Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Đảng đang âm thầm tổ chức chiến dịch ‘Săn Cáo?’

Phạm Chí Dũng

Chính trường Việt Nam vừa nhuốm một sắc thái đỏ: đang lộ dần những dấu hiệu cho thấy đảng vừa âm thầm vừa công khai thiết kế một chiến dịch “Săn Cáo” theo cách của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) tung ra từ năm 2012 đến nay.
Những hiện tượng “lạ”
Trùng với thời điểm khai mạc Hội nghị Trung ương 5 của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 5 tháng Năm, báo Thanh tra trực thuộc cơ quan thanh tra Chính phủ đăng bài “Bắc Kinh ‘ép’ các đối tượng tham nhũng lưu vong phải về nước”, cho biết trong tuyên bố mới đây, CCDI khẳng định biết rõ chỗ ẩn áu của khoảng 1/3 đối tượng trong tổng số gần 1,000 đối tượng (bị truy nã vì cáo buộc các tội danh tham nhũng) đang lẩn trốn, sống lưu vong ở nước ngoài.
Thanh tra Chính phủ hiện thời đang nằm trong sự kiểm soát của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứ không phải thuộc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cùng thời điểm trên, một cựu thần của đảng là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, cựu Tư lệnh Quân khu 4, lên tiếng cảnh báo trên Giáo dục Việt Nam – một tờ báo “thiên đảng” – về “đồng chí Đinh La Thăng nên dám làm dám chịu, không nên giả bệnh hay bỏ trốn”. Đây là một phát ngôn “lạ” và chưa có tiền lệ, đặc biệt như thể “áp dụng biện pháp ngăn chặn” đối với nhân vật vừa mất chức Ủy viên Bộ chính trị. Thậm chí Giáo dục Việt Nam còn đưa phát ngôn trên thành tựa đề bài phỏng vấn trước cả khi ông Thăng chính thức bị Ban chấp hành Trung ương bỏ phiếu kỷ luật tại Hội nghị Trung ương 5.
Chỉ vài ngày sau, không biết từ nguồn rò rỉ nào, báo chí có được thông tin về vụ ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công thương, có văn bản đề nghị cấp thẻ an ninh cho vào khu vực cách ly ở sân bay để “tiễn người thân,” gửi đến các cơ quan an ninh, công an, hải quan cửa khẩu Nội Bài.
Nhưng trùng với phương châm và cách thức tác chiến “truyền thông đi trước, đảng bước theo sau” trong thời gian gần đây, hiển nhiên có thể hiểu là “đảng ta” đang “nêu cao tinh thần cảnh giác” đối với những nhân vật có triển vọng “bay theo Trịnh Xuân Thanh” nhất.
Chưa hết. Cùng thời điểm khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký quyết định thành lập 8 đoàn công tác để kiểm tra, giám sát việc thanh tra sự việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đối với 20 Ban thường vụ Tỉnh ủy. Vào năm 2016, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng cũng thành lập một số đoàn kiểm tra như thế, nhưng kết quả có vẻ khá hạn chế trong bối cảnh ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chưa có gì để so sánh với “tử thần” Vương Kỳ Sơn phụ trách CCDI, còn ông Trọng cũng chẳng có gì để đối chiếu với quyền uy gần như tuyệt đối của ông Tập Cận Bình.
“Nhốt cáo”
Trong năm nay, bàn cờ chính trị Việt Nam đang chuyển thế một chiều tiến công hơn hẳn khi ông Trọng tấn hàng loạt con cờ “sang sông” và áp sát vào những đồn lũy cuối cùng của đối phương. Chẳng cần phải là người quá am hiểu nội tình cũng biết rằng chỉ cần “thành trì” Đinh La Thăng bị hạ, rào chắn trước nhà cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tự nhiên mở toang để ông Nguyễn Phú Trọng xông xênh sải bước tiến vào.
Thế cờ chuyển mạnh có thể khiến những Ủy viên Trung ương nào mà trước đó dám xem thường “năng lực” của Tổng bí thư sẽ phải nghiêng về tâm lý “phù thịnh hơn phù suy”. Thế và lực của ông Trọng cũng bởi thế được dự đoán bắt đầu mang tính tập quyền sau Hội nghị Trung ương 5, ông Tập Cận Bình đã khởi sắc hẳn từ năm 2013.
Bây giờ thì không chỉ ông Vũ Huy Hoàng, mà cả gần 200 “nghi can” nằm trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) sẽ chẳng còn cơ hội để “nhân điển hình tiên tiến Trịnh Xuân Thanh, Lê Chung Dũng”. Các cửa khẩu, kể cả đường bộ, có thể đã đóng chặt. Đã quá muộn để nghĩ đến việc “tung cánh giang hồ”. Nếu từ trước tới nay, công an cửa khẩu thường chỉ cấm giới bất đồng chính kiến xuất cảnh, thì giờ đây cả giới quan chức tham nhũng thuộc cánh “anh Ba” đều chung số phận.
Nếu hai cán bộ của Bộ Công thương đang bị xem xét kỷ luật do giúp ông Vũ Huy Hoàng có được thẻ an ninh vào khu cách ly của sân bay, điều này chỉ càng chứng minh thêm là ông bị giám sát chặt chẽ từ khá lâu nay. Giám sát từng bước chân.
Và nếu một công thần của đảng là ông Thước bắt đầu cảnh báo đến khả năng “giả bệnh, bỏ trốn” của ông Thăng, chẳng khó gì để hình dung ra việc ông Thăng, ngay cả trước khi bị tống đạt kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuối Tháng Tư, có thể đã bị thiết lập “biện pháp ngăn chặn” chặt chẽ ra sao. Không phải chỉ một, mà có thể có nhiều cơ quan theo dõi và ngăn chặn và cũng để “kiểm tra chéo” lẫn nhau. Vào thời gian đó, khu vực xung quanh địa chỉ 56 Trương Định, quận 3, Sài Gòn hẳn chính là “điểm nóng chính trị” với dày đặc “tai mắt”.
Trước khi “săn cáo” là “nhốt cáo.”
“Mô hình Tập Cận Bình”
Vào lúc này, trong những giờ phút cả nền chính trị đang đỏ rực như một chảo lửa, hẳn không ít kẻ nhiều tiền lắm nhưng bị thất sủng quyền lực đang vò đầu bứt tai vì tiếc nuối cùng tự hận ngút ngàn vì đã nuôi kỳ vọng đến phút cuối về một thế đảo chiều của chính trường và trở lại quyền lực, mà do đó đã quá trù trừ để không kịp xa chạy cao bay.
Bởi vì giờ đây, tất cả đều bị “nhốt quyền lực vào lồng” – theo cách ẩn dụ rất thời thượng của ông Trọng mà được giới truyền thông đảng cùng các “thái giám” nhắc đi nhắc lại không mệt mỏi. Nhất là nếu không bao lâu nữa ông làm cho Bộ Công an thuộc về mình, theo đúng nghĩa đen như cái cách mà ông đã chiếm vai trò chi phối trong Quân ủy Trung ương, chứ không phải cứ mãi bóng bẩy với vị trí “Ủy viên thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương”.
Để nếu giấc mơ “nhốt quyền lực vào lồng” biến thành hiện thực, đoạn cuối sự nghiệp chính trị của ông Trọng sẽ có một nét gì đó có thể bằng vai với chiến dịch “những việc cần làm ngay” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh giai đoạn 1986-1989, thậm chí có thể so sánh với vai trò độc tôn tập quyền của ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc thời đương đại.
Và nếu giấc mơ “nhốt quyền lực vào lồng” không còn là hoang tưởng, ông Trọng sẽ không còn phải thức đêm chờ đợi ông Trịnh Xuân Thanh trở về, mà thậm chí còn có thể phát động cả một chiến dịch “Săn Cáo” như họ Tập đã làm và đã lôi cổ hàng trăm quan chức tha hương về cố hương.
Nhưng muốn bắt chước ông Tập và có được nét gì đó để đối chiếu, ông Trọng cần “tân trang” cho nhân vật Trần Quốc Vượng với tính cách nhu mì dễ bảo để trở thành một Vương Kỳ Sơn Việt Nam – kiệm lời, lạnh lẽo, thâm hiểm và sắt đá.
Cái giá trị của ông Vương Kỳ Sơn đã trở nên một thành tố không thể thiếu làm nên công thức Tập Cận Bình ngày nay. Với ông Nguyễn Phú Trọng, ông có thể đang mơ màng đến “mô hình Tập Cận Bình”, nhưng nếu ông Vượng không thể trở thành Vương và cũng chẳng có người nào khác trong Bộ chính trị Đảng CSVN có thể có được năng lực ấy, toàn bộ những bước đi từ chiến thuật khởi đầu từ vụ Đinh La Thăng, kế hoạch “Săn Cáo”, đến những kỳ vọng chiến lược như “nhất thể hóa” và thậm chí “đổi mới lần 2” của ông Trọng sẽ chỉ mang hình dạng một con dao hai lưỡi.
P.C.D.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét