Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Lénine, trí thức hay đồ tể?

Từ Thức
Cái ông Lénine khát máu đó, đã gây kinh hoàng hơn cả chủ nghĩa nazi, người ngày nay cả thế giới muốn quên lãng, lại là người mà toàn bộ lãnh đạo VN đứng xếp hàng kính cẩn tưởng niệm.
Trong khi các nhà lãnh đạo VN, áo quần bảnh bao, đứng xếp hàng tưởng niệm Lénine (Lenin) và công đức của cuộc Cách mạng Tháng Mười, người Việt nên tìm hiểu về Lénine để biết các cụ, các bác tính dẫn dân tộc vào con đường nào.

Sáng 5-11, tại Công viên Lê Nin (Hà Nội), Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP Hà Nội đến dâng hoa tưởng niệm tại Tượng đài V.I. Lénine, nhân Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 – 7-11-2017). Ảnh: Ý Như.
Rất nhiều sách báo về Lénine đã ra đời nhân dịp 100 năm Cách Mạng Tháng Mười. Nếu chỉ cần đọc một cuốn, cuốn đó là một tác phẩm mới in của Stéphane Courtois, “Lénine, l’inventeur du totalitarisme” (Lénine, người sáng tạo chủ nghĩa toàn trị)(1).
Stéphane Courtois là một nhà nghiên cứu, một sử gia có thẩm quyền nhất về cộng sản, tác giả 30 cuốn sách về chế độ độc tài đỏ. Ông là người điều khiển ban biên soạn cuốn “Le Livre Noir du Communisme” (Cuốn sổ đen của chủ nghĩa cộng sản)(2) cách đây 20 đã gây tiếng vang lớn, đã được dịch ra 26 thứ tiếng, bán trên một triệu bản. Trong một hồ sơ trên 800 trang, các tác giả đã vạch trần, với sự chính xác của các nhà nghiên cứu khoa học và con mắt phân tích của sử gia, những tội ác đối với nhân loại của các chế độ CS.
Trong “Lénine, l’inventeur du totalitarisme”, 450 trang do nhà xuất bản Perrin, Paris xuất bản, Stéphane Courtois thuật lại cuộc đời của Lénine, qua nhiều tài liệu chính tay Lénine viết, để chứng minh Lénine thực sự là cha đẻ của chủ nghĩa toàn trị, với những phương pháp tàn bạo sau này đã được những Mussolini, Hitler áp dụng, những đệ tử như Staline, Mao, Pol Pot thực thi.
Lénine, cha đẻ của bạo lực

Sau khi những tội ác kinh hoàng của chế độ CS bị phát giác, guồng máy tuyên truyền của Nga Xô Viết, với sự đồng lõa của trí thức thiên tả Tây phương, tìm cách đổ hết tội ác lên đầu đồ tể Staline, khoác cho Lénine cái áo một lý thuyết gia trí thức.

Sau khi Staline chết (1953), đổ hết tội ác lên đầu Staline là một cách bào chữa cho chế độ CS. Những tội ác của Staline, và sau này, của Mao, Pol Pot… chỉ là những sai lầm cá nhân, chủ nghĩa CS đích thực vẫn tốt đẹp với lý thuyết gia vĩ đại là Lénine. Rửa tay cho Lénine là rửa tay cho chế độ.
Trong “Lénine, l’inventeur du totalitarisme”, Courtois, như nhan đề của cuốn sách, đã chứng minh Lénine mới chính là người đã sáng chế ra lý thuyết toàn trị và áp dụng những biện pháp tàn bạo nhất để cai trị.
Lénine là cha đẻ của lý thuyết dùng kinh hoàng để thống trị, của ý niệm chuyên chế vô sản, kinh tế chỉ huy, Đảng duy nhất, công an chính trị, Hồng quân, goulag, tẩy não, nông trường…
Lénine, trong nhiều năm trước khi cầm quyền, đã suy nghĩ và hệ thống hóa tất cả những ý niệm và phương pháp mới mẻ đó. Cũng chính Lénine đã sáng chế ra việc lập hồ sơ của mỗi người dân, coi chuyện dân tố giác, báo cáo lẫn nhau là một quốc sách…
Staline chỉ là một tên học trò, khát máu thiệt, nhưng chỉ là một tên học trò thi hành chính sách ông thầy Lénine đã vạch ra. Nắm quyền, bằng bất cứ giá nào. Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Hàng triệu người chết chỉ là một chi tiết, những viên gạch cần thiết để xây dựng một xã hội mới.
Lénine là cha đẻ của hộ khẩu, cai trị dân bằng cai trị cái dạ dầy. Ghê rợn hơn nữa, Lénine dùng nạn đói như một lợi khí chính trị. Nhà nước nắm tất cả mọi phương tiện sản xuất, gây ra những nạn đói 1920-22 ở Nga, 1932-33 ở Ukraine không ngoài mục tiêu làm kiệt quệ những tiềm năng chống đối. Mỗi lần có hàng triệu người chết đói.
Lénine là người sẵn sàng gây nội chiến để chiếm chính quyền, sẵn sàng và đã thủ tiêu tất cả những đối thủ trên đường đi, bắt đầu là những đồng chí không tuyệt đối trung thành.
Đệ tử của Lénine, Dzierzynsky, người cầm đầu tổ chức công an chính trị, ra chỉ thị về nguyên tắc tuyển mộ: “hãy lựa những người dứt khoát lập trường, hiểu rằng không có gì hữu hiệu hơn để dân câm miệng, là một viên đạn vào đầu”.
Hận thù
Thay vì dựa vào nhân dân theo lý thuyết CS để làm cách mạng, Lénine chỉ tin một số tay chân thân tín, những tay cách mạng nhà nghề. Lénine thù ghét tầng lớp lãnh đạo cũ, giới trí thức, trưởng giả, những kẻ lười biếng, ỷ lại (Bọn nào không làm, sẽ không ăn), nhưng còn thù oán hơn nữa những người phe tả nhưng không cực đoan như mình.
Lénine khinh dân chúng. Cái gọi là cuộc Cách mạng Tháng Mười, thực sự chỉ là một cuộc đảo chánh của phe Lénine.
Sáu ngàn hồng quân (gardes rouges) chiếm giữ những địa điểm quan trọng, đã lật đổ chính quyền một cách êm thấm. Dân ngoài đường không hề hay biết, vẫn sinh hoạt như thường lệ. Sau đó, Lénine đã cho soạn kịch, dựng phim, tuyên truyền như một cuộc cách mạng được toàn dân Nga ủng hộ.
Lên cầm quyền, Lénine đóng cửa tất cả báo chí, hành quyết hay bỏ tù tất cả đối lập, hay những người bị nghi là đối lập. Lénine:
“nhân dân không cần tự do, vì tự do là sản phẩm của độc tài trưởng giả”. Lénine: “Ở đâu có nhà nước, ở đó không có tự do. Khi có tự do, hết còn nhà nước”.
Cái ông Lénine khát máu đó, đã gây kinh hoàng hơn cả chủ nghĩa nazi, người ngày nay cả thế giới muốn quên lãng, lại là người mà toàn bộ lãnh đạo VN đứng xếp hàng kính cẩn tưởng niệm. Quên cả trận bão đang tàn phá, gây tang tóc trên một phần đất nước.
Sự thực, việc tập đoàn lãnh đạo VN dựng cái xác Lénine dậy để lễ bái cũng dễ hiểu. Họ có lý để tri ân một người đã dạy họ nắm quyền. Câu nói của Lénine được coi như một câu thần chú: “Muốn tồn tại vĩnh viễn, các đảng cộng sản phải biết đàn áp triệt để những kẻ chống đối”.
Lenine là thần tượng, là mẫu hàng cuối cùng để bám víu cho một chế độ đã mệt mỏi, một thế giới đã sụp đổ.
Paris, tháng 11.2017
T.T.
__________
(1) Lénine L’inventeur Du Totalitarisme. S.Courtois. Ed Perrin. Paris
(2) Le Livre Noir Du Communisme. Dirigé par S. Courtois. Ed Robert Laffont/ Calman Lévy. Paris


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét