Tiếng sóng - Yêu đương (1934) -
Phạm Huy Thông
Phạm
Huy Thông (1916-1988) học sử, học văn, học luật tại Pháp, có bằng thạc sĩ, tiến
sĩ. Trước cách mạng tháng Tám 1945, được học hành sang trọng như vậy hiếm lắm.
Phạm Huy Thông lại làm thơ khá sớm, năm 15 tuổi đã có thơ in: Yêu đương, Anh Nga, Tiếng địch sông Ô... Sự nổi tiếng về thơ còn vang rộng hơn sự nổi
tiếng về học. Ấy vậy mà sau này ông chuyển hẳn sang làm sử, nhiều năm làm hiệu
trưởng Đại học sư phạm rồi Viện trưởng Viện khảo cổ. Với thơ, có lúc ông quay
lại (hồi kháng chiến chống Mỹ) nhưng không còn gây được chú ý trong bạn đọc. Có
thể coi thành công thơ ông nằm trọn trong giai đoạn đầu của Thơ Mới, trước năm
1940. Thơ Phạm Huy Thông chủ yếu là thơ tình yêu. Ông say đắm và lắm lời. Thơ
tình của ông thiên về ca ngợi sắc đẹp và giãi bày nỗi si tình. Ông ít khám phá
tâm trạng, ít sáng tạo tình cảm nên mạch thơ cứ đều đều bằng phẳng. Giọng thơ
khi ấy, trước Xuân Diệu có dăm năm, còn nhiều kiểu cách, ước lệ, xa ngôn ngữ
của đời sống thật, các người yêu nói với nhau như trên sâu khấu ca kịch lủng
củng, những tình lang, tình nương, tiên nữ, tiên nga, mặt hoa, tiếng vàng...
Lời thơ còn cổ hơn thơ của Tú Xương, Nguyễn Khuyến. Nhưng cũng phải thấy đó là
dấu vết văn chương lãng mạn của một thời, nó giàu mộng mị và xa đời, thi sĩ
ngồi trong tháp đúc bằng ngà và chỉ thấy có “ái tình” là điều quan trọng. Họ
sướt mướt nhớ nhung và lê thê than vãn. Ngày nay đọc lại có hơi sốt ruột và đôi
lúc buồn cười vì sự dư dả nước mắt của các bậc nam nhi, kể cả ông tướng Tàu
Hạng Võ (trong Tiếng địch sông Ô).
Nhưng vào thập niên ba mươi, thơ Phạm Huy Thông lại được lớp thanh niên thành
phố ưa thích.
Ông là một trong những người tiên phong thổi
ngọn gió lãng mạn cá nhân vào tâm hồn họ, đánh thức những tình cảm bắt đầu manh
nha trong lòng họ: tự do yêu đương, tận hưởng ái tình. Phạm Huy Thông đưa họ
vào miền đất mới nhiều đắm say, nhiều lạc thú của tình yêu mà trước đó trong
thơ tình cổ điển, như của Phạm Thái, không hề có, dù tác giả cũng đầy lòng say
đắm. Giọng thơ ẻo lả, rề rà ấy trong một thời gian ngắn, khi Xuân Diệu, Huy
Cận, Chế Lan Viên xuất hiện, đã được khắc phục và tạo nên một thời đại mới
trong thơ ca - thời đại những tình cảm riêng tư ẩn giấu trong lòng mỗi người,
thường là tình yêu, được bộc lộ, được xã hội chia sẻ cảm thông và... ca ngợi.
Đó là một đóng góp nhân đạo của thơ cho đời sống.
Phạm Huy Thông còn có một thành tựu khá riêng
biệt là giọng anh hùng ca trong các bài thơ dài lấy điển tích lịch sử như Hạng
Tịch biệt Ngu Cơ thời Hán Sở bên Trung Hoa, hoặc Huyền Trân công chúa từ giã
người yêu theo lệnh vua Trần về làm vợ vua Chiêm... Sức bút Phạm Huy Thông trở
nên lôi cuốn với nhiều khí vị bi hùng khi miêu tả không gian lớn, tình cảm bi
thương, hành động cao cả. Kiến thức sử học đã thành men xúc tác cho trí tưởng
tượng của lãng mạn. Tiếng than của Hạng Võ khi vận trời đã tận nghe như tiếng
vang của sông núi, của thời gian, trời đất: “Ôi những võ công oanh liệt chốn sa
trường! Những buổi tung hoành, lăn lộn trong rừng thương/ Những dũng tướng bị
đầu văng trước trận...! Nhưng than ôi! Vận trời khi đã tận/ “Sức lay thành nhổ
núi” mà làm chi?”
Không gian kịch tính của các bài thơ lịch sử
Phạm Huy Thông thường được đẩy lên cao trào có tính bi tráng nơi ý chí, nghị
lực và lòng son sắt tình yêu bị thực tế đời sống bẻ gãy: Ngu Cơ tự sát để Hạng
Võ tiếp tục sự nghiệp võ công. Vị dũng tướng trăm trận trăm thắng bị sa cơ, sụp
đổ bao khát vọng chỉ vì trái tim yêu đằm thắm. Trần Khắc Chung nén lòng yêu để
làm kẻ trung thần, công chúa Huyền Trân lại vì lòng yêu mà quyết cắt tình yêu.
Cuối bài thơ cả hai cõi lòng đều tan nát và không gian bao quanh họ như cũng
bước vào cơn huỷ diệt: “Còn đợi chờ chi nữa, cảnh mênh mông.../ Mà chưa tan.../
Mà chưa tan.../ Mà chưa biến ra hư không”. Hình ảnh Lê Hoàn, Phan Bội Châu có
một kích tấc kỳ vĩ kể cả trong thất bại. Cái chết của Phan Bội Châu là cái chết
của con voi già mà tiếng gầm từ giã lay chuyển cả rừng xanh trời rộng và gọi
linh hồn hùng vĩ của loài voi. Cảm hứng lãng mạn đã chắp cánh cho lịch sử, khôi
phục sự kiện nhưng lại sáng tạo tâm trạng. Lịch sử hiện diện theo yêu cầu của
cảm xúc, tâm lý người đương thời. Giọng thơ thi sĩ Phạm trở nên mạnh mẽ đầy
sinh khí. Sự kiện lịch sử và các diễn biến tâm lý nhân vật đầy bi tráng làm
Phạm Huy Thông thoát khỏi giọng cái tôi ẻo lả của các bài thơ ngắn mấy năm đầu,
tạo nên giọng ca thơ bi tráng hiếm có của thời ấy và còn lôi cuốn đến hôm nay.
Ông qua đời trong một vụ án mạng khá bí ẩn vào
tháng 6 năm 1988 tại nhà riêng.
Tác phẩm:
- Tiếng sóng - Yêu
đương (thơ, 1934)
- Anh Nga (thơ, 1936)
- Tiếng địch sông Ô (thơ,
1936)
- Lòng hối hận (kịch thơ,
đăng dở trên Hà Nội báo, 1936)
- Tần Ngọc (thơ, 1937)
- Tây Thi (thơ, 1937)
- Cái én (kịch thơ, 1966)
Amicvs Amicae
Tôi yêu! lần đầu
tiên, hoa Tình Ái
Trong tim tôi như hé môi mời hái
Cúng lần đầu tiên tôi nghe tiếng Ly Tao
Vẳng ca ái ân với tiếng trúc xạc xào
H.T
Nguồn: Phạm Huy Thông - thơ, NXB Lao động, 2011
TIẾNG SÓNG
J'aime à faire vibrer
sans fin ma lyre d'or
Aux multiples accents de ta voix innombrable.
H.T.
(Sourvenirs)
Có nhiều sáng, gió mơ mòng dìu dặt,
Ánh bình minh vàng dịu dãi màu tươi,
Trên bể xanh, những đợt sóng tuyệt vời.
Như một bọn nhạc công miền tiên giới,
Du dương gẩy những nhịp đàn êm ái,
Sóng khoan thai vui gợn tới chân trời!
Ta ước ao, những sáng đó, có giọng ngươi.
Để thì thầm lời nước mây kiều diễm,
Bên tai người ta đắm say âu yếm.
Có nhiều trưa gay gắt, nắng tưng bừng,
Đỉnh chói loà ánh sáng như kim cương,
Những lớp sóng vang lừng và chậm chạp,
Bình tĩnh reo từng khúc hồi dồn dập.
Ta ước ao, những trưa đó, có giọng ngươi,
Để ta ca, hỡi sóng! tính khinh người,
Lòng kiêu căng không bến bờ, không giới hạn,
Với nỗi buồn gớm ghê, niềm ngao ngán
Của một trái tim đau đớn bởi điên cuồng.
Có nhiều chiều đẫm tắm bóng thê lương,
Cùng gió thảm từng hơi dài tấm tức,
Sóng rền rĩ và âm thầm thổn thức,
Tiếng buồn rầu thấm đượm cả bầu trời.
Ta ước ao, những chiều đó, có giọng ngươi.
Sóng, hỡi sóng nặng nề chiều thu tạ!
Để nắn phím lòng thiết tha, ta sẽ hoạ
Nỗi nhớ chung thường réo rắt bên tai
Với niềm tiếc thương những ngày thắm đã phai.
Có nhiều đêm đen tối như địa phủ,
Sóng dữ dội như ma thiêng kêu rú,
Đương khi trong đám tối chớp bập bùng.
Và giông gào và sấm sét đùng đùng
Hỡi sóng đêm hỗn độn lôi đình quát tháo
Cả vũ trụ như toan vùi trong trận bão!
Ta ước ao những đêm đó có giọng ngươi
Để lòng hờn căm ồ phá ra ngoài
Bằng những lời nghiến đay thần Số mệnh,
Trong vòng đau tự ngàn xưa nhất định
Bắt loài người phải lăn lộn, quay cuồng.
Không bao giờ, không bao giờ ngớt tiếng du dương,
Hỡi sóng! Đàn thần tiên muôn thu réo rắt!
Sóng lòng ta cũng không bao giờ ngớt
Tiếng mơ mòng ca nhịp buồn vui.
Cho nên ta ao ước có giọng ngươi.
Để man mác gợi khêu hồn nghệ sĩ,
Ta hoạ lại tiếng đàn tâm huyền bí.
Nguồn: Huy Thông, NXB Hội nhà văn, 1994
ĐƯỜNG TÌNH ÁI
"Tu es encore un
enfant : oui, un enfant! cé st-à-dire que tu ne connais pas encore la douleur.
I'auxiété d'aimer et d'attendre I'écho de l'appel"
Sourvenirs
Ta không còn là đứa trẻ ngây thơ,
Không biết gì, ngoài sách vở, thuở xưa.
Không! Tim ta đã bắt đầu rung động,
Và, sáng vắng, canh tàn, đã mơ mộng
Những phút thần tiên chan chứa nỗi yêu đương.
Con đường tình chói lọi ánh hào quang,
Như giục giã thi nhân mau đặt gót.
Lòng say sưa, ta vừa toan dấn bước,
Bỗng bao người đường nọ đã từng qua,
Níu áo ta và lên tiếng thiết tha:
- Kẻ niên thiếu điên cuồng, dại dột!
Chân chúng ta còn rành rành in lốt.
Ngươi há không trông thấy rõ ràng ghi
Mau dừng chân! Đứng lại! Đừng đi!
Vì muốn đổi, ôi! lấy một giây ân ái,
Phải bao ngày lòng xót xa tê tái,
Và phải, suốt đời, ôm hận trong lòng đau!
Ta trả lời những kẻ ấy:
-
Mặc dầu!
Ta quyết sẽ xông pha đường tình ái,
Sẽ dấn bước mà đi, đi mãi mãi,
Dù lối đi, than ôi! là một lối đoạn trường!
Thà một giây say đắm bến yêu đương,
Rồi, trọn đời, trong lòng đau thương tiếc
Những ngày thắm đã trôi đi biền biệt,
Còn hơn là phải sống, kiếp cỏ cây!
Một cuộc đời trưởng giả, không đắm say!
Ngàn liễu, nơi xa, trong sương hồng chìm đắm.
Ta đứng yên, thả tầm đôi mắt ngắm
Con đường dài, sực nức hương hồng tươi,
Quanh co đi và lẩn khúc cuối trời.
Lòng ngây ngất ta lên đường sán lạn,
Tìm tri âm trong khoảng trời vô hạn.
Nhưng đường không vẫn yên lặng như tờ.
Ta vẫn đi, vẫn dạo gót giang hồ:
Trời tình ái vẫn âm thầm hiu quạnh
Và đường thẳm, ta xa trông, buồn lạnh.
Thân trơ vơ, kinh hãi, ta quay đầu...
Nhưng mịt mùng, lối cũ nay còn đâu?
Nguồn: Huy Thông, NXB Hội nhà văn, 1994
HƯƠNG XUAN
Cảnh vật thôi
trong sương mờ lẩn dáng
Vàng anh trên cành liễu thiết tha than
Trong vườn xanh một nụ hồng như pha ráng
Và, từng đàn, bướm rỡn trên dàn hoa
Nhưng, rồi đây, dưới bầu trời chói lọi
Tưng bừng và điềm tĩnh, lửa hè nung
Rồi, ảm đạm, thu về cùng mây tối
Rồi đông sang với gió bấc lạnh lùng
Đông qua. Cùng hoa thắm, lá tươi, xuân đã lại
Nhưng em! Xuân em tươi thắm được mấy lần?
Vậy thì, ngày xanh mau đắm say tình ái
Để tim em rồi mãi đượm hương xuân
Nguồn:
1. Huy Thông, NXB Hội nhà văn, 1994
2. Phạm Huy Thông - thơ, NXB Lao động, 2011
CHIỀU HÔM QUA ( I )
Chiều hôm qua dạo
bước bên hồ,
Đang bâng khuâng tìm một vần thơ.
Tôi bỗng gặp ba cô thiếu nữ,
Làn tóc huyền theo gió phất phơ.
Vì chưng tôi là giống đa tình,
Mà ba cô đó cực kỳ xinh,
Tôi bèn hái ba bông hồng tía
Soi dài trên mặt nước rung rinh.
Rồi tôi mê mải, đắm say lòng,
Tươi cười bước lại dưới gốc thông,
Là nơi ba cô cùng nhau đứng,
Tặng mỗi cô em một đoá hồng.
Yếm âu, tôi nói: - Hỡi ba nàng!
Vì đâu mặt ngọc ánh mơ màng?
Vì đâu tấc dạ nhường tê tái,
Với bể lòng nhường sóng mang mang?
Phải chăng thiếu nữ thấy gió chiều
Vuốt ve làn sóng tóc yêu kiều,
Tưởng ngón tay tình quân mơn trớn?
Có phải chăng là các cô yêu?
Ba nàng thiếu nữ miệng mỉm cười,
Đồng thanh thỏ thẻ trả lời tôi:
- Chính vì yêu chúng em ngây ngất,
Hỡi tình quân của chúng em ơi!
Chúng em đây khi đã yêu ai,
Thì người mây nước phải miệt mài
Trong vòng ân ái không bờ bến,
Và lòng say đắm sướng vui hoài.
Mà tình quân hỡi! có hay chăng
Tim chúng em rung động vì chàng?
Chúng em yêu anh, chàng thi sĩ
Công danh, phú quý, chẳng bao màng.
Tôi yên lặng đứng ngắm ba cô
Môi xinh tươi với mắt mơ hồ,
Với tấm thân dịu dàng, tha thướt,
Như ba cây liễu đứng bên hồ.
Một cô uyển chuyển lại bảo tôi:
- Hỡi tình quân của chúng em ơi!
Em là Ngày Xanh, là Tuổi Trẻ
Là mùa xuân chói lói của người.
Ai chẳng vì em thổn thức lòng
Khắp trong bầu vũ trụ mơ mòng?
Vì, ngàn thu, em son, em trẻ,
Với ngàn thu, em đẹp tựa hồng.
Một cô em nữa cất tiếng oanh:
- Em là Sức Mạnh của ngày xanh,
Chính em khiến lòng chàng phấn khởi
Khi chàng nhìn gió cuốn mây nhanh.
Chính em, những buổi sáng xanh tươi,
Khiến chàng bồng bột mến yêu đời,
Khiến chàng lắm lúc như điên dại,
Chúm môi thổi sáo với ca vui.
Còn cô kia, lanh lảnh giọng vàng,
Tươi cười, say đắm bảo tôi rằng:
- Họ tên em hỏi chàng có biết,
Tình lang yêu dấu! Hỡi tình lang?
Sung sướng thay là kẻ có duyên
Được em mơn trớn với chung thuyền!
Vì người đã khiến lòng em chuyển
Mơ màng luôn sống giấc mộng huyền!
Mà kẻ em đây đã rẫy ruồng,
Xót xa, đau khổ đủ mọi đường.
Vì tên em là lòng Quyến Luyến
Là tình Ân Ái, nỗi Yêu Thương.
Rồi ba cô thiếu nữ đắm say
Nói: - Tình quân hỡi! chúng em đây
Vì tình quân tâm hồn ngơ ngẩn,
Vì tình quân tấc dạ ngất ngây!
Rồi ba cô thiếu nữ lả lơi
Cầm tay nhau nhảy múa quanh tôi,
Yểu điệu, êm đềm như đàn bướm
Dịu dàng bay trong bóng thông tươi.
Chiều hôm qua, dạo bước bên hồ,
Đang bâng khuâng tìm một vần thơ.
Tôi bỗng gặp ba cô thiếu nữ,
Làn tóc huyền theo gió phất phơ.
Vì thế, cho nên từ chiều qua,
Lúc nào tôi cũng mải mê ca,
Là vì tấm lòng tôi rung động
Như đìu hiu hơi gió ngân nga.
Tháng 6 năm 1934
Nguồn: Huy Thông, NXB Hội Nhà Văn, 1994
NGÀY XUÂN
Đào mới nở rải
hương thơm mát
Khắp vườn hoa lộng lẫy màu hồng
Phật phờ làn khói giữa chiều đông
Trúc cao thỉnh thoảng du dương hát
Kìa! Em hỡi! gió xuân dào dạt
Đưa cánh hoa tản mát trên không
Xa xa, trên cát trắng như bông
Lờ mờ lan chút sương vàng nhạt
Nhưng, hoa tươi mấy lúc lả lơi
Bó ngày xuân mấy lúc rã rời?
Vậy thì, hoà nhịp cùng tiếng trúc
Em ơi! Em khá bồng trầm ca
Cũng như là đôi trái tim ta
Ái tình ca cùng hoà một khúc
Năm 1933
Nguồn: Phạm Huy Thông - thơ, NXB Lao động, 2011
THU
Bóng chiều rơi.
Đôi
ta, từng bước một,
Cùng lặng lẽ dưới trời thu dạo gót.
Bên bờ hồ hiu quạnh, gió nhu mì
Lướt bay qua tấm thảm cỏ xanh rì,
Lấm tấm điểm những hạt sương bằng bạc,
Như vui vẻ thì thầm lời mây nước,
Vài khóm lau già chốc chốc reo,
Nhẹ nhàng đưa trên mặt nước trong veo,
Heo may uốn cụm hoa bèo nghiêng ngả
Lá úa vàng, từng đàn, bay lả tả,
Như thướt tha một đàn bướm dịu dàng
Cùng hơi thu man mác vội tạt ngang.
Em bỗng dừng chân: rồi, buồn bã,
Lim dim mắt ngắm thu êm ả,
Anh đắm mê nhìn cặp mắt em
Và anh tưởng chừng không khí êm đềm
Dưới trời thu cao rộng,
Với tình yêu mơ mộng
Trong tim xanh.
Cùng chan hoà trong cặp mắt long lanh.
Thu năm 1933
Nguồn: Huy Thông, NXB Hội Nhà Văn, 1994
GIÓ ĐÊM XUÂN
- Trên trời lam
Le lói bó hoa sao
Gió dạt dào
Lay bóng trăng trên cành lá thông chàm.
- Trông làn mây
Chan chứa những sao vàng
Đang mơ màng
Trên đỉnh thông xanh biếc thướt tha bay!
- Tắm bóng đêm,
Chim lặng tiếng vui ca
Để đôi ta
Nghe gió xuân khoan nhặt tiếng êm đềm.
- Ôi! du dương
Và réo rắt xiết bao
Tiếng thì thào
Của gió xuân khuyên nhủ nỗi yêu đương!
- Gió ngân nga!
Mau cất tiếng âm trầm,
Để thì thầm
Cùng non sông bát ngát nỗi lòng ta!
- Cứ thờ ơ
Mà cuốn thẳng, gió trời!
Ta van ngươi
Mặc cho đôi ta lặng lẽ say sưa!
Thu năm 1933
Nguồn: Huy Thông, NXB Hội Nhà Văn, 1994
MỘT GIẤC MƠ
Một hôm, ta bỗng
gặp một nữ lang
Một nữ lang ta chưa từng quen biết.
Rồi ta yêu nàng, nàng yêu ta tha thiết,
Tuy cả hai đều chẳng nói một câu
Để tỏ lòng âu yếm, mến thương nhau.
Ta còn nhớ: nàng còn son, còn trẻ,
Có nhan sắc mặn mà và diễm lệ
Như những nàng thiếu nữ trong văn thơ:
Mày cong môi thắm, mắt ngây thơ
Và trong trẻo như hồ thu êm phẳng.
Nàng yên lặng ngồi bên ta yên lặng
Và mắt nàng như ôm ấp tấm lòng ta.
Nàng là ai? Ta không rõ. Cửa nhà?
Ta không hay. Họ tên? Ta không biết.
Nhưng nàng yêu ta, ta yêu nàng tha thiết.
Rồi, ôm đàn, nàng gẩy khúc tình ca.
Rồi lòng ta như mê đắm, như say sưa
Vì đâu nàng xuống lên cùng một nhịp
Với thanh âm trong lòng ta rộn rịp;
Vì lòng ta, chưa kẻ hiểu tới nay,
Nàng trông qua, như một khối pha lê.
Nhưng dịu dàng, lời đàn còn dìu dặt,
Lay rèm lụa, một hơi thu hiu hắt
Ta bàng hoàng bừng mắt bỗng tinh mơ.
Niềm ân ái chưa được biết bao giờ,
Ta vừa biết phút giây trong giấc mộng,
Mà mộng nọ, than ôi! còn đâu bóng!
Ta gục đầu thổn thức nhớ điệu đàn
Và âm thầm thương tiếc bóng đêm tan.
Nguồn: Huy Thông, NXB Hội Nhà Văn, 1994
LIỄU TRONG SƯƠNG
Trong sương mờ
Liễu bơ phờ
Bơ phờ cành lá,
Tấm thân, ẻo lả,
Liễu đợi chờ,
Trong sương mờ,
Bâng khuâng, tê tái,
Đàn nhạn mãi mãi
Đi chẳng về,
Ta ước gì,
Bơ phờ như liễu
Còng lưng mềm yếu
Trong sương mờ,
Ta được chờ
Đàn ngày êm ái
Bay đi chẳng lại!
Được vẩn vơ,
Vẩn vơ chờ
Những ngày ngây ngất
Thoảng bay đi mất
Như liễu chờ.
Trong sương mờ,
Ngày xuân rực rỡ,
Tưng bừng, hớn hở,
Lá lê thê,
Nhạn quay về!
Nguồn: Phạm Huy Thông - Thơ, NXB Lao động, 2011
VỎ ỐC
Mau quàng lên cổ
dải san mùi!
Rồi, cùng anh rong chơi bờ bể,
Xem vừng ô lặn, bạn lòng ơi!
Gió chiều, vi vút từng hơi nhẹ,
Trên sông hoa êm ái lướt bay.
Cát mênh mang thấm màu chiều xế.
Em ơi! Cầm lấy vỏ ốc này
Vén làn tóc hương thơm ngào ngạt,
Nghe anh em hãy đặt vào tai.
Tiếng sóng xôn xao bể bạc
Từ ngàn thu vang động âm thầm
Như vỏ ốc chứa chan nhịp hát.
Cũng chứa chan bao tiếng thâm trầm,
Như vỏ ốc, trái tim anh cũng
Là cây đàn phảng phất thanh âm.
Lời ân ái trăm năm vang động.
Ngày 22 tháng 7 năm 1934
Nguồn: Phạm Huy Thông - Thơ, NXB Lao động, 2011
MƠ MÀNG
Trời mù mịt. Cảnh
nước non rực rỡ
Như lặng chìm trong bóng đêm buồn bã.
Mặt trời sáng, trên không xanh chói lọi,
Phải nhường chỗ cho chùm sao le lói.
Giấc mộng huyền Tình Ái trong lòng ta,
Như vừng ô, giây phút, bỗng trôi qua.
Lúc vừa rồi rực rỡ bao màu tươi
Mà nay đâu chẳng thấy chút tăm hơi!
Nhưng bóng tối tuy trùm qua trời vóc,
Trong khoảnh khắc, mặt trời rồi lại mọc,
Và ánh sáng lại tưng bùng đốt cháy
Đất xanh tươi với vòm trời lộng lẫy.
Nhưng, giấc mơ Tình Ái khi bay tan,
Lòng cô đơn là một đống tro tàn.
Vì, mặt trời Tình Ái đã lặn rồi,
Thì đừng chờ nó mọc nữa, tim ôi!
Nguồn: Huy Thông, NXB Hội Nhà Văn, 1994
TÌNH KHÔNG
Chiều qua ta hát trên đồi,
Chờ tình nương vẳng hoạ lời ái ân.
Gầm trời, không một tiếng vang.
Ngoài lời gió réo trong hàng lau thưa.
Chiều nay, ta hát trên đồi,
Chờ tình nương vẳng hoạ lời ái ân.
Âm thầm gió gió cuốn lưng trời,
Nhưng, ôi! Vẫn bặt tiếng người nước mây!
Chiều mai, ta hát trên đồi,
Chờ tình nương vẳng hoạ lời ái ân.
Chiều mai, gió thốc hàng tùng...
Ta đành ôm khối tình không trọn đời.
Dăm bài ca I - Trăng thâu rọi bóng
Ouvre ton âme et
ton oreille au son
De ma mandoline
Pour toi, j'ai fait, pour toi, cette Chanson
Cruelle et câline
PAUL VERLAINE
Trăng thâu rọi bóng, ngoài sân,
Trên vừng dương liễu vì xuân mơ màng.
Họa mi dìu dặt tiếng vàng
Hương hồng thoang thoảng dịu dàng xa đưa.
Họa mi dìu dặt tiếng vàng.
Ta say gẩy khúc Kỳ hoàng nàng nghe,
Mà lầu vẫn rủ màn the,
Nàng còn bến mộng hồn mê chập chờn.
Mà lầu vẫn rủ màn the
Nàng không tựa cửa đê mê nghe đàn.
Trăng thâu rọi bóng ngoài sân...
Nàng không thiết tiếng ái ân bên ngoài.
Trăng thâu rọi bóng, ngoài sân,
Trên vừng dương liễu vì xuân mơ màng.
Họa mi dìu dặt tiếng vàng
Hương hồng thoang thoảng dịu dàng xa đưa.
Nguồn: Huy Thông, NXB Hội Nhà Văn, 1994
Dăm bài ca II - Trời sắp sáng rồi
Ở chân trời, trăng
đã lặn rồi.
Tiếng gà văng vẳng eo óc gáy.
Trời sắp sáng rồi, Thiếu nữ ôi!
Trời sắp sáng rồi, mau đứng dậy!
Gió nhanh nhè nhẹ quét đỉnh đồi
Và uốn cong ngọn tre tha thướt.
Bờ suối, cùng ta, Thiếu nữ ôi!
Bờ suối, cùng ta mau dạo bước.
Chim líu lo từ giã cây sồi
Và văng mình bay theo gió mát.
Chúng ta cất giọng, Thiếu nữ ôi!
Chúng ta cất giọng lanh lảnh hát.
Ve trên cành đập mõ liên hồi
Bảo ta rằng đời vui vẻ lắm.
Trong vòng tình ái, Thiếu nữ ôi!
Trong vòng tình ái mau say đắm.
Ở chân trời, trăng đã lặn rồi.
Tiếng gà văng vẳng eo óc gáy.
Trời sắp sáng rồi, Thiếu nữ ôi!
Trời sắp sáng rồi, mau đứng dậy!
Nguồn: Huy Thông, NXB Hội Nhà Văn, 1994
Dăm bài ca III - Trời cao nắng toả
Trời cao nắng tỏa
chang chang,
Khiến làng nước biếc ngấn vàng rung rinh
Cành xoan hoa thắm rùng mình,
Mỗi khi gió bất thình lình bay qua.
Khoan, khoan! Hồ khoan!
Con thuyền lướt dưới hàng xoan um tùm.
Mời cô tạm xuống thuyền tôi,
Cho đôi chân ngọc nghỉ ngơi trưa hè.
Bờ sông cành rủ lê thê,
Thuyền tôi bóng mát dám bì động tiên.
Khoan, khoan! Hồ khoan!
Con thuyền lướt dưới hàng xoan um tùm.
Trên cành uể oải tiếng quyên,
Xin cô dừng bước xuống thuyền ngủ trưa.
Ngồi bên, tôi hát đò đưa,
Cho cô yên giấc say sưa đến chiều.
Khoan, khoan! Hồ khoan!
Con thuyền lướt dưới hàng xoan um tùm.
Nhưng, chiều, ánh nắng pha phôi,
Xin cô mở hé cặp môi mơ mòng,
Mà cười một nụ cười hồng,
Cho tôi thỏa dạ ước mong, đợi chờ.
Khoan, khoan! Hồ khoan!
Con thuyền lướt dưới hàng xoan um tùm.
Nguồn: Huy Thông, NXB Hội Nhà Văn, 1994
Dăm bài ca IV - Còn nhớ không
Còn nhớ không,
tình nương hỡi! nhớ không,
Những buổi sáng sương hồng ngào ngạt,
Vai kề vai, dạo bước bên sông
Hòa nhịp gió, chúng ta cùng hát?
Những buổi sáng sương hồng ngào ngạt.
Còn nhớ không, tình nương hỡi! nhớ không?
Còn nhớ không, tình nương hỡi! nhớ không,
Những chiều mát mơ mồng gió lướt,
Hai chúng ta cùng đắm say lòng,
Lặng ngồi ngắm cành dương tha thướt?
Những chiều mát mơ mòng gió lướt,
Còn nhớ không, tình nương hỡi! nhớ không?
Còn nhớ không, tình nương hỡi! nhớ không,
Những đêm vàng hồ lồng trăng sáng,
Nàng với ta, say ánh trăng trong,
Luồng thời khắc phút giây quên lãng
Những đêm vàng hồ lồng trăng sáng,
Còn nhớ không, tình nương hỡi! nhớ không?
Còn nhớ không, tình nương hỡi! nhớ không,
Những ngày dài ngóng trông mong đợi?
Niềm yêu thương chan chứa cõi lòng,
Còn nhớ không? Nhớ không, em hỡi!
Những ngày dài ngóng trông, mong đợi?
Còn nhớ không, tình nương hỡi! nhớ không?
Nguồn: Huy Thông, NXB Hội Nhà Văn, 1994
CÓ LẼ NÀO
Mà sao bóng bạn
tuyệt mù?
Muốn tìm nào biết vân du ngả nào.
Cô K.L
Có lẽ nào tiếng đàn ta trầm bổng
Bao đêm trường tha thướt trong vùng sương,
Không khiến được một trái tim mơ mộng
Cùng tim ta thổn thức nỗi cảm thương!
Có lẽ nào tới cuối trời xa rộng,
Tiếng đàn ta cùng gió mát xa đưa,
Không khiến được một giây lòng rung động
Và một trái tim đồng điệu say sưa!
Có lẽ nào lòng ta khoan nhặt,
Chỉ âm thầm réo rắt với hàng dương,
Không êm đềm ca, không dìu dặt,
Trong tim hồng một thiếu nữ yêu đương.
Nhưng, không! Vì, man mác với hơi đêm man mác.
Một nhịp đàn hưởng ứng chốn xa xôi.
Nhưng... lời ân ái mơ màng, trời bát ngát,
Biết đâu tìm kẻ nghệ sĩ, than ôi!
Nguồn: Huy Thông, NXB Hội Nhà Văn, 1994
CÁNH LIỄU BÊN HỒ
Ánh trăng biếc lọc
qua rừng rậm,
Khiến rừng sâu lấm tấm mảnh ngà,
Chập chùng núi tím nơi xa,
Canh dương êm ái thướt tha mặt hồ.
Qua sông mạnh, núi cao, rừng rộng,
Ta xông pha tìm bóng tình nương,
Than ôi! Trời nước mênh mang
Trong không gian rộng biết nàng nơi mô?
Ngang trời thẫm, lẻ loi, chiếc nhạn.
Âm thầm kêu gọi bạn nơi xa,
Lạnh lùng, gió cuốn. Hững hờ,
Trên cao một đám mây mờ bay qua.
Nhưng… ai để tóc bay trước gió?
Ai bâng khuâng đứng đó đợi chờ?
Ôi! sung sướng! Chính người xa xưa!
Chính nàng lặng đứng thiết tha bên hồ!
Ta vội vã mau chân, rảo bước
Băng lại gần làn nước trăng soi...
Nhưng ta chỉ thấy, than ôi!
Trên hồ cành liễu lả lơi in hình.
Tháng 9 năm 1934
Nguồn: Huy Thông, NXB Hội nhà văn, 1994
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét