Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

CHO THUÊ ĐẤT ĐẶC KHU 99 NĂM!?


Bài của tác giả Hoa Anh Đào
Đăng trên Nghiên cứu lịch sử
30-5-2018

Suy nghĩ của chúng tôi về đặc khu. Mong được lan tỏa. Từng tiếng nói góp thành sức mạnh.
99 năm không phải là thời gian quá dài của một dân tộc, đặc biệt là đối với nước ta. Dân tộc có khoảng 50 vạn năm lịch sử. Tổ tiên của chúng ta đã có cuộc sống nguyên thủy hàng chục vạn năm trên vùng đất này. Việt Nam là chiếc cầu nối giữa châu Á lục địa và châu Á hải đảo.
99 năm cũng không phải là dài so với lịch sử văn minh của dân tộc Việt. Từ ngành trồng lúa nước sơ khai, người Việt đã xây dựng cho mình một nền văn minh rực rỡ từ phía Nam sông Dương Tử đến đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh.
99 năm —mấy hôm nay, nghe số năm ấy. Tôi đã phải giật mình. Đó là khoảng thời gian đề xuất chúng ta cho ngoại bang thuê đất.
99 năm — một con số quá dài đối với đời người của chúng ta.
99 năm sau, con cháu hỏi, khi các vị ấy cho thuê đất thì ông cố ngươi đã làm gì.
Hôm nay, TÔI LÊN TIẾNG.
Tôi KHÔNG đồng ý để họ biểu quyết cho ngoại bang thuê đất trong 99 năm tới.
Tôi chỉ là một công dân bình thường trong xã hội này. Tôi nhỏ bé, tôi chẳng nắm trong tay quyền lực nào cả. Tôi cũng chẳng có tham vọng hay thủ đoạn về chính trị nào.
Tôi lên tiếng vì lương tri của tôi không cho phép tôi câm lặng.

Có một đại biểu nào đó đã nói: “Trung Quốc bây giờ quá mạnh, họ đã chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa của chúng ta. Việt Nam quá yếu không thể chống trả. Nhưng, con cháu sẽ giành lại, 100 năm sau, 1000 năm sau, con cháu chúng ta sẽ giành lại.”
Không! Tôi không đồng ý với luận điểm trên. Giữ gìn chủ quyền dân tộc là trách nhiệm của những người đang sống, của chính thế hệ chúng ta. Chúng ta không thể đùn đẩy trách nhiệm đó cho thế hệ sau.
Không! Việc làm đó là vô tri.
Đối diện với một Mông —Nguyên hùng mạnh và hung hãn vào thế kỷ XIII, vua tôi nhà Trần đã không chịu đầu hàng. Họ đâu dám nghĩ sau này đế chế Mông —Nguyên suy yếu, con cháu họ sẽ giành lại độc lập. Họ đã chiến đấu ngoan cường, đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Vậy mà, giờ đây con cháu họ, những người tự xem là rực rỡ, là siêu việt, đã và đang ngồi họp bàn để cho ngoại bang _ trong đó có một trong số kẻ thù của họ thuê đất 99 năm.
Một đại biểu viện dẫn, sau 99 năm đất đai ấy sẽ lại là của con cháu chúng ta. Với thời gian ấy, liệu đã có bao nhiêu thế hệ của ngoại bang đã ra đời ở các đặc khu ấy.
Bài học nhãn tiền của Ukraina vẫn còn đó, họ mất Crưm bởi có quá nhiều người nói tiếng Nga đồng ý để Crưm “trở về” với đất mẹ.
99 năm sau, liệu có bao nhiêu con cháu ngoại bang sinh sống trong các đặc khu. Đặc biệt là Vân Đồn, ngõ hầu của nước ta và quá gần Trung Quốc. Liệu, khi bị trấn giữ ở ngõ hầu thì chúng ta có vươn mình ra được với thế giới.
Phú Quốc là một đảo có vị trí đắc lợi. Khi Thái Lan xây dựng siêu kinh đào Kra, thì Phú Quốc sẽ thay thế Malacca, Singapo là nơi rung chuyển hầu hết hàng hóa qua biển Đông. Nó còn là một căn cứ hải quân tuyệt vời án ngữ vịnh Thái Lan. Một vị trí như thế có nên cho thuê làm đặc khu.
Một đặc khu khác mang tên Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa, nó quá gần Cam Ranh. Liệu khi đặc khu này được thành lập thì Cam Ranh có bị ảnh hưởng về mặt quốc phòng hay không?
Đặc Khu là hình thức kinh tế ở thời kỳ trước. Nó là phương pháp sơ khai, là hạ sách trong việc mở cửa, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài.
Phát triển đất nước phải dựa vào nội lực, là cái bên trong, không thể dựa vào bên ngoài để đánh đổi lấy sự phát triển được.
Với ba đặc khu sắp thành lập, liệu kinh tế của Việt Nam có thật sự cất cánh khi mà ở bên trong có quá nhiều vấn đề cần phải đại “phẩu thuật”.
Từ giáo dục, y tế, giao thông vận tải…cho đến môi trường, văn hóa. Khi mà, thâm hụt ngân sách ngày một lớn, bộ máy nhà nước phải gồng gánh một đội ngũ thừa số lượng mà thiếu chất lượng. Nạn tham nhũng tràn lan. Quan chức thừa bằng cấp, lý luận mà thiếu thực tài…
Phát triển đất nước không hề khó. Chỉ cần thu hút được trí tuệ và tài lực của tất cả mọi người, trong cơ chế dân chủ thật sự thì Việt Nam sẽ sớm hóa hổ, hóa rồng.
Chúng ta không cần đặc khu. Cái mà chúng ta cần là xây dựng niềm tin ở nhân dân. Xây dựng bằng hành động chứ không phải là những ngôn từ sáo rỗng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét