Không giúp tôn cao thêm nền văn hóa dân tộc thì cũng đừng
đào phá
Nguyễn Thế Hùng
Biết Nguyễn Hoàng Đức hơn mười năm nay, gặp gỡ, chuyện trò với nhau cũng khoảng mươi lần, trong các cuộc trò chuyện đó có người chưa quen với Nguyễn Hoàng Đức thì tức giận đứng dậy bỏ về, còn những người đã quen thì cười hề hề với những tranh luận “hết sức học thuật” của ông.
Trong các cuộc trò chuyện đó, một điều không thể thiếu là ông sẽ bằng mọi giá khẳng định mình là “triết gia số 1 Châu Á”. Thích thì cho, cũng chẳng ai cãi, bản thân người viết bài này đã đôi lần “tấn phong” cho Nguyễn Hoàng Đức cái mà ông đang muốn, thậm chí còn phong cho ông là “triết gia số 1 thế giới”, dù thú thật rằng tôi cũng không thể biết là nhà “triết gia số 1 Châu Á” Nguyễn Hoàng Đức có công trình gì và trong công trình đó ông đã đưa ra một hệ thống lý thuyết, chủ thuyết... gì.
Hay những “công trình” đó mới chỉ là những ý tưởng đang nằm trong đầu “triết gia số 1 Châu Á” mà thôi. Thật xấu hổ quá khi chưa thấy công trình, chưa đọc, chưa nghiên cứu chủ thuyết của ông mà lại dễ dãi đi “tấn phong” hàm hồ! Và tôi tin chắc rằng điều “xấu hổ” đó không phải ở riêng tôi mà còn có ở rất rất nhiều người đã vui vẻ “tấn phong” cho Nguyễn Hoàng Đức.
Những cuộc trò chuyện, những cuộc hội ngộ có Nguyễn Hoàng Đức và những gì ông nói thì chỉ có ai không bình thường mới tin đó là sự thật và tin theo. Chính vì thế, có thể nói nó vô hại, kể cả những khi Nguyễn Hoàng Đức chê bai nhà thơ này, nhà văn kia là “nhà văn mậu dịch”, nhà văn tranh tre nứa lá, nhà văn lìu tìu thôn xã gốc tre bụi chuối… nhưng nếu hỏi ông đã đọc họ chưa thì sẽ nhận được câu trả lời là: “Chưa đọc, cần gì đọc vì nhìn cây thì biết quả”.
Đấy, sự đánh giá người khác của Nguyễn Hoàng Đức là như thế. Nhưng cũng chả ai rỗi hơi mà đi trách ông. Nhưng gần đây thì sự việc nó đã khác sau một thời gian gần như là “múa gậy vườn hoang”, không ăn thua, Nguyễn Hoàng Đức đã đưa cả thơ lục bát và “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du ra để nhạo báng và hạ thấp giá trị.
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến những câu mở đầu thiên truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại.
Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết…”. Chí Phèo thì chửi tất và chửi cả người sinh ra mình, còn Nguyễn Hoàng Đức thì thách thức tất cả và thách thức tiền nhân.
Vâng, nếu chỉ mỗi Nguyễn Hoàng Đức thì chắc tôi cũng không bỏ công ra để viết bài này, vì tin chắc rằng, sau khi đọc được bài của tôi, Nguyễn Hoàng Đức sẽ có bài đáp lại và kéo theo đó sẽ có nhiều người hùa vào với ông như đã từng hùa vào trên trang facebook.com của ông. Chính vì thế bài này dù viết để trao đổi lại với Nguyễn Hoàng Đức nhưng mục đích chính là để dành cho những người đang bất chấp cả đúng sai, phải trái tìm mọi cách, mọi phương tiện dù hạ tiện nhất để “giải thiêng”, để phỉ báng lại chính văn hóa dân tộc mà cha ông, nguồn cội của mình đã dày công xây đắp nên.
Thực ra, những điều mà Nguyễn Hoàng Đức viết cũng không mới mẻ gì, đó là "Truyện Kiều lấy gốc từ “Kim Vân Kiều truyện” của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân, người Trung Quốc", và ““Từ một cuộc hội thảo ở Trung Quốc đã được in trên báo Văn Nghệ khoảng năm 2000” đánh giá: "Về tất cả các mặt, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du không thể hơn bản chính của Thanh Tâm Tài Nhân!
Mà truyện này cũng chỉ là thứ cấp huyện, ngang truyện hạng 3 của Tàu…" và "Nguyễn Du cũng vậy, dù khéo mấy cũng là dùng đồ thuổng về cấu trúc cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Hội nghị văn học của Trung Quốc là thứ hơn hẳn Việt Nam cả trăm lần, đã kết luận: Xét về mọi mặt, Truyện Kiều không thể nào hơn bản chính. Mà Kim Vân Kiều truyện cũng là thứ văn hạng ba xó xỉnh của Tàu, đáng kể gì mà so bì hơn với kém?”.
Nói không mới mẻ vì đây chính là luận điểm của Đổng Văn Thành người Trung Quốc được in trong hai cuốn “Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng” tập 4 (1986) và tập 5 (1987) trong đó có bài “So sánh “Truyện Kim Vân Kiều” giữa hai nước Trung Việt”. Đã không mới mẻ lại còn dẫn nguồn sai: “Từ một cuộc hội thảo ở Trung Quốc đã được in trên báo Văn Nghệ khoảng năm 2000”.
Người viết bài này đã cất công đi tìm tư liệu của cuộc hội thảo đó vào “khoảng năm 2000 trên báo Văn Nghệ” của Nguyễn Hoàng Đức nhưng tuyệt nhiên không thấy có một cuộc hội thảo nào như thế cả? Còn luận điểm mà Nguyễn Hoàng Đức phát lại không công cho ông Đổng Văn Thành người Trung Quốc thì đã bị các học giả Việt Nam bóc mẽ và phản bác lại từ lâu rồi, nhưng chắc vì Nguyễn Hoàng Đức đang bận đọc tiểu thuyết “Đônkihôtê – Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra” nên chưa kịp đọc những bài viết của các học giả trong nước? Về cơ bản, Đổng Văn Thành muốn chứng minh rằng “Truyện Kiều” không có gì hay cả, vì “Truyện Kiều” có gốc từ “Kim Vân Kiều truyện”, mà “Kim Vân Kiều truyện” là một cuốn sách hạng hai của Trung Quốc, suy ra “Truyện Kiều” cũng không hay, cũng chỉ là hạng hai.
Viết như thế quả thật là rất hồ đồ và không khoa học, vì khi muốn so sánh hơn kém thì điều đầu tiên phải so sánh cùng thể loại với nhau, trong khi đó “Kim Vân Kiều truyện” được Thanh Tâm Tài Nhân viết theo thể văn xuôi, còn “Truyện Kiều” theo thể thơ lục bát. Đó là điều vô lý thứ nhất, điều vô lý thứ hai là không thể nói rằng “Kim Vân Kiều truyện” là cuốn sách không hay nên “Truyện Kiều” cũng không hay được.
Chúng ta hãy đưa chính văn học của Trung Quốc ra để chứng minh cho luận điểm này. Trong “Tứ đại danh tác” của Trung Quốc là “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung; “Thủy hử” của Thi Nại Am; “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân và “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần thì “Tam quốc diễn nghĩa” đã được La Quán Trung biên soạn từ câu chuyện “Tam quốc” đã lưu hành rộng rãi trong dân gian truyền miệng, các nghệ nhân kể chuyện, các nhà văn học nghệ thuật viết kịch, diễn kịch, đều không ngừng sáng tạo, làm cho những tình tiết câu chuyện và hình tượng các nhân vật phong phú thêm.
Từ đầu thời Nguyên, các câu chuyện “Tam quốc” đã được thu thập thành một cốt truyện hoàn chỉnh có đầu có cuối, gọi là “Tam quốc chí bình thoại”. Cuối đời Nguyên đầu đời Minh, nhà tiểu thuyết La Quán Trung đã viết bộ “Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa” chính là đã dựa trên cơ sở sáng tác tập thể rất hùng hậu đó của quần chúng.
Dĩ nhiên, trong khi viết ông có tham khảo những bản ghi chép của các nhà viết sử và các nhà văn khác, nhưng quan trọng hơn là phần thể nghiệm cuộc sống phong phú của bản thân ông và tài năng văn học kiệt xuất của ông nên đã để lại cho hậu thế một tác phẩm bất hủ. Nếu không có tài năng của La Quán Trung thì từ những truyện kể trong dân gian đó, làm sao có thể có được một tác phẩm bất hủ như những gì của “Tam quốc diễn nghĩa” ta đã, đang và sẽ tiếp tục đọc. Cuốn thứ hai là “Thủy Hử” đã được tác giả Thi Nại Am viết dựa theo sách “Đại Tống Tuyên Hòa di sự”.
Chắc chắn một điều rằng cuốn “Đại Tống Tuyên Hòa di sự” sẽ chẳng thể xếp được vào thứ bậc nào so với tác phẩm “Thủy Hử” cả. Từ một câu chuyện trong dân gian, bằng tài năng của nhà văn có thể sẽ cho ra đời một cuốn tiểu thuyết hay; từ những hạt cát im lìm trên bãi biển, có thể cho ra những chiếc bình pha lê quý giá; từ những viên gạch mộc sẽ cho ta những lâu đài…
Những điều dễ hiểu đến như vậy mà chẳng lẽ ngài Đổng Văn Thành không biết. Tôi tin là ngài biết nhưng ngài cố tình đánh lận con đen thì chuyện bao đời nay vẫn thế, cứ muốn ruộng lúa nhà mình tốt hơn ruộng lúa nhà người, và càng tức tối hơn khi nhà người mua chính giống lúa nhà mình mà sao ruộng lúa nhà người lại tốt hơn ruộng lúa nhà mình.
Nhưng khó hiểu hơn là trường hợp Nguyễn Hoàng Đức và những người đang cùng ông hùa vào để hạ bệ “Truyện Kiều”, rồi cố tình chứng minh thơ lục bát xuất xứ từ Trung Quốc với những luận điểm hết sức vu vơ. Vàng là vàng mà thau thì mãi vẫn là thau.
Về cái hay, cái đẹp và giá trị của “Truyện Kiều” thì đã được khẳng định từ lâu, từ trong nước cho đến quốc tế nên trong bài viết này, tôi không chứng minh thêm, chỉ mong rằng những ai không đủ tâm, đủ tầm, đủ tài để tôn cao thêm nền văn hóa dân tộc thì cũng đừng vì một lý do nào đó mà đi đào phá. Những việc làm ấy chỉ tốn công vô ích mà thôi.
Nguyễn Thế Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét