Stephen Kotkin
Một trăm năm kể từ cuộc đảo
chính của Lenin ở Nga, cái ý thức hệ dấn thân cho sự nghiệp xóa bỏ thị trường
và quyền tư hữu đã để lại một chặng đường dài hủy diệt và chết chóc.
Tầm tuần này một thế kỷ trước, chủ nghĩa cộng
sản chiếm được đế quốc Nga, đất nước lớn nhất thế giới tại thời điểm đó. Các
phong trào thiên tả đủ loại đã lan tràn trong chính trị châu Âu trước khi diễn
ra cuộc cách mạng ngày 25 tháng Mười năm 1917 (trùng vào ngày 7 tháng Mười Một
theo lịch cải cách của Nga), nhưng Vladimir Lenin và những người bolsheviks của
ông thì khác hẳn. Họ không chỉ mang một niềm tin hoang tưởng mà còn linh hoạt
trong chiến thuật và may mắn hơn các đối thủ.
Chủ nghĩa cộng sản đi vào lịch sử như là sự kết
tội chủ nghĩa tư bản, kịch liệt nhưng đầy chất lý tưởng, và hứa hẹn một thế
giới tốt đẹp hơn. Những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, cũng như những người
cánh tả khác, đều đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản đã gây ra tình trạng bi thảm của
nông dân và công nhân cũng như sự lan tràn của lao động nhập cư và lao động trẻ
em. Những người cộng sản nhìn thấy cuộc tàn sát trong Chiến tranh Thế giới lần
thứ Nhất như là hậu quả trực tiếp của sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cường
quốc để giành giật thị trường nước ngoài.
Nhưng một thế kỷ cầm quyền
của chủ nghĩa cộng sản - mà ngày nay vẫn còn đứng vững ở Cuba, Bắc Hàn và Trung
Quốc - đã làm rõ cái giá phải trả về nhân mạng của một chương trình chính trị
quyết tâm lật đổ chủ nghĩa tư bản. Hết lần này đến lượt khác, nỗ lực xóa bỏ thị
trường và quyền tư hữu đã gây ra cái chết của một số lượng người đáng kinh
ngạc. Từ năm 1917 - ở Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ, Đông Âu, Đông Dương, Phi
châu, Afghanistan và nhiều nước châu Mỹ Latin - chủ nghĩa cộng sản đã làm thiệt
mạng ít nhất 65 triệu người, theo nghiên cứu cẩn thận của các nhà dân số học.
Những công cụ hủy diệt của chủ nghĩa cộng sản
bao gồm việc trục xuất hàng loạt, các trại cưỡng bức lao động và sự khủng bố
của nhà nước cảnh sát - một mô hình được lập ra bởi Lenin và đặc biệt là người
kế tục ông là Joseph Stalin. Mô hình này được nhân rộng nhiều nơi. Dù chủ nghĩa
cộng sản đã cố ý giết chết một lượng lớn người dân nhưng thậm chí còn nhiều nạn
nhân hơn đã chết vì nạn đói - hậu quả của những dự án tàn bạo về cải tạo xã
hội.
Với những tội ác mang “tầm sử thi” này, Lenin và
Stalin phải chịu trách nhiệm cá nhân, cũng như Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, Pol
Pot ở Cambodia, gia tộc họ Kim ở Bắc Hàn và các nhà độc tài cộng sản khác ít
tàn bạo hơn. Nhưng chúng ta đừng bỏ qua các ý tưởng đã thôi thúc những kẻ độc
ác này tàn sát con người trên quy mô lớn như vậy, cũng đừng quên cái bối cảnh
dân tộc thôi thúc họ đi theo các ý tưởng này. Sự nghiệp chống chủ nghĩa tư bản
hấp dẫn họ do tính đúng đắn của chính nó và trong tâm trí họ, đó cũng là công
cụ để các quốc gia chậm tiến nhảy vọt lên, đứng vào hàng ngũ các cường quốc.
Giờ đây, cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa đã
lụi tàn, nhưng một trăm năm của nó, xét như một sự nghiệp vĩ đại chống chủ
nghĩa tư bản, vẫn đòi hỏi một sự phân xử thích hợp.
Vào tháng Hai năm 2017, Nga hoàng Nicholas đệ
Nhị thoái vị dưới áp lực của các tướng lĩnh, những người lo ngại rằng các cuộc
biểu tình và tuần hành đòi cơm áo ở thủ đô St. Petersburg đang xói mòn nỗ lực
chiến tranh chống Đức và các nước đồng minh của nó. Cuộc Cách mạng tháng Hai,
như tên gọi biến cố ấy, lập ra một chính phủ lâm thời không do người dân bầu
lên; chính phủ này cầm quyền mà không có một nghị viện dân cử. Nông dân bắt đầu
giành lấy ruộng đất và các xô-viết (tức là các ủy ban chính trị) bắt đầu được
thành lập trong binh lính ở chiến trường, cũng giống như các xô-viết đã được
lập ra trước đó trong các nhóm chính trị ở đô thị.
Mùa thu năm ấy, khi chiến tranh diễn ra ngày
càng dữ dội, những người bolshevik của Lenin đã tiến
hành một cuộc khởi nghĩa vũ trang, huy động được có lẽ không quá 10.000 người.
Cuộc đảo chính của họ không nhắm lật đổ chính phủ lâm thời từ lâu đã trở nên dở
sống dở chết; thay vì vậy họ chống lại các xô-viết chính ở thủ đô do những
người xã hội chủ nghĩa ôn hòa hơn thống trị. Cuộc Cách mạng tháng Mười bắt đầu
là một cuộc lật đổ chớp nhoáng mà những người cánh tả cấp tiến thực hiện để
chống lại phần còn lại của cánh tả, thành phần tố cáo những người bolshevik vi
phạm quy tắc và sau đó đã bỏ ra khỏi các xô-viết.
Những người bolshevik, cũng như
nhiều đối thủ của họ - là môn đệ trung thành của Karl Marx, nhà tư tưởng cho
rằng đấu tranh giai cấp là động lực vĩ đại của lịch sử. Cái mà ông gọi là chế
độ phong kiến sẽ phải nhường chỗ cho chủ nghĩa tư bản, rồi đến lượt mình, chủ
nghĩa tư bản sẽ bị thay thế bằng chủ nghĩa cộng sản và cuối cùng là một thế
giới đại đồng không tưởng xa xăm! Marx hình dung ra một kỷ nguyên mới của tự do
và sung túc, và điều kiện tiên quyết của nó là sự phá hủy “chế độ nô lệ tiền
lương” và sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Như ông và người cộng sự Friedrich
Engels từng tuyên bố trong Tuyên ngôn Cộng sản năm 1848, học thuyết của họ “có
thể được tóm gọn trong một câu đơn nhất: bãi bỏ quyền tư hữu”.
Một khi đã giành được quyền lực vào đầu năm
1918, những người bolshevik tự đổi tên thành Đảng Cộng sản và
họ tìm cách buộc nước Nga phải cấp tốc đi lên chủ nghĩa xã hội, đi tới giai
đoạn cuối cùng của lịch sử. Hàng triệu người bắt đầu tập sống theo những phương
cách mới. Tuy nhiên không ai biết chính xác xã hội mới sẽ ra làm sao. “Chúng
tôi không thể mô tả đặc điểm của chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi không biết, chúng
tôi không thể nói chủ nghĩa xã hội sẽ như thế nào khi nó đạt đến hình thức hoàn
hảo của nó”, Lenin kết luận như vậy vào tháng Ba năm 1918.
Nhưng với họ có một điều rõ ràng: chủ nghĩa xã
hội không giống chủ nghĩa tư bản. Chế độ xã hội chủ nghĩa thay thế quyền tư hữu
bằng sở hữu tập thể, thị trường thay bằng kế hoạch hóa và các nghị viện “tư
sản” thay bằng “quyền lực nhân dân”. Tuy vậy vào thời điểm đó ngay cả một số người
cộng sản đã rút ra kết luận là trong thực tế không thể nào thực hiện được kế
hoạch hóa khoa học. Còn công cuộc tập thể hóa quyền tư hữu đã đem lại quyền lực
không phải cho nhân dân mà cho nhà nước.
Quá trình do người cộng sản phát động đã kéo
theo sự bành trướng rộng rãi một guồng máy công an mật vụ để xử lý các vụ bắt
bớ, lưu đày trong nước và hành quyết những “kẻ thù giai cấp”. Sự truất hữu các
nhà tư bản cũng làm giàu cho một giai cấp mới các cán bộ nhà nước, những người
nắm quyền kiểm soát tài sản quốc gia. Tất cả các đảng phái và quan điểm nằm bên
ngoài học thuyết chính thống đều bị đàn áp, chính trị như là một cơ chế để điều
chỉnh bị xóa bỏ.
Những mục tiêu được tuyên bố của cuộc cách mạng
năm 1917 là sự sung túc và công bằng xã hội, nhưng sự tiêu diệt chủ nghĩa tư
bản đã sinh ra những cơ cấu làm cho các mục tiêu đó không bao giờ đạt được.
Ở khu vực đô thị, chế độ xô-viết có khả năng dựa
vào lực lượng công nhân nhà máy có vũ trang, những người mới kết nạp đảng đầy
nhiệt huyết và công an chìm, dựa vào những người trẻ nôn nóng xây dựng thế giới
mới. Nhưng ở nông thôn, người nông dân - có khoảng 120 triệu người như vậy - đã
thực hiện cuộc cách mạng của riêng họ, lật đổ giới quý tộc và thiết lập trong
thực tế quyền sở hữu ruộng đất của nông dân.
Với một đất nước bị tàn phá đang đi tới bờ vực
của nạn đói, Lenin bắt buộc các cán bộ đảng còn miễn cưỡng phải chấp nhận cuộc
cách mạng riêng rẽ của nông dân trong thời điểm đó. Ở nông thôn một nền kinh tế
gần giống kinh tế thị trường vẫn được cho phép vận hành, bất chấp sự phản đối
của các đảng viên cộng sản thuần túy.
Khi Lenin qua đời vào năm 1924, sự nhân nhượng
với nông dân đã trở thành vấn đề của Stalin. Cho đến năm 1928, có chưa tới 1%
diện tích đất canh tác đã được hợp tác hóa một cách tự nguyện. Vào thời điểm
ấy, phần lớn các nhà máy chủ yếu đều đã do nhà nước làm chủ và chính quyền đã
cam kết một kế hoạch 5 năm công nghiệp hóa. Các nhà cách mạng bực tức khi thấy
giờ đây Liên Xô có hai hệ thống không tương thích với nhau - chủ nghĩa xã hội ở
thành phố và chủ nghĩa tư bản ở làng quê.
Stalin đã không trì hoãn. Ông áp đặt công cuộc
tập thể hóa cưỡng bức trên toàn quốc, từ ven biển Baltic tới ven bờ Thái Bình
Dương, bất chấp những cuộc nổi loạn của quần chúng nông dân. Ông đe dọa các cán
bộ đảng, bảo họ rằng nếu như họ không nghiêm túc trong việc xóa bỏ chủ nghĩa tư
bản, họ hãy chuẩn bị sẵn sàng để giao quyền lực cho những nhà tư sản đang nổi
lên ở nông thôn. Ông kích hoạt cuộc chiến tranh giai cấp chống lại “kulak” (trung
nông và điền chủ), và bất cứ ai bảo vệ họ, áp đặt hạn ngạch (quota) cho
việc bắt bớ tràn lan và lưu đày nội địa.
Stalin nói rõ nguyên lý cơ bản về ý thức hệ của
ông: “Chúng ta có thể phát triển nông nghiệp theo kiểu kulak, kiểu
nông trại cá nhân, bên cạnh trang trại quy mô lớn” giống như ở “Mỹ và các nước
khác” hay không? Ông hỏi. “Không, chúng ta không thể. Chúng ta là đất nước
Xô-viết. Chúng ta muốn xây dựng một nền kinh tế tập thể, không chỉ trong công
nghiệp mà cả trong nông nghiệp”.
Và ông đã không bao giờ thoái lui, ngay cả khi,
do hậu quả các chính sách của ông mà đất nước Nga rơi vào một nạn đói nữa vào
các năm 1931-1933. Tập thể hóa cưỡng bức trong mấy năm ngắn ngủi đó đã cướp đi
sinh mạng của khoảng từ 5 đến 7 triệu người.
Tiền lệ khủng khiếp của Liên Xô đã không ngăn
cản được các nhà cách mạng cộng sản khác. Mao Trạch Đông, một người cứng rắn
như Stalin, đã vươn lên vị trí cao nhất của phong trào cộng sản Trung Hoa và
vào năm 1949, ông và các đồng chí của ông trở thành người chiến thắng trong
cuộc nội chiến ở Trung Quốc. Mao đã thấy cái giá nhân mạng khổng lồ trong cuộc
thử nghiệm của Liên Xô như là yếu tố nội tại của thành công!
Chính sách Đại Nhảy Vọt của Mao, một chiến dịch
bạo lực diễn ra từ 1958 tới 1962, là nỗ lực tập thể hóa khoảng 700 triệu nông
dân Trung Quốc và mở rộng công nghiệp về nông thôn. “Ba năm lao động cần cù và
chịu đựng [để có] ngàn năm thịnh vượng”, là một trong những câu khẩu hiệu nổi
bật thời đó.
Các báo cáo sai lệch về những vụ thu hoạch thắng
lợi và nông dân sung sướng vui vẻ tràn ngập các khu nhà ở được cung cấp đầy đủ
của giới tinh hoa cộng sản cầm quyền ở Bắc Kinh. Nhưng trong thực tế, chương
trình của Mao đã dẫn tới một trong những nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch
sử, làm chết đói khoảng từ 16 đến 32 triệu người. Sau thảm họa, mà những người
sống sót nói tới như là “làn gió cộng sản”, Mao dập tắt hết những lời kêu gọi
ngừng tập thể hóa nông nghiệp. Như ông từng tuyên bố: “nông dân muốn tự do
nhưng chúng ta muốn chủ nghĩa xã hội”.
Những mất mát khủng khiếp này vẫn không ngăn
chặn được sự lặp lại tính tàn bạo cộng sản nhân danh xóa bỏ chủ nghĩa tư bản.
Sau khi chinh phục được Cambodia vào năm 1975, Pol Pot và phe Khmer Đỏ của ông
ta đã đuổi hàng triệu người ra khỏi các thành phố, đẩy họ về nông thôn làm việc
trong các công xã và các dự án cưỡng bức lao động. Họ tìm cách biến Cambodia
thành một xã hội thuần nông không có giai cấp.
Khmer Đỏ bãi bỏ đồng tiền, cấm đánh bắt cá để
kinh doanh, hành quyết các tu sĩ Phật giáo, Hồi giáo; các cộng đồng thiểu số
gốc Việt và gốc Hoa của đất nước bị coi là “kẻ xâm nhập”. Chế độ của Pol Pot
cũng tập trung trẻ em để ngăn ngừa việc chúng bị lây nhiễm ý thức hệ từ cha mẹ
“tư bản” của chúng.
Được biết đã có khoảng 2 triệu người Cambodia,
tương đương một phần tư dân số vào thời ấy, đã chết vì đói rét, bệnh tật, bị
hành quyết hàng loạt trong bốn năm ác mộng dưới ách cai trị của Pol Pot. Ở một
số khu vực, ao chuôm nào đào lên cũng thấy sọ người.
Phân tích về giai cấp của Marx bác bỏ tính chính
danh của mọi phong trào chính trị đối lập, không chỉ từ các phần tử “tư sản” mà
từ ngay bên trong các phong trào cộng sản - bởi vì những người đối lập phục vụ
“một cách khách quan” cho lợi ích của trật tự tư bản quốc tế. Cái lô-gic về
cách mạng không ngừng nghỉ chống chủ nghĩa tư bản sẽ chỉ tới một lãnh tụ duy
nhất trên đỉnh một hệ thống độc đảng.
Từ Nga tới Trung Quốc, từ Bắc Hàn tới Cuba, các
nhà độc tài cộng sản đều chia sẻ những đặc điểm chung chủ yếu. Tất cả đều ít
nhiều tuân theo khuôn mẫu của Lenin: một sự pha trộn hệ tư tưởng đấu tranh với
những thủ đoạn vô nguyên tắc. Và tất cả đều có sức mạnh ý chí tuyệt vời - điều
kiện tiên quyết để thủ đắc những gì chỉ có sự đổ máu không tính nổi mới có thể
mang lại.
Tuy nhiên, trong thế kỷ vừa qua chủ nghĩa cộng
sản không phải là tác nhân duy nhất thực hiện các vụ tàn sát. Sự đàn áp của chủ
nghĩa quốc xã (Nazi), những cuộc chiến tranh thanh lọc sắc tộc cũng
đã giết hại khoảng 40 triệu người. Và trong thời Chiến tranh Lạnh, phong trào
chống cộng sản đã kích hoạt những cơn bùng phát bạo động bất ngờ và dữ dội ở
Indonesia, châu Mỹ Latin và nhiều nơi khác.
Nhưng bằng chứng về nỗi kinh hoàng cộng sản nổi
lên liên tục trong nhiều thập niên đã gây sốc nặng cho những người cánh tả và
theo tư tưởng tự do ở phương Tây, những người cùng chia sẻ nhiều mục tiêu công
bằng xã hội của các nhà cách mạng. Nhiều người phản đối Liên Xô đã làm méo mó
chủ nghĩa xã hội, và quy những tội ác của chế độ Xô-viết cho tình trạng lạc hậu
của nước Nga, cho tính khí của Lenin và Stalin. Dù sao, Marx không bao giờ ủng
hộ việc tàn sát hàng loạt hoặc các trại lao động kiểu Gulag. Không
tìm đâu thấy ông biện luận rằng công an chìm, trục xuất người trên xe chở súc
vật và chết đói hàng loạt là những biện pháp nên dùng để thiết lập các trang
trại tập thể.
Nhưng nếu chúng ta phải học có một bài học từ
một thế kỷ cộng sản thì đó chính là: để thực thi các lý tưởng của Marx thì cần
phải phản bội chúng. Đòi hỏi của Marx “bãi bỏ quyền tư hữu” là tiếng kèn xung
trận kêu gọi hành động - nhưng cũng là con đường kiên định dẫn tới sự hình
thành nhà nước đàn áp, không bị kiểm soát.
Một số nhà xã hội chủ nghĩa bắt đầu nhận ra
rằng, không thể có tự do nếu không có thị trường và sở hữu tư nhân. Khi họ bắt
đầu giải hòa với sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản, hy vọng sẽ điều tiết thay vì
xóa bỏ nó, họ bị cáo buộc là những kẻ phản bội. Theo thời gian, ngày càng có
nhiều nhà xã hội chủ nghĩa chấp nhận kiểu nhà nước phúc lợi, hoặc kinh tế thị
trường có sự phân phối. Nhưng tiếng còi kêu gọi vượt qua chủ nghĩa tư bản vẫn
còn vang vọng trong một số người cánh tả.
Những thành trì cố thủ quan trọng của thế kỷ
cộng sản vẫn còn tồn tại, dù không theo kiểu Marxist chính thống, ở Nga và
Trung Quốc. Cả hai quốc gia này vẫn tiếp tục hoài nghi những gì có lẽ là quan
trọng nhất của thị trường tự do và sở hữu tư nhân: khả năng đem lại cho người
dân thường sự độc lập trong suy nghĩ và hành động, cho họ quyền theo đuổi những
lợi ích của chính họ mà họ thấy phù hợp, trong đời sống riêng tư, xã hội dân sự
và không gian chính trị.
Nhưng chống chủ nghĩa tư bản còn được sử dụng
như một chương trình thay thế trật tự thế giới bằng một trật tự mới, trong đó
những mục tiêu dân tộc chủ nghĩa từ lâu bị đè nén sẽ được hiện thực hóa. Đối
với Stalin và Mao, người thừa kế những nền văn minh cổ đầy tự hào, châu Âu và
Hoa Kỳ đại diện cho sức cám dỗ và mối đe dọa của một phương Tây siêu việt. Những
người cộng sản tự đặt ra cho mình nhiệm vụ phải đuổi kịp và vượt qua các đối
thủ tư bản chủ nghĩa và giành cho đất nước mình vị thế trung tâm trên sân khấu
quốc tế. Cuộc đấu tranh cách mạng cho phép nước Nga thỏa mãn cái ý thức kéo dài
nhiều thế kỷ về sứ mệnh đặc biệt của mình trên thế giới, trong khi nó cho Trung
Quốc cơ hội để tuyên xưng một lần nữa là Vương quốc Trung tâm.
Sự chống đối phương Tây của Vladimir Putin, cùng
với sự pha trộn đặc thù của ông trong đó niềm hoài vọng về thời đại Xô-viết hòa
với sự phục hồi Chính thống giáo Nga, được xây dựng trên tiền lệ của Stalin. Về
phần mình, tất nhiên Trung Quốc vẫn là cường quốc cộng sản cuối cùng, ngay cả
khi Bắc Kinh quảng bá và cố gắng kiểm soát một nền kinh tế phần lớn là thị
trường. Giờ đây, dưới quyền ông Tập Cận Bình, đất nước này vừa đi theo hệ tư
tưởng cộng sản vừa khai thác văn hóa truyền thống Trung Hoa trong nỗ lực nâng
cao vị thế quốc gia như là một sự thay thế phương Tây.
Thế kỷ máu của chủ nghĩa cộng sản đã đi tới lúc
kết thúc, và chúng ta có thể bày tỏ niềm vui về sự lụi tàn của nó. Nhưng những
khía cạnh đáng lo ngại trong di sản của nó thì vẫn còn dai dẳng!
S.K.
__________
Stephen Kotkin là giáo sư
sử học và quan hệ quốc tế đại học Princeton và nghiên cứu viên cao cấp tại Viện
Hoover của đại học Stanford. Cuốn sách mới nhất của ông, “Stalin: Chờ đợi
Hitler, 1929-1941” vừa được Penguin Press xuất bản tháng trước.
Nguồn bản dịch: http://www.viet-studies.net/kinhte/Kotkin_BloodyCentury_WSJ.html
A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét