Tương Lai
Trong không khí oi bức ngột ngạt vì hai cơn áp
thấp nhiệt đới đang chuyển thành bão mạnh đang ập đến các tỉnh phía Nam, càng
ngột ngạt hơn về một loại “áp thấp nhiệt đới” có khả năng chuyển thành
bão trong đời sống xã hội đang dồn nén nhiều sự kiện dễ bùng nổ.
Thế là đúng 20 năm, tính từ 2.11.2007 cơn bão
Linda, cơn bão lớn nhất trong vòng 100 năm qua, đã cướp đi sinh mạng của 3.111
người. Báo Tuổi trẻ giật một cái tít lớn ngay giữa trang nhất
về sự trùng hợp ngẫu nhiên này. Chỉ có điều, tờ báo vốn thính nhạy với thời
cuộc và dám ném lên mặt báo những tin nóng đáp ứng mong đợi của xã hội, lại
không có một dòng nào về cơn “áp thấp nhiệt đới” có khả năng mạnh lên thành bão
trong lòng xã hội nếu dư luận không kịp thời lên tiếng ngăn chặn. Cũng phải
thông cảm với tòa báo thôi, đừng đòi hỏi họ quá nhiều, để còn có tờ báo mà đọc
vài bài, thậm chí vài dòng, có khi chỉ là cách giật một cái tít!
Thay vào đó, trên mạng đã nhanh nhạy phản ứng
kịp thời và quyết liệt với cái gọi là “Liên minh Cờ Đỏ” ra mắt ngày
29/10/2017, gần Giáo họ Văn Thai, thuộc Giáo xứ Song Ngọc, ở xã Sơn Hải, huyện
Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Trước đó, vào cuối tháng 4/2017, “Hội Cờ Đỏ” họp ở Sơn
Hải rồi đến đêm tối thì ra tay hành hung giáo dân. Chúng ném đá vào nhà, dùng
gậy gộc đánh đập bà con giáo dân trong tiếng la hò điên loạn nhằm tạo ra một
cảnh tượng bạo lực và hoảng loạn. Sự việc diễn ra trước mắt công an và chính
quyền sở tại!
Hơn một năm qua, Hội Cờ Đỏ
đã liên tục khủng bố các cá nhân, tổ chức tôn giáo từ Hà Nội, Đồng Nai, Nghệ
An. Một câu hỏi được blogger Tâm Ngọc đưa ra: “Tại sao Hội Cờ Đỏ đã có những
hành động manh động, nguy hiểm gây ra tổn thất về vật chất, tinh thần và tính
mạng cho con người mà không bị pháp luật xử lý, thậm chí lại được các cấp chính
quyền dung dưỡng và sắp đặt cho các cuộc tụ họp. Phải chăng hội này như là một
cánh tay nối dài và là chiến lược hữu hiệu của chính quyền nhằm đàn áp và trả
thù những ai lên tiếng chống lại bất công tại Việt Nam?”. Tại sao ư? Câu
trả lời đã có trong nội dung câu hỏi.
Xã hội đang rối như mớ bòng bong, hệ lụy của một
thời đoạn quá dài của cuộc tranh bá đồ vương, mượn màu chống tham nhũng đánh
lừa con đen, khiến cho những nạn nhân của “cướp đêm là giặc, cướp ngày là
quan” tưởng thật đã dài cổ đón nhận thành quả của việc “tước đoạt của
những kẻ đi cướp đoạt” mong sao nhận chút “quả thực” rơi vãi như được “chia
quả thực” thời “cải cách ruộng đất” và “cải tạo tư sản” giữa
những năm 50 ở miền Bắc.
Thế rồi chẳng thấy “quả thực” đâu cả, chỉ thấy
sự hỗn loạn và rối ren trùm lên xã hội vì mục tiêu thanh toán đối thủ chính trị
chưa thể ngã ngũ được để còn tính chuyện dài hơi. Lại phải có cuộc “hưu chiến”
để tìm kế mới. Điều trông thấy nhãn tiền “phải tên xưng xuất tại thằng bán
tơ”, thực ra là đến mấy thằng, mấy chục thằng bán tơ cơ
đấy! Sự rối bời là ở đó.
Mà điều trực tiếp tác động dễ thấy nhất là
chuyện ngân sách cạn kiệt không đủ tiền nuôi một bộ máy ăn bám vào đồng tiền
thuế khốn khổ của dân. Một bộ máy khổng lồ chiếm tới 4% dân số tính đến ngày
31.10.2016 gồm 734.302 người trong biên chế! Để dễ hình dung sự quá tải ghê gớm
của một bộ máy ăn bám và bất lực này xin dẫn ra một so sánh: Theo TS. Vũ Quang
Việt, chuyên gia thống kê Liên Hợp Quốc, tỷ trọng ngân sách dành cho bộ máy
công an trong tổng chi ngân sách của Việt Nam năm 2014 lên tới 12%, tức gấp 6
lần con số của Hoa Kỳ (2% ngân sách chi cho cảnh sát). Thu ngân sách lại đang
sụt giảm mạnh. Cũng theo TS. Vũ Quang Việt dựa vào điều tra tất cả doanh nghiệp
nhà nước vào năm 2014 thì con số nợ lên đến 4,9 triệu tỷ đồng rồi. Lúc đó, họ
cũng đã nói nợ doanh nghiệp nhà nước là 1,5 triệu tỷ đồng. Và bây giờ cũng chỉ
nhắc lại con số này.
TS. Tô Văn Trường, một cây bút khoa học đáng tin
cậy nhắc lại điều đó và chỉ rõ Bộ Tài chính thích úm ba la, luôn
nói là nợ doanh nghiệp nhà nước là 1,5 triệu tỷ đồng. Nhà khoa học có trách
nhiệm này đã thẳng thắn vạch trần kiểu “úm ba la” gian
dối đó: Nếu tiếp tục tuyên truyền kiểu “úm ba la” này thì khó mà theo dõi
tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam. Để làm thử nghiệm phải tính xem năm
2017 nhà nước chi trả nợ gốc và chi trả lãi bao nhiêu? Dựa vào số liệu từ Bản
tin nợ công năm 2015, tiền trả nợ gốc gấp 2,38 lần tiền trả lãi nợ, và năm 2014
tỷ lệ này là 2,57 lần. Như thế, trong năm 2017, dự chi ngân sách cho trả lãi nợ
là 98,9 ngàn tỷ thì chi trả nợ gốc có thể ước là 235,8 ngàn tỷ. Khó lòng ở mức
chi trả nợ gốc là 163,8 ngàn tỷ như dự báo của Bộ Tài chính.
Như thế, làm theo cách cũ, bội chi sẽ cao hơn
con số của Bộ Tài chính 178 ngàn tỷ là từ 2 đến 2, 4 lần, tức là từ 332 đến 432
ngàn tỷ, và tỷ lệ chi thiếu hụt chi ngân sách trên GDP sẽ cao hơn rất nhiều so
với tỷ lệ 1,4% mà Bộ Tài chính đưa ra. Nếu GDP tăng 6,6% năm và lạm phát tăng
4% thì GDP năm 2017 theo giá hiện hành sẽ là 4.402 ngàn tỷ. Và tỷ lệ thiếu hụt
ngân sách sẽ từ 6,6% đến 8,6% GDP… Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của
doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.
Đi liền với thảm trạng trên như hình với bóng
là nguồn thu sút giảm nghiêm trọng. Trong 10 tháng đầu năm
2017 cho thấy rất có thể đến cuối năm 2017, số thuế thu được chỉ là 1.088 ngàn
tỷ đồng, hụt đến 11% so với dự toán đầu năm 2017 là 1.212 ngàn tỷ đồng, thậm
chí còn thấp hơn cả số thu ngân sách năm 2016 là 1.094 ngàn tỷ đồng. Chỉ nói
riêng về kiều hối thì nếu 2015 là 13,5 tỷ USD, thì năm 2016 chỉ còn 9 tỷ USD,
tức giảm hơn 30%, còn năm 2017 e chỉ còn khoảng từ 7 đến 7,5 tỷ USD như phân
tích của một chuyên gia tài chính.
Cho nên “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức” là liều thuốc cấp cứu cho căn bệnh tài
chính, kinh tế đến hồi nguy kịch nói trên. Vì vậy mới có Nghị quyết số
39-NQ/TW. Mục tiêu đề ra là “tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là
10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương”. Không giảm thì chết mất ngáp. Nhưng có giảm được
không và giảm bằng cách nào?
Thì đây: sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết,
tổng biên chế trên cả nước, không những không giảm mà còn tăng hơn 11.000
người. Xin dẫn ra đây báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện
chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn
2011-2016 trình bày tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra: Sau 5 năm tinh giản, biên
chế lại phình to, tăng số người lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian. Đặc
biệt, hiện có đến 20/22 bộ, ngành gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ xin thẩm định đề
xuất… tăng cả tổ chức bên trong lẫn biên chế.
Ở đây chỉ dẫn ra đơn thuần về con số. Nhưng vấn
đề gay cấn nhất không chỉ ở đó, mà là giảm ai, ai giảm, và rồi sẽ
là ai ở ai đi!
Xin nhớ rằng, để vào được biên chế thì đã có cẩm
nang “nhất thế, nhì tiền, tam quyền, tứ chế”, bây giờ muốn “cho ra” đâu
có đơn giản! Ân oán giang hồ là chuyện nhỡn tiền. Mà nào phải bây giờ, cách đây
cả thập kỷ, báo Pháp luật TP HCM ngày 16.4.2006 đăng nguyên
văn lời ông Nguyễn Đức Tâm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ
chức Trung ương: “Chạy chức chạy quyền không chỉ ở cơ sở mà trên nữa. Chức
thấp tiền ít. Chức càng cao tiền càng lớn. Đã bỏ ra, có chức có quyền rồi thì
người ta phải thu về. Mà thu về thì phải có lãi. Càng lãi nhiều càng tốt. Mua
quan bán chức, chạy chức chạy quyền là một nguyên nhân làm tha hóa cán bộ”.
Hãy thử hình dung, những người đã bỏ tiền ra để
mua một cái ghế quyền lực, từ nhỏ xíu ở thôn, một biên chế tép riu ở một cửa
hàng, một công ty quốc doanh, một cô giáo mầm non, một công an xã… rồi cứ thế
đi dần lên huyện, quận, sở, ban, ngành ở tỉnh, thành phố, lên đến các cơ quan
đoàn thể ở trung ương trong “hệ thống chính trị” khổng lồ đầy quyền uy
trong chế độ độc đảng với Điều 4 trong Hiến pháp… mà “chức thấp, tiền ít,
chức càng cao tiền càng lớn” nay phải “ra đi” vì ngân sách cạn kiệt sẽ tạo
nên một thực trạng xã hội ra sao đây?
“Sáng kiến vĩ đại” nhốt quyền lực vào
cái lồng vì nhất thiết phải bác bỏ “tam quyền phân lập” đã quá
khó. Nay thả chúng ra lại càng khó hơn. Làm sao đây? Tạm hưu chiến, ừ thì đành
vậy, nhưng rồi dù có “giày rách, gươm cùn” thì rồi cũng phải dấn tới
chứ. Chả nhẽ đành phải “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” sao? Lại
không thuộc tạng người “Đã dấy phong yên lộng bốn trời” để rồi “Thà
cứ ở đây ngồi giữa chợ, Uống say mà gọi thế nhân ơi”. Với cái tạng giáo
làng, đành hướng về phương Bắc mà cầu cứu vậy: “Người ơi! Hề! Người ơi!
Người sang bên ấy sao mà lạnh. Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi”! (Nhại thơ
Nguyễn Bính, bài Hành phương Nam). Hay là hô âm binh lên thử xem?
Phải chăng “Đội Cờ Đỏ”, “Liên minh Cờ
Đỏ” ra đời trong bối cảnh bế tắc này?
Buộc phải “vòng vo tam quốc” chuyện trọng
bệnh về ngân sách, về tài chính, kinh tếvì đó là cội nguồn của việc không đủ
tiền để nuôi một bộ máy bạo lực đang tăng theo cấp số nhân. Chuyện này lại
tỷ lệ thuận với nạn cướp đất, tăng thuế, lạm phát cùng với cuộc chiến của các
nhóm quyền lực xâu xé lẫn nhau, gây nên tình trạng bất an trong dân, mất an
toàn vì sự xáo trộn xã hội.
Khốn một nỗi, tấm gương tày liếp của lũ hồng vệ
binh trong cuộc “đại cách mạng vô sản ở Tàu” do Mao phát động để tiêu
diệt đối thủ chính trị đã tàn phá xã hội Trung Quốc ra sao đang còn nóng hổi
đấy thôi! Hô âm binh lên không khó do cơ chế lây nhiễm của đám đông,
nhưng đến lượt lũ âm binh này hoành hành sẽ là thế lực bất kham khó điều khiển,
sức phá hoại của nó sẽ khủng khiếp, khó có thể lường hết.
Lại nữa, đừng quên rằng, ở ta, bà con giáo dân
vốn có sức cố kết cộng đồng và trình độ tổ chức rất chặt chẽ, làm sao người ta
chịu ngồi yên cho lũ âm binh tác oai tác quái. Máu sẽ đổ. Hơn nữa, với tín đồ
công giáo thì “tử vì đạo” vốn là động lực tạo nên mãnh lực phi thường. Nhìn
rộng ra hơn một chút, lũ âm binh được đặt tên là “dư luận viên” từng
được sử dụng ngay giữa thủ đô để đánh phá các cuộc biểu tình ôn hòa của người
yêu nước Thủ đô chống Trung Quốc xâm lược mà hồi đó ông tướng Nguyễn Đức Chung,
lúc còn là Giám đốc Công an Hà Nội, đã tuyên bố chúng không phải là người của
công an, cũng chẳng phải là người của Tuyên giáo Thành ủy, hứa sẽ điều tra kỹ
và xử lý. Đương nhiên là câu chuyện sẽ rơi vào im lặng theo cái logic dễ hiểu
của nó. Không cho “chìm xuồng” vụ này thì mới là lạ! Nhưng xã hội thì vẫn không
sao mờ phai được câu chuyện đáng xấu hổ này. Lũ “Cờ Đỏ” này sẽ là biểu tượng rõ
nét của một xã hội bất chấp luật pháp.
Khi một xã hội không có luật pháp thì con người
sống trong đó sẽ thế nào? Chưa lúc nào bằng lúc này, dư luận xã hội cần phải
lên án gay gắt cái “biểu tượng” đáng sợ này. Trong nhiều bài trước đây, người
đang viết những dòng này đã từng lưu ý người đọc đến sự phân tích của Gustave
le Bon, “trong đám đông, tư tưởng, tình cảm, xúc động, niềm tin có khả năng
lây nhiễm mãnh liệt như khả năng của vi trùng”! Nhà tâm lý học người Pháp
chỉ rõ cái “khả năng lây nhiễm” ấy là đáng sợ ở chỗ: “chính bằng cơ
chế lây nhiễm chứ không bao giờ là cơ chế suy luận, mà những ý kiến và niềm tin
của đám đông được truyền bá”.
Một khi quần chúng bị trói chặt trong cái khung
cảnh xã hội được định hình bởi chế độ toàn trị phản dân chủ, dùng
chính sách ngu dân làm cứu cánh để dễ lừa bịp, ru ngủ, biến họ thành công cụ
bảo vệ chế độ mà chính họ là nạn nhân, thì sự xuất hiện của lũ âm binh kia sẽ
là sự đe dọa không chỉ riêng cho một ai. Một nhóm nhỏ những “đội viên Đội Cờ
Đỏ”, rồi “Liên minh Cờ Đỏ”, xét cho kỹ, cũng là nạn nhân khốn khổ
nhất, nhưng lại là một nhân tố phá phách tệ hại làm băng hoại đời sống và những
giá trị xã hội vốn đã và đang khủng hoảng toàn diện.
Đó chính là cách giải khát bằng thuốc độc mà cả
xã hội phải chung tay ngăn chặn.
Ngày 5.11.2017
T. L.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét