Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

Những tiếng nói ngược chiều với cụ Tổng


Hội nghị TƯ 5 bắt đầu khai cuộc. Vẫn chiếc loa rè của cụ Tổng Trọng yêu cầu chấn chỉnh doanh nghiệp nhà nước để tiếp tục đẩy mạnh nền kinh tế thị trường có cái đuôi “định hướng XHCN”, bất chấp khối doanh nghiệp ăn hại khổng lồ này trong bao nhiêu năm đã tha hồ tự tung tự tác, xả láng vay mượn, xả láng đầu tư, đi kèm với hàng trăm nghìn phi vụ của đám quan chức sân sau... làm cho kinh tế cả nước rơi vào vòng xoáy khủng hoảng, triền miên, dai dẳng và mỗi năm một chìm sâu xuống đáy lũ, với những con số nợ nước ngoài tăng chóng mặt, ai nghe cũng kinh hồn.
Trong khi chấn chỉnh doanh nghiệp nhà nước là chuyện ảo tưởng không bao giờ hoặc chưa biết bao giờ mới thực hiện được, thì một mục tiêu cụ thể của Hội nghị TƯ 5 – tuy không nói trắng ra trong lời khai mạc – là xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên BCT, nguyên Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PVN trong thời gian 2009-2015 – mà theo nhận định của UB kiểm tra TƯ đảng CS, là người chịu trách nhiệm toàn diện việc thất thoát khổng lồ tiền bạc của Tập đoàn này.
Rất nhiều phản ứng khác nhau đã rộ lên kể từ khi bản đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng được công bố ngày 27/04/2017. Mới đây nhất là nguồn tin rò rỉ về việc Thành ủy TP HCM có gửi lên Ban bí thư TƯ đảng một công văn “không chấp nhận bản tự kiểm điểm và xin nhận hình thức kỷ luật khiển trách” của ông ĐLT, đi kèm với kiến nghị “không áp dụng hình thức kỷ luật với đồng chí Đinh La Thăng”. Nhưng oái oăm hơn là công văn gửi Ban Bí thư TƯ đảng của Thành ủy HCM lại đồng thời được gửi đến tận tay tất cả các Ủy viên TƯ đảng trong cả nước ngay trước Hội nghị TƯ 5, khiến cho Ban Bí thư TƯ phải lật đật gửi ngay một công văn khác, yêu cầu các Ủy viên TƯ “không bóc bản công văn của Thành ủy HCM” và chuyển ngược lên Ban bí thư, theo nguyên tắc mới là “nơi nhận”. Đúng là ly kỳ. Chứng tỏ, đằng sau một cái án kỷ luật, còn rất nhiều góc khuất. Cũng chứng tỏ, trong thời buổi hỗn mang hôm nay, ý muốn của một người hay vài người, dù quyền lực tối cao, cũng chưa chắc đã thuyết phục được người khác trong cùng phe đảng.
Bauxite Việt Nam không đứng về phía ông Trọng, cũng không tán thành bao che cho tội lỗi của ông Đinh La Thăng. Tuy nhiên theo chúng tôi, bất kỳ tổ chức nào cũng vậy, muốn xử lý kỷ luật một người trong tổ chức, để được tiếng công minh chứ không nhằm thỏa mãn ân oán cá nhân, thì đều phải xem xét công tội của người đó một cách khách quan trên suốt cả một quá trình, sao cho thấu tình đạt lý.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn các dư luận trái chiều xung quanh sự việc nóng bỏng về ông Đinh La Thăng hiện đang được các vị Ủy viên TƯ ĐCS trong hội nghị TƯ 5 bàn thảo, ngoài bài viết quan trọng của Kỹ sư Bùi Quang Vơm đăng trên BVN hôm nay, chúng tôi cũng xin đăng lại dưới đây hai ý kiến khác, của các cây bút quen thuộc trong XHDS, có nắm được ít nhiều về một vài mảng công việc ông Đinh La Thăng đã từng phụ trách, cũng như về tác phong làm việc của ông Đinh La Thăng.
Bauxite Việt Nam
1. Điểm yếu tuyệt đối của Đinh La Thăng
Duy Đức - Bà Đầm Xòe
Đinh La Thăng có điểm yếu tuyệt đối là hồn nhiên, cả tin vào bạn bè, chiến hữu, đồng chí. Người ta lập mưu sắp giết mình nhưng vẫn bỏ ngoài tai mọi lời nhắc nhở của người khác quan tâm đến mình. Trong vụ UBKTTW đề nghị kỉ luật Thăng, tận đến phút chót, khi mọi thứ công khai trên báo, ông Bí thư cựu Bộ trưởng mới tin là họ đang đánh mình thật.
Nhưng bất chấp cả chính thực tế đau thương đó, đến tận giờ này mà Thăng vẫn hồn nhiên khen ông Trọng hoàn toàn trong sáng, khen ông Vượng là người mẫn cán, vô tư làm theo chức trách, thanh minh hết lời cho ông Thưởng về vụ báo chí đồng loạt “bêu” mình để tạo áp lực trước cho những người sẽ bỏ phiếu kỉ luật mình? Thậm chí nghe nói Thăng còn mắng người đến bảo với ông ta về nhận định cho rằng ông Thưởng ra lệnh báo chí phải đăng đồng loạt tin về Thăng.
Riêng chuyện này thì tôi tin Thăng.
Ông Thưởng từng là ứng cử viên sáng giá cho vị trí Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng rồi Thăng thay mất vị trí ấy của Thưởng. Về mặt logic thông thường, mọi người dễ nghĩ nhất định Thưởng phải ghét Thăng. Nhưng nếu quan sát kĩ qua cả một quá trình công tác, qua những vụ việc cụ thể gắn với ngành tuyên giáo thời gian qua, đặc biệt qua một số phát biểu gần đây của ông Thưởng, trong đó có ý kiến liên quan đến vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức, thì có thể thấy ông Thưởng hoàn toàn khác những gì mọi người vẫn nghĩ ác ý về những ông lãnh đạo tuyên giáo. Ông Thưởng khá đĩnh đạc, mềm mỏng, dù tuổi còn trẻ, lại hiểu biết, chịu lắng nghe những lời chân thành, phải trái từ người khác. Tôi cam đoan rằng, trong vụ ông không được về làm Bí thư Thành ủy thành phố HCM, thì mấy ông anh đỡ đầu (vốn đầy ắp toan tính lợi ích) của ông Thưởng buồn hơn là chính ông. Còn trong vụ của ông Thăng, ông Thưởng thừa hiểu rằng, mình hành động không cẩn thận, chỉ cần sơ suất, sẽ tiếng để đời là kẻ tiểu nhân, là thù hằn cá nhân, là tầm thường trong ứng xử. Người thường còn nghĩ được thế, người như ông không thể không nghĩ hơn thế nhiều lần.
Vả lại, qua nhân tướng học, ông Thưởng cũng cho thấy từ ông tỏa ra nhiều thiên lương. Người có thiên lương không hành xử như một kẻ chỉ quen nghĩ ác làm ác.
Nhưng vì sao lại có cái sự cố rất tai tiếng vừa rồi (dân mình tinh thật, cứ nhìn bề ngoài tưởng họ chẳng quan tâm gì nhưng qua vụ ông Thăng bị bêu, mới thấy hóa ra họ biết cả), thì ông Thưởng sẽ phải tự tìm hiểu lấy, xem có thằng cấp dưới nào lợi dụng chơi đểu mình không? Dân gian hiện đại vẫn có câu: Cấp phó là cấp ăn chơi / Chầu chực chờ cấp trưởng qua đời lập tức lên thay. Mà cấp phó, rồi cận kề cấp phó lúc nào cũng nhan nhản. Chả đang khủng hoảng [thừa] cấp phó đấy thôi. Mong ông Trưởng ban cẩn thận.

Nhân đây cũng xin kể hầu bạn đọc một chuyện. Khi Thăng còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà, có một tờ báo thuộc Trung ương đoàn đến xin Thăng tài trợ cho một cuộc thi của trẻ con. Nói đến trẻ con, Thăng cười hết cỡ miệng, cầm bút ghi luôn cho mấy chục triệu, bảo nhân viên tài vụ xuất tiền ngay tức khắc. Mọi người, kể cả người đi xin cũng nghĩ chắc ông này thích nổi danh trên báo chí, mới hào phóng tiền công thế. Sau đó, quả nhiên bản báo kia cũng viết mấy lời có ý cảm ơn Thăng, giọng rõ là da diết. Ngày báo ra, chức vụ của Thăng như ghi trong bài báo bị hạ mấy cấp so với thực tế. Những người đi xin tài trợ vừa xấu hổ, vừa ngại phản ứng của ông Chủ tịch HĐQT. Có khác gì điềm giáng chức người ta. Đám nhân viên của Thăng đều giận những kẻ xin tài trợ đoảng tính, cùng sợ tái mặt. Không khéo họ vạ lây. Sau mấy hồi toan tính, đùn đẩy, cuối cùng họ quyết định cử người đến báo cáo với Thăng, đề xuất luôn cả cách xử lý là phải đính chính toàn bộ mấy vạn tờ báo. Thăng cầm tờ báo xem xong lại cười hết cỡ miệng, bảo: “In ấn nhầm là thường, có gì đâu mà phải bắt bí họ cho tốn kém ra. Mình chưa khiến người ta phải nhớ, thì là lỗi của mình, chứ đâu phải của người ta. Họ nhắc mình không nỗ lực thì lại xuống cấp, xuống chức, thế càng tốt”.
Thăng tin người, xuê xoa với lỗi lầm người khác, thậm chí nhiều lần người khác chơi đểu ra mặt nhưng Thăng vẫn dễ dàng bỏ qua, khiến Thăng không có nhiều kẻ thù.
Hội nghị TW5 đã bắt đầu. Sau những quyết sách để giữ chế độ không nghiêng ngả, sẽ có mục luận tội Thăng. Nhiều tin đồn đoán đang làm rối dư luận. Nào là Thăng không được bào chữa, nào là Thăng xin từ chức, nào là ông Trọng quyết cho Thăng thân bại danh liệt. Toàn tin vịt! Riêng tôi nghĩ, Thăng sẽ bị đưa ra luận tội, tìm hình thức kỷ luật, nhưng ăn được Thăng không dễ. Mới chỉ hơn một năm Thăng vào thành phố HCM, nhưng Thăng đã chiếm được cảm tình của hầu hết những người vốn được ai đó giao cho nhiệm vụ phải bằng mọi cách loại bỏ Thăng. Vì Thăng tài hay vì ông ta sống có tình, có thể là cả hai? Hay chính vì cái bản tính hồn nhiên như ông tiên của Thăng.
Dù thế nào, thì Thăng cũng không đơn độc. Những người bầu Thăng vào BCT khi ông ta nằm ngoài cơ cơ cấu của Ban chấp hành TƯ khóa trước, hẳn phải có lý do nào đó cực kỳ thuyết phục. Nay ai đó muốn dìm ông ta xuống, cũng phải có lý do đủ thuyết phục ngược lại với họ. Mà lý do đưa ra trong bản kết luận của UBKTTW thì thuyết phục trẻ con cũng còn khó, nữa là các Ủy viên Trung ương đảng.
Tội nặng như ông Trương Tấn Sang, mà hồi năm 2003, cũng chỉ bị lôi ra Hà Nội, chịu mức khiển trách, để rồi sau đó thành “Phó Tổng bí thư”, rồi tót lên quốc vương. Mà ông Sang chủ động can dự gây ra tội, đằng này Thăng chỉ làm theo chỉ đạo, không làm thì toi lâu rồi, làm gì còn đến giờ để bị luận tội.
Cứ thử chờ xem con Tạo xoay vần đến đâu. Biết đâu điểm yếu rất con người của Thăng, có khi lại là điểm mạnh tuyệt đối dưới con mắt của Giời?
D.Đ. - B.Đ.X.

2. Thông tin đặc biệt về Đinh La Thăng chưa từng công bố
Bạch Hoàn
Bây giờ là những ngày ngày cuối tháng 4 lịch sử. Lịch sử hôm qua đầy thương đau, và hôm nay cũng không khác mấy...
Đến giờ này, ai cũng biết Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng, đang đứng trước nguy cơ có thể phải nhận một án kỉ luật liên quan đến trách nhiệm của ông khi còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, hôm thứ 5 đã kết luận, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu trong việc góp vốn vào Ocean Bank, việc đầu tư xây dựng các nhà máy xơ sợi, xăng sinh học; chịu trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ làm lãnh đạo PVN, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp...
Trước đó, suốt từ cuối 2016 đến nay, trên facebook, có những cá nhân cho rằng, ông Đinh La Thăng là nguyên nhân gây ra những khoản thất thoát, lãng phí hàng ngàn tỉ đồng, phải chịu trách nhiệm về những dự án đầu tư không hiệu quả, trong đó có dự án đầu tư nhiên liệu sinh học, dự án hợp tác khai thác dầu ở Venezuela.
Việc xử lý ông Đinh La Thăng, đến hôm nay đang ở bước đề xuất xem xét kỉ luật của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Hình thức kỉ luật ra sao sẽ phải chờ Hội nghị Trung ương 5 quyết định bằng bỏ phiếu. Trong trường hợp sau khi có quyết định kỉ luật, ông Đinh La Thăng sẽ rời vị trí Bí thư thành uỷ TP.HCM hay không thì phải chờ Bộ Chính trị họp rồi quyết định. Đến giờ, nhiều thông tin cho rằng, ông Thăng sẽ phải rời vị trí ấy.
Những cơ sở để dẫn đến đề nghị kỉ luật, hầu hết báo chí đã đưa tin đầy đủ. Cũng đã có facebooker thay mặt toà tuyên án Đinh La Thăng. Tôi không lấy mất thời gian của các anh chị đang đọc bài viết này bằng việc nhắc lại những thông tin mà mọi người đều đã biết. Tuy nhiên, tôi sẽ cung cấp thêm một số thông tin mà báo chí và các facebooker khi kết án ông Đinh La Thăng, vì lý do nào đó mà không thông tin chi tiết.
Đầu tiên là về dự án hợp tác khai thác dầu khí ở mỏ Junin-2 tại Venezuela. Vốn đầu tư của dự án khoảng 1,8 tỉ USD, trong đó phía Việt Nam góp 40%. Khi mới chỉ giải ngân được một phần thì dự án phải dừng lại vào năm 2014 do những bất ổn về chính trị, tình hình lạm phát không thể kiểm soát và chênh lệch quá lớn giữa tỉ giá chính thức và tỉ giá chợ đen ở Venezuela.
Chính vì phải dừng dự án, chưa biết khi nào có thể thực hiện được nên có ý kiến cho rằng ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm về việc chôn tiền ở Venezuela. Thực tế, đây không phải là dự án mang dấu ấn của cá nhân Đinh La Thăng. Khai thác dầu khí ở mỏ Junin-2 chính xác phải gọi là dự án tiêu biểu cho cái gọi là "ngoại giao dầu khí" của Việt Nam với Venezuela.
Cụ thể như sau:
Việc hợp tác khai thác mỏ Junin-2 được ký kết vào ngày 20-11-2008 nhân chuyến thăm chính thức Venezuela của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Trong thời kỳ đàm phán để chuẩn bị đầu tư, cứ 2-3 tháng lại có một đoàn của Tổng bí thư (lúc ấy là ông Nông Đức Mạnh), chủ tịch nước, phó Thủ tướng... sang Venezuela và làm việc với đại diện PVN.
Việc đàm phán hợp đồng khai thác Junin-2 không phải chỉ cá nhân Đinh La Thăng hay PVN quyết định, mà [đó là] các đàm phán thuộc tầm Chính phủ. Ông Hoàng Trung Hải lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng đã 4 lần sang Venezuela đàm phán.
Dự án khai thác mỏ Junin-2 cũng đã được Quốc hội phê duyệt. Chủ tịch Quốc hội lúc ấy là ông Nguyễn Phú Trọng bây giờ. Nhiều đại biểu Quốc hội khi ấy giờ chắc cũng nắm những vị trí cao trong bộ máy chính quyền.
Ngày 29-6-2010, hợp đồng thành lập và quản lý công ty liên doanh khai thác và nâng cấp dầu tại mỏ Junin-2 được ký kết tại Venezuela cũng có sự chứng kiến của đại diện Chính phủ Việt Nam là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cùng đại [diện] các bộ ngành ngoại giao, công thương, kế hoạch và đầu tư....
Đó chỉ là một trong những ví dụ cho thấy, chỉ nói chung chung việc thất thoát của một dự án với cá nhân ông Đinh La Thăng là chưa đủ, nếu không xem xét đầy đủ các khía cạnh và vai trò của ông Thăng cũng như các cá nhân khác, đặc biệt là phải đặt trong bối cảnh ngoại giao dầu khí.
Quay trở lại đề xuất kỷ luật, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm vì là người đứng đầu. Đây là lần hiếm hoi khái niệm trách nhiệm người đứng đầu được sử dụng quyết liệt.
Với cơ chế được tiêu tiền không phải của mình, thì thật khó để tìm kiếm được một doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả, cũng thật là khó để tìm thấy một doanh nghiệp không làm sai, nếu không có những đặc quyền. Nhưng, dù chúng ta có nói PVN phá hoại, thì cũng phải nhìn nhận thực tế là suốt nhiều năm ròng rã, ngành dầu khí phải làm cả nhiệm vụ kinh tế, chính trị, ngoại giao. Họ phải gánh cho GDP của cả đất nước này. Ví dụ vào năm 2011, PVN đóng góp tới 26% GDP, và năm 2010 là 24%.
Tôi không bình luận gì về việc kỉ luật một quan chức trong hệ thống chính quyền. Trong thể chế chính trị này, khi bản kê khai tài sản của quan chức là tài liệu mật, thì tôi chẳng tin có một quan chức nào liêm khiết. Và thể chế kinh tế này, khi một cá nhân ngồi vào vị trí quản lý kinh tế thì có lẽ họ đã là một tội phạm dự bị khi cần!?
Khi xem tivi phát thông tin về đề nghị xử lý trách nhiệm Đinh La Thăng, bỗng dưng tôi chợt nhớ, ông này này đã từng lớn tiếng phản ứng và trảm nhà thầu Trung Quốc và phía Mỹ, Nhật đều có chỉ dấu chọn ông Thăng chứ không phải những cá nhân khác trong chính quyền Hà Nội.
Nhưng, xét về trách nhiệm người đứng đầu, thì PVN đã là gì, nếu so với tương lai của cả dân tộc này?
B.H.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét