Nguyễn Đình Cống
Vấn đề đối thoại do ông Trưởng ban
Tuyên giáo Võ Văn Thưởng nêu ra ngày 18 tháng 5 chẳng qua chỉ là một thông tin
tại hội nghị kiểm điểm việc học tập Hồ Chí Minh chứ chưa phải là một nghị quyết
của Đảng. Ông Thưởng nói đối thoại là cần thiết, Đảng không sợ đối thoại, nhưng
không nói rõ sẽ tổ chức đối thoại, vì còn phải cố gắng chờ Ban bí
thư thông qua. Nghĩa là chưa thông qua, và chưa biết đến bao giờ mới
thông qua. Vậy phải chăng đây chỉ là cái bánh vẽ hoặc là bánh có tẩm chất bổ
làm dịu thần kinh?
Dù sao thì ông Trưởng ban tuyên giáo đã
nói ra miệng, mà “Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy”. Bỏ qua cái ý cho rằng đây
chỉ là bánh vẽ, là thủ đoạn, là quá ngây thơ mới tin. Hãy cứ buộc vào, cho rằng
Đảng muốn đối thoại thực sự.
Đoán rằng Ban tuyên giáo chưa quen tổ
chức đối thoại nên tôi cố tìm hiểu các cuộc đối thoại trên thế giới để gợi ý,
may ra có đóng góp được chút gì.
Đối thoại gồm chủ
yếu bên A và B, đó là 2 bên có quan điểm hoặc quyền lợi khác nhau trong cùng
một vấn đề đặt ra. Hiện nay ở VN, một bên là đại diện cho lãnh đạo của Đảng,
tạm gọi là bên A, một bên là đại diện cho nhân dân. Ngoài ra cần có ban điều
hành và trong nhiều trường hợp còn cần thêm bên thứ ba. Ban điều hành, đặc biệt
là trưởng ban phải là người trung lập, do hai bên A, B hiệp thương chọn ra.
Việc này có thể tham khảo cách làm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.
Bên thứ ba là cử tọa trực tiếp tham dự, là những người theo dõi, là thông tin
đại chúng.
Tùy theo tính chất/nội dung, có thể
chia thành 2 loại: đối thoại về sự việc và đối thoại về nhân thức. Về sự việc,
thí dụ như vụ Đồng Tâm vừa rồi. Về nhận thức, thí dụ như đối thoại giữa Trần
Đức Thảo và J. Paul Sartre, như giữa các ứng viên tổng thống. Đó là đối thoại
về những vấn đề lý luận, đường lối, sách lược.
Mục đích đối thoại không nên hướng vào
ai thắng ai thua mà là để A và B tìm hiểu quan điểm của nhau, tranh luận với
nhau, phản bác nhau. Với đối thoại sự việc, là để tìm tiếng nói chung, tìm sự
thỏa thuận và nhượng bộ để dung hòa quyền lợi, tránh xảy ra xung đột. Với đối
thoại nhận thức, còn là để bên thứ ba hiểu rõ quan điểm của A, B nhằm xử lý
thông tin. Đối thoại nhận thức không cần rút ra kết luận gì cả, nếu có kết luận
thì đó là của mỗi người.
Yêu cầu của đối thoại là công bằng,
minh bạch, chỉ dùng lý lẽ, không dùng áp lực. Trừ một số trường hợp do 2 bên
thỏa thuận đối thoại riêng, còn thì nên công khai, tốt nhất là có truyền hình
trực tiếp, và được thông báo trước.
Quan trọng nhất trong yêu cầu đối thoại
là công bằng, trước hết là thành phần tham gia A và B phải cân xứng. Không được
tổ chức đối thoại mà A, B được chọn theo kiểu quân xanh quân đỏ cùng bên.
Trong đối thoại nhận thức, cho bên A là
đại diện của đảng, vậy bên B phải thế nào để cân xứng. Nếu B chỉ là một vài cá
nhân bất đồng chính kiến thì họ quá lẻ loi. Một Triệu Tử Long có thể đối địch
hàng vạn quân Tào ở Tràng Bản nhưng rồi cũng phải bỏ chạy. Một người bất đồng chính
kiến dù giỏi đến đâu cũng khó đối phó với lực lượng hùng hậu của Đảng. Tôi đề
nghị các tổ chức dân sự đứng ra, liên hiệp lại, cử ra một Ban Đối thoại. Những
người ra đối thoại trực tiếp là đại diện của Ban này. Họ ra đối thoại với một
niềm tin, đàng sau mình có chỗ dựa. Những cá nhân muốn tham gia đối thoại cần
đăng ký qua Ban này.
Trong lúc đối thoại không bên nào được
huy động quần chúng làm áp lực.
Vấn đề tài chính. Có thể huy động từ ba
nguồn chính: (1) Trợ cấp của Chính quyền. (2) Sự tài trợ của các tổ chức và cá
nhân. (3) Một số buổi đối thoại có thể bán vé thu tiền. Tôi nghĩ, nghe một buổi
đối thoại công khai về nhận thức còn giá trị hơn nhiều so với xem bóng đá hoặc
nghe ca nhạc.
Chưa biết đối thoại có được tổ chức hay
không và có tổ chức được những cuộc đối thoại công bằng, minh bạch công khai,
mang lại lợi ích thiết thực, có hiệu quả hay không. Chỉ biết rằng nhân dịp ông
Võ Văn Thưởng nói về đối thoại tôi xin đề xuất vài ý kiến để ông và mọi người
tham khảo.
N.Đ.C.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét