Ngô Nhân Dụng
Bà vợ của cố Tổng Thống Nam Hàn Kim Dae-jung (Kim Đại Trọng) mới viết thư cho tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in, khen rằng ông Moon đáng lãnh giải Nobel Hòa Bình trong nỗ lực đem Kim Jong Un và Donald Trump tới gặp nhau. Ông Moon khiêm tốn nói ông Trump mới là người đáng lãnh giải.
Ông
Moon chủ trương “đối thoại” với Bắc Hàn, như Kim Dae-jung đã thử. Kim Dae-jung,
trong lời trăng trối, đã dặn dò Moon hãy theo đuổi chính sách đó. Hai đời tổng
thống trước đều không quan tâm tới vấn đề này. Cựu Tổng Thống Lee Myung-bak (Lý
Miêng Pắc) lo củng cố liên minh với nước Mỹ. Bà Park Geun-hye (Phác Cận Huệ)
tìm cách nâng cao mối quan hệ với Trung Cộng.
Sau
khi đắc cử năm ngoái, với 41% số phiếu dân bầu (có hơn hai ứng cử viên), Moon
Jae-in (Văn Tại Dần) chú ý giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, nhưng ông
cũng nói cần thiết lập lại cuộc đối thoại đã bị đứt đoạn, và Đại Hàn Dân Quốc
phải đóng vai chính trong vấn đề đất nước bị chia cắt từ năm 1945. Ông nói ý kiến
này trong diễn văn nhậm chức, trong chuyến đi Berlin, nơi bức tường chia đôi nước
Đức đã sụp đổ, và trong ngày quốc khánh. Ông được đa số dân chúng ủng hộ, từ
73% đến 84%, tỷ số cao nhất chưa một vị tổng thống Hàn quốc nào đạt được. Sau
khi gặp Kim Jong Un (Kim Chính Ân) ở Bàn Môn Điếm (Panmunjom), số người ủng hộ
ông tăng lên 86%.
Nếu
các diễn biến chính trị và ngoại giao trong những tháng sắp tới đem lại một hiệp
ước hòa bình giữa hai miền Nam, Bắc Hàn quốc thì không những Moon Jae-in đáng
được dự phần vào một giải Nobel Hòa Bình, mà ông sẽ còn được ghi vào lịch sử
dân tộc Cao Ly như một anh hùng đã xây dựng hòa bình, bảo vệ nòi giống tránh được
một cuộc nội chiến tương tàn. Người ta sẽ ghi nhận: Động cơ thúc đẩy cuộc đời
chính trị của ông là lòng yêu nước, không vì một chủ nghĩa hay ý thức hệ nào.
Và chắc chắn, không phục vụ cho quyền lợi của bất cứ ngoại bang nào!
Ngay
cả người Việt Nam, ở trong nước hay ở ngoài, cũng nhìn vào cuộc gặp gỡ Moon-Kim
với lòng ngưỡng mộ. Nhưng người Việt sẽ khâm phục ông hơn nữa khi biết rằng
trong nỗ lực đem Kim Jong Un tới gặp Donald Trump, ông Moon cũng giúp cho miền
Bắc thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Cộng. Trong lịch sử, Trung Quốc cũng
đã từng đánh Hàn Quốc hai lần, vào đời Hán và đời Đường, tuy không đặt được ách
đô hộ kéo dài ngàn năm như ở nước ta!
Tổng
Thống Moon nói rằng chính phủ ông “sẽ cố tạo một đường dây đối thoại giữa Mỹ và
Bắc Hàn.” Seoul đã đóng vai chính đem Pyongyang và Washington tới gần nhau. Một
nhà ngoại giao cao cấp Nam Hàn nói với nhật báo South China Morning Post rằng cả
hai miền Nam Bắc Hàn đều muốn giảm bớt (dilute – làm loãng bớt) ảnh hưởng của
Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên. Nếu Kim và Moon thực hiện được điều này,
không những vận mệnh dân Hàn Quốc sáng của hơn mà bàn cờ chính trị cả miền Đông
Bắc Á Châu sẽ thay đổi, có thể ảnh hưởng tới cả miền Đông Nam Á. Như một cử chỉ
tượng trưng bầy tỏ tình đoàn kết, Bắc Hàn nói sẽ “đổi giờ” cho giống miền Nam,
hiện nay đồng hồ Bắc Hàn chạy chậm hơn Nam Hàn nửa giờ.
Liệu
hai miền Nam Bắc Hàn có thể “làm loãng” ảnh hưởng của Trung Cộng trên vận mệnh
dân tộc họ hay không?
Trung
Cộng đã ký bản thỏa hiệp ngưng bắn năm 1953, cùng với Liên Hiệp Quốc do Mỹ đại
diện, và Bắc Hàn. Khi đó không có chữ ký Nam Hàn, nhưng bây giờ Nam Hàn đóng một
trong ba vai chính. Ngay từ đầu, Trung Cộng đã đóng một vai trò lu mờ. Kim Jong
Un tăng cường số lần thử bom và hỏa tiễn, Bắc Kinh chỉ đứng ngoài. Trung Cộng
không dám tạo áp lực kinh tế để ngăn cản, vì sợ chế độ cộng sản ở Bắc Hàn sụp đổ,
gây họa cho cả vùng. Khi Kim thử tới bom khinh khí và hỏa tiễn có thể bắn sang
tới Mỹ, Trung Cộng đã thuận theo quyết nghị của Liên Hiệp Quốc, thi hành các biện
pháp cấm vận xăng dầu, nhưng vẫn nương tay, nghe ngóng coi tình hình biến chuyển
tới đâu, không cắt đứt tiếp liệu mạnh đến mức tuyệt giao. Giữa lúc đó, thì Kim
Jong Un và Donald Trump hẹn gặp nhau, do công đạo diễn trong hậu trường của
Moon Jae-in.
Kim
Jong Un tới Bắc Kinh không phải chỉ để “trấn an,” càng không cần “xin chỉ thị”
của Tập Cận Bình, mà mục đích chính là muốn cho Donald Trump biết rằng ngoài nước
Mỹ còn Trung Cộng cũng có thể xía vô!
Nhưng
Trung Cộng xía vô như thế nào?
Bắc
Kinh đã tìm cách làm giảm uy tín của Kim Jong Un. Khi Kim loan báo sẽ phá hủy
khu thử bom nguyên tử, chính các nhà khoa học Trung Cộng đã tiết lộ rằng sau vụ
thử Tháng Chín năm ngoái, ngọn núi đã sập đổ! Lập tức, Yoon Young-chan, phát
ngôn viên của Kim đã cải chính, nói rằng chỉ có một đường hầm bị sập, còn hai
đường hầm khác lớn hơn, rất vững chắc; nhưng nay cũng hủy bỏ!
Sau
cuộc họp mặt Kim-Moon, Trung Cộng còn cho lan truyền trong dư luận tỏ ý nghi ngờ.
Giáo Sư Tôn Hưng Kiệt (孙兴杰), Đại Học Cát Lâm (吉林大学), nói rằng Nam Hàn đã “phóng đại ý nghĩa” của chữ “giải
giới nguyên tử” (denuclearisation) của Bắc Hàn. Ông vạch ra rằng họ Kim không hề
nói sẽ xóa bỏ các vũ khí hạch tâm.
Ông
Trương Liễn Khôi (张琏瑰), một nhà nghiên cứu chiến
lược còn tìm cách giải thích lý do khiến Trung Quốc bị gạt ra bên lề trong các
cuộc đàm phán giữa Nam Bắc Hàn với Mỹ. Ông Khôi là giáo sư trong “sở nghiên cứu
chiến lược quốc tế” thuộc trường Trung Ương đảng (中共中央党校国际战略研究所), cho rằng vì chính sách của
Trung Quốc đối với Bắc Hàn trong những năm gần đây không thân thiện nên chính Bắc
Hàn cũng muốn gạt Trung Cộng ra ngoài.
Ông
Khôi viết: “Lâu nay chúng ta vẫn coi vấn đề bom nguyên tử của Bắc Hàn không phải
chuyện của mình. Bắc Hàn và Mỹ hãy nói chuyện trực tiếp với nhau… Bây giờ họ tiến
tới với nhau ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, chúng ta bị gạt ra bên lề là điều
không đáng ngạc nhiên.”
Một
học giả khác đã nói mạnh hơn, cho rằng Trung Quốc không nên dính đến Bắc Hàn.
Không những thế, ông Thẩm Chí Hoa (沈志华), đã nói thẳng rằng Trung Quốc nên kết bạn với Nam Hàn hơn
là Bắc Hàn! Là một sử gia, ông giáo sư Đại Học Sư Phạm Phương Đông (华东师范大学) ở Thượng Hải trình bày những lý luận rất minh bạch.
Ông căn cứ vào quyền lợi của mỗi nước, Trung Quốc và Nam Hàn gần nhau hơn, khác
với Bắc Hàn, kết luận: “…trong tình thế hiện nay, Bắc Hàn là một kẻ thù tiềm ẩn,
còn Nam Hàn có thể là bạn của Trung Quốc.”
Để
“giữ vững lập trường, Giáo Sư Thẩm còn trích lời Mao Trạch Đông: “Biết ai là bạn,
ai là thù, là vấn đề tối quan trọng trong cách mạng!”
Những
ý kiến của Thẩm Chí Hoa đã được ký giả Hris Buckley trình bày trên nhật báo The
New York Time trước đây hai tuần. Giáo sư họ Thẩm cho rằng từ năm 1992, sau khi
Trung Cộng công nhận chính phủ Nam Hàn, “tất cả mọi thứ từ ngoại giao, kinh tế,
chính trị, của Trung Quốc và của Bắc Hàn đã trái ngược với nhau.” Việc Bắc Hàn
thử bom nguyên tử, khiến Trung Quốc phải sống trong tình trạng bất trắc; đó là
một căn bản gây quyền lợi xung khắc. “Nếu bom hạch tâm nổ thì phóng xạ sẽ gây
tai họa cho ai? Chỉ có Trung Quốc và Nam Hàn. Nhật Bản ở cách biển, Mỹ cách cả
một đại dương… càng thử bom càng đẩy Nhật, Mỹ và Nam Hàn liên kết chặt chẽ
hơn.”
Các
giáo sư Thẩm Chí Hoa và Trương Liễn Khôi nêu lên những ý kiến có thể giải thích
và biện minh cho sự vắng mặt của Trung Cộng trong bàn cờ bán đảo Triều Tiên. Cuộc
chiến tranh Cao Ly xảy ra năm 1950 là do Stalin xúi gịục Kim Nhật Thành, Stalin
giương một cái bẫy đẩy Trung Cộng ra đối đầu trực tiếp với Mỹ, hai nước trở
thành tử thù suốt 25 năm. Người Trung Hoa không bao giờ quên chuyện đó.
Năm
1949, Mỹ đứng ngoài phủi tay, không can thiệp khi Mao Trạch Đông chiếm lục địa
Trung Hoa, Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan. Khi Bắc Hàn tấn công Nam Hàn, nước
Mỹ thức dậy, nhìn thấy mối nguy Cộng Sản hóa toàn Châu Á đang đe dọa. Các chính
phủ Mỹ, từ Truman đến Kennedy, đổi chính sách, quay 180 độ.
Năm
1950, Mỹ nhân danh Liên Hiệp Quốc đem quân bảo vệ Nam Hàn. Trong vòng 12 tháng,
Nhật Bản, nước bại trận đang do quân Mỹ chiếm đóng, đã thành lập Lực Lượng Cảnh
Sát Trừ Bị và Lực Lượng An Ninh Hàng Hải, những hòn đá đầu tiên cho lực lượng
quân sự “tự vệ” ngày nay. Tháng Chín năm 1951, họp hội nghị quốc tế, ký hiệp ước
hòa bình ở San Francisco, Nhật Bản tái xuất hiện trên trường ngoại giao. Những
năm sau đó Mỹ tiếp tục, giúp Philippines tiêu diệt du kích Cộng Sản, ủng hộ phe
chống Cộng Sản ở các nước Đông Nam Á, và can dự vào chiến tranh Việt Nam. Tất cả
đều vì lo Trung Cộng bành trướng. Đến năm 1972, Mao mới thoát ra khỏi cái hố sa
lầy đã bị Stalin đẩy vào, bắt đầu trực tiếp giao thiệp với Mỹ.
Trung
Cộng không tha thiết gì với Bắc Hàn, nếu Mỹ và Nam Hàn không trở thành một mối
đe dọa. Mà điều này hiện không ai thấy có dấu hiệu nào. Ngược lại, giàn chống hỏa
tiễn THAAD được đem tới Nam Hàn chỉ vì Bắc Hàn liên tiếp thử bom hỏa tiễn.
Tổng
Thống Nam Hàn Moon Jae-in chắc chắn đủ các tin tức tình báo để biết thế của
Trung Cộng trong cuộc cờ Triều Tiên. Ông đã tìm ra cơ hội nối lại mối liên lạc
với miền Bắc. Ngay sau khi thí nghiệm thành công những hỏa tiễn có thể bắn qua
nước Mỹ, Kim Jong Un tuyên bố với dân chúng là “đã đạt được mục đích” của quốc
gia. Các sứ giả của ông Moon có thể chuyển thông điệp lên miền Bắc: Nếu đã yên
tâm vì có trong tay thứ vũ khí để trả đũa khiến Mỹ không thể tấn công Bắc Hàn
mà không bị thiệt hại nặng, thì tại sao không bắt đầu nói chuyện?
Không
biết những diễn biến sắp xảy ra sẽ đưa tới kết cục ra sao, nhưng mọi người đều
muốn chúc ông Moon Jae-in thành công. Không cần một giải Nobel Hòa Bình. Lịch sử
dân tộc Triều Tiên sẽ ghi tên ông như một người yêu nước một cách thông minh.
Ngô
Nhân Dụng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét