Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Khẩu hiệu giáo dục tiểu học!?


Tôi không biết trước cổng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay tại thủ đô Hà Nội có cái băng rôn khẩu hiệu KỶ NIỆM 50 NĂM CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968! như thế này không.

Nhưng khi nó được treo ở cổng trường tiểu học thì tôi xin có ý kiến với ông Bộ trưởng GD&ĐT, Giáo sư Phùng Xuân Nhạ: Mục đích treo băng rôn khẩu hiệu “Kỷ niệm 50 năm…” ngay trước cổng trường tiểu học để làm gì? (xem hình)
1. Tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc?
Với đối tượng là 100% học sinh không quá 12 tuổi thì tuyên truyền cái gì cho phù hợp.

Xin thưa, ít nhất là 95% cha mẹ và thầy cô giáo các cháu tiểu học sinh ra sau Tết Mậu Thân 1968. Khi cha mẹ, thầy cô các cháu cũng không hiểu đầy đủ về sự kiện bi thương này thì các cháu làm sao hiểu nổi.

Thế hệ tôi sinh ra và chứng kiến giai đoạn Tết Mậu Thân cũng muốn quên nó đi. Tôi không muốn kể lại cho con cháu mình cảnh người Việt buộc phải giết nhau một cách man rợ, không kể nam nữ, già trẻ, lớn bé trong những thời khắc thiêng liêng. Ngay trong gia đình, bà con, hàng xóm cũng sẵn sàng nổ súng giết nhau vì bản năng sinh tồn.

Khoảng 10 năm nữa các cháu sẽ là chủ nhân của đất nước.

Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc hình thành từ bài học lịch sử “Kỷ niệm 50 năm…” ngày hôm nay: Có giúp cho các cháu dễ dàng làm chủ “thế giới phẳng” hay không; Có đủ tri thức, tự tin để trở thành doanh nhân trong một “quốc gia khởi nghiệp”.


Hay là trong đầu các cháu vẫn tiếp tục là: ta, địch (Ngụy), lòng thù hận, kiêu ngạo chiến thắng đối với Đế quốc Mỹ và hậu duệ Việt Nam Cộng hòa! Vậy thì đến khi nào dân tộc Việt Nam mới thống nhất để hợp tác, phát triển.

Hãy để những sự kiện như Mậu Thân 1968 đến khi các các cháu đủ nhận thức sẽ tìm hiểu dưới góc độ của ngành khoa học lịch sử.
2. Cải cách giáo dục môn lịch sử?
Nghe đâu ngành giáo dục đang cải cách “tích hợp môn lịch sử”, thì theo tôi việc đưa khẩu hiệu “Kỷ niệm 50 năm…” vào trường tiểu học để tuyên truyền, giáo dục là một thất bại.

Những đứa con nít lứa tuổi hiếu kỳ này không thể hiểu được các mỹ từ như “cục diện”, “chiến lược”, “ý nghĩa lịch sử”, “tổng diễn tập”,… đâu! mà chúng sẽ vào mạng internet tra từ khóa “Mậu Thân 1968” thì thấy toàn là bắn giết nhau, xác người đầy đường, đầu lâu chất đống (https://goo.gl/ofjz92).

Thực tế xã hội hiện đại chứng minh, không có nền giáo dục của quốc gia nào thành công khi đưa vào đầu các cháu bé hình ảnh bạo lực, thù hận, dối trá.
Chưa tính, nếu trên phạm vi cả nước với hơn 15.000 trường tiểu học đều treo khẩu hiệu “Kỷ niệm 50 năm…”, thì lại thêm một sự lãng phí ngân sách không hề nhỏ, mà nhân dân phải gánh chịu.
3. Góp ý với Bộ trưởng
Rõ ràng, đặt câu khẩu hiệu “Kỷ niệm 50 năm…” ngay cổng trường hoàn toàn không thể đạt được mục tiêu giáo dục tiểu học hiện nay là Đào tạo đạo đức, nhân cách; Đào tạo kiến thức và Đào tạo kỹ năng sống.

Thay vì giăng khẩu hiệu “Kỷ niệm 50 năm…” ngay cổng trường Tiểu học, nên thay thế bằng câu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” để các cháu tập đọc, tập học về địa lý, lịch sử một cách rất trực quan, sống động, thực tế, phù hợp với lứa tuổi tìm hiểu đầu đời. Vừa giáo dục lòng yêu nước, tính dân tộc lại không có hình ảnh bạo lực, thù hận.

Tôi cũng khẳng định luôn là phụ huynh sẽ vui vẻ góp tiền cho câu khẩu hiệu này treo từ cổng trường, thậm chí trong từng lớp học.

Điều quan trọng là còn nhắc nhở ý thức của thế hệ các cháu, có trách nhiệm đòi lại chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa như lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc đối thoại với các nhà khoa học Việt Nam ngày 17/5/2014 “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và nhất định chúng ta phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn không đòi được thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại”(https://goo.gl/mbTYZ4).

Nếu được như vậy, sẽ góp phần đạt được nhiều mục tiêu cho ngành giáo dục ngay từ bậc tiểu học:
·       Nội dung giáo dục được sự đồng thuận và gắn liền giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
·       Thực hiện học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn.
·       Tự nhiên hình thành lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trách nhiệm công dân;
·       Đạt được ý nghĩa xã hội hóa, phi lợi nhuận cho giáo dục công dân…


Đ.T.N.

Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét