Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

HỒN NƯỚC BÂY GIỜ Ở ĐÂU?


Nguyễn Xuân Diện



Sáng nay, trong khuôn khổ của một sinh hoạt ngoại khóa, Khoa Viết văn-Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp với CLB Xẩm Hà thành tổ chức Tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải (1895 – 1983). Tọa đàm bắt đầu từ 8h30 tại Hội trường Nhà văn hóa-ĐH Văn hóa Hà Nội.
Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu và các giảng viên, sinh viên của Khoa đã đến dự.
Nội dung Tọa đàm có hai phần:
-Giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ do hai diễn giả đảm nhiệm: Giáo sư, NGND Nguyễn Đình Chú và Tiến sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện.
-Trình diễn (thưởng thức diễn giải) một số bài thơ hat nói của Á Nam Trần Tuấn Khải dưới hình thức hát xẩm do nhóm CLB Hát xẩm Hà thành (gồm NSND Xuân Hoạch, NS Mai Hoa và một số NS khác) biểu diễn.
Giáo sư Nguyễn Đình Chú năm nay 90 tuổi vẫn dõng dạc, minh mẫn trình bày khoảng 30 phút. Ông nói về thân thế và sự nghiệp của nhà thơ, nhà báo, nhà dịch thuật Á Nam Trần Tuấn Khải và đặc biệt nhấn mạnh đến đóng góp của Á Nam đối với văn học nước nhà. Ông cũng nhắc lại một số câu thơ của Á Nam, nhưng đã lẫn vào ca dao, khiến nhiều người tưởng đó là ca dao "Anh đi anh nhớ quê nhà, Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương...".
Tại buổi nói chuyện, GS Chú cũng cho biết một chi tiết ít người biết là bài "Tiễn Anh Khóa" cụ Á Nam viết năm cụ 19 tuổi. Đến sau ngày 30/4 năm 75, khi Xuân Diệu và Huy Cận vào thăm Cụ tại bệnh viện, nói vui rằng: Anh khóa vào thăm Bác Khóa đây ạ. Cụ Á Nam cho xem bài "Đón Anh Khóa" viết sau ngày 30.4.






Tiếp theo, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện trình bày thêm về thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, coi như bổ sung thêm phần nói chuyện của GS. Nguyễn Đình Chú"Cụ Á Nam mới mất năm 1983, tức là rất gần đây, nhưng sao khi nhắc đến Á Nam Trần Tuấn Khải, ta cứ như nhắc đến người thiên cổ xa xôi vậy. Ấy là vì sáng tác thơ của cụ nằm trong khoảng trước 1945, thuộc về phạm trù cổ điển.
Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải thuộc về văn học giao thời. Và thuộc dòng thơ văn yêu nước. Thời ấy, có hai khuynh hướng thể hiện: Kêu gọi cổ động & Ý nhị, ẩn dụ. Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu thuộc khuynh hướng thứ nhất. Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải thuộc khuynh hướng thứ hai. Nhưng cho dù khuynh hướng nào, thì các nhà thơ vẫn luôn nhắc đến: Giống Lạc Hồng, Máu đỏ da vàng, quốc túy, quốc hồn...
Á Nam Trần Tuấn Khải trong suốt đời mình luôn là một người lặng lẽ. Và không chỉ lặng lẽ trong cuộc đời, ông còn lặng lẽ trong sáng tác. Chủ đề bao trùm trong thi ca Á Nam là lòng yêu nước, thương nước, và yêu quê hương xứ sở. Và ông đã dùng những hình ảnh ẩn dụ để gửi gắm tâm sự và tấm lòng mình. Người gánh nước là người gánh vác việc nước, gánh vác trong đêm mù mịt, trên con đường xa tít là hình ảnh đầy ẩn dụ. Anh Khóa là hình ảnh của người trí thức trong đêm trường nô lệ.
Đáng lẽ thơ văn của một người lặng lẽ như vậy sẽ lại lặng lẽ như tiếng thở dài trong đêm tối, và có thể sẽ không ai biết hoặc hậu thế không nhắc đến. Nhưng mà không! Á Nam Trần Tuấn Khải đã chọn cho mình một cách thể hiện và gửi gắm, để phổ biến và sẻ chia tâm sự nước non, non nước ấy. Ông viết bằng các thể thơ quen thuộc: lục bát, song thất lục bát; ông còn soạn để người ta hát xẩm, hát ả đào. Và như vậy, tâm sự của Á Nam như là những ngọn gió vẫn len lỏi vào các quán chợ, bến sông, sân đình...để đến với người dân lam lũ. ..."
Kết thúc bài nói chuyện, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thể hiện bài ĐỨC THÁNH TRẦN của Á Nam Trần Tuấn Khải theo thể cách Hát giai của Ca trù cửa đình.
Phần hai của chương trình là phần biểu diễn của NSND Xuân Hoạch, NS Tuyết Hoa và các nghệ sĩ khác, truyền cảm hứng và làm sống dậy các bài thơ tưởng chừng đã ngủ yên trên mặt giấy. Cả khán phòng ai cũng háo hức dành cho các nghệ sĩ những tràng pháo tay dài sau mỗi bài hát. Nhạc sĩ Quang Long đã dẫn dắt chương trình trình diễn rất thành công.
Kết thúc buổi sinh hoạt, GS. Nguyễn Đình Chú xúc động rơi nước mắt. Ông nói: Nếu Hoài Thanh nói thi ca Nguyễn Bính gói tròn trong hai chữ CHÂN QUÊ, thì có thể gói tròn thi ca Á Nam tiên sinh trong hai chữ HỒN NƯỚC. Rồi, ông nói thật lớn giữa hội trường: HỒN NƯỚC BÂY GIỜ Ở ĐÂU?
4-10-2018
NXD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét