Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

Cơn ác mộng hạt nhân: Hai thảm họa khác biệt

Xuân Trường • 07:37, 06/08/20

Cách nay tròn 75 năm, vào ngày 6/8/1945, lần đầu tiên thế giới chứng kiến sức hủy diệt của bom nguyên tử được thả xuống hai thành phố Nhật Bản. Thứ vũ khí “tối thượng” này của quân đội Mỹ đã giúp nhanh chóng kết thúc Thế chiến II, và bắt đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử thế giới: Chạy đua và Răn đe hạt nhân.

Đã có rất nhiều ý kiến chỉ trích vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, bởi hậu quả và những di chứng khủng khiếp mà nó đã gây ra cho các thế hệ người Nhật. Các nhà phê bình không chỉ tranh luận hai vụ thả bom nguyên tử là vô nhân đạo và không cần thiết mà còn khiến hình ảnh nước Mỹ trở nên tệ hại. 

Năm 1986, con người lại phải hứng chịu thêm một thảm họa nguyên tử với mức độ còn kinh hoàng hơn: Nổ nhà máy điện hạt nhân nguyên tử Chernobyl tại Ukraine (Liên Xô cũ). Cùng chịu thảm họa hạt nhân, nhưng ngày nay hơn 3,3 triệu người đang sinh sống tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, trong khi một khu vực rộng lớn quanh nhà máy Chernobyl vẫn hoang vắng bóng người. Vì sao lại như vậy? 

Hiroshima – Nagasaki: Phát xít Nhật kháng cự đến cùng

Việc Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki đã khiến chính phủ quân phiệt Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện, và Thế chiến Thứ II kết thúc. Tuy nhiên, quyết định ném bom nguyên tử của Tổng thống Mỹ Harry Truman đã gây khá nhiều tranh cãi.

Dù vậy nhiều chuyên gia trong đó có Charles Maier, Giáo sư Lịch sử tại Đại học Harvard cho rằng, cần phải xét đến bối cảnh khi ấy. Thời điểm đó, có một niềm tin phổ biến tại Nhà Trắng rằng, người Nhật sẽ chiến đấu cho tới người đàn ông cuối cùng. 

Kinh nghiệm mất mát về thương vong của Mỹ tại hai trận chiến đẫm máu Iwo Jima và Okinawa, cùng với việc Nhật tăng cường sử dụng dàn phi cơ Kamikaze tấn công tự sát đã tạo ra những tác động tâm lý mạnh mẽ đối với các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ.

Nhiều nhà quân sự nhận định rằng, quyết định thả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki đã có tác dụng ngăn chặn đội quân tài phiệt Nhật Bản quyết kháng cự đến cùng, và có thể sẽ gây thương vong về nhân mạng lớn cho người Mỹ (ước tính 1 triệu người) và khoảng vài triệu người Nhật. Các trận chiến đẫm máu trên đảo Iwo Jima và Okinawa đã khiến hơn 88.000 lính  Mỹ và hơn 200.000 lính cùng thường dân Nhật Bản thiệt mạng.

Sau khi biết tin Nhật không sẵn sàng đầu hàng vô điều kiện, một số các nhà khoa học và trợ lý Bộ trưởng Chiến tranh John McCloy khi ấy đã ủng hộ phương án kích nổ vũ khí hạt nhân ở một số khu vực ít người để buộc Nhật Bản đầu hàng.

Thảm họa Chernobyl: Sai lầm nghiêm trọng

Đối với thảm họa Chernobyl, buồn thay khả năng này có thể phòng ngừa được nếu những người có trách nhiệm tại nhà máy không tắc trách. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, sai sót của con người chính là nguyên nhân dẫn tới thảm họa. Thiết kế không chính xác trong hệ thống làm mát của lò phản ứng đã dẫn đến vụ nổ phá huỷ lò.

Vào rạng sáng ngày 26/4/1986, các kỹ sư Liên Xô bắt đầu chạy thử nghiệm một tuốc bin ở lò số 4 ngày trước khi tắt máy phát điện để bảo trì. Để thực hiện cuộc thử nghiệm, họ đã dại dột vô hiệu hoá hệ thống làm mát lõi khẩn cấp và các thiết bị an toàn quan trọng khác. 

Một chuỗi các sai lầm sau đó đã xảy ra, dẫn đến sự tích tụ hơi nước khiến cho lò phản ứng quá nóng. Lúc 1h23 phút sáng, hai vụ nổ phát lửa đã nhanh chóng dẫn tới sự khởi đầu của một thảm họa hạt nhân khủng khiếp nhất trong lịch sử.

Những sai lầm nghiêm trọng của các nhân viên điều hành nhà máy cũng là tác nhân dẫn đến tai nạn. Họ đã vi phạm các nguyên tắc an toàn sản xuất và thực hiện một số động tác không được phép trong quá trình thử nghiệm thiết bị điện tại lò phản ứng số 4.

Phép so sánh khởi đầu của thảm họa

·         Thảm họa Hiroshima và Nagashaki: 

Trong tuyên bố Potsdam ngày 26/7/1945, Tổng thống Mỹ Harry Truman và các lãnh đạo phe Đồng minh kêu gọi Nhật Bản đầu hàng, đồng thời cảnh báo nước Nhật sẽ bị hủy diệt nếu không thực hiện yêu cầu đó.

5 ngày trước vụ ném bom nguyên tử đầu tiên, Mỹ đã thả hơn 5 triệu tờ rơi xuống Hiroshima và Nagashaki và 33 mục tiêu tiềm năng khác thông báo sắp có một cuộc tấn công xảy ra và cảnh báo người dân di tản.

Nội dung tờ rơi được viết bằng tiếng Nhật như sau:“Mong mọi người hãy đọc kỹ nội dung trong tờ đơn này, nó có thể giúp bảo toàn mạng sống của bạn cùng bạn bè thân quyến xung quanh. Vài ngày tới, bom Mỹ sẽ phá hủy trang bị vũ khí của quân đội Nhật Bản, bởi vì họ đang lợi dụng các vũ khí đó để tiến hành cuộc chiến vô nghĩa này. Hành động này của Mỹ không phải là nhắm vào người dân vô tội Nhật Bản, mà là tấn công không thương tiếc đối với những phần tử chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, những người đã biến người dân thành nô lệ, và Mỹ sẽ mang lại hoà bình thế giới, người dân sẽ không phải chịu cực khổ nữa, Nhật Bản cũng sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Mọi người hãy đọc nghiêm túc cảnh báo này, và sơ tán khỏi thành phố này ngay lập tức.“ 

Kèm theo đó, một đài phát thanh do Mỹ kiểm soát trên đảo Saipan đã phát đi một thông điệp tương tự cảnh báo người Nhật mỗi 15 phút một lần. Tiếc thay, chính phủ và người dân Nhật Bản đã không tin và phớt lờ.

·         Thảm họa Chernobyl:

41 năm sau, một thảm họa nguyên tử khác đã xảy ra. 1h23 phút rạng sáng ngày 26/4/1986 đã trở thành ngày định mệnh không những của người dân Liên Xô mà với nhiều nước châu Âu lân cận. Lò phản ứng số 4 của nhà máy điện Chernobyl phát nổ, đã “gửi” một chùm vật liệu phóng xạ cực cao vào bầu khí quyển.

Khoảng 55 tiếng sau thảm họa, những bằng chứng đầu tiên về một vụ rò rỉ phóng xạ cỡ lớn xuất phát từ nhà máy điện hạt nhân Forsmark của Thụy Điển. Nhà máy này nằm cách Chernobyl khoảng 1.100km đã ghi nhận bụi phóng xạ tại khu vực của họ. Thụy Điển đã ngay lập tức cho di tản nhân viên vì lo ngại rò rỉ xuất phát từ lò phản ứng của nhà máy.

Chính việc người Thụy Điển tìm kiếm nguồn gốc phát tán phóng xạ và xác định rằng nhà máy điện nguyên tử của họ không bị rò rỉ đã khiến mọi lo ngại đổ dồn về một tai nạn hạt nhân nghiêm trọng xảy ra ở phía tây Liên Xô. Đến chiều ngày 28/4, sự việc này đã được loan báo trên các kênh thông tin thế giới.

Dù vậy, Liên Xô vẫn bưng bít không chịu công nhận xảy ra sự cố tại Chernobyl. Dưới sức ép dữ dội của Thụy Điển, 65 giờ sau thảm họa, chính quyền Xô Viết mới chịu ra một bản tuyên bố vắn tắt trong 20 giây đề cập đến thảm hoạ trên bản tin thời sự: “Một tai nạn đã xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Một trong các lò phản ứng bị hư hại. Các biện pháp đang được thực hiện để giải quyết hậu quả. Những nạn nhân đang được cứu trợ. Chính phủ thành lập một uỷ ban về tai nạn này”.

Video thông báo đầu tiên về vụ nổ nhà máy Chernobyl của Liên Xô (~20 giây):

Từ “hư hại” không phản ánh đúng sự thật về việc một lõi lò phản ứng hạt nhân đang tan chảy, phát tán vô số chất phóng xạ vào khí quyển. Trong khi đó, cuộc sống của gia đình các công nhân nhà máy tại thành phố Pripyat, cách vụ nổ khoảng 2km vẫn diễn ra bình thường và họ chỉ nhận được lệnh sơ tán sau khi thảm họa xảy ra được 36 giờ.

Chernobyl: Vùng đất chết 

Có khá nhiều lý do khiến Chernobyl trờ thành “vùng chết” và một trong những lý do đầu tiên được liệt kê là do lò phản ứng không có lớp tường che chắn. Thay vì có một cấu trúc ngăn chặn hàng đầu bao gồm một lớp lót thép và lớp bê tông dự ứng lực, các nhà thiết kế lò phản ứng Chernobyl chỉ sử dụng cấu trúc bê tông nặng. Cú nổ đã thổi bay nắp lò nặng 16 tấn và bắn vào không trung một quả  cầu lửa khổng lồ.

Khi ấy trong lò phản ứng số 4 của nhà máy Chernobyl chứa khoảng 180-190 tấn nhiên liệu và các sản phẩm phân rã hạt nhân dioxit urani. Các nhà khoa học ước tính rằng khoảng 7-10 tấn nhiên liệu hạt nhân đã được phát tán ra không trung. Hơn 90.000 km vuông đất đã bị ô nhiễm nặng với những tác động tồi tệ nhất được cảm nhận ở Ukraine, Belarus và Nga. Không dừng ở đó, đám mây bụi phóng xạ theo gió lan rộng theo dải bán cầu bắc tới Tây Âu, Anh, Scotland và xứ Wales.

Trong nỗ lực vô vọng nhằm làm nguội lò phản ứng số 4 và khống chế hỏa hoạn không cho lan sang lò phản ứng số 3, những người lính cứu hỏa Xô Viết đã vội vã bơm một khối lượng nước khổng lồ vào lò phản ứng, đã khiến lượng lớn phóng xạ theo đó ngấm xuống mặt đất bên dưới lò.

Ngoài ra, các chuyên gia đều nhận định, trong vòng khu vực bán kính 30 km quanh nhà máy hạt nhân Chernobyl, đã bị ô nhiễm nặng bởi các đồng vị phóng xạ dễ bay hơi như Caesium-137, Iodine-131, Strontim-90, giải phóng năng lượng hạt nhân trong đó có 100% khí hiếm xenon và kryton, 55% chất phóng xạ i-ốt và khoảng 20-40% lượng xezi bị phóng thích dưới dạng dung khí.

Tổng cộng lượng phóng xạ thoát ra ngoài do sự cố này nhiều gấp 400 lần so với vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima. Ngoại trừ khu vực Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, trên toàn lãnh thổ châu Âu, người ta đều phát hiện ra bụi phóng xạ. Hơn nữa, ô nhiễm tại Chernobyl bao gồm nhiều loại hạt phóng xạ khác nhau hơn so với ô nhiễm ở Hiroshima và Nagasaki, và nhiều hạt trong số này có chu kỳ bán rã rất lâu dài. Do đó Chernobyl không còn là khu vực an toàn cho việc cư trú của con người.

Hiroshima – Nagasaki: Thành phố hòa bình

Không giống như Chernobyl, lượng vật liệu hạt nhân được sử dụng để hủy diệt hai thành phố Hiroshima và Nagasaki là tương đối nhỏ. Quả bom mang tên Little Boy “được” thả xuống Hiroshima chỉ chứa khoảng 6,04 kg uranium, trong đó có khoảng 1 kg uranium tham gia phản ứng hạt nhân. Tương tự, quả bom Fat Man hủy diệt Nagashaki chứa khoảng 7 kg Plutonium, nhưng chỉ có khoảng 1 kg Plutonium trải qua sự phân hạch hạt nhân.

Với lượng vật liệu hạt nhân thấp hơn nhiều, lại trải rộng trên một diện tích lớn hơn  – phát nổ trên không trung – là yếu tố khiến nồng độ ô nhiễm ở hai thành phố Hiroshima và Nagasaki thấp hơn nhiều so với Chernobyl. Cả Fat Man và Little Boy đều được kích nổ trên không trung, cách mặt đất hàng trăm mét, do vậy chất phóng xạ được phân tán bởi đám mây hình nấm thay vì ngấm vào lòng đất như vụ nổ Chernobyl. 

Theo thời gian, vật liệu hạt nhân được phóng thích và trải rộng trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki cuối cùng đã bị loại bỏ thông qua việc tái thiết thành phố và dưới tác động của thời tiết. Bằng cách xây dựng lại Hiroshima và Nagasaki, trong đó bao gồm việc phá sập và chôn vùi các tòa nhà bị bom nguyên tử phá hủy, người Nhật đã loại bỏ một lượng lớn chất phóng xạ bám trên đó. Ngoài ra, mưa và tuyết tan đã cuốn trôi và rửa sạch chất phóng xạ bám trên mặt đất, rồi đổ vào các con sông cuốn ra đại dương, khiến nồng độ phóng xạ được pha loãng đến mức rất khó đo được sự hiện diện của chúng trên bức xạ nền.

Hệ quả khác biệt

Trường hợp Chernobyl, sau nhiều năm mức bức xạ môi trường xung quanh cũng sẽ tiếp tục phân rã như Hiroshima và Nagasaki, nhưng vì vụ nổ thải ra một lượng vật liệu hạt nhân quá lớn, trong đó bao gồm những chất đồng vị phân rã lâu hơn nên Chernobyl không thể hồi sinh như hai thành phố Nhật Bản.

Một yếu tố nữa là ở Chernobyl, không chỉ có “quan tài” lò phản ứng đã trở nên cũ nát, có nguy cơ đổ sập, và rò rỉ phóng xạ, mà còn có những “nghĩa địa” lộ thiên của rất nhiều phương tiện cứu hộ – đã từng lao đến nhà máy điện làm nhiệm vụ đúng đêm xảy ra vụ nổ – vẫn nằm chỏng chơ trên mặt đất mà chưa được chôn. Rất nhiều xe tăng, máy bay, cần cẩu, xe vận tải cứu hộ bị nhiễm xạ nặng, từng được sử dụng trong chiến dịch dọn dẹp hậu quả vẫn đang phơi mình trong khu vực cách ly quanh lò phản ứng. Những tòa nhà bị bỏ hoang sau cuộc sơ tán khẩn cấp cùng nhiều đồ đạc nhiễm xạ đã góp phần cộng thêm yếu tố làm cho vùng đất này trở thành nơi nhiễm phóng xạ đậm đặc nhất trên thế giới.

Tròn 75 năm sau ngày Mỹ ném hai quả bom xuống Hiroshima và Nagasaki, cả hai thành phố đã hồi sinh một cách ngoạn mục. Với những nỗ lực tái thiết thần kỳ của người Nhật, nơi từng là đống đổ nát hoang tàn với 90% cơ sở hạ tầng bị tàn phá bởi Little Boy và Fat man xưa kia, nay đã đổi mình thành những thành phố phát triển xanh tuyệt đẹp.

Thống kê cho thấy, tỉ lệ mắc ung thư hiện nay ở cả hai thành phố Hiroshima và Nagasaki không có sự cách biệt là mấy so với các thành phố khác của Nhật Bản nói riêng và các nơi trên thế giới nói chung.

Với Chernobyl, sau 34 năm xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử loài người, cùng với chi phí dọn dẹp rác thải hạt nhân đắt đỏ đứng hàng thứ hai thế giới (52 tỉ đôla), nơi đây hiện vẫn là một khu vực điêu tàn hoang phế. Và giả dụ nếu bạn muốn cư ngụ tại đó, các nhà khoa học cảnh báo rằng, bạn sẽ có nguy cơ bị ung thư cao tới mức không thể đo đếm được.

3.000, 20.000 hay 100.000 năm nữa, chúng ta có thể sống ở Chernobyl?

Quan tài bê tông được xây phủ lên lò phản ứng số 4 trong điều kiện thi công vội vàng, giờ đã hư hại nặng tới mức chỉ cần một rung động nhẹ của Trái Đất hay những trận bão cũng có thể khiến trần của nó sụp đổ. Ước tính khoảng 95% nhiên liệu hạt nhân (khoảng 180 tấn) trong lò phản ứng tại thời điểm xảy ra vụ nổ vẫn còn lại bên trong quan tài này.

Để có thể “giam giữ” lượng phóng xạ có thời gian phân rã tới 100.000 năm này, việc xây dựng một quan tài có khả năng chôn vùi vĩnh viễn những thứ bên trong lò phản ứng số 4 rõ ràng là một thách thức cho nhiều nhiều thế hệ sau này.

Gần chục năm qua, người ta đã nỗ lực xây dựng quan tài thép mới nặng 32.000 tấn che phủ vòm bê tông cũ, đảm bảo vật liệu phóng xạ không rò rỉ vào không khí. Các bộ phận được lắp ráp ở Italy, sau đó vận chuyển tới nơi thi công bằng 18 con tàu và 2.500 xe tải, trở thành vật thể lớn nhất vận chuyển trên đất liền và hoàn thành trước năm 2023.

Quan tài thép này được kỳ vọng sẽ trụ vững trong vòng 100 năm, cho phép các công nhân có đủ thời gian để dọn dẹp khu vực, bao gồm làm sạch khu vực lò phản ứng ước chừng kéo dài đến hết năn 2065. Hiện nay các chuyên gia hạt nhân đang làm nhiệm vụ dọn dẹp hiện trường ước tính sớm nhất phải 3.000 năm nữa con người mới có thể quay lại đây sinh sống.

Phóng viên Eben Harrell và James Marson của Time viết rằng: “Do các đồng vị phóng xạ thoát ra trong một vụ nổ hạt nhân có thể phát xạ tới hàng chục nghìn năm nên việc dọn dẹp hiện trường không chỉ là việc của nhóm phản ứng đầu tiên mà còn là việc của các thế hệ sau hoặc sau sau nữa”.

Khi được hỏi bao giờ con người mới có thể quay trở lại sinh sống ở khu vực quanh lò phản ứng hạt nhân, Giám đốc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl Ihor Gramotkin trả lời: “Ít nhất phải 20.000 năm”.

Sergiy Parashyn, một kỹ sư làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl từ năm 1977 cho đến khi xảy ra thảm họa năm 1986 chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng chúng tôi đủ khả năng kiểm soát nguồn năng lượng hạt nhân tại nhà máy Chernobyl. Chúng tôi tin rằng, mình có thể buộc thiên nhiên phải cúi mình trước ý chí của chúng tôi. Không có gì chúng tôi không thể làm được. Tất nhiên, đến ngày hôm ấy, chúng tôi mới biết mình đã sai”.

Kết 

Ngày 6/8/1945 không phải là ngày duy nhất liên quan đến vũ khí hạt nhân, trong đó có một vài sự kiện đáng nhớ khác:

·         Ngày 12/12/1949: Liên Xô phong tỏa Berlin, đe dọa Thế chiến III. Nhưng nhờ răn đe hạt nhân của Hoa Kỳ, sự kiện này kết thúc trong hòa bình.

·         Ngày 27/7/1953: Chiến tranh Triều Tiên kết thúc một phần nhờ Tổng thống Eisenhower đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

·         Ngày 28/10/1962: Khủng hoảng tên lửa Cuba, Liên Xô đã đồng ý rút tên lửa hạt nhân khỏi Cuba nhờ Mỹ có ưu thế tên lửa liên lục địa (ICBM). 

·         Ngày 9/9/1989: Bức tường Berlin sụp đổ, và ngay sau đó dẫn tới việc  giải thể Hiệp ước Warsaw mà không cần tới NATO bởi do vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ răn đe. 

·         Ngày 21/12/1991: Giải thể hòa bình thể chế tà ác Đảng Cộng sản Liên Xô. Đây là sự kiện đặc biệt đáng ghi nhớ, bởi chưa từng có trong lịch sử nhân loại hiện đại, hai siêu cường thù địch trái ngược ý thức hệ đã kiềm chế thành công Chiến tranh Lạnh nhờ răn đe hạt nhân.

Ngày nay, lợi thế của Nga về tổng số vũ khí hạt nhân (chiến lược và chiến thuật), cùng số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc (không công bố) thì nước Mỹ đã tiến xa hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump với sự ra mắt của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ.

Xuân Trường

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét