NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Hiệu ứng Chu Hảo
Ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận về sai phạm
của Giáo sư Chu Hảo, đã dấy lên một đợt tuyên bố bỏ đảng, tỏ thái độ ủng hộ và
bảo vệ Gs Chu Hảo. Tiến sĩ Mạc Văn Trang và Nhà văn Nguyên Ngọc là hai người
khởi đầu đợt bỏ đảng này.
Nhiều người hy vọng, sự kiện Chu Hảo sẽ tạo nên một phong trào
bỏ đảng, thậm chí có thể thành hiệu ứng domino làm suy giảm đáng kể về số lượng
đảng viên và từ đó phơi bày sự mục ruỗng trong nội bộ đảng CSVN. Tuy nhiên,
điều đó đã không xảy ra mà mới chỉ tạo nên một hiệu ứng Chu Hảo. Hiệu ứng này
dừng lại ở con số 10 đảng viên tuyên bố bỏ đảng. Con số đưa ra ở đây thấp hơn
con số của một số thông tin đã nêu vì không tính những người đã bỏ đảng từ
trước, nhân sự kiện này mới công bố lên mạng xã hội để bày tỏ thái độ trước
việc Gs Chu Hảo sẽ bị kỷ luật.
Dù sao thì đây cũng là đợt bỏ đảng đông nhất, có tác động lớn
đến đời sống chính trị, được công luận đề cập nhiều hơn cả. Về ý nghĩa, số đảng
viên tuyên bố bỏ đảng đợt này có nhiều nhân sĩ trí thức được nhiều người biết đến
hoặc từng giữ những vị trí cao trong hệ thống chính trị như Ts Mạc Văn Trang,
Nhà văn Nguyên Ngọc, Ts Trần Thanh Tuấn (giảng viên ĐH KHTN), ông Hà Quang Vinh
(cựu Phó chủ tịch huyện Bình Chánh) v.v...
Ts Phạm Gia Minh (Phó Tổng thư ký Hội Liên lạc với người Việt
Nam ở nước ngoài) tuyên bố từ chức cũng coi như là một tuyên bố bỏ đảng.
Trong lời tuyên bố bỏ đảng, có những tuyên bố mạnh mẽ chưa từng
thấy, như lời cáo trạng, vạch rõ sự thật về đảng CSVN.
Gs Chu Hảo thẳng thừng nhận xét đảng CSVN "không còn tính
chính danh, hoạt động không chính đảng, có nhiều khuất tất, ngày càng thoái
hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân
loại".
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng đảng CSVN “tự diễn biến thành một
tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước”, “Kỷ luật ông Chu Hảo thực chất là một
hành động thực hiện chính sách ngu dân, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, để
dễ lừa dối và đàn áp, vì quyền lợi ích kỷ của một đảng độc tài đang cướp quyền
sống và phát triển của dân tộc”.
Tuy chưa thành cao trào nhưng việc bỏ đảng sẽ tiếp tục diễn ra.
Đã từng có nhiều đảng viên bỏ đảng
Trước đây, hàng năm vẫn có những sự kiện tuyên bố bỏ đảng của
những tên tuổi nhiều người đã biết tới như Luật gia Lê Hiếu Đằng, Ts Phạm Chí
Dũng, Giáo sư Tương Lai, ông Võ Văn Thôn (nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM),
ông Nguyễn Trung (trợ lý của ông Võ Văn Kiệt), Ls Lê Văn Hòa (nguyên Vụ trưởng
Vụ 4 Ban Nội chính TW), Tiến sĩ bác sĩ Đinh Đức Long, Ông Tống Văn Công (cựu
tổng BT báo Lao động), ông Đặng Xương Hùng (Nguyên Lãnh sự Ngoại giao tại Bỉ),
Gs Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Cống, Đại tá nhà văn Phạm Đình Trọng, Nguyễn
Đắc Diên (bác sĩ Nha khoa) v.v...
Đây là những tên tuổi bỏ đảng vì lý do chính trị, khi mà họ thấy
đảng CSVN đã biến thành “tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước” (Nhà văn
Nguyên Ngọc) “để đi theo con đường Khai Sáng của Phan Châu Trinh”(Gs Chu Hảo).
Việc bỏ đảng của họ có nhiều ảnh hưởng đến đời sống chính trị,
có tác dụng làm tấm gương thoát ra khỏi một đảng mà đảng viên không còn tin
tưởng, để phụng sự cho lý tưởng ban đầu là vì sự phát triển của đất nước, của
dân tộc mà họ đã đặt nhầm vào đảng CSVN.
Số bỏ đảng không vì lý do chính trị đông hơn rất nhiều mà thôn
xóm, khu dân cư nào cũng có. Có xã tới 38 đảng viên bỏ đảng. Phần nhiều, họ là
những đảng viên cấp thấp, đã nghỉ hưu, không còn quyền lợi gắn với danh hiệu
đảng viên. Họ bỏ theo cách không chuyển hồ sơ sinh hoạt về địa phương hoặc
không sinh hoạt, không đóng đảng phí và cũng không tuyên bố. Cũng có người xin
ra khỏi đảng và cấp ủy thấy họ ở lại cũng chẳng làm gì nên mãi rồi cũng chấp
nhận và cho họ ra khỏi đảng.
Số này có thể tới vài chục nghìn. So với số đảng viên hiện nay
vào khoảng 4 triệu 900 nghìn thì là một tỉ lệ không đáng là bao. Nếu là 49
nghìn người thì cũng chỉ chiếm 1% đảng số. Tuy vậy, đây cũng là vấn đề đáng lo
ngại. Dù lý do bỏ đảng của thành phần này không phải trực tiếp vì lý do chính
trị nhưng họ bị cho là biểu hiện của tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái về
chính trị, tư tưởng. Việc bỏ đảng không có ý nghĩa về hao hụt đảng số mà ý nghĩa
của nó ở chỗ tự diễn biến, tự chuyển hóa mà đảng CSVN rất lo sợ.
Nói cho vui thì trong số bỏ đảng này còn có... Trịnh Xuân Thanh.
Thanh tuyên bố bỏ đảng khi đang bị truy lùng ở Đức, sau đó bị Bộ Công an VN bắt
cóc về và tặng cho 2 án chung thân vì nhiều thứ tội.
Bỏ đảng - một việc làm rất khó khăn
Việc bỏ đảng ở VN hiện nay vẫn là một việc rất khó khăn vì những
lý do:
- Những người vào đảng vì lý tưởng cực hiếm. Đến khi biết đảng
đã suy thoái nhưng dứt ra rất khó vì họ đã cống hiến cả tuổi trẻ và tâm huyết
cho đảng. Họ vẫn mơ hồ hy vọng đảng sẽ tự thay đổi theo hướng tích cực, cho
rằng hiện thực đen tối hiện nay là do một tổ chức nào đó, cá nhân nào đó sai
lầm chứ đường lối của đảng vẫn đúng đắn!?
- Tuyệt đại đa số đảng viên vào đảng để có quyền lợi. Điều này
rất dễ thấy. Có vào đảng thì mới được thăng tiến và quyền lợi vật chất gắn liền
với vị trí họ đạt được, vị trí càng cao, quyền lợi vật chất càng lớn. Vì vậy,
bỏ đảng đồng nghĩa với vứt bỏ những quyền lợi thiết thân nên không thể dứt ra
khỏi. Họ xậy dựng, bảo vệ đảng cũng chỉ vì mong đảng tồn tại để giữ quyền lợi
cá nhân mà thôi, như những thứ ký sinh trùng cố bám vào một thực thể đã mục
ruỗng.
Đây là một đặc điểm riêng của các nước độc đảng, theo chủ nghĩa
xã hội. Nói đúng hơn là họ lấy CNXH làm vỏ bọc để tạo ra đặc quyền đặc lợi cho
đảng mình. Dĩ nhiên, quyền lợi ấy do toàn dân đóng góp. Vì vậy, việc vào rồi ra
một tổ chức, lẽ ra là chuyện bình thường ở các nước dân chủ, nhưng ở VN, nó lại
là một sự kiện chính trị làm lay động công luận.
- Ở VN có hơn 3 triệu triệu bộ đội, công chức nghỉ hưu trong đó
có một tỉ lệ khá lớn là đảng viên. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng họ vẫn còn quyền
lợi cả vật chất và tinh thần gắn bó với danh hiệu đảng viên. Có người còn ngây
thơ lo nếu làm trái ý đảng sẽ bị cắt lương bảo hiểm vì họ hiểu lương hưu là chế
độ mà đảng đãi ngộ!?
- Tâm lý bỏ đảng sẽ ảnh hưởng đến con cháu họ trong việc xin đi
học, đi làm, tâm lý không có đảng là lép vế trong xã hội. Tâm lý này có cơ sở.
- Không dám bỏ đảng còn do tâm lý muốn hơn người. Đành rằng khi
đã nghỉ thì không còn quan hệ cấp trên cấp dưới nhưng đảng viên vẫn là một tầng
lớp được ưu tiên, chẳng hạn, tiếng nói được coi trọng hơn hay khi vi phạm điều
gì cũng được nương nhẹ hơn, tranh chấp với người ngoài đảng dễ được chính quyền
bênh vực. Mặt khác tuy đã nghỉ, họ vẫn muốn được làm cán bộ thôn xóm, cụm dân
cư, muốn vào cấp ủy, muốn đứng đầu các tổ chức như cựu chiến binh, người cao
tuổi, phụ nữ... Đây là một tâm lý thích có người để phụ trách, giao việc. Thậm
chí một ông dân phòng, một tay đuổi chợ cũng cảm thấy hơn người vì có quyền đối
với người khác. Tâm lý này đã ăn sâu bén rể trong cán bộ, đảng viên và cả dân
chúng, khó mà gột rửa được.
Tóm lại nguyên nhân khiến đảng CSVN còn giữ được về mặt tổ chức
là họ nắm chặt quyền lợi của đảng viên nên ai muốn thoát ra rất khó. Nếu không
có yếu tố ấy thì thử hỏi, đảng CSVN có thể tồn tại được không?
Kết
Trong một buổi hội luận về vấn đề bỏ đảng được livestream, có
một câu hỏi của khán giả về bỏ đảng trong tư tưởng. Đây là vấn đề không mới như
thú vị. Như vừa diễn giải, việc bỏ đảng ở VN vô cùng khó khăn và chỉ những
người can đảm lắm, tự tin và có lý tưởng lắm mới làm được. Nó còn khó hơn cả
việc vợ chồng bỏ nhau. Hãy so sánh, trong 1 tuần cuối tháng 10 vừa qua, có 10
người tuyên bố bỏ đảng nhưng thử hỏi trong thời gian ấy, có bao nhiêu cặp vợ
chồng bỏ nhau? Những con số thống kê cho thấy, số vụ ly hôn mỗi năm một tăng.
Năm 2005 đã có 65.929 vụ, tính ra trung bình 1 tuần có 1264 vụ ly hôn. Như vậy
việc ly hôn dễ hơn nhiều so với việc bỏ đảng.
Trở lại vấn đề bỏ đảng trong tư tưởng. Hãy xem trong số 4,9
triệu đảng viên, có mấy người ở trong đảng để phấn đấu cho lý tưởng XHCN, xây
dựng một chế độ chỉ có trong lý luận Mác-Lê nin? Trả lời câu hỏi này, chỉ ra
được 1 đảng viên đã là khó. Nếu vào đảng hay chưa ra khỏi đảng mà không vì lý
tưởng của đảng, không tin vào lý tưởng ấy mà chỉ vì quyền lợi cá nhân tức là đã
ly khai đảng trong tư tưởng.
Như vậy, nếu từ bỏ đảng trong tư tưởng biến thành bỏ đảng trong
hành động thì đảng CSVN sẽ không còn đảng viên. Nhưng từ tư tưởng đến hành động
là việc vô cùng khó khăn như vừa phân tích.
Tuy nhiên, để xây dựng một chế độ dân chủ, việc bỏ đảng không
phải là một điều kiện hàng đầu. Khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ,
không thấy ghi nhận một phong trào bỏ đảng ở các quốc gia này.
Con đường dân chủ hóa đất nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố: sự hy
sinh phấn đấu của những người hoạt động dân chủ, sự hỗ trợ phong trào dân chủ
của các tổ chức ngoài nước và chính phủ các quốc gia dân chủ, sự chuyển biến
nhận thức của các tầng lớp nhân dân, sự phân hóa và tự diễn biến trong nội bộ
đảng... Khi nào vectơ tổng hợp của các yếu tố ấy đủ lớn thì xã hội mới cơ bản
chuyển hóa sang nền dân chủ.
2/11/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét