Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

Vài suy nghĩ khi đọc sách “Tại sao các quốc gia thất bại”


Nguyễn Đình Cống
Sách kết luận rằng: Các quốc gia thất bại do THỂ CHẾ.
Thể chế do con người tạo ra, mà trong phần lớn trường hợp (nếu không phải là tất cả) chỉ do một người đề xuất đầu tiên, rồi những người khác phụ họa theo. Không những thể chế mà mọi phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, đường lối, chính sách, luật pháp v.v… đều như thế cả.
Nhưng cũng sẽ có người chống lại đề xuất đó, vì nó mang lại lợi ích cho số này, đồng thời sẽ làm hại hoặc gây ảnh hưởng xấu đến số khác. Bên nào sẽ thắng? Vấn đề là tương quan giữa hai lực lượng, bên có sức mạnh tổng hợp lớn hơn sẽ thắng. Bên nào ở đây có thể là cá nhân, tổ chức hoặc Quốc gia. Sức mạnh tổng hợp là sự kết hợp từ nhiều nguồn: Quyền lực, Uy tín, Tập hợp, Vũ khí, Vật chất, Trí tuệ, Thủ đoạn, Chính nghĩa, Lòng tin, Thời cơ v.v…
Đọc sách TSCQGTB, tôi liên hệ đến tình hình Việt Nam. Trong sách chỉ nhắc đến Việt Nam trong vài chỗ, một cách sơ lược, như là dẫn chứng cho một dạng nào đó của thể chế chiếm đoạt. Nhưng khi liên hệ kỹ mới thấy ở Việt Nam có gần như đầy đủ mọi hiện tượng chiếm đoạt, áp bức, bóc lột, độc ác, đểu giả v.v…đã từng xẩy ra tại các vùng miền trên thế giới dưới các thể chế độc quyền khác nhau. Mà có lẽ vài loại hình lạ lùng chỉ mới xẩy ra ở VN, ví như vụ cấm Kim Ngọc khoán chui, vụ án Trịnh Vĩnh Bình, vụ Formosa v.v…. So với các thể chế chính trị chiếm đoạt trên thế giới thì ở VN có sự nổi bật về mức độ dối trá. Cách đây trên 40 năm tôi đồng tình khi nghe nói đến phát biểu của nhà toán học Phan Đình Diệu đại ý như sau: “Xã hội VN có sự dối trá của lãnh đạo nhà nước từ cấp cao nhất đến mọi cấp”. Ông Diệu là Đại biểu Quốc hội khóa 5 và 6, đang được đề cao, và sau đó ông bị loại ngay. Bây giờ thì sự dối trá đã phơi bày khắp nơi, nhưng cách đây trên 40 năm mà nói được như ông Diệu thì phải có trí tuệ lớn và dũng khí cao. Dối trá là một đặc điểm của thể chế chính trị chiếm đoạt theo đường lối Mác Lê. Lãnh đạo dối trá để lừa dân, để củng cố sự thống trị. Dân phải dối trá để lách qua các khe hẹp, để tồn tại.

Trong lịch sử thế giới, từ khi có chính quyền thì thể chế chính trị chủ yếu là dung hợp. Rồi dần dần thể chế chiếm đoạt phát sinh và mở rộng. Từ thế kỷ 17, với Cách mạng Vinh quang ở nước Anh, thể chế dung hợp được nâng lên tầm cao mới và lan ra các nước khác. Đầu thế kỷ 20, cùng với cách mạng vô sản, thể chế chiếm đoạt của phong trào cộng sản lại phủ bóng đen lên một số nước. Rồi nó sụp đổ ở Đông Âu. Một số nước, khi còn bị thực dân đô hộ, chịu cai trị bởi thể chế chiếm đoạt, sau khi dành độc lập, tưởng rằng sẽ có được thể chế dung hợp, nhưng không ngờ lại rơi vào thể chế chiếm đoạt cao hơn, tàn ác hơn. Dân Việt Nam hình như chưa bao giờ được sống dưới thể chế chính trị dung hợp, đại đa số người dân và một phần của tầng lớp elite (tinh hoa) chưa biết rõ về tự do, dân chủ, nhân quyền.
Thể chế chính trị và thể chế kinh tế tuy có phần độc lập, nhưng cơ bản vẫn liên quan với nhau. Trong đa số trường hợp thể chế chính trị chi phối thể chế kinh tế. Khi chính trị là dung hợp thì nó sẽ khuyến khích, sẽ tạo ra kinh tế dung hợp, nhà nước sẽ làm và thi hành luật pháp bảo vệ kinh tế dung hợp, hạn chế hoặc loại bỏ kinh tế chiếm đoạt. Dưới thể chế chính trị dung hợp việc tồn tại một bộ phận kinh tế chiếm đoạt chỉ là trường hợp cá biệt. Chính trị dung hợp, kinh tế dung hợp mới bảo đảm cho sự phát triển bền vững lâu dài.
Thể chế chính trị độc tài thích hợp với kinh tế chiếm đoạt. Nó làm và thi hành luật pháp nhằm bảo vệ kinh tế chiếm đoạt. Lúc này nó tạo ra vòng luẩn quẩn, trong khi đem lại giàu có cho bọn độc tài, cho các nhóm lợi ích thì nó dẫn dân tộc vào ngõ cụt, dìm đất nước trong tăm tối. Sự cấu kết, sự móc ngoặc giữa bọn có quyền về chính trị và bọn nắm được kinh tế mang lại cho chúng lợi lộc vô biên và đẩy nhân dân vào thảm cảnh bần hàn, nô lệ. Nhưng trong một số trường hợp, bọn cầm quyền trong thể chế chiếm đoạt hiểu được rằng, nếu để kéo dài sự bần cùng của dân thì chế độ có nguy cơ bị sụp đổ, do đó buộc chúng phải tìm cách nới lỏng mức độ chiếm đoạt, lo phát triển kinh tế, lo củng cố quốc phòng, vừa để tăng sức mạnh của chế độ, vừa để lừa dối người dân. Việc làm này có tác dụng nhất thời, không thể kéo dài mãi.
Thể chế chính trị có vai trò chủ đạo và quyết định đến sự thành bại của quốc gia. Vậy động lực nào, nguyên nhân nào tạo ra nó? Khi một quốc gia đang mắc kẹt dưới thể chế chiếm đoạt thì làm sao thoát ra được để kiến tạo thể chế dung hợp. Đó mới là câu hỏi thiết thực và cấp bách.
Sự thay đổi thể chế chính trị thường xẩy ra tại một bước ngoặt của lịch sử, đầu tiên do một người (hoặc một nhóm nhỏ người) đề xướng ý tưởng, được nhiều người ủng hộ. Ý tưởng chỉ giành được thắng lợi, được thi hành chỉ khi nó hội được sức mạnh tổng hợp, đủ để thắng được lực lượng chống đối. Trong lịch sử cũng như trong thực tế hiện tại có thể dẫn ra rất nhiều hiện tượng về bước ngoặt, về con người với các ý tưởng ở trung tâm các bước ngoặt đó. Nhưng quan trọng là từ đâu sinh ra bước ngoặt, ở đâu sinh ra con người có ý tưởng, làm sao để có được sức mạnh tổng hợp.
Ở thế kỷ 20, bước ngoặt lớn của Việt Nam vào năm 1945. Sau 80 năm bị nô lệ mọi người hân hoan như được sống lại vì Độc lập, nhiều người sẵn sàng hy sinh vì Độc lập. Chính vì lợi dụng được tâm lý này, cộng sản đã dương cao ngọn cờ độc lập để lôi kéo được đông đảo người dân theo mình, rồi dẫn họ chui vào thể chế chiếm đoạt. Người nào đã ở trung tâm bước ngoặt và đưa ra ý tưởng. Trở về trước, năm 1920, Nguyễn Ái Quốc có được Luận cương của Lê nin, cho rằng đã tìm thấy con đường cứu nước. Năm 1930, thành lập ĐCS với lãnh tụ NAQ được tô vẽ thành nhà cách mạng thiên tài, là lãnh tụ kiệt xuất đã hấp dẫn nhiều người. Năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, Hồ Chí Minh được tôn lên như vị thánh, thành cha già dân tộc, đã lôi kéo nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đi vào con đường cách mạng vô sản, càng ngày càng chui sâu vào thể chế chiếm đoạt. Thể chế đó được củng cố đến mức lãnh đạo nhà nước xem những biểu hiện, những yêu cầu của thể chế dung hợp là thù địch, phải triệt hạ bằng mọi cách, dù có phải dùng thủ đoạn dã man, đểu cáng.
Về phong trào cộng sản, từ 1848 (năm công bố Tuyên ngôn Cộng sản) trên thế giới đã có nhiều người chống lại, nó đã bị thất bại ở nhiều nước, nhưng rồi đã thắng lợi ở Nga. Tại đây vào năm 1917 lực lượng tổng hợp của CS đã mạnh hơn bên chống đối. Tại VN, trước và sau 1930, đã có một số người thấy được độc hại mà CS có thế gây ra, đã chống lại. Số người chống lại càng ngày càng tăng, nhưng rồi năm 1975 CS đã thắng trên toàn quốc, nhờ vào sức mạnh tổng hợp lớn hơn.
Từ 1975 đến 1986, thể chế chiếm đoạt về chính trị và kinh tế đã đẩy đất nước vào tình trạng kiệt quệ, khả năng chịu đựng của dân đã đến giới hạn, nếu không thoát ra được thì sự sụp đổ là khó tránh. Tình thế đã tạo ra một bước ngoặt nhỏ “Đổi mới về kinh tế” với con người ở trung tâm là Trường Chinh, sau là Võ Văn Kiệt. Nói là Đổi mới, thực chất là Sửa sai. Sự sửa sai này chỉ làm cho nền kinh tế giảm bớt mức độ chiếm đoạt chứ chưa thế tạo nên thế chế kinh tế dung hợp, chưa đạt được những sự phá hủy có tính sáng tạo (là sự phá hủy những thứ đã quá lỗi thời, kìm hãm sự phát triển và sáng tạo ra cái mới, tiến bộ). Đã có nhiều kiến nghị, nhiều đề xuất rằng, để phát triển cần đổi mới thể chế chính trị, làm cho nó trở nên dung hợp. Nhưng rồi ý tưởng đề xuất ấy đang tạm chịu số phận hẩm hiu vì thế lực chống lại nó có lực lượng tổng hợp mạnh hơn. Thế lực đó đang nắm mọi quyền hành, được hưởng lợi, đang lừa bịp nhân dân bằng luận điểm “Nhờ có họ mà đất nước mới có ngày nay, chống lại họ là phản bội cách mạng, là ăn cháo đá bát…”..
Dân Việt đang mất niềm tin vào lãnh đạo, đang mong chờ bước ngoặt, mong chờ sự xuất hiện con người có thể tạo ra thể chế dung hợp.
Bước ngoặt thường xẩy ra sau một sự kiện nào đó. Sự kiện có thể được chuẩn bị, được điều khiển bới một tổ chức, nhưng cũng nhiều khi là tự phát. Dù được điều khiển hay tự phát thì đó cũng là kết quả do tích lũy mâu thuẫn hoặc ý tưởng trong một thời gian trước đó. Thời gian tích lũy có thể từ vài tháng, vài năm đến hàng chục năm hoặc lâu hơn, tùy theo vấn đề và tương quan lực lượng giữa 2 bên tranh chấp. Vào những năm 1970-1985 khi hợp tác xã nông nghiệp và chính sách cấm chợ ngăn đường dồn người dân đến kiệt quệ, đã có nhiều lời oán trách, phê phán nhưng chủ yếu chỉ thì thào trong từng phạm vi hẹp. Một số người cho rằng những tiếng thì thào lẻ tẻ như vậy chẳng có tác dụng gì. Nhưng rồi nhiều làn gió nhẹ đã tích lũy thành bão để có được Nghị quyết Khoán 10 trong nông nghiệp và sự đổi mới, mở cửa.
Còn con người ở vị trí trung tâm của bước ngoặt, con người sẽ có tác dụng lớn trong thay đổi thể chế cũng không phải được sinh ra trong một sớm một chiều. Người đó là kết tinh sự tích lũy những tinh thần, ý chí, nguyện vọng của lực lượng những tinh hoa chống lại bọn thống trị hoặc của lực lượng đối lập với chính quyền hiện tại.
Trong bài “Trao đổi về sách Tại sao các quốc gia thất bại” tôi có đề cập đến khía cạnh Tâm linh và quyển sách Bản thiết kế vĩ đại của Stephen Hawking rồi đặt câu nghi ngờ: “Phải chăng các Thể chế, sự thăng trầm các quốc gia cũng đã có trong Bản Thiết kế đó”. Ở đây xin tạm gác vấn đề này lại và chỉ xem xét dưới góc độ xã hội hiện thực. Xem rằng bước ngoặt và cả con người của bước ngoặt là kết quả của một quá trình tích lũy. Ở đây có phảng phất quy luật Lượng-Chất của phép biện chứng.
Về tình hình của VN hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng phải tìm mọi cách để thoát Cộng và thoát Trung, đó là điều kiện cần để đổi mới thể chế, để tạo lập thể chế chính trị dung hợp. Gần đây các bài viết của Hà Sĩ Phu và Lê Xuân Khoa bàn rất hay vấn đề này. Nhưng làm sao thoát được Cộng và Trung khi lãnh đạo ĐCSVN vẫn kiên trì Mác Lê và 4 tốt cùng 16 chữ vàng, làm sao có thể làm theo ý GS Khoa là: “Trí thức và nhân dân trong nước phải tìm cách cho ra đời một tổ chức chính trị đối lập, với thành phần lãnh đạo có khả năng và uy tín trong xã hội” khi mà lực lượng “còn Đảng còn mình” được dàn ra dày đặc khắp nơi và mọi lúc, sẵn sàng triệt hạ mọi tổ chức khi vừa nhen nhóm. Theo Hà Sĩ Phu thì Việt cộng là giặc nội xâm còn Trung cộng là giặc ngoại xâm. “Hai việc chống Nội xâm và chống Ngoại xâm ấy phải làm song song và tăng cường hiệu lực cho nhau. Đồng thời phải giải ảo các thần tượng CS…”.
Vấn đề cơ bản và quan trọng là Bước ngoặt và Con người của nó. Đó là kết quả của sự tích lũy lâu dài. Xin hãy bỏ hẳn Bước ngoặt bằng vũ trang, bằng nội chiến, nó mang lại lợi ít hại nhiều, lợi nhất thời cho thiểu số, hại lâu dài cho toàn dân tộc. Chỉ nên và cần có bước ngoặt trong hòa bình, trong đấu tranh tại Nghị trường, trong phong trào ôn hòa của đông đảo quần chúng nhân dân. Tích lũy cho công việc này cơ bản bằng những hoạt động nâng cao dân trí và dân khí. Lực lượng chủ chốt để làm việc này là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ. Đối tượng là toàn dân mà chủ yếu là thanh niên, trong đó thanh niên sinh viên và thanh niên trong các lực lượng vũ trang là rất quan trọng.
Khi chưa hình thành được tổ chức chính trị thì rất cần một số người tiên phong, có nhận thức và dám dấn thân, dám hy sinh. Ở đâu sinh ra những người như vậy. Đành tạm công nhận là “Khí thiêng sông núi sinh ra, là Địa linh sinh Nhân kiệt, là vận nước đã đến…”. Trong số họ sẽ không tránh khỏi những người buộc lòng phải “Làm đá lót đường”. Đó là những Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Độ, Trần Xuân Bách, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyến Ngọc Như Quỳnh và hàng ngàn hàng vạn những người hữu danh, vô danh khác. Nếu Khí thiêng sông núi chưa sinh ra được những người dám hy sinh làm đá lót đường thì hầu như không thể tạo tích lũy để có bước ngoặt và Con người của nó. Nhưng lại hỏi, từ đâu tạo ra Khí thiêng sông núi. Phải chăng là từ tích lũy hàng ngàn năm Truyền thống Dân tộc.
Bước ngoặt nào có thể được tạo ra hoặc chờ đợi. Xin dự báo một số tình huống (TH) sau:
TH 1- Dân chủ hóa từ từ.
Bắt đầu từ những đấu tranh của các tổ chức xã hội dân sự, của nhân dân nhằm bầu ra một Quốc hội đúng bản chất, có năng lực. Quốc hội sẽ dần dần làm đối trọng với Trung ương ĐCS, sẽ ban hành các luật dân chủ, làm cơ sở cho phong trào quần chúng. Bước ngoặt là việc công bố Hiến pháp với chính thể đa nguyên, với sự xuất hiện và hoạt động công khai, hợp hiến của đảng chính trị đối lập.
TH 2- Đảng CS tự diễn biến.
Từ trong nội bộ lãnh đạo ĐCS xuất hiện một số đảng viên cao cấp thức thời. Họ hiểu ra sự thật và có dũng cảm, thấy cần phải thay đổi từ đảng lãnh đạo cách mạng thành đảng chính trị cầm quyền, từ đó đổi mới tổ chức và đường lối, loại bỏ chủ nghĩa Mác Lê. Làm được như thế họ vừa cứu Đảng vừa cứu nước. Nếu không làm được việc đó thì họ đấu tranh để tách ra, lập một đảng mới, đi theo con đường dân chủ để tập hợp lực lượng tranh đấu.
TH 3-Thời cơ từ Trung cộng.
Chế độ cộng sản Trung quốc lâm vào rối loạn, tan rã. Cơ hội cho những người yêu nước VN vùng dậy thoát Trung và đồng thời thoát cộng. Với hoạt động chống Trung và chống cộng tích cực của Trump nhằm hỗ trợ cho các phong trào trong nội bộ TQ thì xác suất xấy ra điều trên không phải là quá bé.
TH 4- Theo kiểu Đông Âu.
Khi ĐCS lâm vào tình trạng suy sụp, bế tắc, gây ra một sự cố nào đó, là châm ngòi cho phong trào nhân dân nổi lên. Lúc đó lực lượng “còn Đảng còn mình” bị phân hóa, đa số quân đội đứng về phía nhân dân, một đảng chính trị sẽ nhanh chóng được thành lập. Sự đổ máu do CS gây ra có thể không tránh khỏi, nhưng chỉ lẻ tẻ ở vài nơi, sự rối loạn tạm thời có thể xẩy ra, nhưng rồi mọi việc sẽ nhanh chóng ổn định.
Dù TH nào thì cũng phải có sự tích lũy dần bằng việc nâng cao dân trí trong các lĩnh vực sau: Về Nhân quyền và Dân quyền, về Dân chủ, Tự do, về các Thể chế chính trị, về độc hại của chủ nghĩa Mác Lê, về bành trướng Tàu cộng và bọn Việt gian ôm chân chúng nó, về thói hư tật xấu trong truyền thống v.v… Hoạt động để nâng cao dân trí hoàn toàn không dễ dàng, không thuận lợi vì rằng ĐCS đang chụp Vòng Kim Cô lên nền giáo dục, lên các tổ chức đoàn thể quần chúng, lên mọi cấp chính quyền. Trong thời gian khá dài ĐCS đã kip nhồi sọ, tẩy não cho một số khá đông, biến họ thành những kẻ ngu trung và cuồng tín. Khá đông trong số này là ông bà, cha mẹ trong các gia tộc, họ gieo rắc ngu trung và cuồng tín cho một số con cháu. Ngoài xã hội thì công an chìm nổi rình rập khắp nơi để bắt bớ, khủng bố những người hoạt động nâng cao dân trí với vu cáo là tuyên truyền chống phá nhà nước và ĐCS, là thế lực thù địch.
Trong phong trào vì dân chủ, nhiều người đồng lòng loại bỏ Mác Lê và độc tài toàn trị của ĐCS, nhưng còn 1 vấn đề gay cấn khó đi tới thống nhất, đó là vai trò Hồ Chí Minh, là giải ảo thần tượng. Theo Hà Sĩ Phu thì: “Phải giải ảo các thần tượng CS còn được dùng như những tấm khiên bảo vệ ngai vàng cho các vua tập thể và che đậy cho âm mưu Hán hóa thôn tính Việt Nam.Vô hiệu hóa thần tượng không phải mục đích, cũng không phải xúc phạm điều thiêng liêng gì mà chỉ là vô hiệu hóa một công cụ mà những kẻ Nội xâm và Ngoại xâm cùng sử dụng để ngăn chặn làn sóng Thoát Trung và Thoát Cộng đó thôi”.
Dân ta, do truyền thống lâu đời, có thói quen thờ cúng các bậc Thần, Thánh, Thành hoàng, xem là biểu tượng cao cả, là vô cùng thiêng liêng. Từ 1930 và đặc biệt từ 1945 ĐCS đã lợi dụng thói quen đó để dựng lên, để tuyên truyền về lãnh tụ kiệt xuất, về cha già dân tộc, về công ơn trời biển, về đạo đức tuyệt trần, về sự hy sinh cao cả của Hồ Chí Minh. Người ta tuyên truyền, giáo dục từ đứa trẻ mới học nói cho đến khi già, sắp chết, phải nhớ kỹ công ơn của lãnh tụ. Nhiều người bị giết oan trong cải cách ruộng đất, trước lúc chết vẫn cố hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Trong tình trạng như vậy mà giải ảo được về lãnh tụ là quá khó.
Thời đại hiện nay chúng ta cần giải ảo Mác, Lê, Mao. Hãy để cho lịch sử sau này phán xét vai trò của Hồ Chí Minh. Trước mắt nên tạm gác lại. Không ca ngợi và cũng không kết tội, dẹp bỏ chuyện học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong, không khôi phục đảng của ông, không phê phán ông, không đụng đến đời tư của ông, cho rằng mọi thứ dính đến ông đã thuộc quá khứ. Không cần giải ảo thần tượng trong lúc này vì việc đó tuy có mang lại một vài nhận thức, nhưng có thể vì thế mà chia rẽ lực lượng.
Nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí là việc làm chí nhân và đại nghĩa. Trong thể chế dung hợp việc này được làm công khai, được khuyến khích. Ngay như dưới thể chế chiếm đoạt thời thuộc địa Pháp các bậc tiền bối của chúng ta vẫn mở được Đông Kinh Nghĩa Thục. Thế nhưng bây giờ, làm ngu dân là chủ trương và độc quyền của độc tài toàn trị, nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí bị quy kết, bị vu cáo là chống lại chế độ. Vì thế để làm được việc này, ngoài lòng yêu nước, ngoài trí tuệ còn cần lòng dũng cảm, thắng được sự sợ hãi. Ngoài việc làm ngu dân, CS còn quá thâm độc trong việc gieo rắc sợ hãi trong đảng viên và nhân dân. Rất nhiều đảng viên không sợ khó khăn nguy hiểm, không sợ ma quỷ rắn cọp mà sợ đến run bắn lên, đến toát mồ hôi khi bị nhận xét là có tư tưởng chống Đảng. Chưa cần hành động, chỉ mới có tư tưởng khác với đường lối của đảng là đã bị đẩy vào hàng ngũ kẻ thù giai cấp.
Nghe nói rằng, trên bàn TT Nguyễn Xuân Phúc có quyển sách Tại sao các quốc gia thất bại. Có thể ông Phúc chưa đọc hết quyển đó, nhưng đã được trợ lý tóm tắt, giới thiệu và ông đã vận dụng, đề ra việc: Xây dựng chính phủ kiến tạo, phong trào khởi nghiệp và đi đến địa phương nào cũng kêu gọi làm đầu tàu trong lĩnh vực nọ kia. Xem cách nói của ông Phúc mới thấy còn xa ông mới hiểu đúng nội dung cuốn sách. Không biết các vị lãnh đạo cao cấp của ĐCS đã có ai đọc và ngẫm nghĩ về cuốn sách.
Vào Google, gõ mục “Tại sao các quốc gia thất bại”, trong vòng chưa đến 1 giây thấy có trên 36 triệu kết quả. Tôi đã bỏ vài giờ để tìm xem các nhà lãnh đạo, các ủy viên Hội đồng lý luận trung ương của ĐCS VN có bài nào hay, nhưng chưa tìm thấy. Có nhiều khả năng là các vị chưa thấy quyển sách hoặc thấy nhưng chỉ xem qua.
Đã từng có nhiều bài đánh giá, ca ngợi quyển sách, tôi chỉ xin góp một tiếng nói thêm, mong có thể gợi ra được vài suy nghĩ trong việc đưa đất nước thoát khỏi thể chế chiếm đoạt.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét