Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Nguyễn Đình Chính: Cách mạng không đào tạo được trí thức lớn


Đinh Bá Anh thực hiện
                                                                              Nguyễn Đình Chính
DBA: Thưa nhà văn Nguyễn Đình Chính, hôm nay chúng tôi muốn trò chuyện với ông về ba chủ đề: về một số điều liên quan đến cố nhà văn Nguyễn Đình Thi, về tiểu thuyết Đêm thánh nhân của ông và về việc ông muốn ra khỏi Hội Nhà văn Việt Nam. Chúng ta có thể bắt đầu với Nguyễn Đình Thi, người có số phận rất đặc trưng cho giới trí thức tinh hoa của Việt Nam, trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nguyễn Đình Thi đi theo cách mạng và cuộc đời ông từ đầu tới cuối gắn với cuộc cách mạng này. Ông là một nhà chính trị, song chúng ta biết đến ông trước hết như một nghệ sĩ: một nhà thơ, nhà viết kịch, nhà văn, và một nhạc sĩ. Chính sự phức tạp này của con người Nguyễn Đình Thi là cái mà chúng tôi muốn tìm hiểu. Là con trai của Nguyễn Đình Thi, trong nhiều năm sống cùng với cha mình, ông có cảm nhận được những xung đột giữa con người chính trị Nguyễn Đình Thi với con người nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi hay không? Và Nguyễn Đình Thi đã sống với những xung đột ấy như thế nào?
Nguyễn Đình Chính: Câu hỏi của anh về việc nhà văn Nguyễn Đình Thi là một trí thức đi theo cách mạng điển hình, tôi thấy nên nói cho minh bạch hơn. Trong thế kỉ 20, ở Việt Nam không chỉ có những người cộng sản làm cách mạng. Cho nên cái từ cách mạng ấy nó rất rộng. Nhìn lại trước đó thì còn có nhiều phong trào của các đảng phái khác, như Đông Du của Phan Bội Châu, Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học, rồi cũng phải kể tới phong trào bất bạo động của Phan Chu Trinh... Vậy phải nói thế này: Nguyễn Đình Thi là một trí thức của phong trào cách mạng cộng sản. Nguyễn Đình Thi - tôi xin được dùng chữ anh Thi thôi, vâng, về lứa tuổi thì anh Thi sinh năm 1924 và anh tham gia vào Hội Văn hoá Cứu quốc, một tổ chức của những người cộng sản. Anh Thi không tham gia các phong trào yêu nước khác mà tham gia ngay vào phong trào cộng sản từ khi còn rất trẻ. Bị Pháp bắt đi tù 2 lần (năm 1941 và 1944). Nguyễn Đình Thi vừa là một nhà chính trị nhưng cũng vừa là một nghệ sĩ thứ thiệt. Chắc chắn có sự xung đột giữa hai con người này trong anh Thi. Về vấn đề này thì trong di cảo, anh Thi viết rất nhiều, nhưng theo di chúc của anh ấy thì đến năm 2014 tôi mới được phép công bố. Nhưng tôi có thể nói rằng chỉ cần nhìn vào những sáng tác nghệ thuật đã xuất bản của Nguyễn Đình Thi, chúng ta cũng có thể thấy hiện ra sự xung đột này rồi.
DBA: Thí dụ?
Nguyễn Đình Chính: Anh Thi không chỉ là tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam mà còn là chủ tịch uỷ ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo anh chị em văn nghệ sĩ cả nước thực hiện cái phương châm sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa (HTXHCN) của Đảng Cộng sản. Nhưng bản thân Nguyễn Đình Thi thì lại không tuân thủ triệt để cái phương thức sáng tác HTXHCN. Nó biểu hiện ở tác phẩm. Cụ thể là thời kháng chiến chống Pháp, từ năm 1948, Nguyễn Đình Thi làm thơ thì đã bị Đảng không vừa ý rồi, nói thẳng ra là bị phê bình, và thậm chí người ta còn nói nên đuổi thơ Nguyễn Đình Thi ra khỏi kháng chiến, họ đã thấy trong cái con người này có cái gì đó không ổn. Và cái đó còn tiếp tục kéo dài cho đến những sáng tác tiếp theo của anh là những vở kịch như Con nai đen (1962), Hoa và Ngần (1974), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979)... đều bị cấm lưu diễn và trở thành những "tì vết" trong sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi.
DBA: Vở kịch đầu tiên, Con nai đen, hồi đó đụng chạm đến vấn đề gì?
Nguyễn Đình Chính: Cái vấn đề chính của Con nai đen nói về sự giả dối và sự thật, mà trong cái xã hội này thì hãy coi chừng sự giả dối. Cách đây hơn 50 năm, Nguyễn Đình Thi đã nhìn thấy hiểm họa của nó, giả dối ở đây là giả dối về văn hóa, về nhân cách.
DBA: Nhưng nếu chỉ như vậy thì nó có vi phạm gì cái chủ trương hiện thực xã hội chủ nghĩa đâu, vì chính chủ nghĩa HTXHCN cũng yêu cầu người nghệ sĩ phải phơi bày cái giả dối của xã hội và đề cao sự thật...
Nguyễn Đình Chính: Về lý thuyết thì là như vậy, nhưng cái văn học của mình thực hiện thì lại không phải như vậy. Chỉ đạo là: phải tuyên dương cái tốt đẹp, viết về nhiều cái tốt đẹp, còn cái xấu phải phê phán, nhưng mà chạm đến cái XẤU THẬT, những bức xúc thật của xã hội, của con người thì không được. Một ví dụ, tác phẩm Vào đời của Hà Minh Tuân, mới chỉ động vào cái xấu thật ấy một tí thôi mà đã bị cấm và tác giả thì suốt đời thân bại danh liệt. Thế cho nên cái gọi là HTXHCN ấy chỉ là một phuơng pháp què quặt, một sự nguỵ biện, để mà thực hiện một cái hiện thực nửa vời và điều đó đã hạn chế rất nhiều giá trị của các tác phẩm nghệ thuật. Chính vì thế hàng loạt tác phẩm đã bị chết yểu. Chết trước tác giả. Anh Thi và một số bạn tài năng của anh, theo tôi biết, họ cũng là những người hiểu biết, thì khi động đến cái vấn đề đó, họ đều bị vướng. Thế nên tôi thấy đấy là một điểm phức tạp trong con đường sáng tác không chỉ của riêng Nguyễn Đình Thi.
DBA: Theo cách nhìn của thế hệ trẻ hiện nay và có lẽ của nhiều độc giả nữa, thì Nguyễn Đình Thi là một trí thức, trẻ, tiêu biểu và lớn nhất của cái thế hệ cách mạng đầu tiên... Anh có thể kể về xuất thân của ông Thi?
Nguyễn Đình Chính: Tôi sẽ nói về vấn đề trí thức trước, sau đó sẽ là vấn đề xuất thân. Tôi thấy rằng ở nước ta không có đại biểu trí thức lớn. Bởi vì như thế này: anh có thể học rộng, có kiến thức rộng, nhưng chưa có trí thức lớn. Tiêu chuẩn đầu tiên của trí thức lớn là phải độc lập về tư tưởng, phải suy nghĩ bằng chính cái đầu của anh, và anh phải thể hiện ra trong các hoạt động bằng chính cái tư tưởng, suy nghĩ của anh.
DBA: Trần Đức Thảo là một trí thức lớn?

Nguyễn Đình Chính: Tôi nghĩ rằng Trần Đức Thảo là một triết gia có biệt tài hiệu đính chủ nghĩa Marx thì đúng hơn. Thế còn bây giờ chúng ta nhìn cả một cái đội ngũ bằng bằng xem sao, có thể gọi là rất nhiều ông có học vị cao, rất nhiều ông làm cái này cái kia, nhưng có cái gì là những tư tưởng, suy nghĩ độc lập của các ông ấy không? Hay là anh chỉ làm theo một cái vệt đã định trước rồi. Thế nên ông bố tôi, anh Thi, khi còn sống có nói với tôi thế này: Ở mình nó có sẵn một cái đường ray rồi, mọi người chỉ còn có một việc là chạy trên đó thôi.
DBA: Chính ông Thi đã nói như vậy?
Nguyễn Đình Chính: Vâng, Có sẵn một cái đường ray rồi, chỉ còn có một việc là chạy trên đó thôi. Thế thì làm sao có thể sản sinh ra trí thức lớn được. Tôi nghĩ rằng ở mình không có trí thức lớn. Cách mạng không đào tạo được trí thức lớn. Nguyễn Đình Thi không phải là một trường hợp ngoại lệ. Mặc dù hội tụ rất nhiều điều kiện cần, Nguyễn Đình Thi vẫn thiếu một cái điều kiện đủ để trở thành một trí thức lớn.
DBA: Còn về xuất thân?
Nguyễn Đình Chính: Nguyễn Đình Thi xuất thân trong một gia đình dân dã. Nghe nói cụ nội tôi là một ông Tây đen Ấn Độ gác cửa hàng vải, nên cái mũi ông Thi giống cái mũi Ấn Độ. Bà em gái tôi giống bà Gandhi như lột ấy. Ngày xưa những cửa hàng vải ở Hà Nội, người ta vẫn thuê Tây đen (Chà Và, Ấn Độ) gác. Còn vợ của cái ông Ấn Độ này là một bà người Tàu chính cống. Ông nội tôi là một thầy ký bưu điện, rất giỏi tiếng Pháp. Tính nết cụ ngang ngạnh nên bị tống sang Lào, trông coi một trạm bưu điện nhỏ ở Lu’ang Prabang. Năm 1987 khi có dịp sang Lào, tôi có đến đấy. Bé tí. Ông tôi lấy bà nội tôi ở bên Lào và đẻ ra ông Thi năm 1924 ở Lào. Gần chục năm sau gia đình mới trở lại Việt Nam.
DBA: Vậy Nguyễn Đình Thi biết tiếng Lào?
Nguyễn Đình Chính: Tôi không biết. Tôi chỉ biết bố tôi ăn của nếp rất giỏi. Cho đến già vẫn vậy, ông ấy có thể ăn của nếp từ ngày này qua ngày khác. Hồi bà nội tôi ở bên Lào, bây giờ gọi là Việt kiều đấy, bà đi làm bánh rán để bán. Và khi về Việt Nam thì bà tôi đã đi ngựa suốt từ Lu’ang Prabang về tới tận Hà Nội. Thế đấy, cái gia đình tôi nó tầm thường như vậy, có mà đốt đuốc to tướng, cháy đùng đùng cố mà tìm ra một cái gốc gác quan lại, nho học, trí thức, thượng lưu như bao gia đình khác cũng không được. Sự thật là nó không có. Thế nên bố tôi vẫn nói với anh em tôi là: nhà mình là nhà dân dã.
DBA: Và cha anh là người đầu tiên làm sáng danh dòng họ...
Nguyễn Đình Chính: Đúng rồi. Khi từ Lào về, ông bà nội tôi rất chua chát, nên quyết tâm dành dụm cho con đi học. Nhưng được cái là anh Thi học rất giỏi, học khét tiếng, nhất Đông Dương chứ không phải đùa. Anh cứ hỏi những người cùng học với anh Thi xem.
DBA: Ông ấy học trường nào?
Nguyễn Đình Chính: Trường Bưởi. Không đủ tiền vào trường Albert Sarraut. À, hồi bé anh Thi hát rất hay. Đến nỗi một ông người Pháp sẵn sàng nhận làm con nuôi để đưa sang Pháp đào tạo thành ca sĩ cơ mà. Thế nhưng gia đình thì sợ không dám cho đi xa. Anh Thi hát hay lắm, và chỉ biết đánh đàn mandolin thôi. Chứ còn piano không biết đâu. Sau này về già con cháu nó có dạy mới biết đánh. Khi sáng tác bài "Người Hà Nội", ông ấy cứ mổ cò thế này. Hồi ấy có cái piano vứt ở chỗ sơ tán, thế là anh Thi đến cứ mổ cò sáng tác. Cả "Người Hà Nội" lẫn "Diệt phát xít".
DBA: Trước năm 1945 người ta đã biết đến Nguyễn Đình Thi với các khảo cứu về triết học Nietzsche, Descartes…
Nguyễn Đình Chính: Lại phải minh bạch cái chuyện triết học này. Từ năm 1945 trở về trước, anh Thi có in 7 quyển về triết, nhưng chưa bao giờ tự nhận là một nhà triết học. Những cuốn sách đó gần giống những bài giảng tóm tắt tư tưởng của Descartes, Spinoza, Kant... Nhưng anh Thi cũng nói rằng khi tóm tắt, anh ấy có cho thêm những ý nghĩ riêng vào đấy. Nhưng mà cũng ở cái bậc rất là sơ đẳng. Tóm lại, tất cả chỉ có thế. Anh Thi không thích triết học.
DBA: Nguyễn Đình Thi không thích triết học?
Nguyễn Đình Chính: Đúng. Anh ấy bảo anh ấy không thích triết học. Nhưng tôi biết anh Thi và Trần Đức Thảo rất thân nhau. Cái thời kì khó khăn ấy, Trần Đức Thảo hay đến nhà tôi. Và khi tôi xuất ngũ thì anh Thi nói với Trần Đức Thảo: Đây là cái thằng con tôi, nó dốt nát lắm, tôi gửi anh, anh dạy cho nó một ít. Và khi ông Thảo dạy tôi, ông ấy nói với anh Thi: thằng con anh, cái đầu nó thế nào ấy, tôi nói cái gì nó cũng vặn lại. Trong kháng chiến chống Pháp, khi Trần Đức Thảo về Việt Bắc, Xuân Thuỷ lập tức mời anh Thi lên để tiếp Trần Đức Thảo vì nghĩ rằng trong đám trí thức, Thi còn biết chút ít về triết học.
DBA: Nhưng ít nhất ông Thi cũng đọc Karl Marx chứ?
Nguyễn Đình Chính: Tôi không biết. Tôi chỉ biết Nguyễn Đình Thi là cậu học trò chăm chỉ suốt đời. Tiếng Pháp rất giỏi, thế nhưng đến gần 80 tuổi vẫn học. Tôi hỏi: Tiếng Pháp bố giỏi thế còn học gì nữa. Anh ấy bảo: Cái tiếng nó chuyển động từng ngày ấy, không học sao được.
DBA: Xin tóm tắt lại một chút. Nguyễn Đình Thi có cụ tổ 4 đời là người Ấn Độ và Trung Quốc. Sinh năm 1924 ở Lào. Về Việt Nam năm 1932. Lấy vợ năm 1942 (năm 18 tuổi), đồng thời bắt đầu xuất hiện trong giới trí thức văn nghệ sĩ với các bài tóm lược triết học. Tham gia hoạt động Hội Văn hoá Cứu quốc do Đảng Cộng sản lập ra. Bị Pháp bắt đi tù 2 lần (năm 1941 và năm 1944). Năm 1946 ông là tổng thư ký của Hội Văn hoá Cứu quốc và là đại biểu trẻ nhất của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau này ông còn là tổng thư kí Hội Nhà văn và là chủ tịch uỷ ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Như vậy có thể nói trong giới văn nghệ, Nguyễn Đình Thi là người có quyền lực thứ 2, chỉ đứng sau Tố Hữu.
Nguyễn Đình Chính: Tôi nghĩ cũng có thể là như vậy.
DBA: Ông có thể cho biết nhận xét của ông về vai trò của Nguyễn Đình Thi trong vụ trấn áp các văn nghệ sĩ tham gia phong trào Nhân văn-Giai phẩm?
Nguyễn Đình Chính: Tôi chưa tiếp xúc trực tiếp với hồ sơ của vụ Nhân văn-Giai phẩm. Vả lại những năm xẩy ra vụ NVGP tôi còn nhỏ tuổi. Tôi chỉ biết vụ này qua di cảo của Nguyễn Đính Thi để lại và nghe ngóng theo cái kiểu lê la mách lẻo. Cả hai nguồn tin này tôi đều không tin lắm. Vì vậy, cho phép tôi không trả lời câu hỏi này.
DBA: Ông ngại chăng?
Nguyễn Đình Chính: Di cảo của Nguyễn Đình Thi, theo di chúc của ông, tới năm 2014 mới được công bố. Còn đối với tôi thì đây là một vấn đề cũ rích mà người ta đã đào bới nát bươm, bốc mùi không thể ngửi được. Tuy nhiên tôi nghĩ theo kiểu ngồi lê mách lẻo thì việc hồi đó anh em văn nghệ sĩ gào lên đòi tự do sáng tác là một vấn đề ngây thơ và đáng yêu. Nhưng có lẽ chúng ta đã bị đánh lừa. Và cho đến bây giờ chúng ta vẫn bị đánh lừa. Thực chất bên trong của vụ NVGP, theo tôi không phải là vấn đề văn nghệ mà cũng chưa đủ sang trọng là một vấn đề chính trị.
DBA: Vậy thì nó là một vấn đề gì?
Nguyễn Đình Chính: Ẩn giấu bên dưới là những âm mưu, những đầu cơ vốn liếng chính trị cá nhân để tự bảo vệ mình nhằm tranh giành quyền lực ở văn nghệ và cũng ở một nơi khác ngoài văn nghệ. Đám anh em văn nghệ sĩ chỉ là những quân bài, những bung xung bị đem thí như thí tốt. Tôi có thể nói rằng lịch sử của phong trào văn nghệ Việt Nam mấy chục năm qua có hai trận thư hùng tranh giành quyền lực lãnh đạo rất vô đạo đức được núp dưới hai cái vỏ bọc rất mỹ miều. Trận thứ nhất là vụ Nhân văn-Giai phẩm năm 1956 và trận thứ hai là vụ văn nghệ đổi mới năm 1990. Di cảo của Nguyễn Đình Thi có giải mã cả hai vụ này. Có đúng sự thật hay không thì tôi không biết. Nhưng đó là một quả bom. Và chúng ta hãy kiên trì đợi quả bom đó nổ vào năm 2014, nếu như từ bây giờ đến năm đó không có ai làm hộ anh Thi. Nhưng năm ngoái, một cụ nhà văn có gặp tôi và nói có đọc bài tôi trả lời phỏng vấn trên một tờ báo ở trong nước, rằng tôi có ý muốn cho di cảo Nguyễn Đình Thi một mồi lửa. Cụ nhà văn đồng ý với tôi là nên cho những phần tài liệu này trong di cảo của Nguyễn Đình Thi được hoá vàng. Theo cụ, nếu bóc mẽ cả hai vụ ra thì thảm hại quá cho cái giới văn nghệ này. Thế giới ngưòi ta cười cho thối ruột.
DBA: Thưa nhà văn Nguyễn Đình chính, đấy là ý kiến của riêng ông. Nhưng chúng tôi vẫn cứ nghĩ rằng...
Nguyễn Đình Chính: Anh cho phép tôi cắt ngang nhé. Anh cứ thoải mái suy nghĩ. Nhưng anh cũng có thể bớt xúc động nếu như anh đang xúc động. Và anh có thể vui mừng nữa nếu như anh biết rằng năm 2006, Hội Nhà văn Việt Nam đã đề nghị trao giải thưởng quốc gia cho mấy thi nhân bị đánh đập, tù đầy trong vụ Nhân văn và nghe đâu một thủ lĩnh sáng chói trong vụ đổi mới văn nghệ 1990 còn đang làm mình làm mẩy vòi vĩnh Giải thưởng Hồ Chí Minh cơ đấy. Hai vụ thư hùng đó khiến biết bao văn nghệ sĩ khốn đốn nhưng, cũng phải công bằng nói rằng nhờ đó mà có không ít ông nhà văn hạng 2, viết thì rất xoàng nhưng đã kiếm lời. Họ nổi tiếng như cồn không phải nhờ tác phẩm mà nổi tiếng nhờ sự tuẫn nạn, đấm đá và sát phạt nhau. Ô là là. Một ông bạn người Pháp của tôi đã nói, đấy là một trong những cái gì đó như là một thuộc tính thuộc địa còn rơi rớt lại trong một nền văn nghệ thô sơ. Thôi nhé, có lẽ chúng ta cho qua vấn đề mà tôi đang ăn ốc nói mò này đi, kẻo rác tai bạn đọc.
Ảnh: Nhà văn Nguyễn Đình Chính.
Hết phần 1.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét