Mai Tú Ân
Cuộc biểu dương lực lượng
của bà con giáo dân ở trước cửa công ty Formosa đã thành công tốt đẹp bởi sự
thắng lợi trong tầm mức của một cuộc đấu tranh ôn hòa bất bạo động. Nhưng vẫn
có những bài học mà chúng ta phải rút ra từ trong thắng lợi này và làm nền tảng
cho những cuộc xuống đường khác trong tương lai...
Trong cuộc biểu dương lực
lượng ngày 2/10/2016 thì hẳn các cha xứ cùng giáo dân không hề có ý định tấn
công các lực lượng Cảnh sát Cơ động đang đứng thành một hàng rào để bảo vệ bức
tường rào của Formosa ở đằng sau. Có lẽ cuộc biểu dương lực lượng của bà con
giáo dân và lương dân đã đến đúng điểm cần đến, cho một cuộc mitinh rầm rộ khí
thế nhưng hoàn toàn ôn hòa trên tinh thần bất bạo động Thiên Chúa Giáo. Và đấy
cũng là một chiến thắng không có gì phải bàn cãi cho những người biểu tình khi
họ đến được nơi cần đến, và thể hiện khí thế ở nơi cần thể hiện khí thế.
Nhưng trong diễn tiến thì
có một nhóm người nhỏ, có Trời biết họ là ai nhưng chắc chắn không phải là
những giáo dân trật tự được dẫn dắt bởi linh mục Phêrô Trần Đình Lai, đã tấn
công hàng rào Cảnh sát Cơ động bằng ném đá. Trong số người tấn công nhỏ này, có
thể là những ngư dân phẫn uất, hay những người bị thản họa Formosa gây khốn
đốn, mà cũng có thể lại chính là người của chính quyền, công an cài cắm vào
hàng ngũ của người biểu tình để tìm cách gây bạo lực, bạo loạn, cũng như gây
mọi cớ để đổ thừa cho người biểu tình, để chính quyền ra tay đàn áp. Chẳng có
gì là quá đáng khi ta nói đây là một chiêu bài quen thuộc của những người cộng
sản trong suốt sự nghiệp "dựng nước và giữ nước" của họ. Và cái cái
cách cho người của họ vào cài cắm và tấn công cảnh sát của họ để kích động bạo
lực là chuyện họ sẵn sàng làm ngay, nếu cần.
Trở lại cuộc biểu tình ở
Formosa thì ta thấy làm lạ là lịch xuống đường đã công khai trước đó mấy ngày
nhưng lực lượng đối phó thì lèo tèo vài chục đến hơn 100 người và lọt thỏm giữa
hàng ngũ đông đảo của người biểu tình. Không biết ý đồ của những người thực thi
pháp luật hôm đó nhưng vẫn có dư luận cho rằng họ định “thí" số Cảnh sát
Cơ động ít ỏi đó hoặc "thí" ngay cả Formosa để mưu việc lớn. Ngay cả
hàng rào có lớp Cảnh sát Cơ động của họ cũng đứng dàn hàng ngang chỉ có một lớp
người mỏng manh trước số rất đông người biểu tình. Điều này ngược lại hoàn toàn
với qui tắc chống biểu tình đông người là phải có nhiều lớp Cảnh sát Cơ động,
mỗi lớp phải có nhiều hàng người gắn kết và hỗ trợ chặt chẽ cho nhau để bảo vệ
hàng rào. Nên khi bị ném vài hòn sỏi, vì cũng chẳng có đá để mà ném thì hàng
ngũ Cảnh sát Cơ động này co cụm rồi chạy biến mất. Formosa thất thủ. Dân tràn
lên, leo lên rào và hò reo. Nhưng các cha xứ đã ban hành lệnh rút quân sau khi
đạt thắng lợi, và đương nhiên làm thất bại thảm hại âm mưu nào đó, nếu có của
chính quyền.
Tôi tin rằng các cha xứ dẫn
dắt không bao giờ ra cái lệnh ném đá và đa phần, nếu không phải là tuyệt đối số
giáo dân đều không làm chuyện đó. Chắc chắn không ai lại tấn công lực lượng
công an chỉ để tiến chiếm lấy cái hàng rào cả. Ta có thể nghe tiếng các người
lãnh đạo cuộc biểu tình luôn la thét coi chừng những kẻ lạ mặt ném đá vào cảnh
sát. Giáo dân phải ngồi xuống để phát giác những kẻ trà trộn.
Ta hãy xem một đoạn trích
trên đài BBC tường thuật vụ này:
Linh mục Phêrô Trần Đình
Lai nói người dân: "Không được ném chai lọ, không được ném đất",
..."không được bạo động, tất cả ôn hòa".
"Cảnh sát không được
đánh dân, dân và cảnh sát không được xô xát," ông Lai nói khi cuộc xô xát
ngắn dừng lại.
Vị linh mục này phát biểu
cuộc biểu tình là để "đòi hỏi những người đã gây ra thảm họa này phải bồi
thường công bằng, trả lại môi trường xanh sạch cho dân tộc".
"Người dân đứng ở cổng
chính Formosa, trèo lên tường treo các băng-rôn khẩu hiệu, nhưng không có cuộc
đập phá nào, không ai đập phá,” BBC
Và cũng gần như ngay sau
đó, lực lượng giáo dân đã có lệnh rút lui, và các thành phần khác trong đoàn
biểu tình cũng rút theo giáo dân. Như vậy rõ ràng là đã lệnh ôn hòa từ người
biểu tình để đáp trả xứng đáng thái độ ôn hòa của các lực lượng an ninh trong
ngày 2/10/2016 đó. Nói một cách văn vẻ thì không ai đã vượt qua lằn ranh Đỏ của
ngày hôm đó, và cuộc biểu tình đã thành công tốt đẹp.
Biểu tình, xuống đường là
sự thể hiện quyền lợi không thể bàn cãi của đông đảo người dân, hành động để
phản đối, hay ủng hộ một việc nào đấy thiết thực với họ. Nếu không gặp phải sự
trấn áp, phá hoại của chính quyền thì nó cũng không bao giờ biến thành bạo động
hay mất kiểm soát mà mãi chỉ là các cuộc xuống đường hòa bình của lòng dân.
Người dân tham gia xuống đường để thể hiện tiếng nói của mình, và vì những điều
thiết yếu đến cuộc sống của họ chứ không phải do ai hay cái gì kích động cả. Đa
phần họ đều là những công dân tôn trọng pháp luật, và nếu là giáo dân thì đều
là những người kính Chúa, yêu nước... Họ xuống đường để đề đạt nguyện vọng với
chính quyền và cũng như thể hiện sự phản đối hòa bình với chính quyền và tất cả
đều muốn mọi sự diễn ra trong bình an, yên ổn. Chính quyền nên xem mỗi lần có
đông đảo người dân xuống đường như là một "dịp may" để nhìn lại mình,
để xem lại cách hành xử của mình chứ đừng vì nỗi sợ hãi nào đó mà hành động
ngược lại với ý chí của người dân.
Bởi nâng thuyền là dân mà
lật thuyền cũng là dân...
M. T. A.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét