Việt Nam ngày 14/8 tổ chức lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả
Phiêu tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú
Trọng và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi vòng hoa viếng.
Tang lễ ông Lê Khả Phiêu được tổ chức
theo nghi thức Quốc tang.
Ông là Tổng Bí thư Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa VIII (từ tháng 12-1997 đến tháng 4-2001).
Nhân dịp này, một số nhà quan sát
chia sẻ với BBC News Tiếng Việt quan điểm của mình về di sản hay dấu ấn của ông
Lê Khả Phiêu để lại, cũng như cảm tưởng, cảm nghĩ riêng.
Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình (cựu Trung
tá Quân đội Nhân dân Việt Nam): Tôi còn nhớ thái độ của ông cụ thân sinh của tôi (cựu Đại sứ
Việt Nam tại Trung Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh) đối với ông Lê Khả
Phiêu khi ông cụ còn sống, rằng lúc đầu khi ông Phiêu mới lên làm Tổng Bí thư,
ông có một số biểu hiện hăng hái chống tham nhũng thì ông cụ lấy làm hài lòng.
Ông lại là đồng hương Thanh Hóa nên
cụ đã vui vẻ chụp chung với ông ấy một bức ảnh. Cụ còn cho phóng to bức ảnh ấy
và để trong phòng khách của cụ.
Nhưng sau năm 1999, hiệp ước Phân
định biên giới Trung Quốc – Việt Nam được ký thì cụ đã gỡ bỏ tấm ảnh đó đi rồi.
Nhà báo tự do, blogger Nguyễn Hữu
Vinh (cựu Thiếu tá An ninh, Công an Việt Nam): Khái niệm “di sản” thường mang
ý nghĩa tích cực. Nếu đúng vậy thì theo tôi ông Lê Khả Phiêu không có thứ này.
Báo chí, theo lệ thường, cứ bàn về
“di sản” của ông, đại để là cũng có một số phát biểu nhắc nhở về chống tham
nhũng, nhưng trên thực tế không có mấy ấn tượng. Khi ông chấp chính, cũng có
Nghị quyết về chỉnh đốn đảng, nhưng hiệu quả thực thi không rõ. Hầu hết thời
gian sự nghiệp của ông là trong quân đội, để rồi giai đoạn cuối mới chuyển qua
công tác đảng, đó cũng là mặt hạn chế cho ông trong cương vị Tổng bí thư.
Một thứ nổi lên ở ông Lê Khả Phiêu,
nếu như được gọi là “di sản”, là quan hệ với Trung Quốc. Ông bị nhiều thông tin
rất bất lợi, kể cả giai đoạn còn bên quân đội. Tuy nhiên, do bản chất chính trị
Việt Nam được giữ “bí mật” ghê gớm, nên mọi đồn đoán có lẽ phải để hậu thế
“giải mật” và phán xét.
Mặt khác, cũng bản chất chính trị
Việt Nam là lãnh đạo, chịu trách nhiệm tập thể, nên nếu như có những nhân
nhượng với Trung Quốc liên quan lãnh thổ, lãnh hải, thì dù có trách nhiệm cao
nhất, ông Phiêu cũng phải được sự chấp thuận của Bộ Chính trị, thêm nữa còn là
của các “cố vấn” (những người dường như đã đặt ông vào cái ghế cao tột đỉnh,
rồi lại chính họ hạ ông xuống).
Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh (Đại học
Quốc gia Hà Nội): Theo quy định của Nhà nước, ông được ân hưởng nghi lễ quốc tang
vào ngày mai (14/8/2020). Làm đến Tổng Bí thư Đảng cầm quyền, tham gia mấy cuộc
chiến tranh liên tiếp, ông để lại một di sản nhiều mặt cho đất nước hôm nay.
Tôi biết ơn ông vì ông đã không ngăn
cản việc đưa Internet vào Việt Nam những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ
trước. Cuộc sống của chúng ta thay đổi to lớn nhờ được thụ hưởng thành quả của
cuộc cách mạng tin học mang lại.
Tuy nhiên, di sản quan trọng nhất TBT
Lê Khả Phiêu để lại là Việt Nam ký hai hiệp định biên giới trên bộ và trên biển
với Trung Quốc vào các năm 1999 và 2000. Cho tới nay, dân chúng chưa được thông
tin đầy đủ về toàn bộ các cuộc đàm phán giữa hai bên để đi đến phân định lại
biên giới Việt Trung. Nhiều nguồn tin nói Việt Nam mất hàng ngàn cây số vông
trên bộ và hàng triệu cây số vuông trên biển Vịnh Bắc bộ. Ải Nam Quan nay nằm
trong lãnh thổ Trung Quốc, một phần ba Thác Bản Giốc và những vùng đất khác nữa
cũng trở thành đất Trung Quốc!
Tại sao người Campuchia mượn bản đồ
do người Pháp vẽ và lưu giữ làm căn cứ xác định biên giới hai quốc gia, trong
khi chúng ta không thể làm như vậy khi đàm phán, phân định với Trung Quốc?
Thật đau lòng khi nhìn các bức ảnh
chụp người Trung Quốc đào lên và rời đi các cột mốc biên giới (bằng đá khắc chữ
Pháp và Hán) dựng sau Công ước Pháp – Thanh (1887).
Tôi cho rằng vấn đề này cần được thảo
luận rộng rãi, thẳng thắn và công tâm. Tôi tin con cháu người Việt sẽ còn trở
lại vấn đề này.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Theo tôi, ông ấy để lại di sản
tai hại cho đất nước và tiếng xấu muôn thuở cho bản thân ông.
Tuy nhiên, chỉ đến khi hồ sơ lưu trữ
của ĐCSVN được bạch hoá thì chúng ta mới đánh giá chính xác hơn về di sản của
ông Phiêu mà theo dư luận chung là xấu, mặc dù tuyên truyền của ĐCSVN thấy nói
toàn về cái hay.
Vấn đề tranh cãi nhất trong di sản
của ông Phiêu là vai trò của ông trong quan hệ với Trung Quốc, trong vấn đề
lãnh thổ và biên giới.
Học gì ở lãnh đạo
lớp trước?
Nhân dịp này, các nhà quan sát, bình
luận cũng nêu ý kiến về điều gì mà theo họ ban lãnh đảng cầm quyền và nhà nước
hiện nay nên học hỏi điều gì từ thế hệ lãnh đạo ‘tiền bối’ qua một vài thập
niên gần đây.
Bà Nguyễn Nguyên Bình: Khi ông Lê Khả Phiêu làm Chủ
nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội thì tôi đang làm ở bộ phận nghiên cứu về quân
đội Trung Quốc, tôi phát hiện bên Trung Quốc họ có chủ trương gọi là: “Đào tạo
nhân tài lưỡng dụng”, nghĩa là họ sử dụng thời gian hai năm nghĩa vụ quân sự để
đào tạo cho binh lính quân đội của họ hai kĩ năng, một là chiến đấu, hai là tay
nghề kĩ thuật về các ngành nghề sản xuất công nghiệp để sẵn sàng đón đáp ứng
yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài trong khi Trung Quốc mới được gia nhập
WTO (Tổ chức Thương mại Quốc tế).
Sau này ai cũng biết chủ trương đó đã
có tác dụng tốt, hàng triệu binh sĩ có tay nghề đó đã góp phần làm giàu cho Nhà
nước Trung Quốc để họ đã vỗ ngực là nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Vào cùng thời gian TQ đưa chủ trương
đó, nhận thấy nó cũng phù hợp với Việt Nam trong lúc Việt Nam cũng đang chuyển
đổi, mở cửa cho đầu tư nước ngoài, được dịp làm việc trực tiếp với ông Lê Khả
Phiêu, tôi đã báo cáo nội dung đó của Trung Quốc, mong ông lắng nghe và có thể
nghiên cứu vận dụng một cách thích hợp cho quân đội để đào tạo cho chiến sĩ
nghĩa vụ của Việt Nam…
Nhưng chẳng biết ông Phiêu có suy
nghĩ chút nào về đề xuất đó hay không mà chẳng thấy ông hồi âm gì cả.
Đến nay, tôi thấy hình như bỏ qua
việc như vậy cũng là bỏ qua một thời cơ đáng tiếc. Dù Trung Quốc có là thù hay
bạn, thì cái gì của họ là có hiệu quả, giúp ích được phát triển của đất nước
mình chứ?
Ông Nguyễn Hữu Vinh: Thứ cần rút kinh nghiệm trước
tiên với các nhà lãnh đạo chóp bu qua các thời kỳ là: Dân chủ trong đảng. Trong
một chính đảng độc quyền lãnh đạo, với đội ngũ 5 triệu đảng viên, quyền lực lớn
tới vậy, mà không có dân chủ trong tất cả các khâu trong nội bộ, thì làm sao có
được dân chủ trong dân.
Thứ hai, cần rút kinh nghiệm nữa là
chuẩn bị nhân sự. Trường hợp ông Phiêu, và có lẽ cả ông Nông Đức Mạnh, có vẻ
như họ không được chuẩn bị tốt, chuẩn bị từ lâu cho việc nắm giữ vị trí quyền
lực đó. Còn cách của ông Phiêu, cất nhắc quá nhiều những người đồng hương vào
bộ máy, hoàn toàn phản tác dụng, không xứng với tầm cỡ của một nhà lãnh đạo cả
một quốc gia.
Thứ ba, là Lòng dân. Như với ông Võ
Văn Kiệt, ông được lòng dân bằng tiếng nói và hành động, bằng những hiểu biết
sâu rộng, bằng thái độ lắng nghe và biết sử dụng người tài. Chẳng thấy vị lãnh
đạo nào có được một phần nhỏ như ông.
Sáng suốt mấy cũng
không bằng dân?
Ông André Menras (Hồ Kiên Quyết): Việt Nam hiện nay rất cần sự
thay đổi thật sự để phát triển, giải phóng tư duy, giải phóng tiềm lực sáng tạo
của rất nhiều nhân tài, bảo vệ toàn vẹn lãnh hải, lãnh thổ, đánh nạn tham nhũng
một cách hiệu quả.
Việt Nam cần dân chủ để thoát Trung.
Nhưng ở thềm Đại hội XIII, Đảng cộng
sản Việt Nam vẫn là đàn em phụ thuộc ĐCS Trung Quốc. Không dám kiện Trung Quốc
về Hoàng Sa, về Gạc Ma, không cho dân tưởng nhớ hàng vạn nạn nhân Việt của cuộc
xâm lược tại biên giới miền bắc…Cái chính sách « ba không » của Đảng theo tôi
chỉ có lợi cho Trung Quốc.
Nói tóm lại, chỉ thấy ở đây một phe
ngày càng bảo thủ mà thôi. Không thấy phe cải cách nào như ông Võ Văn Kiệt hồi
xưa, thật là “Vũ như cẩn” (vẫn như cũ) mà thôi!
Ông Nguyễn Quang A: Trong cái cơ chế quyền lực
không được kiểm soát minh bạch của vua hay vua tập thể (ĐCSVN) mà những người
nắm quyền lực có quyền quyết định lớn về người kế vị hay những người kế vị thì
ĐCSVN có rút kinh nghiệm cả trăm lần cũng chẳng giải quyết được gì!
Các ông Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Võ Văn
Kiệt xưa cũng vậy, ông Nguyễn Phú Trọng hiện thời cũng thế. Quyền lực vốn phải
ở nhân dân như họ nói, nhưng đảng Cộng sản Việt Nam đã cướp mất quyền đó của
nhân dân thì họ rút kinh nghiệm phỏng có ích gì.
Họ phải trả lại cho nhân dân quyền
quyết định chọn những người lãnh đạo của mình qua các cuộc bầu cử định kỳ, tự
do, cân bằng và minh bạch và phải tạo điều kiện cho các lực lượng chính trị đối
lập hoạt động một cách hợp pháp thì chắc chắn sự “rút kinh nghiệm” ấy sẽ có giá
trị.
Để buộc họ phải “rút kinh nghiệm” như
thế thì nhân dân phải lên tiếng, phải tổ chức nhau lại một cách ôn hoà, xây dựng
để “thực thi dân quyền” tức là thực thi tất cả các quyền được long trọng ghi
trong Hiến pháp hiện hành do chính đảng Cộng sản Việt Nam viết cũng như tất cả
các quyền dân sự và chính trị của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính
trị (ICCPR, một luật quốc tế) mà Việt Nam đã tham gia, đã phê chuẩn từ
24/9/1982.
Đó là kinh nghiệm lớn nhất đảng Cộng
sản Việt Nam nên rút ra, và nhân dân phải ép, gây áp lực 24/7 bằng cách “quyền
ta ta cứ làm” để buộc ĐCSVN phải “rút kinh nghiệm”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét