Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Lưu một loạt bài nói về giáo dục ( 1 )

Võ Tòng Đánh Mèo
Hôm ấy là buổi đầu tiên tôi đi làm. Có vẻ tôi hợp với công việc này thì phải, bởi vừa chống xe, ngồi chưa nóng chỗ, đã có khách tới ngay.
- Chào anh! Anh đi đâu lên em chở ạ? Mở hàng em lấy rẻ thôi!
Gã khách mặc chiếc áo phông sờn, chắc gia đình đang có chuyện gì buồn nên mặt đầy vẻ giận hờn. Gã với lấy chiếc mũ bảo hiểm đang treo trên con Wave ghẻ của tôi rồi bảo:
- Chở tao tới bệnh viện!
- Dạ! Bệnh viện nào ạ?
- Bệnh viện nào là tùy mày, vì người nằm viện là mày!
Dứt lời, gã chồm lên, phang cái mũ bảo hiểm vào đầu, vào mặt tôi tới tấp, vừa phang gã vừa chửi té tát:
- Thằng chó! Dám đón khách ở đây à? Mày có biết đây là địa bàn của ai không? ĐKM mày!
Tôi dính đòn bất ngờ thì choáng váng, xiêu vẹo rồi khuỵu xuống ôm đầu chịu trận… Sau đó, tôi nghe tiếng chân người chạy tới rầm rập, tưởng có dân phòng đến cứu, nào ngờ lại là mấy tên xe ôm đồng bọn của cái gã đang đánh tôi. Tất nhiên, khi biết tôi là thằng đang tranh miếng cơm của chúng thì chúng đồng loạt xông vào đấm đá tôi. Đặc biệt, có cái gã mặc chiếc áo sơ-mi màu ghi in hình mèo Hello Kitty còn rút hẳn cái côn nhị khúc ra. Nhìn gã, tôi há mồm ngỡ ngàng, không hẳn vì sợ, mà vì thấy gã ta quen quá, rồi đúng lúc gã vung côn lên định vụt tôi thì tôi đã nhớ ra và hét lên:
- Anh Giang "đẫm"! Anh Giang "đẫm"!
Nghe tôi gọi tên, anh Giang "đẫm" khựng lại, buông cái côn thõng xuống, ngác ngơ. Có lẽ mặt mũi tôi te tua bầm dập do vừa bị đập nên anh chưa nhận ra…
- Em Du đây! Du "kệ", K53, Đại học giao thông vận chuyển đây!
Lúc này thì anh Giang "đẫm" mới vỡ òa. Anh quẳng cái côn đi, lao tới đỡ tôi dậy, lau những vệt máu từ những vết bầm xước đang chảy ra ri rỉ trên mặt tôi. Anh em nhận ra nhau vừa xót xa, vừa mừng mừng, tủi tủi. Anh Giang "đẫm" học cùng Đại học giao thông vận chuyển với tôi, anh là thủ khoa K49 còn tôi thủ khoa K53. Anh em quen nhau vì gặp nhau liên tục trong những lần trường tổ chức gala trao bằng khen và phần thưởng cho những sinh viên xuất sắc.
Sau khi hỏi chuyện, biết tôi tốt nghiệp đã lâu mà vẫn đang thất nghiệp, phải chạy xe ôm kiếm sống thì anh Giang "đẫm" rất thương và cảm thông. Anh bảo tôi cứ ra đây chạy xe cùng anh và mọi người, anh em đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Tôi nghe vậy thì mừng quá nhưng rồi lại liếc ánh mắt e dè nhìn quanh một lượt mấy gã xe ôm vừa hùng hổ lao vào đập tôi. Anh Giang "đẫm" thấy vậy, hiểu ý liền, nói ngay:
- Đừng lo! Các anh em đây đều là những người có trình độ đại học và trên đại học cả, chứ không phải là mấy thằng ất ơ đầu đường xó chợ, khi biết em là em của anh rồi, họ sẽ không gây khó dễ cho em nữa đâu!
Vậy là từ hôm ấy, tôi ra đấy đón khách cùng các anh. Biết tôi là nhân viên mới nên những cuốc nào đường đẹp, dễ đi, ít công an, các anh đều nhường cho tôi chạy. Các anh còn dạy tôi cách đi vòng vèo kéo dài lộ trình hòng tăng cước phí, rồi chỉ tôi cách phân biệt khách khôn khách gà để còn hét giá…
Đã có lúc tôi nghĩ cái bằng đại học của mình là vô giá trị và những thời gian, tiền bạc bỏ ra cho những năm tháng đại học ấy là lãng phí. Nhưng giờ tôi mới hiểu rằng không phải vậy, bởi nếu không học đại học thì sao tôi quen được với anh Giang "đẫm", mà không quen với anh Giang "đẫm" thì hôm đó tôi đã bị anh và đồng bọn của anh đập cho bê bết như một thằng trộm chó rồi, chứ sao được yên ổn sống, lao động và đem những kiến thức mình đã học trên ghế giảng đường mà cống hiến cho xã hội như bây giờ?

Giáo dục và quan lại

FB Le Dung
Yahoo blog xưa có một người chơi mà tôi thích, đó là Trương Đình Anh. Thông minh, khác lạ, ngắn gọn, lạnh lùng, sâu sắc, chín chắn và kiêu ngạo. Ngoài kiểu "khẩu dâm" của Nguyễn Quang Lập có đông người tụ tập với tuyên ngôn đại loại một ngày không chửi tục lấy một câu thấy nhạt mồm, và chủ yếu đưa một số bộ phận phụ khoa của đàn bà để làm tình tiết cho câu chuyện mua vui của mấy chị xồn xồn, thì kiểu blog như của Trương Đình Anh chỉ có một nhúm người chứ không phải cả trăm ngàn người như facebook bây giờ.
Trương Đình Anh ngông cuồng, tài năng và khác biệt. Tôi rất kính trọng điều đó. Cái cách anh trưởng thành từ ghế nhà trường đến thành công của internet và FPT Telecom cũng khác biệt, ngay từ cách không có bằng ĐH khi tham gia vào VCB, và sau này xây dựng FPT internet. Tuy nhiên, đến khi anh kể chuyện anh có một cuộc đối thoại với Võ Văn Thưởng thì tôi nhìn anh khác hẳn. Nó không hẳn là coi thường, nó không hẳn là sụp đổ một phong cách sống, một lòng tự trọng tối thiểu cần có của người làm chuyên môn và có đam mê hoài bão. Mà nó giúp tôi nhận ra sản phẩm chung của giáo dục về nhân cách sống.
Cuối 2006, Thưởng được bầu làm bí thư thứ nhất trung ương đoàn, đã có một cuộc điện thoại cho Trương Đình Anh. Cũng tầm đó, Trương Đình Anh được vinh danh gương mặt trẻ tiêu biểu. Theo kể, thì anh rất trân trọng khúc dạo đầu của lời mời gọi đó. Vì là đồng trang lứa. Vì cùng mong muốn cống hiến cho đất nước theo cách của mình. Vì cùng thế hệ "trẻ". Vì sẽ có những sân chơi rộng lớn hơn sân FPT để anh thi triển tài năng. Nhưng. Cao trào sau khúc dạo đầu đã không xảy ra vì một số lí do tế nhị, anh "an phận" ở lại sân khấu nhỏ nhoi FPT để hoàn thiện nốt vai diễn cuộc đời mình.
Tôi nhảy vào còm, bảo, tôi nghĩ tầm anh không tự làm được thì anh vẫn là một kĩ thuật gia, một lập trình viên, một người tài tay làm hàm nhai, việc gì anh phải khuất thân cúi đầu trước một kẻ học vấn mù mờ, thành tích đóng góp cho xã hội không có? Anh học khối A cơ mà, và anh ta dù cử nhân triết, nhưng không phải là Trần Đức Thảo.
Các cụ ạ, đến một thời điểm không may nào đó trong đời, các cụ bắt buộc phải nhìn thấy, đối diện với, và chấp nhận một người cao ngạo như Trương Đình Anh lại có thể cúi đầu trước giấc mộng của mình và phấn chấn, khấp khởi bởi lời hứa hẹn, mời gọi của Võ Văn Thưởng để rồi buông tiếng thở dài trên mạng. Họ cùng tuổi nhau và tôi thấy so với Võ Văn Thưởng, Trương Đình Anh có quá nhiều thứ để tự hào. Sao anh ta lại có thể "lìa bỏ" nó, lìa bỏ cái tôi, lìa bỏ lòng tự trọng của mình một cách dễ dàng thế?
Với tư duy của mình, tôi không có lòng tin cho những người đàn ông xuất thân từ khối C mà không có chuyên môn nghề nghiệp rõ ràng. Khi họ không có chuyên môn, anh lìa bỏ cái vị trí sáng láng trong chuyên môn của mình để đi theo tiếng gọi lổn nhổn của họ, đó là một sai lầm. May cho Trương Đình Anh là sau đó Võ Văn Thưởng đã "đổi ý".
Trương Đình Anh không là một sinh viên giỏi mà là một sinh viên dạng cá biệt của trường kinh tế quốc dân. Nhưng cá nhân tôi, thích người "tự giỏi" như anh ấy chứ không phải cái giỏi của trường "ban cho". Cũng như thích cái "giỏi" của anh ta chứ không thích cái "giỏi" của Võ Văn Thưởng. Rất nhiều sinh viên giỏi ra trường đã không còn "giỏi" như họ đã từng được đánh giá nữa, đôi khi là ngược lại.
Vậy lí do nào một nền giáo dục không được chính cộng đồng nó, đất nước nó "công nhận", lại gây nên bao cảm xúc phức tạp đến thế?
Gần như thành xu thế, phụ huynh lên đồng với trường điểm, trường top. Cấp 1 rồi cấp 2 rồi cấp 3 và đại học. Và họ trở nên phẫn uất, đau lòng bởi vì chỉ thiếu một chút xíu nữa thôi, giấc mộng Kinh Kha đó đã đạt được?
Nếu họ và gia đình có "khát khao cống hiến" cho nhà nước thì ra trường rồi, họ lại nhận được cái tát lệch mặt của cơ chế tuyển dụng của chính nó. Những người có quyền thực thi công vụ nhà nước gần như phủ nhận sạch trơn sản phẩm giáo dục ưu việt của chính họ. Họ tuyển tại chức, họ tuyển trung cấp, cao đẳng, sau đó hoàn thiện dần, miễn có nhiều điều kiện khác được "đáp ứng". Cơ hội cho những sinh viên giỏi được cạnh tranh minh bạch là rất thấp, trừ việc vinh danh ở Văn Miếu thì không cần cạnh tranh.
Nhưng Văn Miếu là thời khắc, công việc là cuộc đời. Kì thi là thời khắc, lựa chọn là cuộc đời.
Cái lễ trao giải Văn Miếu là hành vi nhạo báng kì khôi, ngu xuẩn nhất của ai đó nghĩ ra nó. Bởi xưa phong kiến mông muội thế nhưng họ lại rất coi trọng sản phẩm của họ. Những người có tên ở Văn Miếu là những người bước ra từ những kì thi danh giá, chỉ cần giành giải trong các kì thi đó, ngay lập tức họ được diện kiến nhà vua và bổ nhiệm làm quan. Còn giờ, người ta vinh danh những người trẻ ở đó cho các cụ xưa thấy, xong ném mẹ nó đi đâu đó về nơi xa vắng, và tuyển dụng người khác. Thậm chí nhiều người trẻ rất khốn khổ khi tìm việc vì mình đã chẳng may được nhận giải, vì nhận giải, nên mày khác biệt số đông.
Các cụ ạ. Một nền giáo dục để cho những đứa trẻ 29, 30 điểm trượt đại học sai lầm 1, thì những gia đình và người trẻ quá coi trọng thời khắc sẽ sai lầm 10. Thời khắc phải do chính chúng ta tạo dựng, chúng ta ban cho, chứ không phải do ai đó ban cho.
Nhưng các cụ thử nghĩ xem, đến một tài năng như Trương Đình Anh còn khấp khởi rồi thất vọng với thời khắc mà ai đó ban cho như thế, thay vì mình tự tạo dựng thì sao chúng ta có thể đi trách người trẻ mà không đau lòng thay cho họ được? Nếu cái đề phân loại tốt, thì không có chuyện vài ngàn em được điểm 10 mà chỉ có trên dưới trăm em được điểm 10 như năm ngoái mà thôi.
Với nền giáo dục chú trọng tâm lí thời khắc, điểm 10 là tột đỉnh vinh quang rồi, họ không buồn sao được. Nếu họ chỉ được điểm 7, điểm 8, họ phải tự biết rằng có nhiều người điểm cao hơn họ, họ có cơ sở để bấu víu cho nỗi buồn của mình. Nhưng bằng nhau mà phải xét đến hệ số phụ thì nỗi buồn của họ không có cơ sở để bấu víu. Trừ khi luật hoàn hảo như cờ vua.
Năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác, những người "giỏi" của chúng ta chỉ sống bằng thời khắc chứ không sống cho quá trình. Những kẻ ở đâu đó, chưa trải nghiệm, chưa kinh qua thời khắc bao giờ, họ tham gia bộ máy nhà nước, làm lãnh đạo các nơi. Và vì chưa trải nghiệm, nên họ vô cảm với thời khắc của các bạn là chuyện bình thường. Bởi đời họ đâu kinh qua đạt được mà họ biết? Và bởi nhà nước này không phải là nhà nước phong kiến nên không có chuyện khi bạn có một thời khắc chói lọi nào đó ở Văn Miếu thì bạn sẽ được bổ làm quan. Bạn phải qua một kì thi khác, một kì thi do những người không biết thời khắc là gì, không có nó trong đời họ cầm cân nảy mực, ban cho.
Nếu bạn muốn chính mình và con cái mình không phải đau lòng trong tương lai, tốt nhất đừng hướng cuộc sống của mình và con cái vào những thời khắc chỉ có giá trị vinh quang ở một thời điểm. Và khi mà nhà nước này không "tin" vào sản phẩm giáo dục của chính họ, thì việc của bạn, nếu vẫn muốn sống ở đây, tốt nhất cũng nên biết hòa đồng. Hãy như họ. Không tin.
Và nếu có buồn, bạn hãy nhìn gương "thành công" của Trương Đình Anh và Võ Văn Thưởng để bớt buồn đi. Nên nhớ rằng cái giỏi mà bạn đạt được, chưa chắc, hoặc không phải là cái "giỏi" mà xã hội và chính thể này cần.
Chúa phù hộ cho các bạn.
Nguyễn Phượng
Tiến sĩ Nguyễn Phượng, tác giả bài viết rất đáng đọc này là giảng viên Khoa Văn - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện giảng dạy ở Trường ĐH Busan - Hàn Quốc. Tiếc là ông không đề cập vấn đề cốt yếu, đó là tính đảng cộng sản trong giáo dục và sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với nền giáo dục. Phải chăng vì nền giáo dục Hàn Quốc không gặp phải vấn đề đó? Phải chăng trẻ em Hàn Quốc không được là "búp măng non" "lớn lên trong mùa cách mạng", cũng không "sướng vui có đảng tiền phong"?
Bauxite Việt Nam
A. Vài nét về giáo dục Hàn Quốc
Xét về cấu trúc và đặc điểm xã hội, Hàn Quốc là một trong số vài nước ở châu Á có hoàn cảnh tương đối giống Việt Nam. Chẳng hạn:
1. Sự tồn đọng những trì trệ về tư tưởng của hàng ngàn năm phong kiến.
2. Nền giáo dục vốn nặng căn với truyền thống, chịu ảnh hưởng sâu sắc tính chất Nho giáo và thuộc địa.
Tuy nhiên, trong nửa thế kỉ nay, Hàn Quốc đã có những bước nhảy vọt thật lớn nhờ cách giải quyết các tồn đọng nói trên một cách khôn ngoan và đúng đắn. Chẳng hạn, hầu hết những người làm công việc giáo dục và liên quan giáo dục ở Hàn Quốc đều cho rằng nhiệm vụ chính yếu của họ là giúp trẻ em khám phá những năng lực riêng biệt của chúng, giúp chúng ý thức rõ tất cả các tiềm năng của chính mình và quan trọng nhất, thắp sáng trong trẻ em niềm đam mê học hỏi suốt đời. Họ coi giáo dục con người toàn diện là quan trọng nhất. Cụ thể là:
1. Về đức dục, quan trọng nhất là rèn luyện tính trung thực, trong sáng, hồn nhiên;
2. Về trí dục, chủ yếu là bồi dưỡng khả năng suy tư độc lập và tinh thần phản biện;
3. Về mĩ dục, coi trọng hình thành ý thức sáng tạo và khả năng thấu hiểu cái đẹp;
4. Về ý thức xã hội, nhấn mạnh giáo dục ý thức cộng đồng và sự tôn trọng các giá trị xã hội.
Để làm được những điều đó, trước hết về thái độ, họ xem phát triển giáo dục là ưu tiên hàng đầu và nỗ lực triệt để thực hiện thật tốt ưu tiên đó. Cụ thể là:
1. Giáo chức được xã hội coi trọng và hưởng lương cao so với các quốc gia khác. Do đó, các chương trình đào tạo giáo chức đã thu hút được hầu hết thành phần học sinh ưu tú (thuộc 5% tốp đầu của lượng thí sinh tốt nghiệp trung học);
2. Mặc dầu Chính phủ Hàn Quốc có khuynh hướng kiểm soát chặt chẽ hệ thống giáo dục, năm 1999, Tổng thống Kim Dae-jung đã ra lệnh hợp thức hóa nghiệp đoàn giáo chức. Từ đó, đoàn viên của nghiệp đoàn bắt đầu tham dự các quyết định làm chính sách và điều hành hệ thống giáo dục quốc gia. Nói khác đi, kể từ đó hệ thống giáo dục của họ đã được dân chủ hóa.
3. Trước 1985, chế độ dạy thêm ngoài giờ khá phổ biến. Thực tế là việc dạy thêm giúp nhiều giáo chức có chuyên môn cao tăng thêm thu nhập và giúp học sinh các gia đình giàu có cơ hội để đạt điểm số cao và nhiều khả năng được thu nhận vào các trường đại học tốt. Tình trạng này gây nên một bất công lớn cho xã hội. Một chính sách cải tổ được đề xuất vào khoảng giữa thập niên 80, ngăn cản và trừng phạt việc dạy thêm, đồng thời tăng lương cho toàn thể giáo chức. Đến cuối thập niên 80, hiện tượng dạy thêm gần như biến mất.
4. Hàn Quốc chủ trương chính sách tiếp thu giáo dục nước ngoài một cách cởi mở và táo bạo. Con số du học sinh tăng 20 lần từ năm 1971 đến năm 1999, từ 7.632 người lên 154.219 người. Cũng vào năm 1999, 130 trong tổng số 156 trường đại học hệ 4 năm đã kết nghĩa với 2.130 trường đại học nước ngoài thuộc 110 quốc gia khác nhau. Trong số này, 640 là các trường đại học ở Hoa Kỳ.
5. Sinh viên đại học không chịu sự kiểm soát về chính trị của Bộ giáo dục. Ngay từ thời Tổng thống Rhee Syngman, mà nhiều người vẫn coi như một nhà độc tài của Hàn Quốc, sinh viên vẫn thường xuyên biểu lộ phản ứng chính trị của họ. Chính nhờ sự độc lập về chính trị này cùng với những trang bị cao về chuyên môn mà sinh viên Hàn Quốc có những suy nghĩ độc lập, lòng tự tin và niềm kiêu hãnh riêng của tầng lớp họ. Cho đến nay, hệ thống đại học Hàn Quốc gần như tự trị hoàn toàn, giống như đại học của các nước Tây phương.
B. Khủng hoảng giáo dục của Việt Nam hiện nay
Tôi cho rằng khủng hoảng căn bản của giáo dục Việt Nam nằm ở mô thức giáo dục và những chính sách liên quan mục tiêu hàng đầu là phát triển con người toàn diện.  Trong đó, từ rất lâu, nó đã sao nhãng các giá trị chính như tư duy độc lập, sự sáng tạo và ý thức tôn trọng sự khác biệt.
Có một nghịch lí là để thanh toán khủng hoảng, Việt Nam đã đề xướng cải cách giáo dục khá nhiều lần, tuy nhiên, có vẻ như càng tránh các sai lầm, nó lại rơi vào các sai lầm trầm trọng hơn. Cụ thể:
Sai lầm thứ nhất là tính đồng phục trong giảng dạy. Ở Việt Nam, từ giảng dạy đại học đến giáo dục phổ thông dường như chỉ có một bộ giáo trình đại học và hai bộ sách giáo khoa phổ thông. Trên nguyên tắc, sách giáo khoa được coi là một thứ pháp lệnh, thầy cô giáo phải giảng dạy theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục, trong khi đó, chúng ta đều biết rằng mỗi thầy cô giáo có khả năng tiếp cận và phương pháp truyền đạt riêng và chỉ dạy giỏi với cách tiếp cận đó và phương pháp truyền đạt đó mà thôi. Kết quả là hàng triệu học sinh được tiếp thu bài vở như nhau dẫn đến có nếp tư duy và phát ngôn giống hệt nhau.
Sai lầm thứ hai là giáo dục mang nặng tính chất ghetto, quá tách biệt với những gì xảy ra bên ngoài nhà trường. Nó gần như bị điếc và mù trước các nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Sai lầm thứ ba là chương trình giảng dạy quá nặng, hướng về nhồi sọ, cung cấp thông tin hơn là giáo dục năng lực người một cách thật sự. Thực tế là các thầy cô giáo không thể có đủ thời giờ giảng dạy tất cả với thời lượng cho phép ở trường. Không kể, với thực tế về trình độ hiểu biết nói chung của giáo viên hiện nay, thật khó để tin rằng họ có đủ khả năng truyền đạt tốt một nội dung vừa nặng nề vừa cồng kềnh như vậy. Càng rất khó để tin rằng những đầu óc non nớt của các em ở lứa tuổi tiểu học lại có thể tiếp thu và tiêu hóa tất cả kiến thức được cung cấp một cách dễ dàng. Hậu quả là hầu như tất cả học sinh đều phải đi học thêm.
Chuyện học thêm sau khi đã học ở trường cũng chính với những thầy cô giáo của mình là một thực tế và cũng là một sự vô lí ở bậc học phổ thông hiện nay. Đương nhiên, về lợi ích nó giúp cho các em có được những điểm số cao hơn và giúp thầy cô giáo có thêm tí thu nhập để bù vào đồng lương vốn rất còm cõi. Nhưng nhìn kĩ, nó tệ hại hơn tình trạng "dạy kèm ngoài giờ học chính thức" ở Hàn Quốc trước đây. Ở Việt Nam, dạy thêm và học thêm đang trở thành một thói quen nguy hiểm. Nhiều học giả quan tâm đến giáo dục cho rằng tình trạng nói trên chẳng khác gì việc tạo ra một loại tham nhũng trong trường học. Và nó đưa đến hai hậu quả vô cùng tai hại và rất phản giáo dục.
Thứ nhất là học sinh dễ trở nên mệt mỏi, sẽ không còn bao nhiêu sức lực về đầu óc khi bắt đầu lên đại học, và nếu cố gắng qua khỏi được đại học thì dễ có khuynh hướng nghỉ ngơi về đầu óc và hưởng thụ hơn là để bắt đầu một hành trình vào đời thật sự của một người trẻ về cả thể xác lẫn tinh thần. Thứ hai là nó khiến trẻ con chấp nhận sự tham nhũng ở trường học một cách tự nhiên để rồi sau này vào đời sẽ coi chuyện tham nhũng là bình thường thôi, không là một vấn đề phải ngăn chặn hay tránh né.
Không cần biện luận cũng có thể thấy một chương trình giáo dục như vậy đương nhiên đã cướp đi sự hồn nhiên, trong sáng và từ đó làm giảm sự phát triển trí thông minh của tuổi trẻ Việt Nam.
C. Vài đề nghị
1. Ngành giáo dục Việt Nam cần ngay lập tức giảm bớt mô thức giảng dạy áp đặt và tăng cường mô thức gợi ý. Cần xem các mục tiêu "trung thực", "sáng tạo", "tôn trọng sự khác biệt"… là những mục tiêu hàng đầu của giáo dục chứ không phải việc nhồi nhét kiến thức.
2. Cần giảm thiểu tối đa sự mệt mỏi cho học sinh, nhất là học sinh cấp tiểu học. Đặc biệt, nên giảm hẳn lượng kiến thức hàn lâm trong chương trình học. Cần lo lắng cho một hành trình lâu dài hơn của con người. Không nên để thế hệ trẻ gục ngã sớm về đầu óc.
3. Đặt nặng vào việc đào tạo giáo chức và dành những đãi ngộ đặc biệt cho họ. Không cần phải học tập các ngành quân đội và công an, cũng không nhất thiết phải chạy theo số lượng tuyển sinh cũng như các trường đại học, ngành sư phạm phải được tuyển chọn từ thành phần ưu tú nhất của đất nước. Chỉ có lòng tự hào, sự đãi ngộ và vị trí xã hội mới lôi kéo được các sinh viên ưu tú nhất vào các trường sư phạm, gần giống như cái cách mà nước Pháp đã dành cho sinh viên trường Normal Supérieur Université của họ, hay chính sách mà Hàn Quốc từng thực thi. Điều này đòi hỏi một chính sách ưu đãi mạnh tay từ thể chế và một thái độ tôn trọng tuyệt đối từ xã hội.
4. Đối với các trường đại học, ngoài việc áp dụng chương trình giảng dạy theo mô hình của các quốc gia tiên tiến, quyền tự trị đại học cần được ban hành. Thiếu sự tự trị, đại học Việt Nam khó có thể hoàn tất vai trò đào tạo trí thức của nó. Từ điểm chuyển hướng đó, họ mới có thể đóng góp cho đất nước bằng tất cả sức mạnh tinh thần, lòng hăng say và niềm kiêu hãnh của họ.
5. Nhà nước Việt Nam nên xem phát triển giáo dục toàn diện là ưu tiên hàng đầu của quốc gia, xem nguồn nhân lực được đào tạo qua giáo dục là tài nguyên quý giá nhất của đất nước. Chỉ khi nhà nước quyết tâm xem phát triển giáo dục toàn diện là ưu tiên số một, nghiêm túc và biết chịu đựng, kể cả việc nhận lãnh những trái đắng trong việc học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia đã nhờ giáo dục mà đạt những thành tựu vượt bậc và bền vững thì giáo dục nước nhà mới có cơ may thoát ra khỏi khủng hoảng.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà hoạch định chính sách giáo dục cần suy tư nhiều hơn nữa về giáo dục và nên tính tới những mục tiêu lớn như đào tạo con người trung thực, có sáng tạo, có tư duy độc lập, biết tôn trọng sự khác biệt… hơn là chỉ nhằm vào sự chuyển giao tri thức. Điều cần làm lúc này là phải biết can đảm quên đi những gì thực sự không còn giá trị nữa.
N.P (tham khảo và tổng hợp từ internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét