gạc Ma và
nhiều đảo đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho đến ngày nay. Trên
biên giới, lính Trung Quốc đã thảm sát dã man hàng ngàn thường dân, đặc biệt ở
Tổng Chúp, đã giết 43 phụ nữ, trẻ em rồi quăng xuống giếng ở Tổng Chúp, xã Hưng
Đạo, thành phố Cao Bằng, tháng 2/1979.
Thứ năm, một cái nhất nữa không thể không nhắc đến: Chưa có
một cuộc chiến tranh nào trong lịch sử Việt Nam được cả chính quyền lẫn các sử
quan “lãng quên nhanh nhất” và “bỏ chạy một cách kỹ lưỡng nhất” (từ của GS. Trần
Ngọc Vương). Bộ lịch sử 15 tập, dày hơn 10.000 trang, với khoảng 290.000 dòng,
trong đó dành cả chục ngàn dòng về cuộc chiến ý thức hệ từ 1954 đến 1975 – cuộc
chiến mà Trung Quốc đã “tận tình giúp” để ta “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối
cùng” – trong khi đó chỉ chép vẻn vẹn có mười một dòng về cuộc chiến chống
Trung Quốc xâm lược. Sau hơn 4 thập kỷ, người ta cố tình tung hoả mù lên tính
chính danh của cuộc chiến. Không giám gọi kẻ xâm lược là địch, các chiến sỹ ta
hy sinh thì khó khăn lắm mới được vinh danh là liệt sỹ. Chứ không phải chết
ngày hôm trước thì ngay hôm sau đã được truy tặng “Huân chương Chiến công hạng
nhất”. Quả là một kỷ lục về sự “nhập nhằng ý thức hệ!”
Từ những thiện nghĩ trên đây, có thể thấy cuộc chiến bảo vệ
tự do độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cho đến hôm nay vẫn chưa kết
thúc. Kẻ thù của ta không ai khác chính là kẻ chiếm Hoàng Sa của Việt Nam
19/1/1974, kẻ chủ mưu gây ra cuộc chiến đẫm máu hơn 43 năm trước ở biên giới
Tây Nam và 41 năm trước (từ 17/2/1979 – 1989) ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Ngày
nay, kẻ thù ấy vẫn ngang nhiên bám vào đường “lưỡi bò” để đòi chiếm 80% Biển
Đông, cho dù Toà Trọng tài của Liên hiệp quốc đã hoàn toàn bác bỏ.
Đúng như cảnh báo của CLB Lê Hiếu Đằng, với chiến lược “vành
đai con đường” Trung Quốc đã/đang bành trướng lãnh thổ, xâm phạm biển đảo và thềm
lục địa Việt Nam, không để Việt Nam hợp tác với các nước khác khai thác dầu khí
ở khu mỏ Cá Rồng Đỏ, Bãi Tư Chính. Kẻ thù đó ngày nay với “sức mạnh mềm” kinh tế,
văn hóa, chính trị… đã/đang lôi kéo được nhiều người mang dòng máu Việt Nam
nhưng vì cơ hội chính trị, tham lam quyền lực và vật chất, có nhiều người mang
danh trí thức cũng bị mờ mắt, bị lú lẫn, đã vô tình hay hữu ý làm tay sai cho kẻ
xâm lược đất nước mình./.
Có thể tham khảo thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét