Tiến sĩ Văn học,
nguyên Giáo viên Trường Chu Văn An, Hà Nội
Rất lâu không đọc báo Văn nghệ, ngẫu nhiên thấy một truyện ngắn được share trọn vẹn trên một trang Fb quen nên tò mò mà đọc, đó là “Bắt đầu và kết thúc” của Trần Quỳnh Nga! Đọc xong, bày tỏ vài dòng trên trang cá nhân, một học trò nói: “Nên để lời bình cho những gì đáng bình”; đồng nghiệp thì khuyên:” Hãy để nó tới thế nào thì đi như thế, vô tăm tích”!
Vậy nhưng vẫn thấy cần phải nói vài lời về một truyện ngắn không thể không suy nghĩ!
1. Giải thiêng, giải ảo, đối thoại với lịch sử... là những xu hướng khiến tiểu thuyết lịch sử ngày càng thu hút được sự quan tâm, hứng thú của người đọc! Đó là loạt truyện ngắn đạt tới mức “kinh điển” thời đổi mới như Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh - những tác phẩm khiến người đọc bất ngờ nhận ra những góc độ mới của lịch sử, những gương mặt mới của nhân vật lịch sử, đa diện và chân thực, gần gũi và dễ cảm thông, giúp giải đáp thuyết phục hơn những câu hỏi hình như vẫn luôn hiện hữu đâu đó khi ta ngước nhìn những pho tượng sơn son thiếp vàng xa xôi và khó hiểu!
2. Và thực ra, không chỉ trong các tiểu thuyết lịch sử, khuynh hướng nhìn nhận, thấu hiểu và đánh giá lại lịch sử cũng không xa lạ trong nhà trường phổ thông - nhưng không phải trong môn Lịch sử mà là môn Ngữ văn! Những đề bài yêu cầu học sinh cảm nhận/ đánh giá về các nhân vật lịch sử trong truyền thuyết lịch sử đã không còn xa lạ với nhà trường! Đơn cử một ví dụ, khi dạy truyền thuyết An Dương vương và Mỵ Châu, Trọng Thuỷ, nhiều giáo viên đặt câu hỏi cho trò: Lý giải nguyên nhân mất nước Âu Lạc? Ai là người phải chịu trách nhiệm chính trong nỗi đau mất nước? Cách phán xử của nhân dân với ba nhân vật An Dương vương/ Mỵ Châu/ Trọng Thuỷ đã thỏa đáng chưa? Tại sao?.v.v... Quan sát lịch sử bằng cái nhìn của người hôm nay không chỉ giúp trả lại sự công bằng cho lịch sử mà quan trọng hơn là giúp người hôm nay có những bài học/ những trải nghiệm gián tiếp qua độ lùi mang tính kiểm chứng chân xác của thời gian!
3. Có người cho rằng, “Lịch sử là một người câm đã đi mất. Người làm khoa học lịch sử cũng chỉ là người ghi chép lại theo quan điểm của cá nhân họ. Chỉ có người nghệ sĩ là chạm đến những khát vọng của lịch sử, khơi mở những vấn đề ẩn khuất và lay động con người”. (VnExpress, 16/10/2012). Alexandre Dumas khẳng định: "Lịch sử chỉ là cái đinh để tôi treo bức tranh của mình”. Từ những quan niệm ấy, có thể hiểu rằng yếu tố hư cấu trong các tiểu thuyết lịch sử chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng! Tuy nhiên, cần hiểu thế nào về vai trò của hư cấu - khả năng tái hiện lịch sử chân thực theo cách hình dung gần đúng nhất với logic tâm lý và logic sự kiện, bổ sung các khuyết thiếu, phục dựng các khuất lấp... Và “bức tranh” của nhà văn chỉ có thể “khơi mở những vấn đề ẩn khuất và lay động con người” khi treo mắc chắc chắn trên “cái đinh” chính sử - mảng lịch sử được kiểm chứng qua thời gian và được khẳng định trong tâm thức dân tộc! Hư cấu chỉ giúp lịch sử đầy đặn, đa chiều, gần gũi và chân thực, khiến hôm qua trở nên hữu ích với hôm nay, hư cấu tuyệt đối không đồng nghĩa với xuyên tạc, bóp méo, đổi trắng thay đen lịch sử, xúc phạm chiều sâu văn hoá dân tộc!
4. Truyện ngắn “Bắt đầu và kết thúc” của Trần Quỳnh Nga đăng trên báo Văn nghệ số 50, 12/2017 khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên và bất bình bởi mấy lý do sau đây:
- Các nhân vật lịch sử chỉ còn lại duy nhất một cái tên, còn hành vi, nhân cách đã bị tráo đổi theo cách rất chủ quan của người viết. Theo đó, Trần Ích Tắc “mãi quốc cầu vinh”, qua vài lời mơ hồ trong giấc mơ của An Tư hoặc qua lời của tướng giặc Thoát Hoan vụt trở thành “một kẻ vì nước, mà hy sinh cả tiền tài, danh vọng và thân phận của mình để làm một kẻ nội gián”, một thân vương trung quân ái quốc tài đức vẹn toàn, biết khuyên tiểu muội những lời xúc động: "Dòng máu hoàng tộc không chỉ nuôi sống cơ thể chúng ta mà nó còn là huyết mạch nuôi dưỡng tinh thần quật cường, đức hi sinh, lòng kiêu hãnh của cả một triều đại”; là người ý thức được hành vi “vị quốc vong thân” của mình một cách thâm trầm, cao thượng: "Ta đã chọn lựa cách sống của riêng mình và ta không hổ thẹn với nó”! Còn đâu là hình ảnh nhục nhã của “Ả Trần” trong sự phán xét của hoàng tộc - kẻ “mãi quốc cầu vinh” đã được chiêu tuyết bất chấp chính sử và tâm thế nhân dân!
- Tướng giặc Thoát Hoan cũng được chuốt lại với cốt cách phong lưu mã thượng, một kẻ có tấm lòng liên tài, biết tiếc ngọc thương hoa... Điều đó cũng có thể chấp nhận như một phương diện của hư cấu nghệ thuật giúp con người không bị giản đơn theo lược đồ phân cực bổ đôi của tư duy cổ tích! Tuy nhiên, người đọc không thể không phẫn nộ khi bắt gặp trong cách thương hoa tiếc ngọc giọng điệu càn rỡ của kẻ cướp: "Trước cảnh hoa đào đẹp đến lặng lẽ như thế, đột nhiên thôi, trong lòng hắn thoáng chút bồn chồn nuối tiếc “giá Đại Việt cứ khuất phục đi, khuất phục làm chư hầu như bao đời nay vẫn thế thì có phải những chốn thiên thai này sẽ còn lại mãi mãi?” - chưa nói tới thông điệp nhục nhã về sự “khuất phục” để bảo toàn, chỉ riêng sự khẳng định “khuất phục làm chư hầu như bao đời nay vẫn thế” đã xúc phạm sử Việt - trang sử thấm máu cha ông trong những cuộc khởi nghĩa giành độc lập thời Bắc thuộc (Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lí Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Ngô Quyền...), chà đạp một sự thật: dù trong 1000 năm Bắc thuộc hay thời kì đất nước ta bước vào kỉ nguyên độc lập tự chủ từ thế kỉ X, dân tộc Đại Việt chưa bao giờ chịu khuất phục trước những cuộc xâm lăng từ phương Bắc!
- Mối quan hệ giữa Thoát Hoan và công chúa An Tư có thể để nhiều khoảng trống cho hư cấu nghệ thuật, mở ra nhiều góc tiếp cận nhân bản, nhưng có nên biến tác phẩm thành một dạng ngôn tình cổ trang, có nên thay cái ống đồng nhục nhã gần ngàn năm nay thành tấm chăn lụa điều mềm dịu hương thiếu nữ? Có nên miêu tả cuộc phản công của quân dân nhà Trần trong màu sắc một cuộc bạo loạn, điên loạn như thế này: "Bốn bề là biển lửa !Tiếng binh khí loảng xoảng. Tiếng hò hét điên loạn: Phải bắt sống Thoát Hoan”? Có nên đặt cuộc chạy trốn của tên tướng giặc vào cảnh tượng lãng mạn trong sắc hoa đào cao quí thanh khiết: "Trong đêm tối tĩnh mịch có hai người vội vã rời khỏi kinh thành. Ngựa phi nhanh như gió. Sau lưng họ, hoa đào rụng trắng như tuyết dưới ánh trăng đẫm sương ướt át. Mùi thơm còn đọng lại trên nhụy đài chan chát ngọt ngào”! Và câu trần thuật "Trong tích tắc, An Tư như bừng tỉnh” có sự cài ghép mơ hồ, khó chấp nhận - nàng công chúa Đại Việt “bừng tỉnh” điều gì đây trước khi giấu giặc nước vào chiếc chăn lụa? Hơn một lần tác giả viết về sự “bừng tỉnh” sau “ảo giác”, và thậm chí còn dẫn giải khá kĩ lưỡng sự bừng tỉnh, đốn ngộ ấy về cái tương phản bất ngờ giữa định kiến (về tướng giặc) với thực tế (trang nam tử Hán dịu dàng, đẹp đẽ đang kiên nhẫn ngồi chờ công chúa tỉnh lại!): "Nàng đã từng tưởng tượng rằng đằng sau dáng ngồi kềnh càng như một con gấu lớn với tấm áo khoác da thú tanh đầy mùi máu phải là một người kì dị chứ không phải là một trang nam tử Hán trong một bộ áo dài màu nâu viền vàng gài khuy chéo được quấn bằng một dây đai nạm ngọc tinh tế làm lộ rõ thân hình đẹp đẽ”! - sự trau chuốt cho tướng giặc còn hiện rõ khi dùng chi tiết xuất thân giải thích cho vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của y: "Từ bé tới giờ Thoát Hoan chỉ ở trên thảo nguyên rộng lớn. Cái khoáng đạt của lòng người cũng như lòng thảo nguyên bao la và có phần lãng tử. Chàng chắc cũng đã được biết nhiều đến các mỹ nhân, nhưng đẹp và tài hoa như An Tư quả là chàng chưa thấy bao giờ”!
Người đọc bây giờ không còn mang những định kiến và cách tiếp nhận ấu trĩ khi chỉ nhìn thấy cái xấu của kẻ thù, nhưng quả thật khó có thể hiểu dụng ý cuối cùng của tác giả truyện ngắn là gì khi xuyên tạc hoàn toàn cả lịch sử và nhân vật lịch sử! Và nhất là trong lúc này!
5.Trở lại câu mở đầu: "Rất lâu không đọc báo Văn nghệ”, thấy nuối tiếc hình ảnh của tờ báo từng “vang bóng một thời”! Vài thập kỉ trước đây, Văn nghệ từng là niềm nhớ yêu chờ đợi, là món ăn tinh thần không thể thiếu cuối mỗi tuần, bên cạnh Sân khấu truyền thanh tối thứ 7, Ca nhạc theo yêu cầu thính giả sáng chủ nhật - những niềm vui thuần khiết, ít ỏi mà không nghèo nàn, nhất là không xô bồ chân nguỵ! Tuần báo đầy ắp những góc nhìn mới sắc tới ngỡ ngàng với dấu ấn các truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, phóng sự Phùng Gia Lộc, người đọc không chỉ nhớ thơ nhớ truyện, không chỉ mỉm cười với những góc Dọn vườn vui hóm, những tranh châm biếm sắc sảo, những trang thơ với nhiều bài đã được tuyển chọn vào sách giáo khoa cho nhiều thế hệ mà còn ấn tượng với những tranh minh họa của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Sĩ Ngọc…, những bài viết mang tính thông điệp cho cả một thời như “Hãy đọc lời ai điếu...” của tác giả Phiên chợ Giát...
Niềm chờ đợi đầy kì vọng và yêu mến ấy đã vợi thật nhiều qua thời gian, và tới truyện ngắn “Bắt đầu và kết thúc”, người đọc băn khoăn về sự bắt đầu và kết thúc... - không chỉ với một niềm yêu!
Trịnh Thu Tuyết
____________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét