Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Nhà báo “hô hào” việc vi phạm luật thì nhà báo đã phạm luật

10-3-2017
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đảng CSVN cai trị người dân bằng “luật rừng” trong khi hệ thống pháp lý VN có cả “rừng luật”. Nguyên nhân là do VN không có “tam quyền phân lập”. Thậm chí quyền tư pháp ở VN không hiện hữu. Quyền này “hiện diện” trong một số trường hợp, nhưng lại đứng ở dưới, rất xa, các quyền thuộc về “hành pháp”.
“Hành pháp”, đại diện là công an, sau đó là UBND các nơi… có quyền làm đủ thứ, kể cả những thứ bị pháp luật cấm.
Còn “đệ tứ quyền”, cách nói khác của báo chí, cũng là một “quyền” phụ thuộc “hành pháp”. Họ ăn lương nhà nước, lãnh lương hưu trí của nhà nước… thì làm sao họ nói khác, hay nói ngược các chính sách của nhà nước?

Nhà nước làm sai (luật), hành pháp làm sai (luật), cũng được báo chí bênh vực.
Người dân, trên danh nghĩa thì được luật pháp bảo vệ. Các quyền tư hữu, các quyền tự do cá nhân (như buôn bán, làm ăn sinh sống… nói chung là quyền cơ bản: quyền được sống)… trên danh nghĩa thì được pháp luật bảo vệ. Nhưng họ luôn là nạn nhân của luật (rừng).
Các thí dụ: bà bán vé số lẻ bị kết vào tội “kinh doanh sổ số”. Vụ bồi thường Formosa. Hay vụ “giải phóng vỉa hè” đang xảy ra tại Sài gòn.
Ta thấy luật pháp đã bị bóp méo, giải thích, áp dụng một cách tự tiện. Bên “có lợi” là bên nắm quyền lực.
Ở các nước “bình thường”, ngành “tư pháp” có vị trí trung tâm trong các sinh hoạt điều hòa và quản lý xã hội.
Vụ Formosa làm ô nhiễm biển. Ở một xứ sở “bình thường”, việc truy tìm nguyên nhân, xử lý đúng sai, tuyên bố mức độ bồi thường cho các nạn nhân… là trách nhiệm của “tư pháp”. Formosa có quyền khiếu nại lên tòa án, nếu thấy bị xử oan. Người dân cũng có quyền khiếu nại (lên tòa án), nếu thấy việc bồi thường không tương xứng.
Vụ “giải phóng vỉa hè” ở Sài gòn, theo “luật”, tất cả các vụ xử lý vi phạm hành chánh đều thuộc trách nhiệm của “tư pháp”. UBND đại diện hành pháp, nhưng thẩm quyền của cơ quan này là “làm theo lệnh của tư pháp”.
Ở hai thí dụ này ta thấy “tư pháp” không hề hiện hữu.
Tư pháp là gì? đó là “justice”, tức là “công lý”. “Cour internationale de Justice (CIJ)” được dịch là “Tòa án Công lý quốc tế”.
Các thí dụ trên, vụ Formosa hay vụ “giải phóng vỉa hè”, “công lý” không hiện hữu.
Khi không có công lý, người dân không phục. Để thiết lập công lý, người dân có quyền biểu tình. Việc này được hiến pháp và luật pháp bảo vệ.
Hôm trước báo chí đăng tải, dân Hà nội tụ tập trương biểu ngữ biểu tình phản đối chủ đầu tư “ngăn chặn lối ra vào” của họ. Ở đây “quyền lợi” của số đông dân chúng bị “chủ đầu tư” vi phạm. Nhà nước “ngó lơ”. Dân biểu tình là đúng.
Còn dân Sài gòn, có lẽ đã quen “học gồng”, nên họ gồng mình chịu đựng. Còn dân Nghệ An, cái nôi của cách mạng, vụ Formosa hứa hẹn như phim “nhiều tập”.
Riêng “nhà báo”, nếu không hô hào được việc “trọng luật” thì cũng đừng a dua với kẻ mạnh để bức hiếp người dân.

Nhà báo hô hào vi phạm luật thì nhà báo cũng phạm luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét