Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Một quyết định đúng đắn của giáo sư Tương Lai

 Nguyễn Đăng Quang
Đúng ngày kỷ niệm lần thứ 72 Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2017), giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, người có 58 năm tuổi Đảng, đã công bố quyết định chính trị rất quan trọng của ông, đó là “Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng đang thao túng, để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao động Việt Nam”. Quyết định này của GS Tương Lai đã và đang tạo nên nhiều ý kiến khác nhau cũng như sự đánh giá và bàn luận sôi nổi bên trong và bên ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).
Chiều 2/9/2017, tôi tranh thủ đến thăm Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, người đầu tháng Mười tới sẽ bước sang tuổi thứ 102 (cụ sinh ngày 1/10/1916). Cụ vẫn khỏe và minh mẫn, song không còn nhanh nhẹn như cách đây 3 năm nữa.
Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đánh giá quyết định của GS Tương Lai là đúng đắn và đúng thời điểm. Cụ nói: “Quyết định chính trị là tùy theo quan điểm, nhận thức và hoàn cảnh của mỗi người. Tôi tôn trọng và tán thành quyết định của anh Tương Lai khi tuyên bố từ bỏ và đoạn tuyệt với ĐCSVN của Nguyễn Phú Trọng. Song tôi đặc biệt đánh giá cao việc anh ấy vẫn nguyện tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao động Việt Nam…”.
Một vị cựu Đại sứ khác, nguyên Ủy viên Trung ương ĐCSVN viết trong Email gửi GS Tương Lai, xin trích: “Tôi xúc động không thể không viết ngay mấy dòng vắn tắt gửi GS để bày tỏ sự đồng tình hoàn toàn của tôi đối với những điều GS trình bày trong 2 văn bản này (tức Tuyên bố ra Đảng và Bản tường trình của GS Tương Lai viết gửi Đảng ủy Phường Tân Phong, Quận 7, Tp HCM) và sự ngưỡng mộ của tôi đối với GS, người chiến sỹ cộng sản, người trí thức, người công dân chân chính và tài năng!”

Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và GS Tương Lai (Ảnh chụp năm 2016)

Song cũng không ít ý kiến cho rằng GS Tương Lai chưa thể hiện thái độ dứt khoát với ĐCSVN khi ông chỉ tuyên bố “chấm dứt mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng thao túng” chứ không phải là từ bỏ ĐCSVN. Nói như vậy, theo tôi, không sai, nhưng có thể chưa thấy hàm ý trong Tuyên bố dứt bỏ đảng Nguyễn Phú Trọng thao túng của GS Tương Lai!
Tôi đồng tình với ý kiến của lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, việc từ bỏ ĐCSVN là tùy theo quan điểm, nhận thức và hoàn cảnh của mỗi người, không nên và không thể bắt mọi người ai ai cũng phải giống nhau. Không thể nói GS Tương Lai chưa rứt khoát với ĐCSVN, vì theo tôi, ở khía cạnh nào đó, ông còn thể hiện một thái độ mạnh mẽ hơn, đó là “dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng thao túng…”.
Tuyên bố như vậy, rõ ràng GS Tương Lai không chỉ khẳng định việc từ bỏ ĐCSVN mà còn nhấn mạnh, ĐCSVN hiện do Nguyễn Phú Trọng lũng đoạn nên ông càng kiên quyết từ bỏ nó! Theo tôi, đây còn có thể là chiến thuật, vì trong tuyên bố, ông nói từ bỏ ĐCSVN “để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đàng Lao động Việt Nam” chứ không phải để nghỉ dưỡng! Cách đây hơn 1 tháng, ông nói với tôi và ông Lê Công Giàu khi chúng tôi đến thăm ông tại nhà riêng, càng ngày ông càng nung nấu với ý tưởng cần phải có thể chế đa nguyên, đường lối đa đảng mà khi gia nhập Đảng Lao động Việt Nam (ĐLĐVN) năm 1959 ông chưa nhận thức được. Nay, nếu ông tuyên bố khôi phục lại ĐLĐVN, tôi tin sẽ có hàng trăm ngàn đảng viên sẽ tuyên bố ly khai ĐCSVN để chuyển sang sinh hoạt ĐLĐVN. Vấn đề này, như mọi người đều biết, khi đổi tên đảng năm 1976, lãnh đạo đảng lúc đó không tổ chức lấy ý kiến đảng viên và thông báo trước trong đảng về việc đổi tên. Đây rõ ràng là việc làm vô nguyên tắc, rất phi dân chủ!
Vả lại, theo cách mà chính ông Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đã nói, thì ĐCSVN hiện nay “có thế nào” nên mới có hiện tượng hàng loạt đảng viên công khai “từ đảng” hoặc lặng lẽ “thoái đảng”? Chỉ trong vòng 3-4 năm qua, nhiều đảng viên kỳ cựu ĐCSVN đã tuyên bố từ bỏ đảng, chẳng hạn như Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc VN Tp. HCM, ông Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Tp.HCM, GS Nguyễn Đình Cống, Nhà báo kỳ cựu Tống Văn Công, nguyên Tổng Biên tập báo Lao Đông v.v… và nay đến lượt Giáo sư Tương Lai!
Thiết nghĩ, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN nên mở một cuộc họp chuyên đề về công tác tổ chức- xây dựng Đảng để mổ xẻ hiện tượng “từ đảng” và “thoái đảng”, xem nguyên do vì sao nó lại như “Hoa nở rộ giữa mùa Xuân” trong những năm qua như vậy, đồng thời xem xét lại năng lực, uy tín và những hệ lụy từ khi ông Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm chức Tổng Bí thư đến nay!

GS Tương Lai được các bạn trẻ công kênh lên cho cao để hô khẩu hiệu hướng thẳng vào tòa Tổng Lãnh sự quán TQ ở Sài Gòn trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 11.5.2014
Theo tôi, điểm giống nhau và cũng là mẫu số chung của tất cả những ai công khai từ bỏ ĐCSVN trong thời gian vừa rồi cũng như của hàng trăm ngàn đảng viên đã lặng lẽ “thoái đảng” trong những năm qua (đặc biệt trong giai đoạn ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư) là do họ đã chán chường và bất bình trước sự sa đọa, biến chất của Ban Lãnh đạo Đảng và bộ máy công quyền, họ không còn chút lòng tin nào vào ĐCSVN nữa, họ phẫn uất trước sự dung túng và bảo kê cho quốc nạn tham nhũng.
Trong số những người tuyên bố ly khai hoặc thoái đảng, rất nhiều người cho rằng việc du nhập Chủ Nghĩa Cộng Sản, thực chất là du nhập ý thức hệ độc tài kiểu Stalinist và Maoist cùng hệ thống “vô sản chuyên chính” nhằm duy trì một thể chế toàn trị phản dân chủ vào Việt Nam, điều này đã không chỉ là một sai lầm mà còn là một thảm họa cho dân tộc và đất nước!
Thực tế trên nửa thế kỷ qua, thể chế toàn trị, độc đảng, phản dân chủ đặt ý thức hệ lên trên Tổ quốc, đặt lợi ích của đảng, thực chất là lợi ích của một nhóm quyền lực chóp bu lên trên lợi ích dân tộc, dám ngang ngược đặt Cương lĩnh của ĐCSVN chỉ bao gồm 4 triệu đảng viên so với đại bộ phận 92 triệu dân, lên trên Hiến Pháp của toàn dân. Những sai lầm cơ bản và có hệ thống đó đã triệt tiêu mọi mầm mống dân chủ, tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, đoàn kết trong mọi tầng lớp nhân dân. Thực chất của cái gọi là “Nhà nước pháp quyền XHCN” chỉ là sự đánh tráo khái niệm, thực ra chỉ là đảng quyền, chứ không có nhà nước pháp quyền, không có tam quyền phân lập, một thành tựu của văn minh nhân loại! Mô hình này đã thảm bại hoàn toàn ở Liên Xô cũ và các nước XHCN ở Đông Âu, nay chỉ còn lạc lõng ở Bắc Triều Tiên, Cu Ba, Trung Quốc và Việt Nam.
Nói thêm về trường hợp lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Trong những năm qua, rất nhiều người muốn cụ tuyên bố ra khỏi ĐCSVN. Trong số những người này có đông đảo đồng đội, đồng chí, bạn bè thân thiết của cụ, và có khá nhiều nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước. Điều này khiến cụ rất phân vân. Cụ đã chuẩn bị cho mọi phương án cần thiết!
Nhưng sau khi lượng định tình hình và suy đi tính lại, cụ đã đi đến quyết định là phải ở lại trong Đảng để tiếp tục chiến đấu! Cụ nói, việc tuyên bố ra khỏi đảng đối với cụ không có gì là khó khăn, song cụ thấy việc ở lại là quan trọng và có tác dụng hơn!
Với cương vị của cụ, cụ có điều kiện lên tiếng vạch trần những tệ hại, ngăn chặn những sai lầm mà ĐCSVN đang lao vào, đấu tranh không khoan nhượng với những tội lỗi mà Ban Lãnh đạo ĐCSVN phạm phải, đặc biệt là đường lối lệ thuộc gần như hoàn toàn vào ĐCSTQ. Đây là điều vô cùng nguy hiểm cho dân tộc và đất nước! Cụ nói, có thể không ngăn chặn hết được những tồi tệ, nhưng chí ít cũng hạn chế được mức độ tác hại, không cho chúng lộng hành hơn nữa!
Cũng trên ý nghĩa đó xin trở lại với tuyên bố của GS Tương Lai. Tôi biết ông đã trăn trở rất nhiều khi công bố quyết định này. Với tất cả sự hiểu biết về ông, tôi cho rằng quyết định từ bỏ ĐCSVN mà ông nhấn mạnh trong tuyên bố ngày 2/9/2017 là rất đúng đắn và cần thiết, sẽ có tác dụng và gây ra sức ép đáng kể và không nhỏ trong nội bộ ĐCSVN, và góp phần từng bước đưa đến một thay đổi tích cực và mạnh mẽ trong sinh hoạt chính trị ở Việt Nam trong thời gian tới. Hà Nội, ngày 7/9/2017.
N.Đ.Q.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét