Blog RFA
Nguyễn
Thị Từ Huy
21-10-2016
Đầu năm 2016, ngay trước đại hội XII của
đảng cộng sản Việt Nam , tôi
có viết một loạt bài đặt vấn đề về khả năng cải cách hệ thống chính trị ở Việt Nam . Lúc đó,
phải thừa nhận rằng tôi có đôi chút hy vọng khi diễn giải kết quả của đại hội
như là sự thắng thế của những lãnh đạo muốn giữ một sự độc lập nhất định với
Trung Quốc và muốn chống tham nhũng, mà dẫn đầu là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng
bí thư tái cử. Nhưng gần một năm đã trôi qua, trong khoảng thời gian đó bao
nhiêu thảm hoạ môi trường, thảm hoạ xã hội, đã xảy ra, mà không một dấu hiệu
nào cho thấy hệ thống lãnh đạo có mong muốn và có đủ khả năng cải cách. Trái
lại, người ta chỉ thấy sự gia tăng bắt bớ và đàn áp nhân quyền, đàn áp báo chí,
và gần đây nhất, mới ngày hôm qua, chính quyền còn đàn áp cả những người dân
khốn khổ, những người dân đã bị dồn vào chỗ không còn phương tiện sống.
Đến lúc này đã có thể nói rằng, vì không có
năng lực cải cách, hệ thống chính trị Việt Nam (vốn đã là nguyên nhân của mọi
sự suy thoái trong xã hội và là nguyên nhân của sự kìm hãm phát triển, kìm hãm
mọi phương diện) đã bước vào giai đoạn trầm kha với với vô số khối u đã đến hồi
di căn vô phương cứu chữa. Nhìn đâu trong xã hội cũng thấy vấn đề : giao
thông ư ? y tế ư ? môi trường ư ? kinh tế ư ? khoa học ư ?
sản xuất ư ? giáo dục ư ? Có lĩnh vực nào là không có lời oán thán
vang lên dậy đất ? Biển chết, đồng bằng khô cạn, trong khi thành phố lại
ngập lụt, bão lũ tàn phá, nhà máy thuỷ điện xả lũ khiến dân phải chết, cá không
chỉ chết vì nhà máy thép xả chất độc xuống biển miền trung, hàng tấn cá còn
chết trắng cả thủ đô, và nhiều nơi khác trên đất nước. Cá chết vì độc tố, và
người chết vì ung thư do hàng ngày đưa chất độc vào người thông qua thực phẩm.
Một hệ thống chính trị bất lực và thất bại.
Uy tín của đảng cầm quyền đã sa sút tận đáy. Chỉ cần phân tích một ví dụ, trong
vô vàn ví dụ, để làm dẫn chứng cho sự bất lực của hệ thống: ví dụ về việc
chống tham nhũng.
Thất bại trong việc chống tham nhũng không
chỉ biểu hiện ở chỗ một tội phạm tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh có thể trốn
thoát một cách dễ dàng. Mà giả sử có bắt được Trịnh Xuân Thanh thì việc chống
tham nhũng cũng vẫn sẽ thất bại như thường. Bởi vụ xử Trịnh Xuân Thanh, nếu có
thể xảy ra, chỉ thành công khi chính quyền dám đưa ra toà tất cả những yếu tố
liên quan, từ người lái xe cho ông Thanh, chủ sở hữu của cái xe hơi đắt tiền do
ông Thanh sử dụng, đến người bố có cái công ty đã đứng tên căn biệt thự xa hoa
do ông Thanh sử dụng, đến cấp trên của ông Thanh là ông Đinh La Thăng, đối
tượng trong nhiều bài viết trên blog của nhà báo Huy Đức trong đó ông Huy Đức
đã vạch ra cụ thể những gì ông Thăng đã làm. Và ông Đinh La Thăng là uỷ viên Bộ
chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất nước, nơi quyết định mọi vấn đề của quốc
gia. Loạt bài của nhà báo Huy Đức đã chạm trực tiếp đến uy tín của Bộ chính
trị. Để xử vụ Trịnh Xuân Thanh còn phải đụng đến tất cả các nhân vật quan trọng
tại những nơi ông Thanh từng làm việc, không chỉ Dầu khí, Bộ Công thương, Tỉnh
uỷ tỉnh Hậu giang, mà còn phải đụng đến cả các nhân vật đã ký duyệt thuyên
chuyển công tác cho ông Thanh, sau tất cả những sai phạm mà ông đã thực hiện,
đó là Ban tổ chức Trung ương. Nếu luật pháp không xử được tất cả các đối tượng
liên quan, thì Trịnh Xuân Thanh có quyền nói rằng ông ta bị oan, bởi ông ta
không tham nhũng một mình. Còn người dân thì không nhìn vụ việc như là một vụ
chống tham nhũng, mà như là một vụ thanh trừng phe cánh trong đảng. Vì thế, nếu
không xử được đến tận mắt xích cuối cùng có liên quan đến vụ việc thì không thể
coi đó là một thành công, dù có bắt và xử Trịnh Xuân Thanh. Vậy, ông Đinh La
Thăng có bị đưa ra xử không ? Ban tổ chức Trung ương có bị đưa ra xử
không ? Nếu ông Thăng bị xử và khai ra những người khác, cao hơn ông ta,
thì những người đó có bị xử không ?
Tham nhũng là con đẻ của hệ thống chính trị
độc tài độc đảng, trong đó luật pháp chỉ là công cụ của đảng cầm quyền. Và một
khi pháp luật chỉ là công cụ cho một đảng phái thì nó đánh mất vai trò, đánh
mất giá trị, và đánh mất hiệu lực của nó. Tham nhũng chỉ có thể bị hạn chế hoặc
được giải quyết khi có một nền luật pháp công minh. Một nền luật pháp công minh
lại không thể tồn tại trong chế độ độc tài độc đảng. Toàn bộ sự luẩn quẩn này
cho thấy rằng hệ thống chính trị độc đảng hiện tại của Việt Nam là nguyên
nhân đẻ ra tham nhũng và tự nó, bản thân hệ thống, không thể giải quyết vấn đề
tham nhũng. Bằng chứng là đã xử Vinashin, Vinalines, nhưng, mượn cách nói của
Huy Đức, các nhân vật như Trịnh Xuân Thanh và đồng chí của ông ta lại cho ra
đời những Vinashin, Vinalines khác, trong khi mà các nhân vật hưởng lợi lớn nhất
từ các vụ tham nhũng thì lại không thể đụng tới. Càng chống tham nhũng, càng
thất bại, tham nhũng càng phát triển và mang những bộ mặt mới, những hình thái
mới.
So sánh một chút để thấy rằng, nếu Thủ tướng
Manuel Valls của Pháp mà ký quyết định thần tốc một cách mờ ám cho phép một
công ty huỷ hoại môi trường cỡ Formosa
hoạt động thì ông ta đã phải bị toà án sờ gáy từ lâu. Nicolas Sarkozy, sau khi
rời khỏi ghế tổng thống liền bị gọi ra toà nhiều bận, dù rằng cho đến lúc này
toà vẫn chưa có bằng chứng cho các nghi ngờ về sai phạm tiền bạc của ông ta, và
vì thế ông ta vẫn ra tái tranh cử tổng thống. Nhưng giả sử các bằng chứng được
thu thập thì ông ta nhất định vẫn sẽ phải hầu toà.
Đó là sự khác biệt căn bản giữa một nhà nước
pháp quyền như Cộng hoà Pháp và một nhà nước đảng quyền như Việt Nam . Toà án
Việt Nam bất lực, không thể sờ gáy các lãnh đạo cao cấp, vì họ được đảng độc
quyền bảo trợ.
Tham nhũng sẽ tiếp tục là căn bệnh ung thư
huỷ hoại dân tộc chừng nào quyền lực tuyệt đối còn nằm trong tay một đảng chính
trị duy nhất, chừng nào còn chưa có tam quyền phân lập. Chừng nào mà cả ba
nhánh quyền lực còn bị chi phối bởi sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng thì chừng đó
mọi thứ vẫn còn tiếp tục suy thoái, tha hoá, và như những gì mà cựu Phó ban
Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng đã nhìn thấy : nếu quyền lực tuyệt đối
của đảng không bị kiểm soát thì đảng tất yếu sẽ suy thoái hơn nữa, và sự suy
thoái của đảng sẽ dẫn tới sự sụp đổ chế độ.
Nói những điều trên để dẫn tới nhận định
rằng thất bại trong việc quản lý, điều hành và giải quyết các vấn đề đất nước
là điều không thể tránh khỏi khi mà Việt Nam vẫn duy trì mô hình chính trị
độc tài độc đảng hiện tại. Đây là một tình thế đau xót mà chúng ta phải hình
dung, bởi vì đó có thể là thực tế chờ đợi chúng ta : trước khi chế độ sụp đổ
thì môi trường có thể đã bị huỷ hoại hết, dân có thể đã mất hết đường
sống ; nghĩa là dân tộc có thể phải chịu nhiều hậu quả quá nặng nề trước
khi chế độ sụp đổ.
Người Việt Nam , muốn tự cứu mình, không thể
ngồi chờ chế độ sụp đổ.
Thất bại không thể tránh khỏi của chính
quyền đương nhiệm, của đảng cầm quyền đương nhiệm, đòi hỏi ở Việt Nam phải hình
thành những đảng phái chính trị khác, những đảng chính trị có khả năng giải
quyết các vấn đề của quốc gia, có khả năng cứu nước, cứu môi trường, cứu dân
tộc khỏi thảm hoạ diệt vong. Đòi hỏi này giờ đây đã là một đòi hỏi cấp bách,
trước tình thế tuyệt vọng mà cả nước đang lâm vào hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét