Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

CHƯƠNG 5: CHUYỆN VUI VỀ TRIẾT GIA TRẦN ĐỨC THẢO

CHƯƠNG 5: CHUYỆN VUI VỀ TRIẾT GIA TRẦN ĐỨC THẢO 

Phùng Quán

A

Anh Cao Xuân Hạo, nhà ngôn ngữ học, bạn tôi từ mấy chục năm nay. Anh vừa là học trò, vừa là hàng xóm của triết gia Trần Đức Thảo, trước ở ngõ Hàng Chuối và sau này ở khu tập thể Kim Liên.

Anh kể:

- Mình đang ngồi dịch sách bỗng ngửi thấy mùi cháy khét. Nhìn sang buồng thầy Thảo, thấy khói tuôn ra các ngách cửa. Mình hốt hoảng xô cửa vào. Cả gian buồng mờ mịt khói. Lạ lùng nhất là thầy Thảo đang đứng bên cửa sổ, giữa đám khói, hai tay vung vẩy, miệng lẩm bẩm độc thoại, như đang trình bày một vấn đề gì đó với cả đám đông vô hình trước mặt. Mình gọi giật: "Anh Thảo! Anh Thảo! Buồng anh cái gì cháy thế?". Anh Thảo giật mình vẻ ngơ ngác như vừa bị đánh thức khỏi cơn mê ngủ: "Cháy à? Cái gì cháy; ở đâu nhỉ? Ờ… ờ… khói ở đâu mà nhiều thế?". "Thì khói ngay trong buồng anh chứ đâu". Mình xông vào giữa đám khói, tìm quanh gian buồng. Một lúc mới phát hiện ra cái bếp dầu nằm khuất sau tủ sách, trên bếp một cái xoong nhôm bị nung đỏ rực. Té ra thầy nấu cơm, cơm cạn, quên cả đậy vung, quên cả tắt bếp. Xoong cơm nấu một bữa ăn cả ngày, cháy thành than và đang bốc mùi mù khét lẹt. Phải vất vả lắm mình mới tắt được cái bếp dầu nóng rẫy, và bưng được cái xoong than cơm ra khỏi buồng. Mình không bưng thì thầy có thể dùng tay không mà bê cái xoong… "Anh đang làm gì mà mải mê thế?". Mình hỏi. Thầy gỡ cặp kính ra khỏi mắt, lau lau vào vạt áo, nói: "Mình đang chú giải một chương hết sức lý thú và quan trọng trong toàn bộ trước tác của Hê-ghen…". Rồi thầy ngồi luôn vào bàn viết… như không còn nhớ gì đốn vụ hỏa hoạn chết người suýt nữa xáy ra.

Thầy ở tầng gác ba. Các gian buồng ở khu tập thể được thiết kế rất giống nhau. Một buổi trưa thầy đi chợ về, tay xách cái làn đựng mớ rau muống, mấy bìa đậu phụ, chai nước mắm… Mới trèo lên đến tầng hai, thấy gian buồng cạnh cầu thang cửa khép hờ, thầy đẩy cửa bước vào; cửa buồng của thầy cũng thường khép hờ như vậy.

Người đãng trí thì thi thoáng cũng có thể vào nhầm buồng. Nhưng vừa bước vào họ đã nhận ra ngay. Thầy Thảo thì không. Mặc dầu vật dụng trong buồng này sang trọng gấp mười vật dụng trong buồng của thầy. Riêng cái giường của thầy, hẹp mà trải chiếc chiếu mốc meo. Còn buồng này giường rộng gấp đôi, trải vải hoa sặc sỡ. Thầy thản nhiên để cái làn xuống nhà, nằm lăn ra giường, mắt lơ đãng nhìn lên trần nhà, và thượng cả hai chân lấm bụi lên vải hoa. Chị chủ nhà quét tước ngoài hành lang, bước vào, trố mắt nhìn: "Anh Thảo vào chơi lúc nào mà em không để ý?". Thầy hơi ngẩng đầu lên, nhìn chị chủ nhà, mặt nhăn lại, nói: "Xin lỗi chị, tôi vừa đi về hơi mệt. Có gì cần trao đổi, mời chị đến chiều…". "Nhưng đây là phòng nhà em kia mà?". Thầy hốt hoảng ngồi dậy, nhìn quanh buồng, vẻ ngơ ngác: "Ừ nhỉ, chết thật! Đúng là tôi nhầm… Thành thật xin lỗi chị…".

"Một hôm, thầy gọi mình sang - Hạo kể - Tôi đọc em nghe cái này, rồi em góp ý kiến xem, tôi viết thế đã được chưa"… Mình chuẩn bị để nghe một thiên khảo luận triết học.

Nhưng té ra là một bức thư gửi Uỷ ban nhân dân khu phố và ban lãnh đạo khối phố. Thư được viết với văn phong chuẩn mực, chính xác của một thiên bút ký triết học. Nội dung tóm tắt của bức thư như sau: "Sau khi bố tôi mất, trong khu phố có dư luận Trần Đức Thảo đối xử với bố không tốt, bố ốm không thuốc men; chăm sóc không chu đáo nên bệnh tình ngày càng trầm trọng… Tôi xin thanh minh là dư luận đó không đúng. Tôi đã nuôi dưỡng bố tôi rất tận tình, lúc bố tôi ốm, tôi lo chạy chữa thuốc men đầy đủ, mặc dầu hoàn cảnh kinh tế rất eo hẹp. Nếu cần thiết, Uỷ ban cho người đến điều tra các hộ hàng xóm để xác minh ý kiến trình bày của tôi v.v…". Mình ngồi ngẩn ra, nhìn thầy và tự hỏi: "Không biết thầy đã điên chưa đây?". Mình hỏi: "Nhưng việc này cần thiết gì mà thầy phải mất công đến như vậy?". Thầy nhìn mình, mắt chớp chớp sau cặp kính trắng, có vẻ lấy làm lạ sao cậu học trò mình lại đặt ra một câu hỏi ngu ngốc thế? Thầy cẩn thận gấp bức thư đút vào phong bì, nói: "Việc này theo tôi rất cần thiết. Để chính quyền người ta khỏi hiểu nhầm đạo đức của người trí thức".

Sau ngày ông cụ mất ít lâu, thầy muốn dẹp bỏ những vật dụng thường dùng của bố, vì gian buồng quá chật chội. Nhưng một mình thầy không đủ sức chuyển những vật dụng khá nặng từ tầng gác ba xuống sân.

Một buổi trưa, thầy đi đâu về, thấy mấy chị buôn chè chai đồng nát ngồi túm tụm trên bãi cỏ, soạn xếp những vật dụng mua được. Thầy quan sát có rất nhiều thứ mà mình đang muốn bỏ đi. Thầy nói với các chị: "Tôi có một số đồ đạc bỏ đi giống những thứ này, nhưng không mang xuống được. Tôi muốn nhờ các chị khiêng giúp, có được không?".

Các chị vui vẻ nhận lời ngay. Giường, tủ buýp-phê, ghế đẩu, ghế tựa, chậu thau, chăn màn, áo quần, giày dép… được đưa xuống, chất thành một đống lớn. Các chị lại còn giúp thầy quét tước gian buồng khá tươm tất. Thầy rất cảm động trước lòng tốt và nhiệt tình của các chị. Thầy nói: "Tôi muốn phiền các chị mang những đồ đạc đó ra khỏi sân. Vứt ngổn ngang ở đó, bà con trong khu tập thể họ phê bình làm mất trật tự, vệ sinh công cộng. Tiền công bao nhiêu, các chị cho tôi biết". Các chị nói: "Chị em chúng tôi thấy hoàn cảnh bác neo đơn, dọn dẹp giúp bác, chẳng phải công xá gì đâu ạ". Một giáo sư đại học ở tầng trên, nhìn xuống đống đồ đạc dưới sân, tiếc ngẩn người: "Giường tủ, chăn màn còn tốt thế kia, sao ông ấy lại không nhờ mình khiêng giúp!". Còn thầy thì phấn khởi ra mặt vì khỏi tốn đồng tiền công nào mà giải quyết được một việc sức mình không sao giải quyết nổi.

Thầy gọi Cao Xuân Hạo sang xem gian buồng vừa được dọn sạch đồ đạc gật gù đắc ý: "Bà con lao động thật tốt, thật từ tâm, thật đáng kính trọng".

Dễ có đến hai năm tôi không đến khu tập thể Kim Liên. Lần này trở lại, tôi ngạc nhiên thấy cái quán của bà cụ móm dưới gốc xà cừ, mà mười năm trước tôi thường ghé hút thuốc uống nước, vẫn còn nguyên ở đó. Tôi vào quán uống chén rượu thay bữa ăn sáng. Bà cụ đang rôm rả nói chuyện với mấy anh xích lô, chắc là những khách quen… "Con cháu nhà tôi nó vừa sắm được cái ti vi màu nội địa. Tối hôm kia, bắt dây dợ xong, bật lên thấy đang chiếu cánh tang lễ một ông tên là gì gì Thảo đó. Người ta giới thiệu cái ông Thảo này là nhà triết học nổi tiếng thế giới, làm đến sáu, bảy chức, chức nào cũng dài dài là, chắc là toàn chức to được tặng huân chương Độc lập hạng hai. Ông ta sang tận bên Tây mà chết, cả Tây cả ta đều làm lễ truy điệu, toàn bộ cấp cao, có danh giá đến dự… Trong khu nhà B6 đằng kia cũng có một ông tên Thảo, nhưng lôi thôi nhếch nhác quá mấy anh công nhân móc cống. Mùa rét thì áo bông sù sụ, mùa nực thì bà ba nâu bạc phếch, quần ống cao ống thấp, chân dép cao su đứt quai, đầu mũ lá sùm sụp, cư ỡi cái xe đạp "Pơ-giô con vịt" mà mấy bà đồng nát cũng chê. Thật đúng như anh hề làm xiếc? Mặt cứ vác lên trời, đạp xem thinh thoảng lại tủm tỉm cười một mình như anh dở người… Một buổi trưa nắng chang chang, ông ghé vào quán uống cốc nước chè xanh, tôi hỏi: "Ông đi đâu về mà nắng nom vất vả thế… ế… ế…". Ông nói: Lên chợ Hàng Bè mua củi đun. Tôi hỏi: Thế củi ông để đâu cả rồi? Ông quay lại nhìn cái "poócbaga", mặt cứ ngẩn tò te. Chỉ còn có sợi dây buộc! Củi ná rơi đâu hết dọc đường, chẳng còn lấy một que… Nghĩ cũng tội, già ngần ấy tuổi đầu mà phải nấu lấy ăn, không vợ, không con… Đấy, cũng là Thảo cả đấy, mà Thảo một đằng thì chết danh, chết giá, còn Thảo này thì sống cơ cực trần ai". Bà cụ chép miệng thương cảm: "Một vài năm nay không thấy ông đạp xe ngang qua đây, dễ chết rồi cũng nên…".

Tôi uống cạn chén rượu, cười góp chuyện: "Cái ông Thảo mà bà kể đó chính là cái ông Thảo người ta chiếu tang lễ trên ti vi…". Bà già bĩu môi: "Ông đừng tưởng tôi già cả mà nói lỡm tôi!".

--------------------------------

1 Trần Đức Thảo (1917 -1993).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét