Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

HỒI ỨC




Đêm đó, khi mọi người chia thành tổ ba người rút về phía sau, Sơn và Minh đi sau cùng, đột nhiên Minh rủ :
- Hay mò qua chỗ bọn Tàu đã, xem có khoắng được gì của chúng không ?
Hai thằng đi ngược lại, lần theo con suối cạn, phía bờ bên kia, những người lính Trung Quốc đang tụ tập quanh đống lửa thành từng nhóm, mỗi người cầm trên tay một cuốn sách nhỏ. Chắc là lại đọc “Trước tác Mao chủ tịch” như Sơn đã từng thấy ở đơn vị cao xạ của Trung Quốc đóng quân ở nơi anh đi sơ tán hồi nhỏ. Người lính nào cũng có một quyển trong túi áo, bất cứ lúc nào rảnh cũng lôi ra đọc. Minh ghé tai Sơn thì thầm :
- Lừa, ngựa vận tải chúng nó buộc ở phía bên phải kia, ra bắt lấy một con, về được khối việc đấy.
- Nó hí ầm lên thì bỏ mẹ.

- Yên tâm, tao chơi với ngựa từ bé rồi, mày chờ ở đây, tao vào dắt một con rồi ra.
Minh biến vào bóng đêm, Sơn dựa vào tảng đá ven suối, đẩy nòng AK ra phía trước, mở khóa an toàn, sờ quả lựu đạn mỏ vịt vẫn cài trên nắp túi áo thở nhẹ một hơi dài. Bỗng nhiên trước mắt anh lóe lên một quầng sáng rực, Sơn từ từ đổ xuống, tai không nghe thấy tiếng động nào, hình ảnh cuối cùng trong đầu anh là cái xe đạp chở anh và Phương cứ từ từ trôi không một tiếng động. Sơn chỉ kịp nghĩ : “Mình chết rồi”.
Trích nhật ký của Sơn :
“Ngày….3/79
Lần mò cả đêm rồi hai thằng cũng thoát khỏi vòng vây, chả lẽ lại có Trời, Phật. Vẫn nguyên vẹn , không một vết xước. Lúc đó mình có còn biết gì nữa đâu, Minh kể : “Lúc tao quay lại thấy bọn Tàu quây quanh chỗ mày nằm, soi đèn pin, xì xồ mấy câu rồi bỏ đi, súng cũng không thèm lấy. Tưởng mày chết rồi chứ”.
Lạ thật, mình chẳng thấy sợ sệt gì, thậm chí còn thấy tiếc sao không chết luôn cho rảnh, Minh bảo : Chắc Phương cứu mày đấy. Nói xong nó vội vỗ vào miệng : “Phỉ phui, phỉ phui, Phương chắc chắn vẫn chờ mày ở nơi nào đó”
……
“…25/8/79.
Mưa rừng, thanh âm rậm và buồn. Thế là tròn một năm khoác áo lính.
Chẳng thấy nhớ nhung gì cả, cái quãng đời trước như xa vời vợi. Đêm qua thằng Khánh “Thần sầu” thủ thỉ : “Em nhớ Hà Nội quá, mấy thằng lính Hà bên đại đội pháo 105 bàn nhau vượt tuyến. Hay em về “sờ ti” mẹ một cái rồi lại lên luôn”.
Hôm trước, đi tuần tra cột mốc, gặp một thằng viết chữ : “Mẹ ơi ! Con đói !” trên mũ.
Mình già quá rồi, dù mới hơn 20 tuổi. P ơi ! Em đã mang theo cả tuổi trẻ của tôi rồi. Có lần P nói : P sẽ xóa hết cái buồn bã sâu thẳm trong mắt của S.
Thằng Minh đã quá phép 2 ngày, tên H nói : Hay nó tuột xích rồi ? Cái bọn sinh viên tiểu tư sản hay dao động tinh thần lắm. Thằng ngu, nó hiểu làm sao được bọn mình. Lên nhanh Minh nhé, nhớ mày rồi đấy. Mình từ chối nghỉ phép nhường cho nó, Hà Nội chẳng còn gì khi vắng P”.
***
Sau năm 75, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu có những bóng đen lởn vởn, bố của bạn Sơn, một sỹ quan cấp tướng cũng bị khám nhà và tịch thu cả cái thư viện đồ sộ vì có dư luận cho rằng ông “thân Tàu”. Sơn cũng cảm thấy điều đó mỗi lần đến nhà Phương, pá (bố) Phương ngày xưa cũng từng làm ở một trường đại học nhưng ông đã nghỉ rất sớm, về nhà làm nghề bán “Bát bảo, huyền sâm” một thứ nước uống, kiêm thuốc bổ rất nổi tiếng của người Hoa.
Một buổi tối Sơn đến, thấy ông đang lầm lỳ ngồi cạnh cái bếp nấu trà đang vứt từng tờ tiền vào trong lò, mẹ Phương ngồi một góc khóc rấm rứt, Phương nắm tay Sơn dắt ra cổng :
- Sơn về đi, mai hãy đến.
Sơn về nhà qua đường Cửa Nam, cả ngã tư đông nghịt, kín từ đầu đường Nam Bộ đến phố Đình Ngang. Cả một thế giới bần hàn như từ trong các ngõ tối chui ra hè phố, càng thảm hại hơn dưới ánh đèn đường vàng ệch. Người ta bán cả được cái bếp dầu hỏng đến đôi dép cũ, có ông đầu đội mũ phớt, khoác trên tay một bộ comple đã sờn. Tin đổi tiền được giữ bí mật, nhưng người Hà Nội đã đánh hơi thấy, những người có tiền biết nó sẽ biến thành giấy vụn ngay trong tích tắc, hy vọng mua được món gì đó dùng tạm, đám người nghèo mong những thứ vô dụng của mình móc được túi đám nhà giàu cho bõ ghét. Lần đầu tiên Sơn cảm thấy có một cái gì đó đang đè nặng lên trái tim mình.
Nhưng tuổi trẻ vẫn là tuổi trẻ, khi thành phố rộ lên tin đồn rằng những người Hoa đều nhận được một mảnh giấy nhét qua khe cửa với nội dung là phải trở về “nước Mẹ” ngay lập tức nếu không sẽ bị trừng trị nghiêm khắc, thỉnh thoảng thấy xuất hiện những tờ truyền đơn tố cáo “chính quyền Việt Nam bài xích người Hoa”. Sơn cũng không thấy lo ngại nhiều, anh nghĩ gia đình Phương có còn mối liên hệ nào với cái đất nước to lớn bí ẩn kia đâu ? Ông Giang Tô đầu Hàng Buồm vẫn cười hềnh hệch với anh mỗi lần anh ghé mua kẹo :
- Ngộ không về Tàu đâu, ngộ là người Việt Nam mà.
Mỗi lần qua nhà Phương, mua cho thằng bé em trai cô đôi cá chọi, mấy cái kẹo, nhìn hai chị em say sưa xem cá chọi nhau trong lọ, cười reo ,vỗ tay như hai đứa trẻ, trước lúc ra về dúi vội vào tay nàng lá thư thức suốt đêm qua để viết là Sơn đã thấy hạnh phúc vô bờ. Với họ, cái bầu không khí nóng bỏng ngoài kia là một thế giới xa lạ nào khác, họ sẽ ở bên nhau đến cuối đời là một điều tự nhiên, như cây cỏ, như hơi thở vậy. Phương chỉ hơi lo ngại một chút, cô nói với Sơn :
- Phương hơn Sơn một tuổi đấy, sau này Sơn có chê Phương già không ?
Cả tuần Sơn cắm cúi ở trường, các lớp đều bị trùng giờ hình họa, người mẫu khỏa thân bị thiếu nên bọn Sơn phải túc trực tranh thủ những lúc có mẫu để vẽ. Hôm nay mới rảnh, anh tắm rửa rồi vội vã xách xe đạp qua nhà Phương. Một đám đông ồn ào trước cửa nhà ông Minh chụp ảnh, một chiếc xe tải đỗ trước cửa, nhiều người khuân đồ đạc trong nhà vứt lên xe.Ông thợ ảnh có cái họ rất Trung Quốc : Hàn Trạch Minh, anh con lớn của ông tên Hưng đã lấy vợ, anh không phải đi bộ đội vì là khai lý lịch là người Hoa, nhưng anh vẫn kể với bọn thanh niên trong phố : Tao cũng đéo phải là “Tàu mất gia phả” đâu, Việt Nam chính tông. Anh Hưng đang ngồi trước đầu xe, khóc rống, lạc cả giọng : “ Tôi là thằng hèn nhát, tôi nói dối là người Hoa để trốn bộ đội, cho tôi ở lại, tôi không về Trung Quốc đâu. Đ.m thằng Tàu”. Như linh cảm thấy điều gì rất xấu, Sơn nhảy vội lên xe đạp thục mạng. Cánh cổng nhà Phương khép chặt, cuốn mấy vòng xích sắt to tướng. Như điên dại, Sơn trèo qua cánh cổng, chạy như bay, nhẩy mấy bậc một trên cái cầu thang xây bên ngoài dẫn lên tầng hai. Cánh cửa đóng chặt, lủng lẳng một ổ khóa to tướng, hai băng giấy dán chéo nhau đè lên cánh cửa như một nhát chém tàn nhẫn. Sơn tê dại gục đầu vào cửa, rồi từ từ đi xuống, ôm gốc ngọc lan ở cuối sân, anh rên lên : “Phương ơi !”.
Suốt cả tháng trời, Sơn như kẻ điên loạn, anh bỏ cả học hành, ăn uống thất thường, đôi mắt thiếu ngủ đỏ đọc, ngày mấy lần anh đạp xe đến nhà Phương, thần người bên cánh cổng sắt, mong mọi chuyện là trong giấc mơ. Mẹ anh chỉ thở dài.
***
Vấp phải hòn đá bên đường, Sơn chợt bừng tỉnh, anh thấy đau nhói bên sườn phải, vô thức anh đặt tay lên chỗ đau bóp nhẹ, hình như có bàn tay Phương ở đó. Ngày ấy, năm cuối lớp 10 cả bọn rủ nhau đạp xe đi chơi chùa Thầy, lúc về Phương nói nhỏ :
- Đi chậm lại Sơn ơi.
Hai đứa tụt lại sau đám bạn bè, Phương để bàn tay vào cạnh sườn Sơn đến lúc về tận nhà. Lần gần gũi duy nhất của hai cơ thể trong suốt mấy năm yêu nhau.
Sơn lắc đầu, khoác khẩu AK vòng qua cổ rồi quay lại nói với Lợi :
- Thôi về đi, không qua chợ nữa.
Để nguyên quần áo, Sơn ào xuống suối, lội qua hướng về căn nhà ở đầu bản, nơi tiểu đoàn bộ đóng, phớt lờ không trả lời mấy câu trêu chọc của mấy cô gái đang giặt bên bờ suối :
- Chài ơi ! Au noọng mí ? (anh ơi, có lấy em không ?).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét