Đào Tăng Dực
Một cách tổng quát, vụ án Đồng Tâm phát
xuất từ sự tranh chấp đất đai giữa nhân dân xã Đồng Tâm và Tập đoàn Viễn thông
Quân đội Viettel thuộc Bộ Quốc phòng.
Tuy chi tiết phức tạp nhưng, vụ án Đồng
Tâm cũng như nhiều tranh chấp về đất đai khác giữa các dân oan và chính quyền
CSVN, đều phát xuất từ một điều khoản lạ lùng trong Hiến Pháp 2013.
Thật vậy, Điều 53 của Hiến pháp ghi rõ:
“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên
khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các
tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do
Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”
Đọc đến đây thì cả một bà nội trợ Việt
Nam cả ngày bận bịu cơm nước cho chồng con cũng biết rằng mình bị Đảng CSVN
lường gạt trắng trợn. Theo tinh thần của Điều 53 thì người dân chỉ sở hữu trên
danh nghĩa. Trên thực tế phải chấp nhận chính quyền, tức Đảng CSVN, quản lý
suốt đời. Thực tế cũng theo Điều 4 Hiến pháp thì Đảng CSVN độc quyền cai trị vô
điều kiện. Kết quả là Đảng CSVN tuyệt đối sở hữu đất đai của nhân dân.
Dương cao ngọn cờ “nhân dân làm chủ
nhưng nhà nước quản lý đất đai” là một sự sỉ nhục trắng trợn trí thông minh
của dân tộc vì trong thời đại tin học này, toàn dân đều ý thức rõ như ban ngày
là qua Hiến Pháp 2013, toàn dân bị tước đoạt tài sản và đảng CSVN là chủ nhân
ông toàn diện, vĩnh viễn và tuyệt đối từ đất đai đến sinh mạng con người trên
đất nước Việt Nam.
Trên nền tảng sở hữu toàn diện và quyền
năng toàn trị trị nêu trên, Bộ Chính Trị - Đảng CSVN ra lệnh cho công an, thanh
gươm sắt bén của đảng, tấn công và đàn áp đẫm máu toàn xã Đồng Tâm.
Kết quả là người lãnh đạo xã Đồng Tâm
là cụ Lê Đình Kình bị bắn chết, phanh thây. Hai người con trai bị cái gọi là
Tòa an Nhân dân kết án tử hình, cháu nội bị kết án chung thân và 16 người dân
xã còn lại bị các án hình sự khác.
Tuy nhiên, vụ Đồng Tâm không phải là
một tội ác bình thường do Đảng hoặc công an CSVN thường xuyên gây ra.
Đồng Tâm hội đủ các yếu tố để những
thành phần tội ác, từ nhưng sĩ quan công an liên hệ đến thành phần chóp bu như
Bộ trưởng công an Tô Lâm và ngay cả TBT kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, bị
truy tố về một trọng tội có tầm vóc kinh tởm nhất lịch sử loài người: Đó là tội
ác chống nhân loại. Tiếng Anh gọi là “Crime against humanity”.
Đây là một tội danh vốn dùng để xử các
nhân vật lãnh đạo Đức Quốc Xã năm 1945, nhưng sau đó vào năm 1998 được luật hóa
trong Bộ Luật La Mã của Tòa Hình sự Quốc Tế (Rome Statute of the International
Criminal Court).
Điều 7 Bộ Luật La Mã nêu trên ghi rõ
khi ứng dụng vào trường hợp vụ án Đồng Tâm như sau:
“1. Trong mục tiêu của Bộ Luật này,
“tội ác chống nhân loại” có nghĩa là những hành vi sau đây khi hành xử như một
phần của một sự tấn công phổ quát hoặc có hệ thống nhằm một nhân số dân sự, với
ý thức về sự tấn công:
a. Cố sát
e. Giam giữ hoặc những hình thức tước
bỏ tự do vi phạm những quy luật nền tảng công pháp quốc tế
f. Tra tấn
k. Những hành động phi nhân khác có bản
chất tương tự gây khổ đau, thương tích cho cơ thể, tinh tần hay sức khỏe vật
lý.”
Như thế, tội ác chống nhân loại không
phải là những tội giết người, diệt chủng bình thường mà phải hội đủ những yếu
tố sau đây:
1. Hành động tội ác phải có yếu tố tấn
công (attack)
2. Sự tấn công phải phổ quát
(widespread) hoặc có hệ thống (systematic) và
3. Nhắm vào một số người dân sự
(civilian population)
Sau khi phân tích các yếu tố liên hệ
thì rõ ràng vụ án Đồng Tâm hội đủ yếu tố thứ nhất khi công an CSVN huy động một
lực lượng gồm 3.000 công an vũ trang tấn công người dân xã Đồng Tâm với dân số
gồm cả đàn bà trẻ em lên khoảng 9.000 người, vào ngày 9 tháng 1, 2020.
Yếu tố thứ hai là yếu tố phổ quát hoặc
có hệ thống của tội ác cũng quá rõ rệt khi Kiểm sát viên thừa nhận Bộ Công an
có kế hoạch tấn công gọi là Kế hoạch 419A.
Sau cùng yếu tố thứ 3 về tính dân sự
của người dân xã Đồng Tâm thì không thể tranh cãi nữa vì họ không thuộc quân
đội.
Dĩ nhiên tầm mức tội ác của công an
CSVN và lề lối xử án của tòa án trong pháp chế xã hội chủ nghĩa, theo phương
thức “tru di tam tộc” đối với gia đình của ông Lê Đình Kình đã làm kinh động
lương tâm toàn dân Việt nói riêng và nhân loại nói chung.
Trở ngại hiện tại của nhân dân Việt là
pháp đình có thẩm quyền truy tố và xử các tội ác chống nhân loại là Tòa án Hình
sự Quốc tế tại The Hague, Hà Lan. Tuy tòa có thẩm quyền sẽ xử các vụ án từ 1
tháng 7, 2002 nhưng tòa chỉ có thẩm quyền đối với các bị cáo tại các quốc gia
đã phê chuẩn Bộ Luật La Mã của Tòa Hình sự Quốc tế. CSVN đã không phê chuẩn bộ
luật này.
Chính vì thế, một trong những hành động
đầu tiên của một chính quyền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên Việt Nam
hậu cộng sản là cấp tốc phê chuẩn Bộ Luật này, sau đó yêu cầu truy tố và nghiêm
xử tất cả mọi cá nhân phạm pháp trong vụ án Đồng Tâm, kể cả các thẩm phán tòa
án nhân dân CSVN liên hệ.
Nói cho cùng, hầu thể hiện quyết tâm
của dân tộc, nếu có những trở ngại về kỹ thuật, pháp lý hoặc chính trị khiến
Tòa Hình sự Quốc tế không thể phán quyết liên hệ đến vụ Đồng Tâm, thì một chính
quyền Việt Nam hậu cộng sản sẽ thông qua một sắc luật phản ảnh những đều khoản
căn bản của Bộ Luật La Mã nói trên, thành lập một tòa án đặc quyền và truy tố
theo luật định các cá nhân liên hệ về tội ác chống nhân loại ngay trên đất nước
Việt Nam.
Đ.T.D.
Nguồn: baotiengdan.com/2020/09/26
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét