Nguyễn Đình Cống
18- 11- 2018
TS Chu Hảo cho xuất
bản sách này năm 2009. Đó là một trong những chứng cứ để ĐCSVN kết tội ông.
Đoán rằng nhiều người muốn đọc nhưng ngại sách dài, tôi xin tóm tắt thành vài trang
để các vị dễ tham khảo. Nội dung sách nhằm trình bày luận đề sau: “Nền kinh tế
kế hoạch hóa (KHH), tập trung quan liêu bao cấp, do nhà nước thống nhất quản lý
sẽ tất yếu dẫn toàn xã hội đến tình trạng nô lệ”.
Tác giả là HAYEK, xuất bản lần đầu tại Anh năm 1944, nhiều lần tái bản. Tên sách: The Road to Serfdom. Phạm Nguyên Trường dịch ra tiếng Việt. Trong lời giới thiệu của bản tiếng Việt có viết: Việt Nam đã bắt đầu từ bỏ cơ chế KHH tập trung quan liêu bao cấp… Tuy thế, những di chứng mà cơ chế này gây ra cho xã hội vẫn còn đó và đang gây nhức nhối cho xã hội…
Khi cơ chế KHH tập
trung ngăn cản các cá nhân quyền tự tìm kiếm thu nhập và sử dụng tài sản của
mình cho những mục đích riêng tư tất dẫn đến những tác động tiêu cực về mặt đạo
đức, thái độ, lối sống và cách ứng xử của con người,…khiến cho người ta chỉ
biết phục tùng, mất khả năng tư duy độc lập, chỉ biết rập khuôn;… thay vào đó
là các biện minh nhân danh cộng đồng hay sứ mệnh cao cả; kích thích người ta
chạy theo lối sống xin xỏ, chạy chọt để hưởng đặc quyền đặc lợi, và quyền ban
ơn huệ cho người khác, v.v… Những khó khăn mà người Việt Nam chúng ta đã trải
nghiệm trong thời kỳ KHH đã được Hayek nhìn thấy trước từ cách đây hơn 60 năm
khi ông cảnh báo những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra cho nước Anh.
Sách có các lời giới thiệu, dẫn nhập và 16 chương.
Dẫn nhập. Đã đến lúc phải nói rõ sự thật, dù nó có thể cay đắng đến đâu: chúng ta có nguy cơ lặp lại số phận của nước Đức (phát xít Hitle)… Đó là nền kinh tế KHH nằm trong tay nhà nước. Các xu hướng xã hội chủ nghĩa theo mô hình này. Sự tương đồng giữa những đặc điểm xấu xa nhất của các chế độ cộng sản Nga và chủ nghĩa xã hội quốc gia Đức đã trở nên rõ ràng… Chúng ta có thể rút ra được những bài học từ quá khứ nhằm ngăn chặn sự lặp lại của một số quá trình nào đó…
Chương1- CON ĐƯỜNG BỊ CHỐI BỎ
Sách có các lời giới thiệu, dẫn nhập và 16 chương.
Dẫn nhập. Đã đến lúc phải nói rõ sự thật, dù nó có thể cay đắng đến đâu: chúng ta có nguy cơ lặp lại số phận của nước Đức (phát xít Hitle)… Đó là nền kinh tế KHH nằm trong tay nhà nước. Các xu hướng xã hội chủ nghĩa theo mô hình này. Sự tương đồng giữa những đặc điểm xấu xa nhất của các chế độ cộng sản Nga và chủ nghĩa xã hội quốc gia Đức đã trở nên rõ ràng… Chúng ta có thể rút ra được những bài học từ quá khứ nhằm ngăn chặn sự lặp lại của một số quá trình nào đó…
Chương1- CON ĐƯỜNG BỊ CHỐI BỎ
Đó là con đường phát triển tự do, phát triển cá nhân đang bị chối bỏ ở một số nước như Đức, Ý, Liên xô, để xây dựng chế độ toàn trị. Châu Âu đang bước vào khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng này chính là hậu quả của một sai lầm mang tính nguyên tắc, đấy là việc theo đuổi một vài lí tưởng đã đưa đến những kết quả khác xa những điều chúng ta kì vọng.
Trong quá trình phát triển, khi nền văn minh bỗng làm một cú rẽ ngoặt bất ngờ, khi đáng lẽ phải là tiến bộ thì ta lại phát hiện thấy những mối đe dọa từ tất cả các hướng, dường như đang đưa ta trở về thời kì mông muội, thế là chúng ta sẵn sàng kết án tất cả mọi thứ, trừ chính chúng ta….
Trong hai mươi lăm năm qua (1918- 1943), khi bóng ma của chủ nghĩa toàn trị còn chưa trở thành mối đe dọa thực tế, chúng ta đã càng ngày càng xa rời những lí tưởng nền tảng của nền văn minh phương Tây. Con đường phát triển mà chúng ta đã bước chân lên với những hi vọng trong sáng nhất lại dẫn chúng ta đến những nỗi kinh hoàng của chế độ toàn trị.
Chương 2- GIẤC MƠ ĐỊA ĐÀNG
Đó là giấc mơ về tự do, công bằng, hạnh phúc mà người ta đang ra sức kiến tạo ở nước Đức và Ý với chủ nghĩa phát xít và ở Liên xô với chủ nghĩa cộng sản. Cả hai bên đều chống lại con đường phát triển cá nhân, đều nêu cao con đường XHCN. Người ta cho rằng: “Chỉ có CNXH mới có khả năng đưa cuộc đấu tranh vì tự do diễn ra trong nhiều thế kỉ đến thắng lợi cuối cùng, trong đó tự do chính trị mới chỉ là bước đầu tiên mà thôi”.
Phát xít và cộng sản có lúc xung đột. Đấy là vì họ cạnh tranh với nhau trong việc thu phục những người có cùng não trạng và căm thù nhau vì đảng này coi đảng kia là những kẻ dị giáo, nhưng hành động của họ lại chứng tỏ rằng đấy là những kẻ đồng hội đồng thuyền. Kẻ thù thực sự của cả hai đảng, người chẳng có gì chung với họ, người mà họ chẳng thể nào thuyết phục được lại chính là người theo chủ nghĩa tự do kiểu cũ.
Lời hứa về một sự tự do rộng lớn hơn, không nghi ngờ gì nữa, đã trở thành một trong những vũ khí mạnh mẽ nhất của bộ máy tuyên truyền XHCN và niềm tin rằng CNXH sẽ mang lại tự do là niềm tin chân thành và chân thật. Bi kich vì vậy sẽ trở thành nặng nề hơn khi người ta nhận ra rằng Đường đến Tự do mà người ta hứa hẹn, trên thực tế lại là Đại lộ dẫn về Nô lệ. Không nghi ngờ gì, rằng chính lời hứa có nhiều tự do hơn đã ngăn cản, không cho người ta nhận ra mâu thuẫn không khoan nhượng giữa các nguyên lí nền tảng của CNXH và chủ nghĩa tự do. Chính nó đã làm cho ngày càng có nhiều người theo trường phái tự do chạy sang phe XHCN và tạo điều kiện cho những người XHCN chiếm đoạt tên gọi của các đảng theo trường phái tự do trước đây. Kết quả là phần lớn giới trí thức đã chấp nhận CNXH vì họ coi nó là sự tiếp tục của truyền thống tự do: đối với họ, CNXH sẽ dẫn đến việc mất tự do là một ý tưởng không thể nào chấp nhận được.
Về phát xít và cộng sản, Max Eastman, một người bạn cũ của Lenin, rút ra kết luận đã làm cho ngay cả những người cộng sản cũng phải choáng váng. Ông viết: “Chủ nghĩa Stalin, không những không tốt hơn mà còn xấu hơn cả chủ nghĩa phát xít vì nó tàn nhẫn hơn, dã man hơn, bất công hơn, vô luân và thiếu dân chủ hơn, không thể biện hộ bằng hi vọng hay sám hối …Đúng hơn, phải gọi nó là siêu phát xít”
Chương 3- CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN VÀ CHỦ NGHĨA TẬP THỂ
Trong phát triển kinh tế, chủ nghĩa cá nhân thể hiện bới sự cạnh tranh lành mạnh, còn chủ nghĩa tập thể đặc trưng bởi kế hoạch hóa. CNXH là một dạng chủ nghĩa tập thể. Về CNXH, cần phân biệt mục tiêu và biện pháp. Mục tiêu tự do, công bằng, hạnh phúc, là những điều tốt đẹp, hấp dẫn. Biện pháp là sự toàn trị, KHH v.v…Nhiều người ngộ nhận giữa mục tiêu và biện pháp. Có lẽ lầm lẫn là ở chỗ đáng lẽ phải sử dụng thuật ngữ CNXH để mô tả các biện pháp thì người ta lại dùng thuật ngữ mà đối với nhiều người lại có nghĩa là lí tưởng cao nhất.
Ý tưởng KHH được nhiều người ủng hộ trước hết là vì muốn giải quyết các vấn đề chung một cách hợp lí nhất, bằng năng lực viễn kiến có thể làm chủ được. Cái mà các đồ đệ của lí thuyết KHH yêu cầu là quản lí tập trung toàn bộ các hoạt động kinh tế theo một kế hoạch thống nhất, trong đó có ghi rất rõ các nguồn lực của xã hội được “chủ ý phân bổ” ra sao, nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể nào.
Chủ nghĩa cá nhân ủng hộ việc sử dụng một cách tốt nhất các lực lượng cạnh tranh, coi đấy là biện pháp phối hợp hữu hiệu nhất các nỗ lực của con người. Nó xuất phát từ niềm tin rằng hệ thống cạnh tranh hiệu quả chính là kim chỉ nam tốt nhất cho các cố gắng của từng cá nhân. Nó không những không phủ nhận mà còn nhấn mạnh rằng để hệ thống cạnh tranh hoạt động hiệu quả thì phải có một khung pháp lí thật rõ ràng và các điều luật, cả trong quá khứ cũng như hiện tại, đều không tránh khỏi những khiếm khuyết nghiêm trọng. Nó cũng không phủ nhận thực tế rằng trong những lĩnh vực không thể tạo được điều kiện cho cạnh tranh hiệu quả thì phải dùng các biện pháp quản lí kinh tế khác.
Ý tưởng về việc quản lí tập trung toàn bộ nền kinh tế vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của nhiều người, không chỉ vì đấy là vấn đề cực kì phức tạp mà còn vì nỗi sợ hãi khi nghĩ đến việc quản lí tất cả mọi thứ từ một trung tâm duy nhất. Và nếu chúng ta, bất chấp tất cả, vẫn tiếp tục lao theo hướng đó thì chỉ là vì nhiều người vẫn nghĩ rằng có thể tìm được một con đường trung dung giữa cạnh tranh cá thể và KHH tập trung. Mới nhìn thì đấy là quan điểm hấp dẫn và thông minh. Đúng là có lẽ không nên đòi hỏi phi tập trung hóa và cạnh tranh tuyệt đối, cũng đừng nên tập trung hóa và KHH hết tất cả mọi thứ, mà là sự kết hợp một cách thông minh cả hai phương pháp. Nhưng hóa ra trong trường hợp này lương tri chỉ là một cố vấn tồi. Mặc dù cạnh tranh có thể chấp nhận một sự điều tiết nào đó, nhưng không thể kết hợp nó với KHH mà không làm giảm hiệu quả của nó trong việc dẫn dắt quá trình sản xuất. Đến lượt mình, KHH cũng không phải là một thứ thuốc có thể chữa được bệnh bằng liều lượng nhỏ. Sử dụng dưới dạng cắt xén thì cả cạnh tranh lẫn KHH đều sẽ mất hiệu lực vốn có của chúng. Đây là những phương án mà ta có thể lựa chọn để giải quyết cùng một vấn đề, áp dụng cả hai cùng một lúc sẽ dẫn đến thiệt hại, nghĩa là dẫn đến các kết quả đáng buồn hơn là chỉ áp dụng một cách nhất quán một trong hai nguyên tắc nói trên. Nói cách khác, có thể kết hợp giữa KHH và cạnh tranh để lập kế hoạch hỗ trợ cạnh tranh chứ không phải lập kế hoạch chống cạnh tranh.
(Chú thích của NĐC: Trong nhiều năm ở VN đã tuyên truyền rằng chủ nghĩa cá nhân là một thứ xấu xa, bỉ ổi, đê tiện v.v…, cần đấu tranh loại bỏ. Đó là một cách nhìn thiên lệch, chưa thấy được những mặt tích cực, tốt đẹp của nó, đã hình thành từ thời Phục Hưng)
Chương 4- KẾ HOẠCH HÓA LÀ TẤT YẾU
Đầu đề của chương không phải là một kết luận mà là một câu hỏi (nên thêm từ Phải chăng…?). Những người đề ra KHH viện dẫn nhiều lý do như sự tiến bộ của công nghệ, chống độc quyền của các tập đoàn, là khả năng đem lại công bằng và phát triển v.v… Họ cho rằng đó là con đường tất yếu, họ viện dẫn những thành tựu KHH của nước Đức để chứng minh. Tác giả đã lấy những nghiên cứu ở nhiều nước, đặc biệt ở Anh và Mỹ để cho rằng KHH nền kinh tế không phải là một nhu cầu tất yếu ngoại tại, mà là kết quả của một sự lựa chọn có ý thức của một số người nào đó, là rút ra từ học thuyết marxit.
Tuy vậy cần phải suy nghĩ xem vì sao lại có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kĩ thuật luôn đi tiên phong trong việc ủng hộ KHH đến như thế. Việc giải thích hiện tượng này liên quan mật thiết đến một sự kiện quan trọng mà ta phải luôn ghi nhớ nếu muốn phê phánKHH: vấn đề là mọi ý tưởng kĩ thuật của các chuyên gia của chúng ta đều có thể được thực hiện trong một thời gian tương đối ngắn nếu có thể buộc cả loài người coi đấy là mục tiêu duy nhất.
Phong trào ủng hộ KHH lôi kéo được tất cả những người có lí tưởng, những người sẵn sàng hi sinh cả cuộc đời vì một mục đích vinh quang nào đó. Niềm hi vọng mà họ đặt vào KHH chính là kết quả của một cách hiểu đời sống xã hội rất hạn hẹp của họ, và thường là kết quả của một sự khuyếch đại quá mức những mục tiêu mà họ cho là quan trọng nhất. Điều này thực ra không làm giảm giá trị thực dụng của họ trong xã hội tự do như xã hội của chúng ta, ở đây họ còn được mọi người thán phục nữa. Nhưng nếu như KHH được phép thực thi thì chính những người kêu gào KHH to mồm nhất sẽ trở thành những kẻ nguy hiểm nhất, và là những kẻ không khoan nhượng nhất đối với kế hoạch của những người khác. Vì từ người mộng mơ chân chính đến kẻ cuồng tín chỉ là một bước ngắn.
Và mặc dù hiện nay các chuyên gia bất mãn chính là những người kêu gọi KHH lớn tiếng nhất, thật khó tưởng tượng nổi sự khủng khiếp và phi lý của cái thế giới nơi mà giả dụ các chuyên gia lém nhất trong những lĩnh vực khác nhau được tự do thực hiện các lí tưởng của mình mà không có sự kiểm soát nào.
Và dù những người ủng hộ KHH có nói gì đi nữa thì “điều phối” cũng không thể trở thành một chuyên ngành mới được. Các nhà kinh tế học biết rõ hơn ai hết rằng họ không có kiến thức cần thiết để trở thành “nhà điều phối” vì phương pháp điều phối của họ là phương pháp không cần một nhà độc tài toàn trí toàn năng. Cách điều phối như thế chỉ có nghĩa là duy trì sự kiểm soát vô nhân tính, sự kiểm soát nhiều khi không thể hiểu nổi đối với những nỗ lực của các cá nhân, những sự kiểm soát mà các nhà chuyên môn kịch liệt phản đối.
Chương 5- KẾ HOẠCH HÓA VÀ DÂN CHỦ
Người ta cho rằng KHH nhằm phục vụ mục tiêu chung, nhằm đáp ứng nhu cầu tập thể, phù hợp với đạo đức ứng xử của xã hội. Đó là những suy luận mang tính ngụy biện. “Các mục tiêu xã hội”, “các mục đích chung” xác định xu hướng xây dựng xã hội được gọi một cách mù mờ là “lợi ích chung”, “phúc lợi chung”, “quyền lợi chung”. Dễ dàng nhận ra rằng tất cả các khái niệm đó không có một ý nghĩa rõ ràng để có thể thực hiện những hành động cụ thể nào. Mỗi người có mục tiêu và nhu cầu riêng, khác nhau. Điều quan trọng nhất là đạt được, thỏa mãn được cái riêng ấy. Có một số mục tiêu và nhu cầu của nhiều người giống nhau, nhưng lấy cái đó để làm cái chung, lấn át cái riêng là thiếu nhân văn.
Để làm kế hoạch của quốc gia người ta cũng thảo luận, biểu quyết, thông qua quốc hội, nhưng phần lớn chỉ là dân chủ hình thức. Quốc hội chỉ được xem là nơi tán dóc, vô tích sự, nó không thể hoạt động có hiệu quả khi trực tiếp quản lý nền kinh tế quốc gia.
Dân chủ thực chất là phương tiện, là một công cụ thiết thực để bảo vệ hòa bình trong xã hội và tự do cá nhân. Tự bản thân nó, dân chủ không phải là hoàn hảo, cũng chẳng phải là chắc chắn. Nhưng kế hoạch hóa nhất định sẽ dẫn đến chế độ độc tài vì độc tài là công cụ cưỡng bức và nhồi sọ tư tưởng hữu hiệu nhất, nhất là nếu KHH tập trung được thực hiện trên quy mô lớn. Xung đột giữa dân chủ và KHH xảy ra là vì dân chủ chống lại việc hạn chế tự do, nó là chướng ngại trên đường phát triển của nền kinh tế KHH.
Đã đăng trên Baotiengdan
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét