Nguyễn Đình Cống
Chương 6- KẾ HOẠCH HÓA VÀ PHÁP TRỊ
Pháp trị là điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa một đất nước tự
do với một đất nước nằm dưới quyền cai trị của một chính phủ độc đoán. Pháp trị
có nghĩa là mọi hoạt động của chính phủ đều phải tuân thủ các quy tắc đã được ấn
định và tuyên bố từ trước. Các quy tắc này cho phép người ta dự đoán được một cách
chắc chắn cách thức chính phủ sử dụng lực lượng cưỡng bức trong những hoàn cảnh
cụ thể nào đó và người ta có thể lập kế hoạch cho các công việc của cá nhân trên
cơ sở những hiểu biết như thế.
KHH kinh tế theo kiểu tập thể chủ nghĩa nhất định sẽ sinh ra
một cái gì đó hoàn toàn ngược lại. Cơ quan lập kế hoạch không thể bằng lòng với
việc cung cấp các cơ hội rồi để mặc cho những người xa lạ muốn sử dụng thế nào
cũng được. Cơ quan này không thể tự trói mình vào những quy tắc chung, những
quy tắc mang tính hình thức vốn dùng để ngăn cản những hành động độc đoán. Bởi
vì chính cơ quan này phải lo cho các nhu cầu thực tế của người dân, mỗi khi nhu
cầu xuất hiện, và sau đó cân nhắc xem nhu cầu nào cần đáp ứng, nhu cầu nào
không.
Không nghi ngờ gì rằng KHH nhất định sẽ kéo theo việc phân
biệt đối xử có chủ ý đối với những nhu cầu khác nhau của những người khác nhau,
mặt khác, nó cho người này nhưng lại cấm người khác làm một việc gì đó. Nó ghi
hẳn vào luật người nào thì được làm gì, được có những gì hay sung túc đến mức nào.
Trên thực tế đấy chính là sự quay trở lại với quy định về địa vị, nghĩa là bánh
xe lịch sử bị quay giật lùi, khỏi “xu hướng tiến bộ”
Pháp trị, theo nghĩa quy tắc luật hình thức, là nhà cầm quyền
không được tạo ra đặc quyền đặc lợi cho một số người nào đó, là bảo đảm quyền bình
đẳng của mọi người trước pháp luật, là đối trọng của một chính phủ độc tài.
Nền kinh tế KHH không thể dung hòa với nhà nước Pháp trị.
Chương 7- KIỂM SOÁT KINH TẾ VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ
Kiểm soát việc sản xuất của cải vật chất là kiểm soát chính đời
sống con người.
KHH nền kinh tế là việc quản lí một hệ thống phức tạp những
hành động liên quan với nhau của rất nhiều người thì cần, một mặt, một nhóm
chuyên gia thường trực và mặt khác, một vị tống chỉ huy không bị gò bó bởi bất
kì thủ tục dân chủ nào. Đây là hậu quả tất yếu và những người ủng hộ nó cũng
hiểu như thế, chỉ có điều họ an ủi chúng ta rằng việc này “chỉ” liên quan đến lĩnh
vực kinh tế mà thôi.
Thực tế không phải như vậy. Đa số những người ủng hộ KHH đã
từng nghiên cứu một cách nghiêm túc các khía cạnh thực tiễn của vấn đề đều không
nghi ngờ gì rằng việc quản lí đời sống kinh tế chỉ có thể thực hiện được bằng một
chế độ độc tài, dù ít hay nhiều.
Nếu hoạt động kinh tế của chúng ta bị kiểm soát thì muốn làm
bất cứ chuyện gì chúng ta đều phải báo trước dự định và mục tiêu của mình. Nhưng
báo trước vẫn chưa đủ, chúng ta còn phải được chính quyền chấp thuận. Như vậy là
toàn bộ đời sống của chúng ta đã bị kiểm soát rồi.
Vì thế vấn đề KHH kinh tế không chỉ giới hạn ở câu hỏi liệu
chúng ta có thể đáp ứng các nhu cầu của mình theo cách ta muốn hay không. Vấn đề
là chúng ta có được tự giải quyết cái gì đối với ta là quan trọng hay các cơ
quan lập kế hoạch sẽ giải quyết điều đó cho chúng ta. KHH sẽ động chạm không
chỉ các nhu cầu cơ bản như chúng ta vẫn hiểu khi nói về các vấn đề “thuần túy”
kinh tế. Vấn đề là chúng ta, với tư cách là các cá nhân sẽ không được quyền quyết
định nhu cầu nào là cơ bản nữa.
Khi chính quyền đã quản lí hoạt động kinh tế thì nó cũng sẽ
kiểm soát không chỉ các khía cạnh vật chất của cuộc sống của chúng ta; nó sẽ nắm
quyền phân phối các phương tiện có hạn mà nhất định chúng ta sẽ cần khi muốn hoàn
thành bất kì mục tiêu nào đó. Và dù người kiểm soát tối cao đó có là ai thì một
khi đã kiểm soát tất cả các hoạt động kinh tế sẽ kiểm soát tất cả các phương tiện
có thể đáp ứng các mục tiêu của chúng ta, và sẽ phải quyết định mục tiêu nào đáng
được thỏa mãn còn mục tiêu nào thì không. Bản chất vấn đề là như thế. Kiểm soát
kinh tế không chỉ là kiểm soát một phần tách biệt của đời sống của con người; đấy
là sự kiểm soát tất cả các phương tiện nhằm thỏa mãn các mục tiêu của chúng ta.
Bất cứ người nào nắm độc quyền kiểm soát các phương tiện sẽ phải quyết định mục
tiêu nào xứng đáng được đáp ứng, phải quy định các giá trị nào cao hơn, giá trị
nào thấp hơn, tóm lại là quyết định các thần dân của họ phải có tư tưởng thế nào,
phải phấn đấu vì cái gì. KHH tập trung có nghĩa là không phải từng người mà toàn
xã hội sẽ giải quyết các vấn đề kinh tế và vì thế xã hội, đúng hơn là các đại
diện của nó, sẽ quyết định tầm quan trọng của các mục tiêu khác nhau.
Việc kiểm soát sản xuất và giá cả tạo ra quyền lực gần như vô
giới hạn
Người ta thường nói không có tự do kinh tế thì tự do chính
trị cũng chẳng có giá trị gì. Đúng như thế, nhưng không phải theo cách mà những
người ủng hộ kế hoạch hóa thường nói. Tự do kinh tế - vốn là tiền đề cho mọi
quyền tự do khác - không phải là được giải phóng khỏi những lo lắng về kinh tế,
nghĩa là giải thoát khỏi nhu cầu lựa chọn và quyền được lựa chọn như những người
xã hội chủ nghĩa hứa hẹn với chúng ta; tự do kinh tế phải là tự do hoạt động
kinh tế, và cùng với quyền lựa chọn là rủi ro và trách nhiệm.
Thế hệ của chúng ta đã quên
rằng chế độ tư hữu là sự bảo đảm quan trọng nhất của tự do không chỉ của người
có của mà cả người không có của nữa. Đấy là vì tư liệu sản xuất nằm trong tay
nhiều người hoạt động độc lập với nhau, không người nào có toàn quyền đối với
chúng ta, cho nên chúng ta, với tư cách là cá nhân, mới có thể tự quyết định và
hành động theo ý mình. Nhưng nếu tất cả các phương tiện sản xuất đều được tập
trung vào tay một người, dù đấy có gọi là “toàn xã hội” hay nhà độc tài thì người
đó sẽ có quyền lực tuyệt đối đối với chúng ta.
Ngay khi nhà nước bắt đầu lập
kế hoạch cho toàn bộ nền kinh tế thì vấn đề địa vị của những cá nhân và các nhóm
xã hội khác nhau lập tức trở thành vấn đề chính trị chủ yếu. Vì sức mạnh cưỡng
bức của nhà nước là lực lượng duy nhất quyết định ai được có cái gì, cho nên ai
cũng muốn có phần trong cái lực lượng lãnh đạo đó. Không có một vấn đề kinh tế
hay xã hội nào lại không mang màu sắc chính trị, theo nghĩa là việc giải quyết
các vấn đề như thế hoàn toàn phụ thuộc vào việc ai nắm được bộ máy cưỡng chế và
quan điểm của ai sẽ giữ thế thượng phong trong mọi trường hợp.
Tôi tin rằng chính Lenin đã đưa
ra câu hỏi nổi tiếng “Ai là ai?” Trong những năm đầu của chính quyền Xô Viết, “ai
là ai” là vấn đề chính của chủ nghĩa xã hội[. Ai là người lập kế hoạch, ai là người thực hiện kế
hoạch? Ai là người cai trị, còn ai là kẻ bị trị? Ai là người sắp xếp địa vị cho
những người khác và ai là người phải sống theo các quy định do người khác đưa
ra? Chỉ có quyền lực tập trung cao độ mới có quyền giải quyết được các vấn đề
như thế mà thôi.
Ngay khi nhà nước bắt đầu lập
kế hoạch cho toàn bộ nền kinh tế thì vấn đề địa vị của những cá nhân và các nhóm
xã hội khác nhau lập tức trở thành vấn đề chính trị chủ yếu. Vì sức mạnh cưỡng
bức của nhà nước là lực lượng duy nhất quyết định ai được có cái gì, cho nên ai
cũng muốn có phần trong cái lực lượng lãnh đạo đó. Không có một vấn đề kinh tế
hay xã hội nào lại không mang màu sắc chính trị, theo nghĩa là việc giải quyết
các vấn đề như thế hoàn toàn phụ thuộc vào việc ai nắm được bộ máy cưỡng chế và
quan điểm của ai sẽ giữ thế thượng phong trong mọi trường hợp.
Chủ nghĩa phát xít và chủ
nghĩa quốc xã đã thành công trước hết là vì lí thuyết mà chúng đưa ra đã hứa
cho những người ủng hộ một số đặc quyền đặc lợi.
Chương 9- AN TOÀN VÀ TỰ DO
An toàn về kinh tế là cơ sở để
có được tự do thật sự.
Cần phải phân biệt ngay từ đầu
hai loại an toàn: loại an toàn có giới hạn, có thể đạt được cho tất cả mọi người
và vì vậy không phải là đặc ân mà là yêu cầu chính đáng của mỗi thành viên
trong xã hội và loại an toàn tuyệt đối mà xã hội tự do không thể bảo đảm cho tất
cả mọi người và không được coi như một đặc quyền đặc lợi, trừ những trường hợp đặc
biệt. Loại an toàn thứ nhất, bảo đảm để người ta không lâm vào hoàn cảnh thiếu
thốn quá mức, bảo đảm một mức sống tối thiểu cho tất cả mọi người; và loại thứ
hai là bảo đảm một lối sống hay một địa vị tương đối mà một người hoặc một nhóm
người được hưởng so với những người khác. Loại thứ nhất là bảo đảm một mức thu
nhập tối thiểu chung cho tất cả mọi người và loại thứ hai bảo đảm một mức thu
nhập mà một người cho là mình xứng đáng được hưởng. Chúng ta phải thấy sự khác
nhau một trời một vực giữa sự bảo đảm mà mọi người đều được hưởng, với sự bảo đảm
chỉ dành cho một số người.
Muốn giữ được tự do nói
chung thì không có lí do gì mà một xã hội đã đạt đến mức độ thịnh vượng như xã
hội chúng ta lại không bảo đảm cho tất cả mọi người loại an toàn thứ nhất. Dĩ
nhiên là xác định một mức sống tối thiểu là vấn đề vô cùng phức tạp.
Kế hoạch hóa để bảo vệ loại
an toàn thứ hai là có hại cho tự do. Đấy là kế hoạch được thiết kế nhằm bảo đảm
cho một số người hoặc nhóm người tránh được thất thu, mà đấy lại là chuyện bình
thường trong xã hội dựa trên nguyên tắc cạnh tranh.
Sự bảo đảm càng trở thành đặc
ân thì những người không được hưởng đặc quyền đặc lợi càng gặp nhiều nguy hiểm,
khiến cho sự bảo đảm như vậy càng trở nên có giá hơn. số người có đặc quyền đặc
lợi càng gia tăng, khoảng cách giữa họ và những người khác càng cách biệt thì sẽ
xuất hiện các xu hướng và giá trị hoàn toàn mới. Không phải là tính tự chủ mà là
việc được bảo đảm về kinh tế sẽ quyết định địa vị xã hội của một người. Các cô
con gái sẽ không lấy những người tự tin và tử tế mà sẽ lấy người có đồng lương đảm
bảo, còn chàng thanh niên không tìm được cách chui vào tầng lớp đặc quyền đặc lợi
có nguy cơ sẽ vĩnh viễn trở thành một kẻ khốn khổ, một kẻ suốt đời nằm dưới đáy
của xã hội.
Muốn bảo vệ tự do thì phải có
một số bảo đảm kinh tế nào đó, vì nhiều người sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi rủi
ro không quá lớn. Nhưng không có gì khủng khiếp hơn là cái mốt ca ngợi sự an toàn
với cái giá phải trả là tự do. Điều quan trọng là chúng ta phải học lại để nhận
chân sự thật rằng tự do có giá của nó và từng cá nhân phải sẵn sàng chấp nhận
những hi sinh to lớn về vật chất để bảo vệ tự do. Chúng ta phải tái khẳng định
lại niềm tin và cũng là cơ sở của tư tưởng tự do trong các nước Anglo-Saxon, đã
được Benjamin Franklin thể hiện trong một câu, có thể áp dụng cho từng cá nhân
cũng như cho các dân tộc, như sau: “Người nào từ bỏ tự do thực sự để đổi lấy một
ít an toàn tạm thời thì không xứng đáng được tự do, cũng chẳng xứng đáng được
an toàn”.
Chương 10- VÌ SAO NHỮNG KẺ XẤU
XA NHẤT LẠI LEO CAO NHẤT
Quyền lực dẫn đến tha hóa,
quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối.
Xem xét quan niệm làm chỗ dựa
cho những người cho rằng chế độ toàn trị là tất yếu; nó là quan niệm làm suy sụp
sức kháng cự của nhiều người khác. Quan niệm này cho rằng các đặc điểm kinh tởm
nhất của các chế độ toàn trị xảy ra là do sự ngẫu nhiên của lịch sử, ở đâu cũng
đều do những người đê tiện và lưu manh thiết lập nên. Và nếu, thí dụ, ở Đức những
người như Streicher và Killinger, Ley và Heine, Himler và Heydrich nắm được quyền
lực, thì điều đó chỉ chứng tỏ rằng người Đức là một dân tộc xấu xa chứ không phải
việc nổi lên của những kẻ như thế là kết quả tất yếu của hệ thống toàn trị. Chả
lẽ những người tử tế, những người lo lắng cho lợi ích của cộng đồng, những người
sẽ giải quyết những nhiệm vụ vĩ đại lại không thể đứng đầu hệ thống toàn trị được
ư?
Có đầy đủ lí do để tin rằng
những đặc điểm xấu xa nhất của các hệ thống toàn trị hiện nay không phải là sản
phẩm phụ ngẫu nhiên mà là những hiện tượng mà chế độ toàn trị trước sau gì cũng
sẽ tạo ra. Khi một chính khách dân chủ quyết định lập kế hoạch cho toàn bộ các
hoạt động kinh tế thì chẳng mấy chốc ông ta sẽ phải đối mặt với một trong hai lựa
chọn: chấp nhận chế độ độc tài hay từ bỏ các dự định của mình, còn nhà lãnh đạo
toàn trị thì phải giẫm lên đạo đức truyền thống nếu không muốn thất bại. Đấy là
lí do vì sao trong các xã hội có khuynh hướng toàn trị những kẻ vô liêm sỉ thường
dễ thành công hơn. Không hiểu điều đó là không hiểu được khoảng cách mênh mông,
có thể nói một trời một vực, giữa chế độ toàn trị và chế độ tự do, không hiểu điều
đó là không hiểu được rằng đạo đức tập thể không thể đội trời chung với những
giá trị nền tảng của chủ nghĩa cá nhân của nền văn minh phương Tây.
Vị lãnh tụ tối cao là người
duy nhất có quyền đặt ra mục tiêu cho nên các trợ thủ trong tay ông ta không được
có quan điểm đạo đức riêng của mình. Yêu cầu quan trọng nhất đối với người cán
bộ là lòng trung thành tuyệt đối đối với cá nhân lãnh tụ, kèm theo lòng trung
thành là tính vô nguyên tắc và sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Cán bộ không được có
lí tưởng thầm kín của riêng mình hoặc quan điểm riêng về thiện ác, có thể ảnh hưởng
tới các dự định của lãnh tụ. Từ đó có thể thấy rằng các chức vụ cao khó có sức
hấp dẫn đối với những người có quan điểm đạo đức vốn từng là kim chỉ nam cho hành
động trong quá khứ của người Âu châu. Bởi vì, chẳng có gì có thể đền bù được
cho những hành động bất lương mà họ nhất định phải làm, sẽ không còn cơ hội
theo đuổi những ước mơ lí tưởng hơn, chẳng có gì có thể đền bù được những mạo
hiểm không thể nào tránh khỏi, chẳng có gì có thể đền bù được những niềm vui của
cuộc sống riêng tư và sự độc lập của cá nhân mà chức vụ lãnh đạo cao nhất định
phải làm. Chỉ có một khát khao, đấy là khát khao quyền lực theo nghĩa đen của từ
này và cái khoái cảm được người khác phục tùng và được là một phần của một cỗ máy
quyền lực khổng lồ không ai có thể cản trở được, là có thể được thỏa mãn theo cách
đó mà thôi.
Chương 11- SỰ CÁO CHUNG CỦA CHÂN LÝ
Muốn cho mọi người cùng phục vụ một hệ thống các mục tiêu
duy nhất, được kế hoạch của xã hội trù liệu, thì cách tốt nhất là buộc tất cả cùng
phải tin tưởng vào các mục tiêu đó. Chỉ dùng các biện pháp cưỡng bách thì bộ máy
toàn trị chưa thể hoạt động hữu hiệu được. Điều quan trọng là làm sao mọi người
cùng coi các mục tiêu đó là của chính mình. Mặc dù những quan điểm như thế được
lựa chọn và áp đặt từ bên ngoài, nhưng chúng phải trở thành niềm tin của quần
chúng, phải trở thành tín điều của tất cả mọi người, sao cho các cá nhân có thể
hành động một cách tự phát mà vẫn theo đúng ý của người lập kế hoạch. Và nếu
trong các nước toàn trị người dân không cảm thấy họ bị áp bức như là những người
sống trong các nước tự do tưởng tượng thì chủ yếu là vì chính phủ các nước này đã
khá thành công trong việc buộc người dân suy nghĩ theo hướng chính quyền muốn.
Có thể làm được điều đó bằng những hình thức tuyên truyền khác
nhau, kĩ thuật này đã phổ biến rộng rãi, chẳng cần nói thêm ở đây làm gì. Tuy
nhiên cần phải nhấn mạnh rằng công tác tuyên truyền cũng như kĩ thuật tuyên
truyền không phải là những đặc điểm riêng biệt của chủ nghĩa toàn trị, Điều duy
nhất, đặc trưng cho chính sách tuyên truyền trong chế độ toàn trị là tất cả bộ
máy tuyên truyền đều hướng đến cùng một mục tiêu và tất cả các công cụ đều được
phối hợp nhằm tạo ảnh hưởng đối với các cá nhân theo cùng một hướng và tạo ra một
đặc thù trong đầu óc mọi thần dân, Kết quả là, hiệu ứng mà nó tạo ra khác hẳn
không chỉ về lượng mà còn khác về chất so với hiệu ứng tuyên truyền cho những mục
tiêu khác nhau do nhiều chủ thể độc lập và cạnh tranh với nhau tiến hành. Khi tất
cả các phương tiện thông tin đều bị một bộ máy duy nhất kiểm soát thì vấn đề không
còn là gieo rắc quan điểm này hay quan điểm kia nữa, Khi đó một tuyên truyền viên
khéo léo có thể nhào nặn tâm trí quần chúng theo bất kì hưởng nào mà anh ta chọn,
ngay cả những người thông minh và có tư duy độc lập cũng không thể hoàn toàn tránh
được ảnh hưởng của bộ máy tuyên truyền, nhất là nếu họ lại bị cách li với các
nguồn thông tin khác trong một thời gian dài.
Nhu cầu thiết lập các giáo điều chính thống như là công cụ định
hướng và tập hợp các cố gắng của tất cả mọi người đã được nhiều lí thuyết gia của
hệ thống toàn trị đặt ra…. Chúng chỉ là những quan niệm cá biệt dựa trên các sự
kiện mà sau đó được trau chuốt thành các lí thuyết khoa học nhằm biện minh cho
các định kiến có sẵn mà thôi. Các lí thuyết giả khoa học trở thành một phần của
hệ tư tưởng chính thống, là kim chỉ nam cho hành động của nhiều người, xuất hiện
như thế đấy.
Ước muốn áp đặt lên dân chúng một tín điều được coi là bổ ích
đối với họ dĩ nhiên không phải là điều mới lạ hay đặc biệt mà chỉ thời chúng ta
mới có. Cái mới là lí lẽ mà các nhà trí thức của chúng ta dùng để biện hộ cho nó.
Họ bảo rằng không làm gì có tự do tư tưởng trong xã hội hiện nay, vì rằng ý kiến
và thị hiếu của dân chúng được định hình bởi tuyên truyền, sẽ định hướng tư duy
của dân chúng vào những lối mòn có sẵn. Từ đó họ rút ra kết luận rằng nếu ý kiến
và thị hiếu của đa phần dân chúng được nhào nặn bởi hoàn cảnh mà ta có thể kiểm
soát được thì ta phải sử dụng cái quyền lực này một cách chủ động để lái tư duy
của dân chúng vào hướng có lợi nhất.
Có lẽ đúng là phần lớn dân chúng không có khả năng tư duy độc
lập, đúng là người ta sẵn sàng chấp nhận các quan điểm có sẵn về hàng loạt vấn đề
và người ta cảm thấy hài lòng với những đức tin hình thành từ thời thơ ấu hay được
lôi kéo vào. Trong mọi xã hội, tự do tư tưởng chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với
một thiểu số không đáng kể. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng một người nào đó
có quyền quyết định rằng ai mới là người được phép tự do tư tưởng. Cũng không
có nghĩa là một nhóm người nào đó được quyền tuyên bố rằng người dân phải nghĩ
thế này hay phải tin thế kia. Sẽ là sai lầm khi cho rằng hệ thống nào thì đa số
dân chúng cũng đi theo sự lãnh đạo của một người nào đó, cho nên nếu tất cả mọi
người cùng đi theo sự lãnh đạo của một người thì cũng thế mà thôi. Phủ nhận quyền
tự do tư tưởng vì không phải ai cũng có khả năng tư duy độc lập như nhau là hoàn
toàn bỏ qua những lí lẽ biện minh cho tự do tư tưởng. Tự do tư tưởng là động cơ
chủ yếu thúc đẩy sự tiến bộ về mặt tri thức không phải là vì ai cũng có thể nói
hay viết bất kì cái gì mà là bất cứ lí do hay tư tưởng nào cũng có thể được đem
ra thảo luận. Khi bất đồng quan điểm không bị đàn áp thì bao giờ cũng có người
tỏ ra nghi ngờ những tư tưởng dẫn đạo đương thời và đưa ra những tư tưởng mới
cho mọi người thảo luận và tuyên truyền.
Quá trình tương tác giữa các cá nhân có những hiểu biết và đứng
trên các quan điểm khác nhau tạo ra đời sống tinh thần. Sự phát triển của lí tính
là tiến trình xã hội đặt căn bản trên sự khác biệt như thế. Bản chất của vấn đề
là ta không thể tiên đoán được kết quả, ta không thể biết quan điểm nào sẽ thúc
đẩy sự phát triển còn quan điểm nào thì không, nói tóm lại, không có quan điểm
nào hiện nay lại có thể định hướng được sự phát triển mà đồng thời lại không ngăn
chặn chính sự phát triển đó. “Lập kế hoạch” hay “tổ chức” sự phát triển của tâm
trí cũng như sự phát triển nói chung là vô nghĩa, là mâu thuẫn ngay trong thuật
ngữ. Ý tưởng cho rằng tâm trí của con người phải “tự giác” kiểm soát sự phát
triển của chính nó xuất phát từ nhận thức sai lầm về lí tính của con người; sự
thực là, chỉ có lí tính mới có thể “chủ động kiểm soát” được cái gì đó khác và
sự phát triển của lí tính là kết quả của quá trình tương tác giữa các cá nhân với
nhau, cố tình kiểm soát nó là chúng ta đã đặt giới hạn cho sự phát triển của nó
và không chóng thì chầy sẽ dẫn đến sự trì trệ về tư tưởng và sự suy thoái của lí
trí.
Bi kịch của tư tưởng tập thể là ở chỗ nó bắt đầu bằng việc
coi lí tính là tối thượng nhưng lại kết thúc bằng việc tiêu diệt lí tính vì đã
hiểu sai tiến trình đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển của lí trí. Có thể
nói rằng đấy chính là nghịch lí của tất cả các học thuyết theo đường lối tập thể
và yêu cầu kiểm soát một cách “tự giác” hay “chủ động” lập kế hoạch nhất định sẽ
dẫn đến nhu cầu phải có một trí tuệ tối cao điều khiển tất cả, trong khi cách
tiếp cận của chủ nghĩa cá nhân cho phép chúng ta nhận chân rằng các lực lượng
siêu-cá-nhân mới là lực lượng dẫn dắt sự phát triển của lí tính. Chủ nghĩa cá
nhân chính là thái độ nhún nhường trước các tiến trình xã hội và thái độ khoan
dung đối với những ý kiến khác biệt, trái ngược hẳn với thói tự phụ nằm sẵn
trong cội nguồn của yêu cầu lãnh đạo toàn diện
(Còn tiếp)
N.Đ.C.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét